Trang chủ > Lớp 9 > Giáo án Ngữ văn 9 chuẩn > Giáo án: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Tiết 1) - Ngữ Văn lớp 9

Giáo án: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Tiết 1) - Ngữ Văn lớp 9

I. Mục tiêu bài học
- Thông qua bài học giúp học sinh hiểu đuợc:
1. Kiến thức
- Nắm được cốt truyện và những điều cơ bản về tác giả, tác phẩm.
- Qua đoạn trích hiểu được khát vọng cứu người, giúp đời của tác giả và phẩm chất của 2 nhân vật: Lục Vân Tiên, Kiều Nguyện Nga
- Tìm hiểu đặc trưng phương thức khắc hoạ tính cách nhân vật của truyện
2. Kĩ năng
- Đọc truyện thơ, phân tích cách kể chuyện và xây dựng nhân vật
3. Thái độ
- Giáo dục cho học sinh tinh thần nghĩa hiệp, biết giúp đỡ người xung quanh trong những hoàn cảnh cụ thể.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
+ Soạn bài, ảnh chân dung Nguyễn Đình Chiểu, đọc các tài liệu tham khảo, tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng.
2. Học sinh
+ Đọc trước bài, chuẩn bị bài (trả lời câu hỏi phần đọc hiểu sách giáo khoa)
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
Kiểm diện: Sĩ số
9A:
9C:
2. Kiểm tra
- Kiểm tra sự chuẩn bị bài của học sinh.
Hỏi: Đọc thuộc lòng đoạn trích: “ Kiều ở lầu Ngưng Bích” Phân tích nỗi nhớ Người yêu và cha mẹ của Thuý Kiều?
- Phân tích 8 câu thơ cuối? Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật đoạn trích.
3. Bài mới
- Có một tác phẩm được G. Ô-ba-rê đánh giá "như là một trong những sản phẩm hiếm có của trí tuệ con người, có cái ưu điểm lớn là diễn tả được trung thực những tình cảm của cả một dân tộc"- đó chính là tác phẩm "Lục Vân Tiên". Chúng ta cùng vào bài học hôm nay để hiểu những nét chính nhất về tác giả và một phần của tác phẩm.
Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh đọc và tìm hiểu chú thích:

- Hướng dẫn học sinh đọc: rõ ràng, truyền cảm, thay đổi giọng cho phù hợp với câu thơ kể, tả, đối thoại.

- Học sinh đọc chú thích (Sách giáo khoa / Trang 112)

I. Đọc và tìm hiểu chú thích:

1. Đọc.

2. Tìm hiểu chú thích: (Sách giáo khoa / trang 112,113,114,115)

Hỏi: Giới thiệu những nét chính về thời gian?

- Giáo viên diễn giảng thêm.

a/ Tác giả:

- Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) Tục gọi là Đồ Chiểu, Quê cha Thừa Thiên Huế, sinh ra và lớn lên ở quê mẹ - Gia Định.

- Năm 1843 (21 tuổi), ông thi đỗ tú tài nhưng chưa kịp thi tiếp thì bất hạnh ập tới: (mẹ mất, ông ốm nặng 26 tuổi bị mù, đường công danh nghẽn lối, đường tình duyên trắc trở, về quê nhà gặp buổi loạn li)

- Là người có nghị lực sống và cống hiến cho đời, quyết không gục ngã trước số phận: ngẩng cao đầu sống, sống có ích đến hơi thở cuối cùng.

+ Là nhà giáo danh tiếng, khắp miền lục tỉnh (khi ông mất cả cánh đồng Ba Tri rợp trắng khăn tang của các thế hệ học trò)

+ Ở cương vị thầy thuốc, ông hết lòng cứu nhân độ thế.

+ Ông để lại cho đời bao trang thơ bất hủ, được lưu truyền rộng rãi: "Lục Vân Tiên", "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc"

- Là người có lòng yêu nước và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm, cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn luận việc đánh giặc. viết văn thơ khích lệ tinh thần kháng chiến của nhân dân.

+ Khi cả Nam kì rơi vào tay giặc, vẫn nêu cao tinh thần bất khuất trước kẻ thù "thua cuộc rồi lưng vẫn thẳng, đầu vẫn ngẩng cao, ngay cả kẻ thù cũng phải kính nể", giữ trọn lòng trung thành với Tổ Quốc, với nhân dân cho tới lúc mất.

Hỏi: Truyện được viết theo hình thức như thế nào?

Hỏi: Giới thiệu những nét tiêu biểu về tác phẩm? Truyện được viết nhằm mục đích gì?

b/ Tác phẩm: "Truyện Lục Vân Tiên”

- Hình thức: Truyện thơ nôm: kể nhiều hơn để đọc, để xem.

- Sáng tác vào khoảng đầu những năm 50 - trước thế kỉ XIX.

- Được lưu truyền rộng rãi dưới hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian như "kể thơ", "nói thơ vân Tiên", "hát Vân Tiên"…Có ảnh hưởng sâu rộng tới toàn quốc.

- Bao gồm 2082 câu thơ lục bát.

- Truyện được kết cấu theo kiểu truyền thống của loại truyện phương đông: theo từng chương hồi, xoay quanh diễn biến của các nhân vật chính.

Hỏi: Truyện thể hiện mong ước gì của nhân dân?

- Truyện được viết ra nhằm mục đích trực tiếp là truyền dạy đạo lí làm người:

+ Xem trọng tình nghĩa giữa con người với con người trong Xã Hội: tình cha mẹ, con cái, vợ chồng, tình yêu.

+ Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khốn phò nguy.

+ Thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời (kết thúc có hậu)

Hỏi: Truyện thơ Lục Vân Tiên có nghệ thuật đặc sắc gì?

- Nghệ thuật: Truyện thơ nôm có tính chất kể nhiều hơn để đọc, để xem, hành động nhiều hơn miêu tả nội tâm - tính cách của nhân vật cũng thường bộc lộ qua việc làm, lời nói, cử chỉ.

Hỏi: Truyện có kiểu kết cấu như thế nào?

- Kết cấu ước lệ gần như thành khuôn mẫu: người tốt thường gặp gian nan, trắc trở, bị kẻ xấu hãm hại nhưng họ vẫn được cưu mang -> Cuối cùng tai qua nạn khỏi, kẻ xấu bị trừng trị-> khát vọng của nhân dân ở hiền gặp lành, thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà.

- Học sinh đọc tóm tắt sách giáo khoa.

- Yêu cầu học sinh tóm tắt tác phẩm.

3. Tóm tắt tác phẩm:

- Tóm tắt tác phẩm: Sách giáo khoa / trang 113

4. Củng cố - luyện tập
- Hệ thống bài
- Những nét chính về:
+ Tác giả Nguyễn Đình Chiểu
+ Tác phẩm "Truyện Lục Vân Tiên"
+ Kết cấu, Nội dung, nghệ thuật
5. Hướng dẫn học sinh về nhà:
- Tóm tắt ngắn gọn tác phẩm
- Tìm đọc toàn tác phẩm
- Chuẩn bị: đọc thuộc đoạn trích: giải đáp câu hỏi đọc hiểu, bố cục, đặc điểm nhân vật.