Tìm hiểu yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận - Giáo án Ngữ Văn lớp 8
I. Mục đích bài học
1. Kiến thức
- Học sinh hiểu lập luận là phương thức biểu đạt chính trong văn nghị luận.
- Biểu cảm là yếu tố hỗ trợ cho lập luận, góp phần tạo nên sức lay động, truyền cảm của bài văn nghị luận.
2. Kĩ năng
- Rèn cho học sinh kĩ năng nhận biết yếu tố biểu cảm và tác dụng của nó trong bài văn nghị luận.
- Biết đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận một cách hợp lí, có hiệu quả, phù hợp với lô gíc lập luận của bài văn nghị luận.
3. Thái độ
- Giáo dục cho học sinh có ý thức đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận để làm tăng sức tuyết phục cho vấn đề nghị luận.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
Soạn bài, nghiên cứu bài, đọc tài liệu tham khảo, tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng.
2. Học sinh
Chuẩn bị bài, học bài cũ, sách giáo khoa, nháp, vở ghi...
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức Sĩ số:
2. Kiểm tra
Hỏi: Nêu khái niệm luận điểm, luận cứ và lập luận?
3. Bài mới
Trong bài văn nghị luận, ngoài các luận điểm, luận cứ và phương thức lập luận người ta cần bổ sung thêm các yếu tố bổ trợ làm tăng sức thuyết phục cho vấn đề nghị luận. Một trong những yếu tố đó là yếu tố biếu cảm. Vậy yếu tố biểu cảm có vai trò như thế nào trong bài văn nghị luận các em cùng tìm hiểu bài học.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Tri thức cần đạt |
---|---|
HOẠT ĐỘNG 1. HƯỚNG DẪN HỌC SINH. TÌM HIỂU YẾU TỐ BIỂU CẢM TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN: - Gọi học sinh đọc bài tập a) Hãy tìm những từ ngữ thể hiện tình cảm mãnh liệt của tác giả và những câu cảm thán trong văn bản trên? Hỏi: Về mặt sử dụng từ ngữ và đặt câu có tính chất biểu cảm. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch có giống với Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn hay không? - Giống có nhiều từ ngữ và câu văn có giá trị biểu cảm. b) Tuy nhiên lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và Hịch tướng sĩ vẫn được coi là văn bản nghị luận không phải là văn bản biểu cảm? - Yếu tố biểu cảm không đóng vai trò chủ đạo mà chỉ là yếu tố phụ cho quá trình nghị luận mà thôi. c) Hãy theo dõi bảng đối chiếu (Sách giáo khoa – Trang 96) Hỏi: Có thể thấy câu ở cột 2 hay hơn những câu ở cột 1? Tại sao như thế? Từ đó hãy cho biết tác dụng của yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận? - Những yếu tố biểu cảm giúp cho bài văn nghị luận trở nên hay hơn hẳn vì: +) Biểu cảm là yếu tố có khả năng gây được hứng thú hoặc cảm xúc đẹp đẽ, mãnh liệt nhất, làm nên cái hay cho văn bản, tạo sức thuyết phục cho văn bản. Hỏi: Qua các bài tập vừa xét: em rút ra kết luận gì về yếu tố biểu cảm trong bài văn nghị luận? - Gọi học sinh đọc ghi nhớ (chấm 1) (Sách giáo khoa - Trang 97) | I. Yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận 1. Bài tập: a. Bài tập: (Sách giáo khoa - Trang 96) Văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” * Nhận xét: +) Các từ ngữ biểu cảm mãnh liệt: - Hỡi, muốn, phải, nhân nhượng, lấn tới, quan tâm, không, thà, chứ nhất định không chịu phải đứng lên, hễ là ai có, ai cũng phải… +) Câu cảm thán - Hỡi đồng bào và chiến sĩ toàn quốc! - Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên! - Hỡi anh em binh sĩ... ! - Thắng lợi nhất định về dân tộc ta! - Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! * kết luận: - Bài văn nghị luận cần có yếu tố biểu cảm. Yếu tố biểu cảm tác động mạnh đến tư tưởng tình cảm người đọc → tạo sức thuyết phục. |
- Gọi học sinh đọc bài tập 2: 2) Thông qua tìm hiểu văn bản Hịch tướng sĩ và lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, em hãy cho biết: Làm thế nào để phát huy hết tác dụng của yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận? Giáo viên: Thiếu yếu tố biểu cảm làm giảm đi sức thuyết phục của bài văn. a) Người làm văn chỉ cần suy nghĩ về luận điểm và lập luận hay cũng phải thật sự xúc động trước những điều mãnh liệt đang nói tới? - Phải thực sự xúc động, tình cảm xuất phát tự đáy lòng, từ trái tim người viết. b. Chỉ có rung cảm không thôi đó đủ chưa? để viết được những câu văn chân thực người viết cần có phẩm chất gì? +) Chưa đủ, phải biết rèn luyện cách biểu cảm phù hợp không phá vỡ mạch lập luận, biểu cảm phải hòa với luận cứ, luận điểm. +) Người làm bài thật sự có tình cảm với bài mình viết (nói) +) Tập cho mình thuần thục cách diễn đạt cảm xúc bằng phương tiện ngôn ngữ có tính truyền cảm, cảm xúc chân thực. c. Có bạn cho rằng: sử dụng nhiều từ ngữ biểu cảm, đặt được nhiều câu cảm thán thì giá trị trong văn nghị luận tăng? ý kiến ấy có đáng tin cậy không? Tại sao? - Không vì yếu tố biểu cảm chỉ là yếu tố bổ trợ, cần đủ và phù hợp trong bài văn nghị luận để làm tăng sức thuyết phục. Hỏi: Qua bài 2 em có nhận xét gì? Muốn bài văn nghị luận có sức biểu cảm, người làm văn phải như thế nào? - Gọi học sinh đọc ghi nhớ: Sách giáo khoa - Trang 97) | b. Bài tập 2: * Kết luận: Người viết phải có cảm xúc chân thực trước điều mình viết, diễn tả bằng những câu văn có sức truyền cảm. - Yếu tố biểu cảm cần đủ để không phá vỡ mạch lạc nghị luận của bài văn. |
HOẠT ĐỘNG 2. HƯỚNG DẪN HỌC SINH LUYỆN TẬP: - Yêu cầu học sinh đọc và xác định yêu cầu bài tập: Hỏi: Chỉ ra yếu tố biểu cảm trong mục I văn bản Thuế máu? Sử dụng biện pháp gì để biểu cảm? Tác dụng? Hỏi: Những cảm xúc gì được thể hiện qua đoạn văn? - Giáo viên hướng dẫn học sinh viết bài tập 3 ở nhà- kiểm tra bài cũ- sửa lỗi | II. Tập luyện: 1. Bài tập 1: Yếu tố biểu cảm trong phần I (Thuế máu) - Các từ ngữ giễu nhại: (con yêu, bạn hiền, chiến sĩ bảo vệ... tên da đen bẩn thỉu, An Nam mít bẩn thỉu, giống người hạ đẳng... ) - Dùng hình ảnh mỉa mai bằng giọng tuyên truyền của thực dân: ( Nhiều người bản sứ... chứng kiến cảnh kỳ diệu của trò trình diễn khoa học về phóng ngư lôi... thuỷ quái; một số khác bỏ xác tại các miền hoang vu thơ mộng vùng Ban -Căng.. Tưới những vòng nguyệt quế... những chiếc gậy... - Tác dụng: Thể hiện sự lên án, mỉa mai, chế giễu, cười cợt, tạo hiệu quả châm biếm sâu cay. Phanh phui tội ác của bọn thực dân. Bài tập 2: - Tác giả phân tích điều hơn lẽ thiệt cho học trò, để họ thấy được tác hại của việc học vẹt học tủ. Người thầy ấy còn bày tỏ nỗi buồn, sự khổ tâm của một nhà giáo chân chính trước sự (xuống cấp) trong lối học văn và làm văn của những học trò mà ông thật lòng yêu quý. - Tác giả sử dụng yếu tố biểu cảm ở cả 3 mặt: Từ ngữ, câu văn và giọng điệu lời văn |
4. Củng cố, luyện tập
Hỏi: Nêu vai trò của yếu tố biểu cảm trong bài văn nghị luận? Cách đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn? Cách diễn đạt tình cảm?
5. Hướng dẫn học ở nhà
Học bài cũ: thuộc ghi nhớ, làm bài tập. Chuẩn bị: “ Đi bộ ngao du” - đọc văn bản, trả lời các câu hỏi đọc - hiểu văn bản.
Bài trước: Hội thoại - Giáo án Ngữ Văn lớp 8 Bài tiếp: Đi bộ ngao du - Giáo án Ngữ Văn lớp 9