Trang chủ > Lớp 9 > Giáo án Ngữ văn 9 chuẩn > Giáo án: Chuyện người con gái Nam Xương (Trích Truyền kì mạn lục) (Tiết 2) - Ngữ Văn lớp 9

Giáo án: Chuyện người con gái Nam Xương (Trích Truyền kì mạn lục) (Tiết 2) - Ngữ Văn lớp 9

I. Mục tiêu bài học
Thông qua bài học giúp học sinh hiểu được:
1. Kiến thức
- Nắm được cốt truyện, nhân vật sự kiện trong một tác phẩm truyện truyền kì.
- Thấy được hiện thực về số phận người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ cũ và vẻ đẹp truyền thống của họ.
- Sự thành công của tác giả về nghệ thuật kể chuyện.
- Mối liên hệ giữa tác phẩm và truyện.
2. Kĩ năng
- Vận dụng các kiến thức đã học để đọc hiểu tác phẩm viết theo thể loại truyền kì.
- Cảm nhận được những chi tiết nghệ thuật độc đáo trong tác phẩm tự sự có nguồn góc dân gian. Kể lại được truyện.
3. Thái độ
- Giáo dục lòng yêu mến sự cảm thông với những người phụ nữ bất hạnh.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
- Soạn bài, đọc tài liệu tham khảo, chuẩn bị tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng.
2. Học sinh
- Học sinh đọc trước bài, chuẩn bị bài (trả lời các câu hỏi sách giáo khoa)
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
Kiểm diện: Sĩ số
9A:
9C:
2. Kiểm tra
Hỏi: Phân tích nhân vật Vũ Nương? Tóm tắt truyện?
- Kiểm tra sự chuẩn bị bài của học sinh.
3. Bài mới
- Ở giờ học trước ta đã học và cảm nhận được về nhân vật Vũ Nương: Đẹp người, đẹp nết. Ở giờ học này chúng ta tiếp tục tìm hiểu văn bản để thấy rõ số phận oan trái của nàng, cũng là của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Đồng thời qua tác phẩm, ta còn thấy rõ những thành công về nghệ thuật và tư tưởng nhân đạo của tác giả Nguyễn Dữ. Cụ thể những nội dung trên như thế nào? Các em cùng tìm hiểu bài học hôm nay.
Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản (tiếp)

Hỏi: Vũ Nương bị nghi oan là không chung thuỷ với chồng. Hãy tìm những nguyên nhân dẫn tới sự việc này? (Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương có điều gì đáng chú ý? Tại sao em biết? Cuộc hôn này có gì khó khăn cho nhân vật Vũ Nương? )

b. Nỗi oan khuất của Vũ Nương:

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương:

* Cuộc hôn nhân không bình đẳng giữa kẻ giàu và người nghèo (Trương Sinh xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới Vũ Nương về; Lời của Vũ Nương: “Thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu.. ”)

⇒ Cuộc hôn nhân tạo cho Trương Sinh một cái thế: Có tiền và có quyền (Cái thế của người chồng trong gia đình, người đàn ông dưới chế độ phong kiến).

Hỏi: Theo em tính cách của Trương Sinh có phải là nguyên nhân dẫn tới nỗi oan của Vũ Nương?

* Tính cách đa nghi của Trương Sinh: “đối với vợ phòng ngừa quá sức”

* Tâm trạng khi trở về có phần nặng nề không vui “Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ…”

Hỏi: Còn nguyên nhân nào khác dẫn tới nỗi oan của Vũ Nương? Em có nhận xét gì về nguyên nhân này?

* Lời nói đầy chi tiết đáng ngờ của đứa con thơ ngây: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư không như cha tôi trước kia…”. “Trước đây, thường có một người đàn ông … Đản cả”

⇒ Thông tin rất đáng tin, ngày một gay cấn: Như đổ thêm dầu vào lửa, tính đa nghi đã lên đến đỉnh điểm, chàng “đinh ninh là vợ hư” ⇒ Đây là tình huống bất ngờ.

Hỏi: Bên cạnh các nguyên nhân trên theo em còn nguyên nhân nào khác nữa?

* Cách cư sử hồ đồ, độc đoán của Trương Sinh:

+ Không đủ bình tĩnh để suy đoán, nghe lời trẻ con và không đủ bình tĩnh để phân tích đúng, sai.

+ Bỏ ngoài tai hết những lời phân trần của vợ.

+ Không tin cả những nhân chứng bênh vực cho nàng (họ hàng, làng xóm).

+ Khăng khăng không nói duyên cớ để vợ có cơ hội minh oan.

* Do hoàn cảnh xã hội:

+ Xã hội phong kiến trọng nam, khinh nữ.

+ Đất nước có chiến tranh làm cho gia đình mẹ con, vợ chồng li biệt.

Hỏi: Em có nhận xét như thế nào về việc tác giả xây dựng các tình tiết có liên quan tới nỗi oan khuất của Vũ Nương? Các chi tiết ấy được sắp xếp như thế nào?

- Nghệ thuật tạo tình huống, xung đột, sắp xếp lại một số tình tiết, thêm bớt hoặc tô đậm những tình tiết có ý nghĩa, có tính chất quyết định đến quá trình diễn biến của truyện cho hợp lý, tăng cường tính bi kịch và cũng làm cho truyện trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

Hỏi: Em có suy nghĩ gì về thảm kịch cuộc đời Vũ Nương trong xã hội phong kiến đương thời? Nhận xét của em về thái độ của người kể chuyện?

⇒ Bi kịch của Vũ Nương là lời tố cáo xã hội phong kiến. Xem trọng uy quyền của kẻ giàu và của người đàn ông trong gia đình, đồng thời bộc lộ niềm thương cảm của tác giả đối với số phận đầy oan nghiệt của người phụ nữ.

- Bi kịch uộc đời Vũ Nương cũng là bi kịch chung của những người phụ nữ dưới chế độ phong kiến bất công, nam quyền trọng nam khinh nữ.

Hỏi: Trong truyện, tác giả đã sử dụng những yếu tố kỳ ảo nào?

2. Những yếu tố kỷ ảo trong truyện:

- Phan Lang nằm mơ rồi thả rùa.

- Phan Lang lạc vào động rùa của Linh Phi …gặp Vũ Nương … được đưa về dương thế.

- Hình ảnh Vũ Nương hiện ra sau khi Trương Sinh lập đàn tràng giải nỗi oan cho nàng trên bến Hoàng Giang.

* Biện pháp đưa những yếu tố kỳ ảo vào trong truyện. Các yếu tố này được đưa vào xen kẽ với những yêu tố thực (Về địa danh, về thời điểm lịch sử, nhân vật lịch sử, sự kiên lịch sử, trang phục của các mỹ nhân, hoàn cảnh nhà Vũ Nương).

⇒ Thế giới kỳ ảo gần với cuộc sống đời thực, giúp làm tăng thêm độ tin cậy, khiến người đọc không cảm thấy ngỡ ngàng.

Hỏi: Cho biết ý nghĩa của các chi tiết kì ảo trong truyện?

* Ý nghĩa:

- Hoàn chỉnh thêm những nét đẹp vốn có của nhân vật Vũ Nương: ở thế giới khác vẫn nặng tình với cuộc đời, khát khao được khôi phục danh dự.

- Tạo nên một cái kết có hậu: thể hiện mong ước của nhân dân ta về sự công công bằng: Người tốt dù phải chịu oan khuất rồi cuối cùng cũng được rửa oan

- Chi tiết kỳ ảo ở cuối truyện “Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng … lúc ẩn, lúc hiện …bóng nàng loáng loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất” => Đây chỉ là ảo ảnh

⇒ Là sự an ủi cho số phận của Vũ Nương, đồng thời một lần nữa tố cáo xã hội phong kiến: Trong xã hội ấy, người phụ nữ đức hạnh chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc ở những nơi xa, xăm huyền bí.

Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh tổng kết:

Hỏi: Nêu những đặc sắc về nghệ thuật của văn bản?

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật:

- Cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện của tác giả: Dựa vào cốt truyện có sẵn, sắp xếp lại một số tình tiết, thêm bớt, tô đậm những tình tiết có ý nghĩa, có tính chất quyết định đến diễn biến của truyện cho hợp lý, tăng cường tính bi kịch, đồng thời làm cho truyện hấp dẫn, sinh động hơn.

- Truyện có nhiều lời thoại và lời tự bạch của nhân vật, được sắp xếp rất đúng chỗ → giúp câu chuyện thêm phần sinh động, góp phần khắc hoạ quá trình tâm lý và tính cách của nhân vật.

Hỏi: Nêu nội dung chính của văn bản?

- Học sinh đọc ghi nhớ sách giáo khoa.

2. Nội dung:

- Qua câu chuyên về cuộc đời và cái chết thương tâm của nhân vật Vũ Nương, “Chuyện người con gái Nam Xương” thể hiện niềm thương cảm đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ.

* Ghi nhớ (Sách giáo khoa - trang 51)

4. Củng cố - luyện tập
Hỏi: Những nguyên nhân nào dẫn đến cuộc đời bi kịch của Vũ Nương?
Bài tập Kể lại văn bản theo cách của em.
- Yêu cầu: Bảo đảm các tình tiết, sự việc chính của câu chuyện.
5. Hướng dẫn học sinh về nhà:
- Đọc thêm bài thơ “Lại bài viếng Vũ Thị”.
- Học bài cũ, chuẩn bị “Xưng hô trong hội thoại”.