Trang chủ > Lớp 9 > Giáo án Ngữ văn 9 chuẩn > Giáo án: Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh - Ngữ Văn lớp 9

Giáo án: Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh - Ngữ Văn lớp 9

I. Mục tiêu bài học
Thông qua bài học giúp học sinh hiểu đuợc:
1. Kiến thức
- Những yếu tố miêu tả trong bài văn thuyết minh
- Vai trò của yếu tố miêu tả trong bài văn thuyết minh
2. Kĩ năng
- Rèn kỹ năng viết đoạn văn, bài văn thuyết minh sinh động, hấp dẫn.
- Sử dụng ngôn ngữ miêu tả phù hợp trong việc tạo lập văn bản thuyết minh.
3. Thái độ
- Giáo dục ý thức vận dụng, có ý thức đưa yếu tố miêu tả vào văn bản thuyết minh.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên: Soạn bài, đọc tài liệu tham khảo, chuẩn bị tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng.
2. Học sinh: Đọc trước bài, chuẩn bị bài.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
Kiểm diện: Sĩ số
9A:
9B:
9C:
2. Kiểm tra
Hỏi: Nêu vai trò, tác dụng của yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh?
- Kiểm tra sự chuẩn bị bài của học sinh.
3. Bài mới
- Giờ trước, chúng ta đã được tìm hiểu về việc sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh về mặt lý thuyết. Giờ học này, chúng ta sẽ vận dụng kỹ năng sử dụng yếu tố miêu tả vào thuyết minh một đối tượng cụ thể trong đời sống.
Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề, lập dàn bài cho đề bài

- Một học sinh đọc đề bài (Sách giáo khoa / Trang 28).

Hỏi: Đề bài yêu cầu trình bày những vấn đề gì?

Hỏi: Cụm từ “Con trâu ở làng quê Việt Nam” bao gồm những ý gì?

Hỏi: Với vấn đề này, ta cần trình bày những ý gì?

* Đề bài: Con trâu ở làng quê Việt Nam.

I. Tìm hiểu đề và lập dàn bài:

1. Tìm hiểu đề:

- Giới thiệu về con trâu ở làng quê Việt Nam. (trong công việc đồng áng trong cuộc sống làng quê. )

- Vai trò, vị trí của con trâu trong đời sống của người nông dân, trong nghề nông của người Việt Nam: Đó là

+) Cuộc sống của người làm đồng.

+) Con trâu trong việc đồng áng.

+) Con trâu trong cuộc sống làng quê

Hỏi: Hãy lập dàn ý cho đề văn này.

2. Dàn bài:

- Mở bài: Giới thiệu về con trâu trên đồng ruộng Việt Nam.

- Thân bài:

+ Con trâu đối với nghề làm nông: Là sức kéo để cày bừa, kéo xe, trục lúa, …

+ Con trâu trong lễ hội, đình đám (là con vật linh được sử dụng làm lễ tế thần)…

+ Con trâu là nguồn cung cấp thịt, da, sừng trâu để làm đồ mỹ nghệ.

+ Con trâu là tài sản lớn đối với người nông dân Việt Nam (mua trâu được xem là một trong những việc lớn của người nông dân xưa kia - làm nhà, cưới vợ, tậu trâu)

+ Con trâu và trẻ chăn trâu là đôi bạn thân thiết gắn bó, việc chăn nuôi trâu.

+ Con trâu trong đời sống tình cảm của người nông dân (trâu là người bạn - trò truyện tâm tình với trâu, hình ảnh con trâu đi vào thơ ca vào tranh quê là biểu tượng của làng quê Việt Nam. )

- Kết luận.

+ Khẳng định vai trò vị trí của con trâu trong đời sống người dân quê Việt Nam.

Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh luyện tập:

Hỏi: Dựa vào phần chuẩn bị ở nhà hãy trình bày phần mở bài: Vừa có nội dung thuyết minh, vừa có yếu tố miêu tả.

(Học sinh trình bày miệng → Học sinh khác nhận xét → Giáo viên đánh giá).

II. Luyện tập:

1. Xây dựng đoạn mở bài:

- Vừa có nội dung thuyết minh, vừa có yếu tố miêu tả con trâu ở làng quê Việt Nam.

Đoạn văn: Đi khắp mọi miền quê trên đất nước Việt Nam đâu đâu ta cũng gặp một hình ảnh hết sức quen thuộc đó là con trâu. Trâu Việt Nam đã trở thành biểu tượng quen thuộc của làng quê gắn bó sâu sắc với người nông dân như người bạn trong cuộc sống sinh hoạt, làm ăn.

Hỏi: Trình bày đoạn văn thuyết minh với từng ý (Dựa vào dàn ý của phần thân bài).

- Trình bày miệng trước lớp → Học sinh khác nhận xét → Giáo viên đánh giá.

2. Xây dựng đoạn trong phần thân bài:

- Giới thiệu con trâu trong việc làm nông:

(Trâu cày, bừa ruộng, kéo xe, chở lúa).

- Con trâu với tuổi thơ ở nông thôn:

(Hình ảnh đẹp của cuộc sống thanh bình ở làng quê Việt Nam)

+ Cảnh trẻ em chăn trâu.

+ Những con trâu siêng năng gặm cỏ.

* Đoạn văn thân bài:

Với người nông dân Việt Nam con trâu đã trở thành người bạn ngày đêm trên đồng ruộng, con trâu cần mẫn cùng người làm việc: trâu giúp người cày, kéo chẳng quản đồng cạn đồng sâu, chẳng ngại sớm trưa, mưa, nắng... “Trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Không những cày ruộng trâu còn kéo thóc, kéo xe, kéo gỗ. ..

Người nông dân Việt Nam yêu quý trâu sâu sắc giống như với người, họ tâm sự với trâu: “trâu ơi ta bảo trâu này. Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta... ”

Hỏi: Trình bày đoạn kết bài.

- Học sinh khác bổ sung.

- Giáo viên nhận xét đánh giá.

- Giáo viên nhận xét, đánh giá những ưu, khuyết điểm của học sinh.

3. Xây dựng đoạn kết bài:

- Con trâu hiền lành, ngoan ngoãn đã trở thành hình ảnh gần gũi quen thuộc với làng quê Việt Nam từ bao đời nay. Ngày nay dù trình độ khoa học có tân tiến, hiện đại con người ít sử dụng sức kéo cày là con trâu nhưng trâu vẫn vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Việt, của làng quê Việt bởi những ưu điểm và sự gắn bó của nó với con người Việt Nam, trong phát triển kinh tế và đời sống tinh thần.

Hoạt động 3. Nhận xét, đánh giá:

- Dựa vào nội dung học sinh chuẩn bị và trình bày

- Giáo viên đánh giá mặt tích cực và chỉ ra những tồn tại cần sửa chữa.

III. Nhận xét, đánh giá:

1. Ưu điểm:

2. Tồn tại:

4. Củng cố - luyện tập
- Hệ thống bài:
- Viết lại phần thân bài một cách hoàn chỉnh.
+ Vai trò, vị trí của yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh.
+ Vai trò, vị trí của yếu tố miêu tả trong bài văn thuyết minh về con trâu ở làng quê Việt Nam.
5. Hướng dẫn học sinh về nhà:
+ Xem lại bài và hoàn chỉnh bài văn.
+ Chuẩn bị bài“Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em”