Tóm tắt văn bản tự sự - Giáo án Ngữ Văn lớp 8
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Biết cách tóm tắt một văn bản tự sự, nắm được các yêu cầu của việc tóm tắt văn bản tự sự.
2. Kĩ năng
- Đọc - hiểu, nắm bắt được toàn bộ cốt truyện của văn bản tự sự.
- Phân biệt sự khác nhau giữa tóm tắt khái quát và tóm tắt chi tiết
- Tóm tắt văn bản tự sự cần phù hợp với yêu cầu sử dụng.
3. Thái độ
- Học sinh có ý thức thực hiện đầy đủ các bước khi tóm tắt một văn bản tự sự.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
Chuẩn bị bài soạn, tài liệu tham khảo, chuẩn kiến thức kỹ năng.
2. Học sinh
Chuẩn bị bài, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức Sĩ số
2. Kiểm tra
Hỏi: Có mấy cách liên kết đoạn văn trong văn bản? Trình bày từng cách? Cho ví dụ?
- Có hai cách: Dùng từ ngữ để liên kết đoạn văn (từ ngữ có quan hệ liệt kê, đối lập, từ ngữ chỉ ý tổng kết, khái quát); dùng câu nối để liên kết đoạn.
3. Bài mới
- Trong cuôc sống hàng ngày, khi xem một bộ phim hay, đọc một câu chuyện hấp dẫn mà ta muốn kể lại cho một người khác biết thì ta cần phải tóm tắt văn bản. Vậy tóm tắt văn bản tự sự là gì? Cách tóm tắt như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài hôm nay.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu thế nào là tóm tắt văn bản tự sự: Hỏi: Ở trường các em được học rất nhiều văn bản tự sự (Bánh chưng, bánh giầy, Con rồng cháu tiên, Trong lòng mẹ, Lão Hạc, Tức nước vỡ bờ... ) em muốn kể lại cho cha mẹ, ông bà nghe một cách ngắn gọn, thì em phải làm thế nào? (Tóm tắt văn bản tự sự) | I. Thế nào là tóm tắt văn bản tự sự: 1. Bài tập: |
Hỏi: Vậy em hiểu tóm tắt văn bản tự sự nghĩa là làm thế nào? - Tóm tắt văn bản tự sự là dùng lời văn của mình trình bày một cách ngắn gọn nội dung chính (sự việc tiêu biểu gắn với nhân vật) của văn bản. - Yêu cầu học sinh chọn lựa đáp án đúng trong các ý a, b, c, d (giải thích vì sao) ( Tóm tắt phải trung thành với nội dung chính của văn bản, đồng thời ngắn gọn để dễ nhớ, dễ thuộc) | 2. Kết luận: Tóm tắt văn bản tự sự là ghi lại một cách ngắn gọn, trung thành những nội dung chính của văn bản tự sự. - Chọn ý b. |
Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh cách tóm tắt văn bản tự sự: - Yêu cầu học sinh đọc văn bản tóm tắt sách giáo khoa trang 60 Hỏi: Văn bản tóm tắt trên kể về nội dung vủa văn bản nào? Hỏi: Dựa vào đâu em nhận ra được điều đó? ( Dựa vào nhân vật, sự việc và chi tiết tiêu biểu nêu trong văn bản tóm tắt). | II. Cách tóm tắt văn bản tự sự: 1. Những yêu cầu đối với văn bản tóm tắt: * Bài tập: - Văn bản được tóm tắt “ Sơn Tinh Thuỷ Tinh”. |
Hỏi: Văn bản tóm tắt trên có nêu được nội dung chính của văn bản đó không? Hỏi: Văn bản tóm tắt trên có gì giống và khác với bản “Sơn Tinh Thuỷ tinh” đã học ở lớp 6? Hỏi: Tại sao số lượng và sự việc lại ít hơn văn bản được tóm tắt? - Vì phải chọn nội dung chính và sự việc tiêu biểu → bảo đảm cho văn bản ngắn gọn và đủ ý, dễ nhớ. | - Đã nêu được nội dung chính của truyện. - Độ dài văn bản tóm tắt: ngắn hơn tác phẩm được tóm tắt. - Số lượng nhân vật, sự việc: ít hơn. - Lời văn: là lời của người tóm tắt. |
Hỏi: Từ việc tìm hiểu trên em hãy cho biết các yêu cầu đối với một văn bản tóm tắt? - Giáo viên: ( Đáp ứng mục đích yêu cầu cần tóm tắt, bảo đảm tính khái quát, trung thành với văn bản được tóm tắt không thêm, bớt chi tiết, sự viêc; không chen vào văn bản tóm tắt những ý kiến bình luận khen chê; bảo đảm tính hoàn chỉnh ⇒ giúp người đọc hình dung được toàn bộ câu chuyên: mở đầu, phát triển, kết thúc; bảo đảm tính cân đối số lượng dòng dành cho nội dung chính, sự việc tiêu. - Giáo viên chuyển ý: | 2. Kết luận: Văn bản tóm tắt phải ngắn gọn, khái quát, trung thành với nội dung chính. |
Hỏi: Muốn viết được văn bản tóm tắt theo em cần phải làm những việc gì? Những việc ấy phải thực hiện theo trình tự nào? ( Thảo luận theo bàn - 3 phút) - Học sinh báo cáo → Giáo viên kết luận. ⇒ Giáo viên: Chú ý: khi tóm tắt cần phải nêu đầy đủ nội dung chính, nhân vật quan trọng, bỏ hết các câu chữ thừa, sự việc và nhân vật phụ. Hỏi: Em hiểu tóm tắt văn bản tự sự là gì? Hỏi: Yêu cầu của việc tóm tắt và các bước tóm tắt văn bản tự sự? - Học sinh đọc ghi nhớ (Sách giáo khoa) trang 61. | 2. Các bước tóm tắt văn bản: - Đọc kĩ văn bản, ghi nhớ nội dung, chủ đề. - Xác định những nội dung chính cần tóm tắt. - Sắp xếp theo trình tự hợp lí (thời gian, không gian, sự việc) - Viết văn bản tóm tắt bằng lời văn của mình. 3. Ghi nhớ (Sách giáo khoa) trang 61 |
4. Củng cố, luyện tập
Thế nào là tóm tắt văn bản tự sự? Các yêu cầu của việc tóm tắt văn bản tự sự? Các bước tóm tắt văn bản tự sự?
5. Hướng dẫn học ở nhà
- Học ghi nhớ chuẩn bị bài: “Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự? ”
Bài trước: Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội - Giáo án Ngữ Văn lớp 8 Bài tiếp: Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8