Trang chủ > Lớp 8 > Giáo án Ngữ văn 8 chuẩn > Từ tượng hình, từ tượng thanh - Giáo án Ngữ Văn lớp 8

Từ tượng hình, từ tượng thanh - Giáo án Ngữ Văn lớp 8

I. Mục tiêu bài học

1. Kiến thức

- Hiểu được thế nào là từ tượng hình, từ tượng thanh, đặc điểm của từ tượng hình và từ tượng thanh; công dụng của từ tượng hình từ tượng thanh.

2. Kĩ năng

- Nhận biết từ tượng hình, từ tượng thanh và giá trị của chúng trong văn miêu tả.

- Chọn lựa, sử dụng từ tượng hình, từ tượng thanh phù hợp với hoàn cảnh nói và viết.

3. Thái độ

- Có ý thức sử dụng từ tượng hình, từ tượng thanh giúp làm tăng thêm hình tượng, tính biểu cảm trong giao tiếp.

II. Chuẩn bị tài liệu

1. Giáo viên

Chuẩn bị bài soạn, tài liệu tham khảo, chuẩn kiến thức kỹ năng.

2. Học sinh

Chuẩn bị bài, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập.

III. Tiến trình tổ chức dạy học

1. Ổn định tổ chức Sĩ số:

2. Kiểm tra

Hỏi: Thế nào là trường từ vựng? Lấy ví dụ?

- Trường từ vựng là tập hợp những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.

Hỏi: Những trờng hợp cần phải lưu ý khi xác định trường từ vựng?

3. Bài mới

Trong thơ văn và cuộc sống, người ta thường sử dụng các từ tượng thanh, tượng hình nhằm tăng tính biểu cảm cho lời nói, bài viết. Vậy từ tượng thanh, từ tượng hình là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài ngày hôm nay.

Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt được

Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu đặc điểm, công dụng của từ tượng hình và từ tượng thanh

- Học sinh đọc đoạn trích (Sách giáo khoa - trang 49), lưu ý các từ in đâm.

Hỏi: Trong những từ trên, những từ nào gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật?

Hỏi: Những từ nào trong các từ trên mô phỏng âm thanh?

I. Đặc điểm, công dụng:

1. Bài tập:

* Nhận xét:

- Các từ: móm mém, xồng xọc, vật vã, rũ rượi, xộc xệch, sòng sọc → là những từ gợi tả dáng vẻ, trạng thái của sự vật → từ tượng hình.

- Các từ: hu hu, ư ử → là các từ mô phỏng âm thanh → từ tượng thanh.

Hỏi: Em hiểu từ tượng hình là gì?

Là những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật.

Hỏi: Em hiểu thế nào là từ tượng thanh?

- Là những từ mô phỏng âm thanh của con người hoặc tự nhiên

Hỏi: Em hãy so sánh 2 cách sử dụng từ và nêu giá trị biểu cảm của nó trong mỗi cặp sau:

a. Hắn rất cao.

b. Hắn cao lênh khênh.

- Hình ảnh b gợi tả hình ảnh rõ nét hơn, cụ thể hơn nhờ vào từ tượng hình.

*So sánh:

a. Chị ta khóc to.

b. Chị ta khóc hu hu.

- Trường hợp b mô phỏng âm thanh cụ thể hơn đó là tiếng khóc to, tức tưởi. → nhờ vào từ tượng thanh.

2. Kết luận:

- Từ tượng hình: là những từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật.

- Từ tượng thanh là những từ mô phỏng âm thanh của con người hoặc tự nhiên.

Hỏi: Vậy tác dụng của việc sử dụng từ tượng hình, tượng thanh là gì?

⇒ Chốt: Thế nào là từ tượng hình, thế nào là từ tượng thanh? nêu tác dụng của nó? Em thường gặp 2 loại từ này trong kiểu văn bản nào?

- Giáo viên: Trong văn miêu tả và tự sự người ta thường sủ dụng các từ tượng hình và từ tượng thanh → giúp đối tượng miêu tả thêm cụ thể, sinh động.

- Gọi học sinh đọc ghi nhớ sách giáo khoa

- Tác dụng: gợi tả hình ảnh, mô phỏng âm thanh cụ thể, sinh động và có giá trị biểu cảm cao

→ thường được sử dụng trong văn miêu tả và văn tự sự.

*Ghi nhớ sách giáo khoa trang 49

Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh luyện tập:

- Đọc bài 1 (Sách giáo khoa- trang 49) xác định yêu cầu bài tập.

- Giáo viên yêu cầu học sinh tìm từ tượng hình và từ tượng thanh → báo cáo

II. Tập luyện:

1. Bài tập 1 (trang 49)

Tìm từ tượng hình, tượng thanh trong những câu sau đây:

- Soàn soạt, bịch, bốp → từ tượng thanh

- Rón rén, chỏng quèo, loẻo khoẻo → từ tượng hình.

- Đọc bài 2 (Sách giáo khoa - trang 50) xác định yêu cầu bài tập.

Hỏi: Tìm 5 từ tượng hình chỉ dáng đi của người?

2. Bài tập 2 (trang 50): Tìm 5 từ chỉ dáng đi của người.

- Lò dò, tấp ta tấp tểnh, nghênh ngang, liêu xiêu, dò dẫm.

- Đọc bài 3 (Sách giáo khoa - trang 50) xác định yêu cầu btập.

Hỏi: Phân biệt nghĩa của các kiểu tếng cười?

3. Bài tập 3 (trang 50): Phân biệt nghĩa:

- ha hả: từ gợi tả tiếng cười to, tỏ ra rất khoái chí.

- hì hì: tiếng cười phát cả ra đằng mũi, thương biểu hiện sự thích thú, có vẻ hiền lành.

- hô hố: tiếng cười to, thô lỗ, tạo cảm giác khó chịu cho người khác.

- hơ hớ: tiếng cười thoải mái vui vẻ, không cần che đậy gìn giữ.

- Đọc bài 4 (Sách giáo khoa - trang 50) xác định yêu cầu btập.

Hỏi: Đặt câu với mỗi từ tượng hình và từ tượng thanh?

4. Bài tập 4 (trang 50): Đặt câu

- Hoa xoan lắc rắc đầy vườn.

- Mưa rơi lã chã suốt ngày không ngớt.

- Chị ta đi lạch bạch như con rùa.

- Giọng cô ấy ồm ồm như đàn ông.

- Có một đốm lửa lập loè ở phía xa xa

- Con đường này khúc khuỷu, gập ghềnh

- Tôi lắng nghe tiếng tích tắc từng giây của chiếc đồng hồ.

- Đọc bài 5 (Sách giáo khoa - trang 50 xác định yêu cầu btập.

- Yêu cầu học sinh sưu tầm một bài thơ có sử dụng từ tượng thanh, tượng hình.

5. Bài tập 5 (trang 50):

- Bài thơ Qua Đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan

4. Củng cố, luyện tập

Hỏi: Thế nào là từ tượng thanh, tượng hình? Sử dụng từ tượng thanh, tượng hình có tác dụng gì?

5. Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà

- Chuẩn bị bài: Liên kết các đoạn văn trong văn bản. trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa. Xem trước các bài tập.