Luyện nói: thuyết minh về một thứ đồ dùng - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Học sinh biết cách quan sát và nắm được đặc điểm cấu tạo, công dụng của những vật dụng gần gũi với bản thân.
2. Kĩ năng
- Rèn cho học sinh kĩ năng tạo lập một văn bản thuyết minh.
- Sử dụng ngôn ngữ dạng nói trình bày chủ động về một thứ đồ dùng trước tập thể lớp.
3. Thái độ
- Có ý thức chuẩn bị bài luyện nói, tập nói trước tập thể. Có ý thức thái độ đúng đắn, nghiêm túc trong học tập.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giảng viên
Giáo án, nghiên cứu bài, sách giáo khoa, sách giáo viên, tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng, đọc sách tham khảo...
2. Học sinh
Chuẩn bị bài luyện nói, học bài cũ, sách giáo khoa, nháp, vở ghi...
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức Sĩ số
2. Kiểm tra
Hỏi: Đề văn thuyết minh nêu những gì? Cách làm bài văn thuyết minh?
- Đề văn thuyết minh nêu đối tượng thuyết minh.
- Để làm bài thuyết minh cần tìm hiểu kĩ đối tượng thuyết minh, xác định rõ phạm vi kiến thức, sử dụng phương pháp thuyết minh thích hợp, ngôn từ chính xác, dễ hiểu.
- Bố cục: 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài
3. Bài mới
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1. Hoạt động 1 chuẩn bị: Hỏi: Xác định thể loại và đối tượng thuyết minh? | I. Chuẩn bị: * Đề bài. Thuyết minh về cái phích nước. 1. Tìm hiểu đề: - Thể loại: Thuyết minh về một đồ dùng. - Đối tượng: phích nước. |
Hỏi: Mở bài em cần làm gì? | 2. Lập dàn bài: a. Mở bài: Phích nước là đồ dùng thân thuộc trong mỗi gia đình, được dùng để giữ nước nóng. |
Hỏi: Phần thân bài em làm gì? Chú ý: cần chọn lựa phương pháp thuyết minh sao cho phù hợp, có thể chọn phương pháp phân tích, phân loại và liệt kê. | b. Thân bài: Thuyết minh về cấu tạo của phích nước. - Do những bộ phận nào tạo thành? - Ruột phích có cấu tạo như thế nào? + gồm hai lớp thuỷ tinh, ở giữa là chân không có tác dụng làm mất khả năng truyền nhiệt ra ngoài. Phía trong lớp thuỷ tinh được tráng bạc, miệng bình nhỏ giúp làm giảm khả năng truyền nhiệt. - Vỏ phích thường được làm bằng gì? Tác dụng? - Cach bảo quản, sử dụng phích như thế nào? |
Hỏi: Kết bài nêu điều gì? | 3. Kết bài: - Bày tỏ thái độ của bản thân đối với chiếc phích. |
Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh luyện nói trong tổ, nhóm: Mỗi tổ 5-6 em trình bày bài chuẩn bị. Học sinh khá giỏi nói trước, học sinh yếu kém nói sau. Các học sinh khác nhận xét về tư thế, tác phong, nội dung, cách diễn đạt của bạn. | II. Luyện nói trong tổ, nhóm: - Giáo viên chia nhóm theo từng tổ. - Dưới sự điều khiển của tổ trưởng, lần lượt các tổ viên nói. |
Hoạt động 3. Hướng dẫn học sinh thực hành nói trước tập thể: - Giáo viên gọi 5-8 em lên nói trước lớp. - Học sinh và giáo viên nhận xét, sửa chữa các mặt: tư thế, tác phong, nội dung, cách diễn đạt. | III. Luyện nói trước lớp: - Từ 5 - 8 em nói trước lớp. - Yêu cầu: Nói to, rõ ràng để mọi người cùng nghe được, tự tin, tự nhiên, đàng hoàng, mắt nhìn thẳng về phía mọi người. |
4. Củng cố, luyện tập
Hỏi: Giáo viên nhận xét đánh giá giờ luyện nói những ưu điểm và hạn chế.
5. Hướng dẫn học sinh học bài ở nhà
- Hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài.
- Chuẩn bị bài: “Viết bài Tập làm văn số 3”
Bài trước: Dấu ngoặc kép - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8 Bài tiếp: Viết bài tập làm văn số 3 - Giáo án Ngữ Văn lớp 8