Giáo án: Truyện Kiều của Nguyễn Du (Tiết 2) - Ngữ Văn lớp 9
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh đọc- hiểu văn bản (tiếp) - Thuyết trình cho học sinh hiểu về nguồn gốc của tác phẩm - khẳng định sự sáng tạo của Nguyễn Du. * Sáng tạo về nội dung: - Kim Vân Kiều Truyện chỉ là một câu Truyện tình ở Trung Quốc vào thời Minh. Nguyễn Du đã biến tác phẩm này thành một ca khúc đau lòng thương người mệnh bạc, nói lên “ Những điều trông thấy ”trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam vào cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. * Sáng tạo về nghệ thuật: - Lược bỏ các chi tiết mưu mẹo và một số chi tiết khác của các nhân vật trong “Kim Vân Kiều Truyện”. Sáng tạo thêm một số chi tiết mới, tô đậm câu chuyện về tình người; biến các sự kiện chính của tác phẩm thành đối tượng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của nhân vật và người kể; chuyển trọng tâm của truyện từ sự kiện sang nội tâm của nhân vật chính. Ngòi bút tả cảnh, tả tình, tả người rất điêu luyện của Nguyễn Du đã làm cho các nhân vật chân thực hơn, sâu sắc hơn. - Sáng tạo từ nghệ thuật tự sự → nghệ thuật kể chuyện bằng thơ đến nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả thiên nhiên… | II. Truyện Kiều 1. Nguồn gốc tác phẩm - Truyện Kiều có nguồn gốc từ một tác phẩm văn học Trung Quốc có tên: “Kim Vân Kiều truyện” của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng phần sáng tạo của Nguyễn Du là hết sức lớn mang ý nghĩa quyết định đến sự thành công của truyện Kiều. Nguyễn Du bằng tài năng nghệ thuật và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của mình, nhà thơ đã “thay máu đổi hồn” làm cho tác phẩm văn học bình thường trở thành một kiệt tác vĩ đại, mang dấu ấn ngàn đời. |
- Học sinh đọc phần tóm tắt. - Gọi 3 học sinh tóm tắt 3 phần - Một học sinh tóm tắt toàn bộ tác phẩm (Giáo viên có thể đan xen những câu Kiều phù hợp) | 2. Tóm tắt tác phẩm: - Truyện Kiều gồm 3 phần + Phần thứ nhất: Gặp gỡ và đính ước. + Phần thứ hai: Gia biến và lưu lạc + Phần thứ ba: Đoàn tụ |
Hỏi: Theo em Nguyễn Du truyện Kiều có những giá trị lớn nào? Hỏi: Hiện thực nào của xã hội được phản ánh trong truyện Kiều? Hỏi: Thái độ của tác giả khi nói về các nhân vật (Bọn quan lại, chân tay, buôn thịt bán người: Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến…) tán ác, bỉ ổi…? Hỏi: Qua phần tóm tắt tác phẩm em hình dung Xã Hội được phản ánh trong truyện Kiều là xã hội như thế nào? Hỏi: Những nhân vật: Mã Giám Sinh, HTHiến, Bạc Bà, BHạnh, Sở Khanh…. là những kẻ như thế nào? | 3. Giá trị truyện Kiều a. Giá trị nội dung: * Giá trị hiện thực: - Truyện Kiều là bức tranh về hiện thực xã hội đương thời qua những bộ mặt tàn bạo của giai cấp thống trị và số mệnh những con người bị áp bức khổ đau, đặc biệt là số phận đầy bi kịch của người phụ nữ (xã hội mà đồng tiền đổi trắng thay đen được số phận con người) + Tố cáo những thế lực đen tối trong xã hội phong kiến: bọn sai nha, quan sử kiện cho đến họ Hoạn danh gia, quan tổng đốc trọng thần, rồi bọn ma cô chủ chứa…đều ích kỉ tham am, tàn nhẫn, coi rẻ sinh mạng và phẩm giá con người. + Nói lên sức mạnh ma quái của đồng tiền làm tha hoá con người, làm điên đảo: “dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”; chà đạp lên lương tâm con người và xoá mờ công lí “ Có ba trăm lạng việc này mới xuôi” |
Hỏi: Theo em giá trị nhân đạo của một tác phẩm thường được thể hiện qua những nội dung nào? (Cảm nhận của em về cuộc sống, thân phận của Thúy Kiều cũng như của người phụ nữ trong xã hội cũ? ) Hỏi: Chuyện tình giữa Thuý kiều phản ánh giá trị nhân đạo nào của chuyện không? Hỏi: Nguyễn Du xây dựng trong tác phẩm 1 nhân vật anh hùng, đó là ai? Mục đích? (Giáo viên thuyết trình 2 thanh tựu lớn về nghệ thuật) | * Giá trị nhân đạo: - Thể hiện lòng cảm thương sâu sắc trước những khổ đau của con người. - Trân trọng, đề cao con người từ vẻ đẹp hình thức, phẩm chất đến mong ước khát vọng chân chính. - Truyện kiều đề cao tình yêu tự do, phá vỡ những quy tắc thánh hiền về sự cách biệt nam nữ. - Truyện kiều phản ánh mong ước về tự do và công lí (hình tượng người anh hùng Từ Hải đội trời đạp đất) |
- Giáo viên minh hoạ cách sử dụng ngôn ngữ, tả cảnh thiên nhiên.. (Đặc trưng thể loại truyện thơ) | b. Giá trị nghệ thuật: - Truyện Kiều là kết tinh thành quả nghệ thuật văn học dân tộc trên tất cả các phương diện ngôn ngữ, thể loại: + Ngôn ngữ Ngôn ngữ tiếng Việt đạt tới đỉnh cao của ngôn ngữ nghệ thuật có chức năng biểu đạt, biểu cảm, thẩm mỹ (Vẻ đẹp của nghệ thuật ngôn từ: giàu, đẹp) + Thể loại: thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ. Nghệ thuật tự sự (kể chuyện) đã có những bước phát triển vượt bậc từ nghệ thuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, con người. - Ngôn từ: trực tiếp (lời nhân vật), gián tiếp (lời tác giả), nửa trực tiếp (lời tác giả mang suy nghĩ, giọng điệu nhân vật). - Khắc hoạ nhân vật: Dáng vẻ bên ngoài, đời sống nội tâm bên trong, - Miêu tả thiên nhiên đa dạng: cảnh chân thực sinh động, tả cảnh ngụ tình. |
Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh tổng kết: Hỏi: Nêu cảm nhận của em về Truyện Kiều? - Đọc ghi nhớ sách giáo khoa | III. Tổng kết: * Ghi nhớ: Sách giáo khoa / Trang 80 |