Trang chủ > Lớp 9 > Giáo án Ngữ văn 9 chuẩn > Giáo án: Tổng kết về từ vựng (Tiết 1) - Ngữ Văn lớp 9

Giáo án: Tổng kết về từ vựng (Tiết 1) - Ngữ Văn lớp 9

I. Mục tiêu bài học
- Thông qua bài học giúp học sinh hiểu đuợc:
1. Kiến thức
- Hệ thống hoá kiến thức từ vựng từ lớp 6 → 9 Nắm được một số khái niệm liên quan đến từ vựng. Nắm vững những kiến thức đã học về từ đơn, từ phức, thành ngữ, tục ngữ, nghĩa của từ, từ nhiều nghĩa, hiện tượng chuyển nghĩa...
2. Kĩ năng
- Biết vận dụng các kiến thức đã học vào giao tiếp, đọc hiểu và tạo lập văn bản.
3. Thái độ
- Yêu Tiếng Việt, gìn giữ sự trong sáng của Tiếng Việt.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
+ Soạn bài, đọc các tài liệu tham khảo, tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng.
2. Học sinh
+ Đọc trước bài, chuẩn bị bài, làm các câu hỏi bài tập ôn lại các khái niệm: từ đơn từ phức, từ ghép, từ láy, thành ngữ, nghĩa của từ, từ nhiều nghĩa... (trả lời câu hỏi sách giáo khoa)
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
Kiểm diện: Sĩ số
9A:
9C:
2. Kiểm tra
- Kiểm tra sự chuẩn bị bài của học sinh;
Hỏi: Nêu các cách phát triển từ vựng Tiếng Việt? bộ phận từ mượn quan trọng nhất trong Tiếng Việt là ngôn ngữ nào?
3. Bài mới
- Để củng cố các kiến thức đã học từ chương trình lớp 6 đến lớp 9 về từ vựng, từ đó các em có thể nhận diện và vận dụng khái niệm, hiện tượng đã học một cách tốt hơn, chúng ta cùng vào tìm hiểu giờ học hôm nay.
Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

I. Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh ôn tập từ đơn và từ phức, phân biệt các loại từ phức:

Hỏi: Nhắc lại khái niệm: từ đơn, từ phức? cho ví dụ?

I. Ôn lại khái niệm từ đơn, từ phức,

1. Khái niệm:

- Từ đơn: là từ chỉ gồm 1 tiếng có nghĩa tạo thành:

Ví dụ: nhà, cửa, gà, vịt…

Hỏi: Phân loại từ phức, cách phân biệt?

- Từ phức: Do 2 hoặc nhiều tiếng có nghĩa tạo nên:

Ví dụ: Bàn ghế, quần áo, sách vở, …

- Từ phức gồm 2 loại:

+ Từ ghép: được cấu tạo bởi những tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa: Ví dụ: nhà cửa, xăng dầu, chìm nổi…Có 2 cách ghép là ghép đẳng lập và ghép chính phụ

+ Từ láy: được cấu tạo bởi các tiếng có quan hệ với nhau về mặt âm: Ví dụ: ầm ầm, rào rào…

- 1 học sinh đọc bài tập 2

- Làm bài tập → trình bày trước lớp

Hỏi: Xác định từ ghép và từ láy?

2. Bài tập

2.1. Bài tập 2 Sách giáo khoa / Trang 122

- Từ ghép: giam giữ, tươi tốt, cỏ cây, đưa đón, rơi rụng, mong muốn, bèo bọt, bó buộc, nhường nhịn, ngặt nghèo

- Từ láy: nho nhỏ, gật gù, lạnh lùng, xa xôi, lấp lánh.

1 học sinh đọc yêu cầu bài tập

Hỏi: Xác định từ láy có sự "giảm nghĩa" và "tăng nghĩa" so với tiếng gốc?

2.2. Bài tập 3: Sách giáo khoa / Trang 123

- Từ láy: có sự giảm nghĩa so với nghĩa gốc: trăng trắng, đèm đẹp, nho nhỏ, lành lạnh, xâm xấp

- Từ láy có sự tăng nghĩa so với nghĩa gốc: sạch sành sanh, sát sàn sạt, nhấp nhô

Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh ôn tập thành ngữ:

Hỏi: Nhắc lại khái niệm thành ngữ?

II. Thành ngữ:

1. Khái niệm: Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh. Nghĩa của thành ngữ thường là nghĩa bóng.

Ví dụ: châu chấu đá xe, khẩu phật tâm xà, khôn nhà dại chợ, mượn gió bẻ măng, việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng…

- Đọc yêu cầu bài tập

- Hướng dẫn học sinh làm bài

Hỏi: xác định tổ hợp là thành ngữ và tổ hợp là tục ngữ?

- Giải nghĩa của các thành ngữ và tục ngữ đó?

2. Bài tập

2.1. Bài tập 2: Sách giáo khoa / Trang 123 mục (II)

- Tổ hợp từ là tục ngữ: a, c

- Tổ hợp từ là thành ngữ: b, d, e

+ "Đánh trống bỏ dùi": làm việc không đến nơi, đến chốn, bỏ dở, thiếu trách nhiệm.

+ Tục ngữ: "Chó treo mèo đậy": muốn giữ thức ăn với chó thì phải treo lên, với mèo thì phải đậy lại.

+ "Được voi đòi tiên": tham lam, được cái này lại muốn cái khác hơn.

+ "Nước mắt cá sấu": sự thông cảm thương xót, dối trá nhằm lừa gạt người khác.

- Tục ngữ: "Gần mực…thì rạng": hoàn cảnh, môi trường xã hội có ảnh hưởng quan trọng đến tính cách, đạo đức của con người.

Học sinh đọc yêu cầu bài tập

Làm bài tập → trình bay trước lớp (chia nhóm)

Hỏi: Tìm 2 thành ngữ có yếu tố chỉ động vật và 2 thành ngữ có yếu tố chỉ thực vật, giải thích nghĩa và đặt câu với mỗi thành ngữ vừa tìm được?

2.2. Bài tập 3: Mục II

- Thành ngữ có yếu tố chỉ động vật:

+ Chó cắn áo rách: chỉ hoàn cảnh khốn cùng hoặc chỉ người nghèo lại còn chịu thêm tai hoạ

Đặt câu: Anh ấy vừa cháy nhà, nay lại mất trộm, đúng là cảnh chó cắn áo rách.

+ Mèo mù vớ cá rán: 1 sự măy mắn tình cờ do hoàn cảnh đem lại không phải có được bằng tài năng, trí tuệ hay sự cố gắng nào đó.

+ Đầu voi đuôi chuột-> sự thiếu cân đối.

- Thành ngữ có yếu tố chỉ thực vật:

+ Cây nhà lá vườn: những thức rau, hoa, quả do nhà trồng được (không cầu kì, bày vẽ)

+ Bãi bể nương dâu: Theo thời gian cuộc đời có những thay đổi khiến con người phải giật mình nghĩ suy.

+ Dây cà ra dây muống → nói dài dòng lan man.

- Đặt câu: Anh đứng trước cái vườn hoang không còn dấu vết gì của ngôi nhà tranh khi xưa lòng chợt buồn về cảnh bãi bể nương dâu.

- Đọc yêu cầu bài tập

Hỏi: Tìm thành ngữ được sử dụng trong văn chương?

2.3. Bài tập 4: Tìm 2 dẫn chứng việc sử dụng thành ngữ trong văn chương

Ví dụ 1: Vợ chàng quỷ quái tinh ma

Phen này “kẻ cắp bà già” gặp nhau”

(Thuý Kiều báo ân báo oán)

Ví dụ 2: Một đời được mấy anh hùng

Bõ chi “cá chậu chim lồng mà chơi” (Nguyễn Du - Truyện Kiều)

Ví dụ 3: Tình cờ chẳng hẹn mà nên

“Mạt cưa mướp đắng” đôi bên một phường” (Nguyễn Du - Truyện Kiều)

Ví dụ 4: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn- Bẩy nổi ba chìm với nước non” (Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương)

Hoạt động 3. Hướng dẫn học sinh ôn tập nghĩa của từ:

Hỏi: Em hiểu thế nào là nghĩa của từ? Cho ví dụ?

Hỏi: Muốn hiểu đúng nghĩa của từ ta phải đặt từ trong hoàn cảnh nào?

III. Nghĩa của từ:

1. Khái niệm:

- Nghĩa của từ là toàn bộ nội dung (sự vật, tính chất, hoạt hđộng, quan hệ) mà từ biểu thị

- Muốn hiểu đúng nghĩa của từ ta phải đặt từ trong câu cụ thể

Ví dụ: Thuyền, biển, tốt, xấu…

- Hướng dẫn học sinh làm bài tập

Hỏi: Chọn cách hiểu đúng trong những cách hiểu sau?

2. Bài tập

a. Chọn cách hiểu đúng trong những cách hiểu sau:

- Nghĩa của từ mẹ là: "người phụ nữ, có con, nói trong quan hệ với con"

Hỏi: Cách giải thích nào đúng? Tại sao?

b. Chọn cách giải thích đúng, giải thích tại sao lại chọn cách giải thích đó:

- Cách giải thích đúng b: vì dùng từ "rộng lượng" định nghĩa cho từ "độ lượng" (giải thích bằng từ đồng nghĩa), phần còn lại là cụ thể hoá cho từ "rộng lượng"

- Cách giải thích a không hợp lí vì dùng ngữ danh từ chỉ thực thể để định nghĩa cho tính từ chỉ tính chất

Hoạt động 4. Hướng dẫn học sinh ôn tập từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ:

Hỏi: Từ nhiều nghĩa có đặc điểm gì? Hiện tượng chuyển nghĩa của từ?

Hướng dẫn học sinh làm bài tập.

IV. Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ;

1. Khái niệm: - từ có thể có một hoặc nhiều nghĩa

Ví dụ: Từ 1 nghĩa: xe đạp, máy nổ

- Từ nhiều nghĩa: chân, mũi, xuân

- Hiện tượng chuyển nghĩa của từ: là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ tạo ra những từ nhiều nghĩa. Trong từ nhiều nghĩa có nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện từ đầu là cơ sở để hình thành các nghĩa khác. Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở nghĩa gốc, có quan hệ với nghĩa gốc

2. Bài tập

- Từ hoa trong thềm hoa, lệ hoa được dùng theo nghĩa chuyển song nó chỉ có nghĩa như vậy trong văn cảnh này, chưa có trong từ điển (nghĩa chuyển lâm thời) nó chưa làm thay đổi nghĩa của từ -> không được coi là hiện tượng chuyển nghĩa của từ.

4. Củng cố - luyện tập
- Hệ thống bài: 4 nội dung: Từ đơn, từ phức, thành ngữ, nghĩa của từ, hiện tượng chuyển nghĩa của từ - từ nhiều nghĩa.
5. Hướng dẫn học sinh về nhà:
- Học + ôn tập lại các kiến thức + làm bài tập
- Chuẩn bị: "Tổng kết về từ vựng" (tiếp theo)
+ Học thuộc các khái niệm: từ đồng âm, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, cấp độ khái quát nghĩa của từ, trường từ vựng; làm các bài tập trong sách giáo khoa / Trang 124,125,126.