Trang chủ > Lớp 9 > Giáo án Ngữ văn 9 chuẩn > Giáo án: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Ngữ Văn lớp 9

Giáo án: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Ngữ Văn lớp 9

I. Mục tiêu bài học
- Thông qua bài học giúp học sinh hiểu đuợc:
1. Kiến thức
- Học sinh có những hiểu biết bước đầu về tác giả Nguyễn Khoa Điềm và hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
- Giúp học sinh cảm nhận được tình cảm bà mẹ Tà Ôi dành cho con gắn chặt với tình yêu quê hương đất nước và niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng.
- Nghệ thuật ẩn dụ, phóng đại, hình ảnh thơ mang tính biểu tượng âm hưởng của những khúc hát ru thiết tha trìu mến.
2. Kĩ năng
- Học sinh nhận diện các yếu tố ngôn ngữ, hình ảnh mang màu sắc dân gian trong bài thơ.
- Phân tích được mạch cảm xúc trữ tình của bài thơ qua các khúc hát của bà mẹ, của tác giả.
- Cảm nhận được tinh thần kháng chiến của nhân dân ta trong thời kì chống Mĩ cứu nước.
3. Thái độ
- Kính trong và biết ơn những người mẹ Việt Nam có công với đất nước, cách mạng, Yêu thương những người thân trong gia đình, yêu gia đình, quê hương, đất nước.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
+ Soạn bài, đọc tài liệu chuẩn kiến thức kỹ năng, tài liệu tham khảo, nghiên cứu, soạn bài.
2. Học sinh
+ Đọc trước bài, chuẩn bị bài (trả lời câu hỏi đọc hiểu, làm bài tập sách giáo khoa)
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
* Kiểm diện: Sĩ số
9A:
9C:
2. Kiểm tra
- Giáo viên kiểm tra việc chuẩn bị bài của học sinh
- Đọc thuộc lòng bài thơ “ Bếp lửa” Phân tích ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh ngọn lửa trong bài thơ?
3. Bài mới
Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh đọc và tìm hiểu chú thích:

- Giáo viên hướng dẫn học sinh cách đọc: giọng thiết tha ngọt ngào chú ý các đoạn điệp khúc, các câu thơ đối xứng

Giáo viên đọc mẫu 1 đoạn - Học sinh đọc bài

Hỏi: Em hãy nêu vài nét về tác giả Nguyễn Khoa Điềm?

I. Đọc và tìm hiểu chú thích

1. Đọc:

2. Chú thích

a) Tác giả: Nguyễn Khoa Điềm (1943) huyện Phong Điền - Tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình trí thức cách mạng

- Ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ

- Từng là Tổng thư kí hội nhà văn Việt Nam từ năm 2000 giữ cương vị là uỷ viên bộ chính trị, trưởng ban tư tưởng văn hoá Trung Ương

- Chất chính luận làm cho thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa dạt dào cảm xúc, vừa lắng đọng suy nghĩ.

Hỏi: Hoàn cảnh ra đời bài thơ: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ?

Hỏi: Tìm hiểu nghĩa của 1 số chú thích khó sách giáo khoa?

b) Tác phẩm

- Bài thơ được sáng tác năm 1971 khi ông đang công tác ở chiến khu miền tây Thừa Thiên.

- Bài thơ là lời hát ru có 3 khúc (mỗi khúc có 2 khổ) ý thơ phát triển, xác thực và giàu tính biểu tượng.

c) Chú thích khác (Sách giáo khoa)

Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh đọc - hiểu văn bản

Hỏi: Xác định thể loại và bố cục của bài thơ? (mỗi đoạn lại gồm 2 lời ru: lời ru của nhà thơ và lời ru của mẹ)

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Thể loại

* Thể loại: Thơ 8 chữ

2. Bố cục: gồm 3 đoạn

+ Đoạn 1: 2 khổ đầu: khúc hát ru thứ nhất, khúc hát ru của người mẹ thương con, thương bộ đội

+ Đoạn 2: 2 khổ tiếp: khúc hát ru thứ 2: người mẹ ru con và thương dân làng

+ Đoạn 3: Còn lại: khúc hát ru thứ 3: khúc hát ru của người mẹ thương con, thương đất nước.

Hỏi: Nhận xét về cấu trúc lặp lại của các khúc hát du? Nêu tác dụng của cách ngắt nhịp thơ trong mỗi lời du?

- Ở từng lời ru trực tiếp, nhịp thơ lại được ngắt đều đặn ở giữa dòng-> cách lặp lại ấy đã tạo âm điệu dìu dặt, vấn vương của lời ru.

- Giọng điệu trữ tình diễn đạt đặc sắc tình cảm thiết tha, trìu mến của người mẹ Tà Ôi.

Hỏi: Người mẹ Tà Ôi được miêu tả làm những công việc gì?

Hỏi: Mẹ làm việc trong hoàn cảnh như thế nào?

Hỏi: Em có nhận xét như thế nào về công việc mẹ làm?

Hỏi: Công việc mẹ làm có ý nghĩa như thế nào?

Hỏi: Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào trong những câu thơ nói vè công việc của mẹ? Nêu tác dụng của những biện pháp nghệ thuật ấy?

Hỏi: Từ đó hình ảnh người mẹ Tà Ôi hiện lên như thế nào?

- Mỗi công việc của mẹ Tà Ôi gắn với một mong ước và niềm tin của mẹ.

3. Phân tích

a. Hình ảnh người mẹ Tà Ôi:

- Mẹ giã gạo nuôi bộ đội.

- Mẹ tỉa bắp góp lương thực cho kháng chiến.

- Mẹ chuyển lán bảo vệ căn cứ.

- Mẹ tham gia chiến dịch.

→ Mẹ vừa địu con vừa làm việc.

→ Công việc nặng nhọc vất vả.

→ Mẹ làm việc để phục vụ bộ đội, phục vụ kháng chiến.

- Nghệ thật: Điệp khúc, so sánh, hình ảnh tương phản- “ Lưng núi... to... lưng mẹ... nhỏ”... ⇒ Gây ấn tượng về tính chất công việc vất vả, nhọc nhằn và ý nghĩa công việc mẹ làm vì bộ đội vì buôn làng, vì cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.

⇒ Người mẹ quyết tâm làm việc hết mình vì kháng chiến, yêu con thương bộ đội và buôn làng.

Hỏi: Vậy trong khi làm việc mẹ thể hiện niềm tin và mong ước gì?

b. Mơ ước của người mẹ Tà Ôi:

- Mẹ giã gạo → mơ gạo trắng.

→ con lớn khoẻ mạnh “ vung chày lún sân”

- Mẹ tỉa bắp → mơ bắp lên đều.

→ con lớn giỏi giang (phát mười Ka - lưi)

- Chuyển lán - giành trận cuối → mơ thấy Bác Hồ → mơ con được làm người tự do (đất nước thống nhất).

Hỏi: Mẹ gửi gắm mong ước của mình vào đâu?

Hỏi: Mẹ thể hiện niềm tin vào điều gì trong mỗi mong ước?

- Mẹ gửi mong ước vào lời hát ru, vào giấc mơ của con.

- Mẹ tin tưởng vào tương lai của đất nước, mẹ tin con mẹ lớn lên sẽ mạnh giỏi, trở thành người lính chiến đấu vì nền độc lập và trở thành người dân của môt đất nước hoà bình (là người tự do).

Hỏi: Để thể hiện niềm tin và mong ước của mẹ nhà thơ đã thể hiện giọng điệu lời thơ như thế nào?

Hỏi: Em hiểu như thế nào về nội dung câu thơ:

“ Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”?

Hỏi: Qua các khúc hát ru tình cảm và khát vọng của người mẹ có sự phát triển như thế nào?

Hỏi: Từ đó em thấy tình yêu thương con của người mẹ Tà Ôi gắn với những tình cảm nào?

Hỏi: Qua đó em thấy tác giả thể hiện thái độ tình cảm gì của nhân dân ta từ mong ước của người mẹ Tà Ôi?

Hỏi: Em được bồi dưỡng tình cảm gì sau khi học bài thơ?

- Giọng điệu: ngọt ngào, vang xa - thiết tha, trìu mến.

- Hình ảnh mặt trời ở câu thơ thứ hai là hình ảnh ẩn dụ về em bé ⇒ con là mặt trời soi sáng sưởi ấm niềm tin, mong ước và ý chí của mẹ trong cuộc sống.

⇒ Tình cảm và khát vọng của mẹ ngày càng lớn rộng hoà cùng với cuộc kháng chiến gian khổ - hào hùng của dân tộc.

-Tình yêu con của mẹ luôn gắn với tình yêu quê hương, đất nước.

⇒ Qua hình ảnh người mẹ Tà Ôi nhà thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước, ý chí đấu tranh cho độc lập tự do và khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân ta.

⇒ Bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc. Có thể hi sinh hạnh phúc riêng tư vì độc lập tự do.

Hoạt động 3. Hướng dẫn học sinh tổng kết:

Hỏi: Nêu nhưng cảm nhận của em về nội dung và nghệ thuật của bài thơ sau khi học?

- Gọi học sinh đọc ghi nhớ sách giáo khoa

III. Tổng kết:

1. Nghệ thuật:

- Sáng tạo trong kết cấu khúc hát ru, tạo nên sự lặp lại giống như những giai điệu của lời ru, mang âm hưởng của lời ru

- Nghệ thuật ẩn dụ, tương phản. ,phóng đại.

- Liên tưởng độc đáo, diễn tưởng bằng những hình ảnh thơ có ý nghĩa biểu tượng.

2. Nội dung:

- Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ca ngợi tình cảm thiết tha và cao đẹp của bà mẹ Tà Ôi dành cho con, cho quê hương, đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước

→ khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân ta.

* Ghi nhớ Sách giáo khoa / Trang 155

4. Củng cố - luyện tập
- Giáo viên nhắc laị những kiến thức bài học
5. Hướng dẫn học sinh về nhà:
- Học bài theo câu hỏi và đọc thuộc lòng bài thơ
- Chuẩn bị bài tiếp theo: Tổng kết về từ vựng - làm các bài tập sách giáo khoa.