Trong lòng mẹ (Tiết 1) - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Học sinh có được những kiến thức cơ bản về thể văn hồi kí, thấy được đặc điểm của thể văn hồi kí qua ngòi bút tác giả Nguyên Hồng: Thấm đượm chất trữ tình, lời văn chân thành, dạt dào cảm xúc.
- Nắm được khái niệm thể văn hồi kí; cốt truyện, nhân vật, sự kiện trong đoạn trích “Trong lòng mẹ”.
- Ngôn ngữ truyện thể hiện niềm khát khao tình cảm ruột thịt cháy bỏng của nhân vật.
- Ý nghĩa giáo dục: Những định kiến lạc hậu, nhỏ nhen, ác độc không thể làm khô héo tình cảm ruột thịt sâu nặng thiêng liêng.
2. Kĩ năng
- Bước đầu biết cách đọc - hiểu một văn bản hồi kí
- Áp dụng kiến thức về sự kết hợp các phương thức biểu đạt trong văn bản tự sự để phân tích tác phẩm truyện.
3. Thái độ
- Học sinh có tình cảm gia đình, lòng yêu thương thông cảm, kính trọng cha mẹ.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên chuẩn bị bài soạn, tài liệu tham khảo, chuẩn kiến thức kỹ năng.
2. Học sinh soạn bài, đọc văn bản, chuẩn bị đầ đủ đồ dùng học tập.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức Sĩ số
2. Kiểm tra
Hỏi: Phân tích thái độ, cử chỉ của những người lớn (bà mẹ, ông đốc, thầy giáo trẻ) đối với những em nhỏ lần đầu đến trường?
3. Bài mới
Giáo viên: Giới thiệu bài mới:
- Nhà văn Nguyên Hồng luôn hướng ngòi bút của mình tới những người cùng khổ, gần gũi mà ông yêu thương sâu sắc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần ấy là tác phẩm “Những ngày thơ ấu” mà hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu đoạn trích: “ Trong lòng mẹ”.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt được |
---|---|
Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh đọc và tìm hiểu chú thích: - Hướng dẫn học sinh đọc và thảo luận chú thích giáo viên đọc mẫu, hướng dẫn: giọng đọc bà cô (nghiệt ngã, cay độc), bé Hồng (dè dặt, đề phòng.... ) - Học sinh đọc. - Học sinh, giáo viên nhận xét, sửa chữa. - Giáo viên chuyển ý: | I. Đọc, tìm hiểu chú thích: 1. Đọc: |
Hỏi: Nêu những hiểu biết của em về tác giả Nguyên Hồng? - 17 tuổi tác giả cùng mẹ ra Hải Phòng sống với những người “dưới đáy” xã hội. - Sớm giác ngộ cách mạng thời kì Mặt trận dân chủ1936-1939 → viết báo. - Năm 1939 bị thực dân Pháp bắt giam, năm 1942 được trả tự do, năm 1943 ra nhập hội văn hóa cứu quốc. Mất tại Yên Thế - Hải Phòng. - Thế giới nhân vật trong tác phẩm: lưu manh, phu phen, thợ thuyền, trẻ em đầu đường xó chợ, tri thức nghèo chịu nhiều đau đớn, bất hạnh → luôn yêu cuộc sống và ý thức được nhân phẩm của mình. - Phụ nữ lao động, trẻ em là những nhân vật ám ảnh, xuất hiện nhiều trong tác phẩm của ông. - Giáo viên só sánh với nhà văn Nam Cao cùng những nhân vật như thế → thể hiện tình yêu, sự đồng cảm. Nam Cao viết bằng ngòi bút sắc lạnh, Nguyên Hồng: ngòi bút tràn đầy yêu thương. Hỏi: Kể tên một số tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng? - Bỉ vỏ - tiểu thuyết- 1938 - Những ngày thơ ấu - 1938 - Trời xanh - tập thơ- 1960 - Cửa biển- bộ tiểu thuyết. - Núi rừng Yên Thế. - Bước đường viết văn - Hồi kí 1970 | 2. Tìm hiểu chú thích: a. Tác giả: Nguyên Hồng (1918-1982), quê Nam Định. Trước Cách mệnh tháng Tám chủ yếu sống ở Hải Phòng. → Nguyên Hồng là nhà văn của những người cùng khổ, viết nhiều về những người phụ nữ lao động và trẻ em, có nhiều sáng tác ở các thể loại kí, thơ, tiểu thuyết... - Được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. |
Hỏi: Em biết gì về tập tiểu thuyết “Những ngày thơ ấu” của tác giả Nguyên Hồng? | b. Tác phẩm: “Những ngày thơ ấu” (1938) → Hồi kí kể về cuộc đời đắng cay của tác, giả gồm 9 chương: Đoạn trích “Trong lòng mẹ” thuộc chương IV của tác phẩm. |
Hỏi: Giải thích từ “rất kịch”? “ Tha hương cầu thực” có nghĩa là gì? - Giáo viên chuyển ý: | c. Từ khó: Sách giáo khoa. |
Hoạt động 2: Hướng dẫn học sinh đọc - hiểu văn bản: Hỏi: Văn bản được viết theo thể loại nào? | II. Đọc - hiểu văn bản: 1. Thể loại: Hồi kí. |
Hỏi: Đoạn trích được chia làm mấy phần? Nội dung từng phần? - Giáo viên chuyển ý: - Hướng dẫn học sinh tìm hiểu văn bản | 2. Bố cục gồm 2 phần: - Phần 1: Từ đầu → “ người ta hỏi đến chứ” Cuộc đối thoại giữa bà cô và chú bé Hồng; ý nghĩ, tình cảm của bé Hồng đối với mẹ. - Phần 2: Còn lại: Cuộc gặp gỡ bất ngờ của bé Hồng với mẹ. 3. Phân tích: |
Hỏi: Đoạn trích có những nhân vật nào? Nhân vật chính là ai? - Bà cô, bé Hồng, mẹ bé Hồng. Bé Hồng là nhân vật chính. - Giáo viên giới thiệu cho học trò hiểu sơ qua về hoàn cảnh của chú bé Hồng, giúp các em nắm rõ hơn đặc điểm nhân vật bà cô trong cuộc thoại với cháu. Học sinh đọc: “Một hôm... trang 15. | a. Nhân vật bà cô: |
Hỏi: Tìm chi tiết miêu tả hành động của bà cô khi nói chuyện với bé Hồng về mẹ? | - Hành động: Cười hỏi: Hồng! “Mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không? vỗ vai, cười, tả chi tiết về hoàn cảnh túng quẫn, gầy guộc, rách rưới của mẹ bé Hồng.. |
Hỏi: Nét mặt của người cô có gì đặc biệt? - Cười hỏi chứ không phải lo lắng hỏi hoặc nghiêm nghị hay âu yếm hỏi. Điều đó cho thấy bà cô là người rất hiểm độc, muốn thông qua đó để châm chọc, mỉa mai chú bé Hồng. | - Nét mặt: cười rất kịch → thể hiện sự giả rối. |
Hỏi: Em có nhận xét như thế nào về tình cảm của người cô đối với đứa cháu mồ côi cha của mình? | - Tình cảm: Giả dối, bỡn cợt, mỉa mai chú bé Hồng. |
Hỏi: Tìm các chi tiết trong văn bản diễn tả giọng nói, thái độ của bà cô? | - Giọng nói: ngọt ngào nhưng đầy cay độc: "sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu? "Mày dai quá, cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ ”; "Ngân dài tiếng “em bé” thật rõ, thật ngọt" - Thái độ: soi mói, dò xét: “Chăm chăm nhìn tôi", không buông tha mà cố tình châm chọc, nhục mạ, miệt thị mẹ bé Hồng. |
Hỏi: Mục đích của bà cô trong cuộc hội thoại với bé Hồng là gì? | - Mục đích: cố tình gieo rắc những suy nghĩ khinh miệt mẹ cho bé Hồng nhằm chia rẽ tình cảm mẹ con. |
Hỏi: Qua đó em nhận thấy nhân vật bà cô là người như thế nào? qua đó tác giả bộc lộ thái độ gì? | ⇒ Bà cô là người lạnh nhạt, tàn nhẫn, nham hiểm, xảo quyệt, cạn tình máu mủ. Bà cô đại diện cho tầng lớp xã hội lạc hậu, vô nhân đạo, thiếu tình người. |
- Giáo viên nói thêm về quan niệm của xã hội phong kiến đối với người đàn bà. Tính cách của bà cô là sản phẩm của những định kiến đó. | → Tác giả ngầm lên án xã hội phong kiến với những cổ tục đày đoạ con người. |
4. Củng cố, luyện tập
Hỏi: Bà cô của bé Hồng là người như thế nào?
Hỏi: Qua nhân vật này giúp em hiểu gì về xã hội phong kiến đương thời?
5. Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà
Học bài, nắm được nội dung. Chuẩn bị tiếp các câu hỏi 2,3,4 (Sách giáo khoa); xem bài tập phần luyện tập.
Bài trước: Tính thống nhất về chủ đề của văn bản - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8 Bài tiếp: Trong lòng mẹ (Tiết 2) - Giáo án Ngữ Văn lớp 8