Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Củng cố kiến thức về tóm tắt văn bản tự sự.
2. Kĩ năng
- Rèn luyện kĩ năng tóm tắt một văn bản tự sự
- Phân biệt sự khác nhau giữa tóm tắt khái quát và tóm tắt chi tiết
- Tóm tắt văn bản tự sự phù hợp với yêu cầu sử dụng.
3. Thái độ
- Học sinh có ý thức vận dụng tóm tắt văn bản tự sự trong quá trình học văn bản và trong đời sống.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
Chuẩn bị bài soạn, tài liệu tham khảo, chuẩn kiến thức kỹ năng.
2. Học sinh
Chuẩn bị bài, chuẩn bị đồ dùng học tập.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức Sĩ số
2. Kiểm tra
Hỏi: Thế nào là tóm tắt văn bản tự sự? Các yêu cầu của việc tóm tắt văn bản tự sự? Các bước để tóm tắt văn bản tự sự?
3. Bài mới
Các em đã được học về cách tóm tắt văn bẳn tự sự, để rèn luyện kỹ năng tóm tắt kiểu văn bản này, chúng ta cùng luyện tập tóm tắt văn bản tự sự trong tiết học ngày hôm nay.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt được |
---|---|
Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh ôn tập lí thuyết: Hỏi: Em hiểu thế nào là tóm tắt văn bản tự sự? Hỏi: Theo em vì sao cần phải tóm tắt văn bản tự sự? Hỏi: Nêu các bước để tóm tắt văn bản tự sự? | I. lý thuyết: - Tóm tắt văn bản tự sự là ghi lại một cách ngắn gọn, trung thành những nội dung chính của một văn bản tự sự. - Tóm tắt giúp cho văn bản ngắn gọn, dễ nhớ. * Các bước để tóm tắt một văn bản tự sự: - Đọc kĩ văn bản, ghi nhớ nội dung, chủ đề. - Xác định những nội dung chính cần tóm tắt. - Sắp xếp theo trình tự hợp lí (thời gian, không gian, sự việc) - Viết văn bản tóm tắt bằng lời văn của mình. |
Hoạt động 2. hướng dẫn học sinh luyện tập: Hỏi: Bản liệt kê đã nêu được các sự việc tiêu biểu và các nhân vật quan trọng của truyện ngắn “Lão Hạc” chưa? Sắp xếp các sự việc đã nêu ở trên theo một trình tự hợp lí. - Tổ chức thảo luận nhóm 2 bàn - thời gian: 3 phút. - Báo cáo kết quả → các nhóm nhận xét chéo. Học sinh và giáo viên nhận xét, sửa chữa. | II. Luyện tập 1. Bài tập 1 (trang 61): - Bản liệt kê trên đã nêu tương đối đầy đủ các sự kiện và nhân vật chính trong truyện "Lão Hạc" tuy nhiên còn khá lộn xộn và thiếu mạch lạc. - Sắp xếp lại theo thứ tự sau: b, a, d, c, g, e, i, h, k. - Lão Hạc có một người con trai, một mảnh vườn và một con chó vàng. - Con trai lão bỏ đi làm phu đồn điền cao su, lão chỉ còn lại một mình “cậu vàng”. - Vì muốn giữ lại mảnh vườn cho con, lão phải bán đi con chó. - Lão mang số tiền dành dụm được gửi ông giáo và nhờ ông giúp trông coi mảnh vườn. - Cuộc sống ngày càng khó khăn, lão kiếm được gì ăn nấy và bị ốm một trận thập tử nhất sinh. - Một lần, lão xin Binh Tư ít bả chó. - Ông giáo rất buồn khi nghe Binh Tư kể lại chuyện ấy. - Lão đột nhiên chết, cái chết thật dữ dội. - Cả làng không ai hiểu vì sao lão lại chết trừ ông giáo và Binh Tư. |
- Yêu cầu học sinh viết tóm tắt (khoảng 10 phút). - Gọi 3 em lên trình bày. - Học sinh nhận xét. | * Tóm tắt truyện ngắn “Lão Hạc” bằng một văn bản ngắn gọn khoảng 10 dòng. Lão Hạc có một người con trai, một mảnh vườn và một con chó vàng. Con trai lão vì không có tiền cưới vợ phẫn chí bỏ đi làm phu đồn điền cao su, lão chỉ còn lại cậu vàng. Vì muốn giữ lại mảnh vườn cho con, lão đành bán đi con chó dù cho rất đau xót và buồn bã. Lão mang toàn bộ số tiền dành dụm được gửi ông giáo và nhờ ông giúp trông coi mảnh vườn. Cuộc sống ngày càng khó khăn, lão kiếm được gì ăn nấy và từ chối những gì ông giáo giúp. Một hôm, lão xin Binh Tư ít bả chó nói là để giết con chó hay đến vườn, làm thịt và rủ Binh tư cùng uống rượu. Ông giáo rất buồn khi nghe Binh Tư kể lại chuyện ấy. Nhưng rồi lão Hạc đột nhiên chết - cái chết thật đau đớn và dữ dội. Cả làng không một ai hiểu vì sao lão chết, chỉ có Binh Tư và ông giáo hiểu. |
Đọc bài tập 2 (trang 62), nêu yêu cầu bài tập. - Học sinh làm bài, nhận xét. | 2. Bài tập 2 (trang 62): - Nêu sự việc tiêu biểu và nhân vật quan trọng trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, viết một văn bản tóm tắt khoảng 10 dòng. - Nhân vật chính trong văn bản: chị Dậu. * Sự việc tiêu biểu: + Chị Dậu chăm sóc chồng bị ốm. + Bọn cai lệ và người nhà lí trưởng kéo đến đe doạ, đàn áp. + Chị Dậu van nài nhưng chúng vẫn không chịu buông tha. + Chị đành đánh lại cai lệ và người nhà lí trưởng để bảo vệ anh Dậu. |
- Gọi học sinh đọc văn bản vừa tóm tắt. - Gọi học sinh nhận xét - Giáo viên nhận xét và cho điểm. | * Tóm tắt: Chị Dậu vừa bê bát cháo đến cạnh anh Dậu, anh còn chưa kịp ăn thì đám cai lệ và người nhà lí trưởng sầm sập xông vào. Chúng quát tháo định trói anh Dậu. Chị Dậu hết lời van nài chúng, nhưng chúng vẫn lao vào trói anh và đánh chị. Không chịu được, chị Dậu liều mình kháng cự lại chúng. Ban đầu chị kháng cự bằng lí lẽ, chúng vẫn không buông tha cho anh, chị thách thức rồi chị đánh lại chúng. Tên cai lệ bị chị đẩy ngã chỏng quèo. Kết cuộc anh chàng hầu cận ông lí yếu hơn chị chàng con mọn, bị chị túm lẳng cho ngã nhào ra thềm. |
- Giáo viên hướng dẫn học sinh làm bài tập 3 (trang 62) - Gọi học sinh đọc văn bản tóm tắt, nhận xét → cho điểm. | 3. Bài tập 3 (trang 62) - Tóm tắt truyện ngắn “ Tôi đi học” của Thanh tịnh: Hằng năm cứ đến độ cuối thu, tôi lại bồi hồi nhớ về kỉ niệm những ngày đầu đi học của mình. Hôm ấy tôi được mẹ dẫn đi trên còn đường làng dẫn tới trường. Con đường đó tôi đã quen đi lại nhiều lần nhưng bống dưng lại thấy rất lạ vì hôm ấy tôi đi học. Tôi thấy mình trang trọng hơn khi được mặc quần áo mới, cầm sách vở mới. Tôi nhận thấy sân trường Mĩ Lí tưng bừng khác hẳn mọi ngày, Từ đó tôi cũng nhận thấy ngôi trường trông xinh xắn và oai nghiêm hơn mọi khi. Tôi được gặp ông đốc với gương mặt hiền lành nhân hậu đón học trò. Trong tôi có nhiều tâm trạng đan xen vừa hồi hộp vừa lo sợ và giật mình khi nghe gọi tên mình vào lớp. Tôi gặp thầy giáo trẻ tươi cười đón học trò vào lớp. Vào lớp học, tôi thấy cảnh vật thật lạ và thú vị, thấy gần gũi với người bạn bên cạnh, thấy chỗ ngồi giống như của riêng mình. Tôi chủ động bước vào giờ học đầu tiên. |
4. Củng cố, luyện tập
Hỏi: Nêu những yêu cầu đối với văn bản tóm tắt?
5. Hướng dẫn học ở nhà
- Học ghi nhớ, chuẩn bị bài: “Trả bài tập làm văn số 1”.
Bài trước: Tóm tắt văn bản tự sự - Giáo án Ngữ Văn lớp 8 Bài tiếp: Trả bài tập làm văn số 1 - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8