Hai cây phong (Tiết 2) - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Học sinh hiểu được ngòi bút đậm chất hội hoạ của tác giả khi miêu tả hai cây phong và nguyên nhân khiến hai cây phong gây xúc động cho người kể chuyện.
2. Kĩ năng
- Học sinh có kỹ năng phân tích, tìm hiểu tác phẩm nghệ thuật.
3. Thái độ
- Giáo dục cho học sinh lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về vẻ đẹp của quê hương, đất nước mình, lòng kính trọng và biết ơn với thầy cô giáo.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
Chuẩn bị giáo án, sách tham khảo, chuẩn kiến thức kỹ năng.
2. Học sinh
Chuẩn bị bài, đọc, tóm tắt văn bản, vở ghi, vở chuẩn bị bài, sách giáo khoa, sách bài tập.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức Sĩ số:
2. Kiểm tra
Hỏi: Phân tích hình ảnh hai cây phong? Nêu tác dụng của nghệ thuật kể chuyện hai mạch kể lồng ghép? => Hai mạch kể bổ sung lẫn nhau diễn tả những tình cảm, những kỉ niệm nhất là diễn tả sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên tươi đẹp.
- Chỉ bằng một vài nét phác thảo của một nghệ sĩ, hình ảnh hai cây phong hiện lên với những đường nét, màu sắc pha lẫn âm thanh thật huyền diệu, có hồn, rất gắn bó với bọn trẻ..
3. Bài mới
Giờ trước chúng ta đã cùng tìm hiểu hai mạch kể của văn bản, những hình ảnh của hai cây phong để hiểu rõ hơn về nội dung văn bản và tình cảm của người kể chuyện chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu trong tiết học hôm nay.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản (tiếp): - Yêu cầu học sinh đọc đoạn văn “ Vào năm học cuối cùng” trang 98. Hỏi: Trong mạch kể xưng “chúng tôi” hình ảnh nào làm cho bọn trẻ ngất ngây? Hỏi: Theo em phần này có thể chia làm mấy đoạn nhỏ? | b. 2 Hình ảnh hai cây phong trong kí ức tuổi thơ: - Chia thành hai đoạn nhỏ: Đoạn trên liên quan đến hai cây phong, đoạn dưới là thế giới đẹp đẽ mở ra trước mắt bọn trẻ, thu hút bọn trẻ làm chúng ngất ngây. |
Hỏi: Tìm những chi tiết miêu tả hai cây phong? | - Hai cây phong khổng lồ. - Nghiêng ngả đu đưa chào mời - Bóng râm mát rượi, tiếng lá xào xạc dịu hiền - Cành cao ngất, ngang tầm chim bay - Nơi cư trú của các loài chim hấp dẫn bọn trẻ. |
Hỏi: Em có nhận xét gì về nghệ thuật miêu tả của người kể? - Phác thảo đôi nét, từ láy, nhân hoá Lại có hình ảnh đàn chim chao đi chao lại làm nền → sống động. - Yêu cầu học sinh quan sát tranh (Sách giáo khoa-trang 97), - Yêu cầu học sinh đọc thầm “ Đất rộng bao la”- Trang 89. | Nghệ thuật: Tác giả sử dụng từ láy, phép nhân hoá… lại có hình ảnh đàn chim chao đi chao lại làm nền → khiến hình ảnh trở nên sống động. |
Hỏi: Những hình ảnh nào hiện ra trước mắt bọn trẻ khi ngồi trên cành phong? | * Hình ảnh thế giới mở ra trước mắt bọn trẻ: - Chân trời xa thẳm... - Thảo nguyên hoang vu, - Dòng sông lấp lánh - Làn sương mờ đục - Nơi xa thẳm biêng biếc của thảo nguyên. - Chuồng ngựa của nông trang trông bé tí teo… |
Hỏi: Biện pháp nghệ thuật nào được người kể sử dụng? Hỏi: Em có nhận xét gì về bức tranh thiên nhiên mà bọn trẻ cảm nhận được từ trên cao nơi hai cây phong? - Bức tranh thiên nhiên ấy khợi gợi trong tầm hần bọn trẻ điều gì? | Nghệ thuật: Phép liệt kê, phương thức: kể xen lẫn với miêu tả và biểu cảm. ⇒ Đó là những bức tranh thiên nhiên vô cùng rộng lớn, huyền ảo, đầy đường nét, màu sắc làm tăng chất bí ẩn, hấp dẫn của những miền đất lạ, khêu gợi mong ước khao khát trong tâm hồn trẻ thơ. |
Hỏi: Hai cây phong có ý nghĩa gì trong tâm hồn người kể chuyện? | c. Ý nghĩa của hai cây phong: - Hai cây phong là biểu tượng của quê hương, gắn với tình yêu quê hương tha diết. - Gắn liền với kỉ niệm tuổi thơ của tuổi học sinh. Khêu gợi bao mong ước khát vọng của tuổi thơ. - Là nhân chứng cho câu chuyện cảm động về thầy Đuy-sen (người thầy đầu tiên) |
Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh tổng kết: Hỏi: Sau khi học văn bản em cảm nhận được gì về nội dung và nghệ thuật? | III. Tổng kết: 1. Nghệ thuật: - Hai mạch kể lồng ghép, trình tự kể từ hiện tại trở về quá khứ; sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, phép nhân hóa, liệt kê sinh động. Cảm xúc tự nhiên, chân thành. 2. Nội dung: - Trong đoạn trích hai cây phong được miêu tả vô cùng sinh động. Bằng ngòi bút chấm phá hội họa hai cây phong hiện lên có đường nét, có màu sắc, âm thanh, có tâm hồn. Từ đó người kể truyện truyền cho chúng ta tình yêu quê hương tha thiết và niềm xúc động đặc biệt. Đặc biệt hơn đó là hai cây phong gắn liền với câu chuyện về thầy Đuy- sen, người đã vun trồng mơ ước cho những học sinh nhỏ của mình. * Ghi nhớ: Sách giáo khoa / trang 10 |
Hoạt động 3. Hướng dẫn học sinh luyện tập: *Học sinh đọc các đoạn người kể xưng “tôi”. - Thảo luận nhóm trong vòng 5 phút. - Báo cáo kết quả theo nhóm. ⇒ Giáo viên đưa ra kết luận. * Giáo viên: thầy Đuy-sen chính là người thầy đầu tiên của cô bé An-tư-nai cách đây 40 năm mà gần đây người kể mới biết. Thầy đã đem hai cây phong này trồng trên đồi cùng An-tư-nai và gửi gắm ở hai cây phong non mong ước, hi vọng những đứa trẻ nghèo khổ, thất học sẽ lớn lên trở thành người có ích. | IV. Luyện tập: 1. Nguyên nhân nào khiến hai cây phong chiếm vị trí trung tâm và gây xúc động cho người kể chuyện? |
Hỏi: Người kể đã sử dụng biên pháp nghệ thuật gì? Có tác dụng? - Nhân hoá, giúp hình ảnh trở nên sinh động hơn. Hỏi: Vì sao nói hai cây phong trong đoạn văn kể xen lẫn miêu tả này được miêu tả hết sức sống động, giống như hai con người và không chỉ thông qua sự quan sát của người hoạ sĩ? - Chúng có tiếng nói riêng, hẳn có tâm hồn riêng, thì thầm tha thiết nồng cháy, có khi im bặt một thoáng rồi khắp lá cành lại thở dài một loạt như tiếc thương người nào… | - Hai cây phong được nhân hoá trở nên sinh động và có linh hồn. - Hai cây phong trong đoạn này được miêu tả hết sức sống động, âm thanh chiếm vị trí khá lớn. - Hai cây phong còn được miêu tả bằng tâm hồn, trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ. |
Hỏi: Học sinh nêu đoạn văn yêu thích và lí do thích đoạn văn đó? - Học thuộc đoạn văn. | Học sinh có thể lựa chọn 1 trong 2 đoạn sau: - “Trong làng tôi... ngọn lửa bốc cháy rừng rực”. - “Vào năm học mới... không gian bao la và ánh sáng”. |
4. Củng cố, luyện tập
Hỏi: Hình ảnh mở ra trước mắt bọn trẻ khi bọn trẻ ở trên cây phong là hình ảnh gì?
Hỏi: Nêu ý nghĩa của hai cây phong?
5. Hướng dẫn học ở nhà
Học bài, ghi nhớ
Chuẩn bị bài: Viết bài tập làm văn số 2.
Bài trước: Hai cây phong (Tiết 1) - Giáo án Ngữ Văn lớp 8 Bài tiếp: Nói quá - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8