Nói giảm nói tránh - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Học sinh hiểu được khái niệm nói giảm, nói tránh. Tác dụng của biện pháp tu từ nói giảm, nói tránh.
2. Kĩ năng
- Học sinh biết cách phân biệt nói giảm, nói tránh và nói không đúng sự thật.
- Sử dụng nói giảm, nói tránh đúng lúc, đúng chỗ để tạo lời nói trang nhã, lịch sự.
3. Thái độ
- Giáo dục cho học sinh ý thức biết nói giảm, nói tránh phù hợp với tình huống giao tiếp.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
Giáo án, nghiên cứu bài, sách giáo khoa, sách giáo viên, tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng, đọc sách tham khảo, bảng phụ...
2. Học sinh
Chuẩn bị bài, sách giáo khoa, giấy nháp, vở ghi...
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức Sĩ số:
2. Kiểm tra
Hỏi: Thế nào là nói quá? Tác dụng của nói quá? Tìm 5 thành ngữ có sử dụng biện pháp nói quá?
3. Bài mới
- Bên cạnh biện pháp tu từ nói quá, nói giảm, nói tránh cũng là một biện pháp tu từ được dùng nhiều trong giao tiếp. Vậy bản chất của nói giảm, nói tránh là gì? Tác dụng của nó ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu trong tiết học ngày hôm nay.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu khái niệm và tác dụng của nói giảm, nói tránh: - Đọc ví dụ Sách giáo khoa - trang 107. Hỏi: Các từ ngữ in đậm trong các đoạn trích có ý nghĩa là gì? Hỏi: Vì sao tác giả (người viết, người nói) lại sử dụng cách diễn đạt đó? Hỏi: Tìm một vài cách nói khác về cái chết? Ví dụ: đi, về, quy tiên, qua đời, toi, tỏi, ngỏm, hi sinh, mất... Đọc ví dụ 2 (Sách giáo khoa - trang 108). Hỏi: Vì sao trong câu tác giả dùng từ “bầu sữa” mà không sử dụng từ ngữ khác cùng nghĩa? - Tránh thô tục. Đọc ví dụ 3 (Sách giáo khoa - trang 108) Hỏi: so sánh hai cách nói trên xem cách nói nào tế nhị hơn? - Cách nói ở ví dụ hai nhẹ nhàng, tế nhị hơn. Hỏi: Các ví dụ trên đều sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh, vậy em hiểu thế nào là nói giảm nói tránh? Tác dụng? - Là biện pháp tu từ được sử dụng để diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác buồn đau, ghê sợ, tránh thô tục, thiếu lịch sự. Giáo viên giới thiệu một số cách nói giảm, nói tránh. Hỏi: Tìm các từ ngữ nói giảm, nói tránh trong văn bản “Lão Hạc”? - Cậu vàng đi đời rồi. → Đồng nghĩa. - Lão làm bộ đấy... nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu → nói trống (tỉnh lược). - Rút ra ghi nhớ. - Học sinh đọc ghi nhớ. ⇒ Giáo viên chốt. | I. Nói giảm nói tránh và tác dụng của nói giảm, nói tránh: 1. Bài tập trang 107 + Ví dụ 1: - đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê- nin và…khác + Ví dụ 2: đi + Ví dụ 3: chẳng còn - Các từ ngữ in đậm đều nói về cái chết. → Nói như vậy để làm giảm nhẹ đi sự việc, tránh phần nào sự mất mát, buồn đau. - Bầu sữa → tránh sự thô tục - Cách nói thứ hai nhẹ nhàng, tế nhị hơn với người nghe. *Nhận xét: - Cách nói giảm nhẹ sự việc, thể hiện sự tế nhị hơn. Tác dụng: Tránh đi phần nào sự mất mát, buồn đau hay thô tục, thiếu lịch sự. * Chú ý: + Một số biện pháp nói giảm nói tránh: - Sử dụng từ đồng nghĩa (đặc biệt là các từ Hán Việt). ví dụ: chôn = mai táng, an táng. - chết = đi, từ trần, quy tiên... - Sử dụng cách nói phủ định bằng từ ngữ trái nghĩa: Ví dụ: bài thơ của anh dở lắm. → Bài thơ của anh chưa được hay lắm. -Nói vòng: ví dụ: Anh còn kém lắm. → Anh cần phải cố gắng thêm. - Nói trống (tỉnh lược). ví dụ: Anh ấy bị thương nặng thế thì không sống được bao lâu nữa đâu chị ạ. → Anh ấy bị thế thì không được lâu nữa đâu chị ạ, không ổn lắm. 2. Kết luận: *Ghi nhớ (Sách giáo khoa - trang 108). |
Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh: - Đọc bài 1 (trang 108) nêu yêu cầu? - Học sinh làm bài. - Gọi một vài em lên bảng giải. ⇒ Học sinh và giáo viên nhận xét, bổ sung. | II. Luyện tập: 1. Bài tập 1 (trang 108) Điền từ ngữ nói giảm nói tránh vào chỗ trống. a, Đi nghỉ. b, Chia tay nhau. c, Khiếm thị. d, Có tuổi. e, Đi bước nữa. |
- Đọc bài 2 (trang 108), xác định yêu cầu. 2 học sinh lên bảng giải. Học sinh và giáo viên nhận xét, bổ sung. | 2. Bài 2 (trang 109) Trong các cặp câu sau, câu nào sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh. - Câu: a2, b2, c1, d1, e2. |
- Đọc bài 3, xác định yêu cầu, làm bài. - Học sinh nhận xét, giáo viên hướng dẫn, bổ sung. | 3. Bài 3 (trang 109). - Đặt 5 câu: - Anh lười học quá. → Anh học chưa được siêng lắm. - Hành động của anh rất xấu. → Hành động của anh không được đẹp lắm. - Con người anh nông cạn. → Con người chưa sâu sắc lắm. - Bạn học còn kém lắm. → Bạn học chưa tốt lắm. - Lời nói của anh đầy ác ý. → Lời nói của anh thiếu thiện chí. |
- Giáo viên yêu cầu học sinh chỉ ra hoàn cảnh cụ thể không nên nói giảm, nói tránh: Ví dụ: khi toà xử án, khi là người làm chứng trong một sự vụ… | 4. Bài 4 (trang 109) Khi cần thiết phải nói thẳng, nói đúng mức độ thì không sử dụng nói giảm nói tránh. Ví dụ: khi toà xử án, khi là người làm chứng trong một sự vụ… |
4. Củng cố, luyện tập
Hỏi: Thế nào là nói giảm, nói tránh? Tác dụng? lấy ví dụ về các trường hợp không nên nói giảm, nói tránh?
5. Hướng dẫn học ở nhà
Học bài, ghi nhớ, làm bài tập ở nhà, chuẩn bị bài: “Kiểm tra văn”
Bài trước: Thông tin về ngày trái đất năm 2000 - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8 Bài tiếp: Luyện nói: kể chuyện theo ngôi kể kết hợp với miêu tả và biểu cảm - Giáo án Ngữ Văn lớp 8