Trang chủ > Lớp 8 > Giáo án Ngữ văn 8 chuẩn > Quê hương - Giáo án Ngữ Văn lớp 8

Quê hương - Giáo án Ngữ Văn lớp 8

I. Mục tiêu bài học

1. Kiến thức

- Học sinh cảm nhận được nguồn cảm hứng lớn trong thơ Tế Hanh nói chung và ở bài thơ Quê hương nói riêng: tình quê hương thắm thiết.

- Hình ảnh khoẻ khoắn, tràn đầy sức sống của con người và sinh hoạt lao động; lời thơ bình dị, gợi cảm xúc trong sáng thiết tha.

2. Kĩ năng

- Học sinh nhận biết được tác phẩm thơ lãng mạn.

- Đọc diễn cảm tác phẩm thơ.

- Phân tích được những chi tiết miêu tả, biểu cảm đặc sắc trong bài thơ.

3. Thái độ

- Giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương đất nước, biết trân trọng những vẻ đẹp bình dị của quê hương.

II. Chuẩn bị tài liệu

1. Giáo viên

Soạn bài, nghiên cứu bài, đọc tài liệu tham khảo, tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng.

2. Học sinh

Chuẩn bị bài, học bài cũ, sách giáo khoa, nháp, vở ghi...

III. Tiến trình tổ chức dạy học

1. Ổn định tổ chức Sĩ số

2. Kiểm tra

- Đọc thuộc lòng bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ. Phân tích cảnh hổ ở vườn Bách thú.

3. Bài mới

Giáo viên:

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người

- Lời bài bài ca làm cho ta nhớ tới một làng quê biển miền Trung, từ hơn nửa thế kỉ nay đã in dấu trong thơ Tế Hanh. Với thể thơ 8 chữ, nhịp nhàng nhà thơ đã vẽ lên hình ảnh một làng trài ven biển bằng tình yêu và nỗi nhớ khôn nguôi.

Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh đọc và tìm hiểu chú thích:

- Yêu cầu giọng đọc nhẹ nhàng khi nói về quê hương, giọng đọc khoẻ khoắn khi miêu tả đánh cá.

Hỏi: Qua phần chú thích em hãy nêu những hiểu biết về tác giả và tác phẩm?

I. Đọc và tìm hiểu chú thích:

1. Đọc:

2. Chú thích:

a. Tác giả: Sinh 1921 tên khai sinh là Trần Tế Hanh.

- Quê: Quảng Ngãi.

- Là nhà thơ góp mặt ở chặng cuối của phong trào thơ mới với những bài thơ mang nặng nỗi buồn và tình yêu quê hương tha thiết.

- Sau năm 1975 ông chuyển sang sáng tác phục vụ cách mạng. Những bài thơ của ông diễn tả nỗi nhớ quê hương da diết và khao khát thống nhất đất nước.

- Năm 1996, ông được nhà nước trao tặng giải thường Hồ Chí Minh về văn học Nghệ thuật.

Hỏi: Bài thơ được sáng tác vào năm nào, nội dung viết về vấn đề gì?

- Giáo viên hướng dẫn học sinh giải thích từ khó

b. Tác phẩm: Bài thơ được sáng tác vào năm 1939, là bài thơ mở đầu cho nguồn cảm hứng viết về quê hương của nhà thơ Tế Hanh.

c. Từ khó: Sách giáo khoa / Trang 17

Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh đọc - hiểu văn bản:

Hỏi: Bài thơ sáng tác theo thể thơ nào?

II. Đọc- hiểu văn bản:

1. Thể thơ: 8 tiếng,

- Nhịp thơ: 3/2/3,3/5.

Hỏi: Bài thơ có thể chia làm mấy đoạn? nội dung của từng đoạn?

2. Bố cục:

- Bài thơ có thể chia làm 4 đoạn.

+ 2 câu đầu: Giới thiệu chung về làng quê.

+ 6 câu tiếp: Miêu tả cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá.

+ 8 câu tiếp: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về bến

+ 4 câu còn lại: Nỗi nhớ làng, nhớ biển, nhớ quê hương của nhà thơ.

2. Bố cục:

- Bài thơ có thể chia làm 4 đoạn.

+ 2 câuthơ đầu: Giới thiệu chung về làng quê.

+ 6 câu thơ tiếp: Cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá.

+ 8 câu thơ tiếp: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về bến

+ 4 câu còn lại: Nỗi nhớ làng, nhớ biển, nhớ quê hương của nhà thơ.

3. Phân tích:

a. Cảnh dân làng chài bơi thuyền ra khơi đánh cá:

" Làng tôi …nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông"

- Hai câu thơ bắt đầu bằng những từ ngữ mộc mạc, bình dị, tự nhiên, ngắn gọn, đầy đủ, tác giả đã cung cấp thông tin về quê hương ven biển của mình - về nghề và đặc điểm địa lí: nghề chài lưới, giống như một hòn đào nhỏ bị nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.

Hỏi: Sáu câu thơ tiếp theo miêu tả cảnh gì?

- Cảnh dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá trong một sớm mai hồng.

Hỏi: Hình ảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá được miêu tả vào thời gian và không gian như thế nào?

Hỏi: Hình ảnh con thuyền được nhà thơ miêu tả như thế nào?

Hỏi: Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào khi nói về cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá? Tác dụng của biện pháp nghệ thuật ấy là gì?

"Khi trời trong, gió nhẹ…sớm mai

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

- Bầu trời cao rộng, trong xanh, nhuốm nắng hồng rạng đông → hình ảnh đoàn thuyền băng mình ra khơi, đi đánh cá.

".. thuyền hăng như tuấn mã

…phăng mái chèo …"

Nghệ thuật: So sánh, sử dụng động từ, tính từ mạnh (hăng, phăng vượt để miêu tả hoạt động của con thuyền).

- Miêu tả khí thế dũng mãnh của con thuyền vươn khơi với sức sống mãnh mẽ, vẻ đẹp hùng tráng đầy quyến rũ.

Hỏi: Cánh buồm được nhà thơ miêu tả như thế nào?

Hỏi: Em có nhận xét gì về cách miêu tả cánh buồm của nhà thơ? Cánh buồm biểu tượng cho điều gì của làng trài?

(Nhà thơ vừa như vẽ ra được cái hình vừa như cảm nhận được cái hồn của làng trài thân yêu trong nỗi nhớ, đó cũng chính là bút pháp vừa tả thực vừa lãng mạn trong thơ Tế Hanh)

"Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng …Rướn thân trắng …thâu góp gió"

- Nghệ thuật: So sánh, ẩn dụ → Hình ảnh cánh buồm thân thuộc trở nên lớn lao và thiêng liêng. Nhà thơ như nhận ra đó chính là biểu tượng cho linh hồn của làng trài.

Hỏi: Em có nhận xét gì về cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá?

- Giáo viên: Vẻ đẹp đầy lãng mạn của người dân chài, trời đẹp, gió nhẹ. Hình ảnh người dân chài khỏe mạnh vạm vỡ toát lên vẻ đẹp hùng tráng, sức sống mạnh mẽ, bức tranh lao động đầy hứng khởi, tràn đầy sức sống. Hình ảnh cánh buồm trăng căng phồng lướt trên biển mang mảnh hồn làng …. người dân chài khỏe mạnh, vô tư, hăng say lao động.

⇒ Một bức tranh phong cảnh thiên nhiên tươi sáng và hình con người lao động đầy hứng khởi, tràn đầy sức sống.

- Gọi Học sinh đọc 8 câu thơ tiếp.

Hỏi: Cảnh đoàn thuyền trở về bến hiện được nhà thơ miêu tả ở những câu thơ nào?

(Giáo viên yêu cầu học sinh chú ý 4 câu thơ tiếp)

Hỏi: Tác giả đã sử dụng những từ ngữ có cấu tạo như thế nào để miêu tả cảnh đoàn thuyền trở về? Tác dụng của chúng là gì?

Hỏi: Vì sao câu thơ thứ 3 lại được đặt trong dấu ngoặc kép?

Giáo viên: Khung cảnh đầm ấm, rộn ràng. Nhờ ơn trời, lời cảm tạ đất trời đã phù hộ dân làng trở về an toàn, thắng lợi

Hỏi: Hình ảnh người dân chài và con thuyền được tác giả miêu tả như thế nào?

b. Cảnh thuyền cá về bến:

- Dân làng tấp nập đón nghe về

…cá đầy ghe …

.. cá tươi ngon thân bạc trắng

- Sử dụng các từ láy tượng hình tượng thanh, miêu tả không khí náo nhiệt đầy ắp niềm vui đón nhận thành quả lao động to lớn.

- Lời cảm tạ trời yên biển lặng cho dân làng trở về an toàn, thắng lợi "cá đầy ghe"

"Dân chài... ngăm rám nắng

... thân hình nồng thở …xa..

Chiếc thuyền im bến mỏi …nằm

Nghe chất muối... vỏ"

Hỏi: Em hiểu làn da ngăm dám nắng là làn da như thế nào?

- Vất vả vật lộn, làn da đen bởi vì nắng gió của biển ⇒ con người khỏe mạnh, mang hương vị biển khơi.

Hỏi: Em hiều thế nào là thân hình nồng thở vị xa xăm?

- Hình ảnh người dân trài khoẻ mạnh vạm vỡ là hình ảnh vừa tả thực vừa lãng mạn, con người trở nên có tầm vóc lớn lao, phi thường (nước da ngăm nhuộm nắng nhuộm gió; thân hình thấm đậm vị mặn mòi nồng toả" vị xa xăm" của biển khơi.

Hỏi: Em có cảm nhận như thế nào về hình ảnh con thuyền im trên bến mỏi?

Hỏi: Trong hai câu thơ này tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?

Hỏi: Từ đó em cảm nhận được vẻ đẹp nào của con thuyền?

- Giáo viên: Hình ảnh người dân chài vừa chân thực vừa lãng mạn với tầm vóc lớn lao phi thường. Con thuyền được tác giả nhân hóa gắn bó mật thiết với sự sống con người nơi đây

Hỏi: Cảnh đoàn thuyền trở về hiện lên như thế nào?

- Con thuyền cũng nghỉ ngơi sau ngày dài lao động nặng nhọc.

Nghệ thuật: nhân hóa, gợi tả → cảm nhận con thuyền giống như một cơ thể sống, nó cung biết mỏi mệt sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lắng "nghe chất muối thấm…"

- Con thuyền một vật vô tri vô giác trở nên có hồn, cũng giống như người dân trài, con thuyền ấy cũng thấm đẫm vị mặn mòi của biển khơi. Hình ảnh con thuyền được miêu tả bởi một tâm hồn tinh tế, tài hoa và tấm lòng gắn bó sâu nặng với quê hương.

⇒ Không khí vui tươi náo nhiệt đón nhận thành quả lao động sau một ngày dài vất vả. Những người dân làng chài mạnh khỏe mang vẻ đẹp và sự sống nồng mặn của biển cả. Con thuyền gắn bó mật thiết với sự sống con người nơi đây.

- Gọi Học sinh đọc 4 câu thơ tiếp

Hỏi: Trong xa cách nhà thơ nhớ tới những điều gì nơi quê nhà?

- Vì sao lại nhớ màu nước cá bạc …?

- Vì sao tác giả lại nhớ nhất cái mùi mặn nồng của quê hương mình? → Mùi đặc trưng của quê hương.

Hỏi: Em có nhận xét gì về nỗi nhớ của nhà thơ?

c. Nỗi nhớ quê hương:

" Nay xa cách... nhớ

Màu nước xanh..... buồm vôi,

Thoáng con thuyền...... khơi,

Tôi thấy nhớ.............. quá! "

- Nhớ những hình ảnh thân thuộc của làng quê (Màu nước. cá bạc, chiếc buồm vôi, nhớ mùi nồng mặn của biển... )

Nghệ thuật: Câu cảm thán, phép liệt kê.

⇒ Nỗi nhớ làng quê khôn nguôi thật chân thành, thiết tha, bình dị, tự nhiên. Nỗi nhớ ấy như được thốt lên từ trái tim yêu quê hương sâu nặng.

Hoạt động 3. Hướng dẫn học sinh tổng kết:

Hỏi: Nêu những cảm nhận của em về nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ?

- Giáo viên gọi học sinh đọc ghi nhớ sách giáo khoa

Giáo viên: Chốt, gọi học sinh đọc ghi nhớ.

- Giáo viên hướng dẫn học sinh luyện tập ở nhà

III. Tổng kết:

1. Nội dung:

- Hình ảnh thiên nhiên, lao động, sinh hoạt toát lên vẻ đẹp trong sáng, khoẻ khoắn vừa chân thực, vừa lãng mạn.

2. Nghệ thuật:

- Thơ trữ tình biểu cảm kết hợp với miêu tả, hình ảnh thơ sáng tạo, biện pháp so sánh, nhân hóa.

*Ghi nhớ: (Sách giáo khoa Trang 18)

4. Củng cố, luyện tập

- Nội dung bài học có mấy đơn vị kiến thức cần ghi nhớ?

- Nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ?

5. Hướng dẫn học ở nhà

Học bài cũ, chuẩn bị bài: Khi con tu hú