Trang chủ > Lớp 9 > Giáo án Ngữ văn 9 chuẩn > Giáo án: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới (Tiết 2) - Ngữ Văn lớp 9

Giáo án: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới (Tiết 2) - Ngữ Văn lớp 9

I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Học sinh nhận thức được những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách và thói quen của con người Việt Nam, yêu cầu gấp rút phải khắc phục điểm yếu, hình thành đức tính và thói quen tốt khi đất nước đi vào công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
- Nắm được trình tự lập luận và nghệ thuật nghị luận của tác giả.
- Tích hợp với tiếng việt và tập làm văn.
2. Kĩ năng
- Rèn cho học sinh kĩ năng đọc, hiểu, phân tích văn bản nghị luận về vấn đề con người, xã hội.
3. Thái độ
- Học sinh có ý thức trau dồi tri thức để bước vào thế kỷ mới
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
Chuẩn bị sách giáo khoa, sách giáo viên, đọc các tài liệu tham khảo liên quan, chuẩn kiến thức kĩ năng, soạn bài.
2. Học sinh
Chuẩn bị bài, đọc và trả lời các câu hỏi đọc hiểu sách giáo khoa.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
Sĩ số:
9A:
9B:
9C:
2. Kiểm tra đầu giờ: Kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh.
Hỏi: Nêu luận điểm hệ thống luận cứ và ý nghĩa sự ra đời của bài viết?
Hỏi: Những nội dung trọng tâm cần ghi nhớ trong bài?
3. Bài mới
- Giờ trước các em đã hiểu được ý nghĩa lịch sử của bài viết giờ học này chúng ta cùng tìm hiểu những nhiệm vụ mà bài biết đặt ra? điểm mạnh điểm yếu của con người Việt Nam khi bước vào nền kinh tế mới?
Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

Hoạt động 1. Hướng dẫn sinh đọc hiểu văn bản (tiếp):

Hỏi: Nhắc lại các luận cứ trong bài viết?

Hỏi: để khẳng định sự chuẩn bị của con người là nhân tố quan trọng trong hành trang mạng vào thế kỉ mới tác giả nêu những lí lẽ nào để xác minh?

Hỏi: Vì sao tác giả lại cho rằng trong những hành trang vào thế kỉ mới thì sự chuẩn bị của bản thân con người lại là quan trọng nhất?

Hỏi: Em có nhận xét gì về tầm quan trọng của luận cứ này?

b. Trình tự lập luận của bài viết

b. 1) Luận cứ 1: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới thì quan trọng nhất là sự chuẩn bị của bản thân con người:

- Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử.

- Trong thời kì nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ thì vai trò của con người lại càng nổi bật.

- Đây là luận cứ quan trọng mở đầu cho cả hệ thống luận cứ của văn bản.

Hỏi: Nêu luận cứ thứ hai trong văn bản mà tác giả nêu ra?

Hỏi: Luận cứ này được tác giả triển khai mấy ý đó là những ý nào?

b. 2) Luận cứ 2: Bối cảnh thế giới hiện nay, những mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề của đất nước:

- Bối cảnh hiện nay: Một thế giới khoa học công nghệ phát triển như huyền thoại, sự giao thoa hội nhập ngày càng sâu rộng giữa các nền kinh tế.

- Nước ta phải đồng thời giải quyết ba nhiệm vụ: thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đồng thời phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.

Hỏi: Luận cứ thứ ba là gì?

Hỏi: Em có nhận xét như thế nào về luận cứ này?

b. 3) Luận cứ 3: Những điểm mạnh điểm yếu của con người Việt Nam cần nhận thức rõ khi bước vào nền kinh tế mới trong thế kỉ mới:

- Đây là luận cứ trung tâm, quan trọng nhất của cả bài nên được tác giả triển khai cụ thể và phân tích khá thấu đáo.

Hỏi: Hãy tóm tắt những mặt mạnh của con người Việt Nam mà tác giả đã phân tích trong bài viết?

Hỏi: Cái mạnh có giá trị gì trong đời sống hiện nay?

* Điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam:

- Điểm mạnh:

+ Thông minh nhạy bén với cái mới.

+ Chuyên cần sáng tạo

+ Có tinh thần đoàn kết đùm bọc nhất là trong công cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

+ Bản chất thích ứng nhanh.

→ Đáp ứng với thực tế cuộc sống hiện đại, hội nhập với thế giới.

Hỏi: Vậy cái yếu của con người Việt Nam được tác giả phân tích như thế nào?

Hỏi: cái yếu tồn tại sẽ cản trở gì cho đất nước khi bước vào thế kỉ mới?

- Điểm yếu:

+ Thiếu kiến thức căn bản, kém khả năng thực hành.

+ Thiếu tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ làm việc khẩn trương.

+ Thường đố kị nhau trong làm ăn và trong cuộc sống thường ngày.

+ Còn nhiều hạn chế trong thói quen và nếp nghĩ, kì thị kinh doanh, quen lối sống bao cấp, thói sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức, thói khôn vặt, ít giữ chữ tín…

→ Làm cản trở quá trình phát triển, bước vào nền kinh tế tri thức, trong xu thế hội nhập với thế giới.

Hỏi: Em có nhận xét gì về cách phân tích điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam? Nêu ý nghĩa của cách phân tích đó?

- Cái mạnh và cái yếu được phân tích đan xen với nhau; trong cái mạnh còn tiềm ẩn những cái yếu như những khuyết tật. Điểm mạnh và điểm yếu luôn được đối chiếu với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước hiện nay chứ không chỉ nhìn trong lịch sử.

Hỏi: Em đã học trong lịch sử, văn học rất nhiều tác phẩm nói về truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Những nhận xét của tác giả có điểm nào giống và khác với những điều em đã được học?

- Những điểm giống với trong lịch sử, văn học: đều đề cập đến những phẩm chất truyền thống của con người Việt Nam: yêu nước, đoàn kết…thông minh sáng tạo…

- Những điểm khác với trong lịch sử, văn học: Trong lịch sử văn học phẩm chất của con người Việt Nam được ca ngợi, phát huy triệt để trong bối cảnh đất nước của nền nông nghiệp, trong cuộc kháng chiến trường kì.

Hỏi: Em có nhận xét như thế nào về thái độ của tác giả trong bài viết?

Hỏi: Tìm trong trường, trong xã hội các dẫn chứng cụ thể về điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam: chuyên cần, thông minh, sáng tạo nhưng kém khả năng thực hành thiếu đức tính tỉ mỉ, thiếu tính cộng đồng trong làm ăn?

Bài viết này tác giả đã nêu rõ phẩm chất truyền thống đó là mặt mạnh nhưng chưa toàn diện chưa phù hợp với yêu cầu cần thiết của xã hội mới, của nền kinh tế tri thức.

- Thái độ của tác giả: tôn trọng sự thật khách quan, thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, toàn diện, không mang tính chủ quan rơi vào sự đề cao quá mức hay tự ti, miệt thị dân tộc.

Hỏi: Em có nhận xét gì về cách sử dụng từ ngữ trong bài viết của tác giả?

Hỏi: Tác giả kết thúc vấn đề như thế nào?

c. Đặc điểm ngôn ngữ của bài viết:

- Tác giả không sử dụng cách nói trang trọng, cũng không sử dụng tri thức uyên bác -> Tác giả sử dụng ngôn ngữ báo chí gắn với đời sống, cách nói giản dị, trực tiếp dễ hiểu.

- Sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, vừa sinh động cụ thể lại ngắn gọn mà ý vị sâu sắc: Nước đến chân mới nhảy, liệu cơm mà gắp mắm, trâu buộc ghét trâu ăn, bóc ngắn cắn dài…

Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh tổng kết:

Hỏi: Nêu cảm nhận của em về nội dung văn bản, nghệ thuật của văn bản?

III. Tổng kết:

1. Nghệ thuật:

+ Sử dụng ngôn ngữ báo chí, gắn với đời sống, cách nói trực tiếp, dễ hiểu, giản dị.

+ Sử dụng cách so sánh: người Nhật, người Hoa trong cùng một sự việc, hiện tượng xong lại có các thói quen và ứng xử - khác nhau.

+ Sử dụng các thành ngữ, tục ngữ, ca dao cụ thể, sinh động.

2. Nội dung: Phát huy những điểm mạnh, hạn chế, khắc phục những điểm yếu, hình thành những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ.

- Gọi học sinh đọc ghi nhớ.

Hỏi: Em nhận thấy bản thân mình có những điểm mạnh và điểm yếu nào trong những điều tác giả đã nêu ra và cả những điều mà tác giả chưa nói tới? Nêu phương hướng khắc phục những điểm yếu?

(Học sinh tự nhận xét)

* Ghi nhớ: Sách giáo khoa (Trang 30)

4. Củng cố, luyện tập:
Hỏi: Nêu những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam
Hỏi: Nêu các thành ngữ và tục ngữ mà tác giả sử dụng khi nói về điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam?
* Nói về điểm mạnh của người Việt Nam
- Uống nước nhớ nguồn.
- Trông trước ngó sau.
- Miệng nói tay làm.
- Được mùa chớ phụ ngô khoai.
* Nói về điểm yếu của người Việt Nam
- Đủng đỉnh như chĩnh trôi sông.
- Vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy.
5. Hướng dẫn học sinh về nhà:
- Soạn bài: “Chó sói và cừu trong thơ” -
- Ngụ ngôn của La- phông- ten theo câu hỏi sách giáo khoa trang 41.
- Đọc văn bản, tìm luận điểm luận cứ, trả lời câu hỏi sách giáo khoa.
- Chuẩn bị: Viết bài Tập làm văn số 5.