Lão Hạc (Tiết 2) - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Hiểu được nguyên nhân dẫn đến cái chết của lão Hạc, thái độ tình cảm của nhân vật kể chuyện đối với lão Hạc. tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn Nam Cao.
- Tài năng nghệ thuật xuất sắc của nhà văn Nam Cao trong việc xây dựng tình huống truyện, miêu tả, kể chuyện, khắc hoạ hình tượng nhân vật.
2. Kĩ năng
- Tìm và phân tích các chi tiết gợi cảm
- Áp dụng những kiến thức về sự kết hợp các phương thức biểu đạt trong văn bản tự sự để phân tích tác phẩm tự sự viết theo xu hướng hiện thực.
3. Thái độ
- Học sinh có lòng thương yêu, kính trọng đối với những người nông dân nghèo nhưng cao thượng, nhân hậu, bồi dưỡng cho học sinh lòng nhân hậu.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
Chuẩn bị bài soạn, tài liệu tham khảo, chuẩn kiến thức kỹ năng, sách giáo khoa, sách giáo viên.
2. Học sinh
Soạn bài, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập, vở ghi, sách giáo khoa, nháp...
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức Sĩ số:
2. Kiểm tra
Hỏi: Phân tích diễn biến tâm trạng lão Hạc khi bán cậu vàng?
( Lão vô cùng hối hận, đau đớn, xót xa, day dứt cảm giác có lỗi) khi phải bán cậu vàng: lão cố tỏ ra vui vẻ, lão cười như mếu, đôi mắt lão ầng ậc nước, mặt lão co rúm lại. đầu ngoẹo về một bên, lão mếu máo như con nít).
3. Bài mới
Giờ trước chúng ta đã cùng tìm hiểu tâm trạng của lão Hạc khi phải bán đi cậu vàng. Giờ này chúng ta tiếp tục tìm hiểu văn bản để thấy rõ hơn về số phận người nông dân này và tình cảm thái độ của tác giả với nhân vật nói riêng, số phận của người nông dân trước cách mạng Tháng 8 nói chung.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt được |
---|---|
Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh đọc, hiểu văn bản (tiếp) Hỏi: Em hiểu như thế nào về nguyên nhân dẫn đến cái chết của lão Hạc? | b. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của lão Hạc: - Do tình cảnh túng quẫn, đói khổ, lão Hạc đã tìm đến cái chết như một hành động nhằm tự giải thoát. |
Hỏi: Xét về mọi khía cạnh lão Hạc liệu có thể tiếp tục sống nữa không? Trước khi chết lão đã gửi lại ông giáo những gì? | - Nếu là một người tham sống, lão vẫn có thể tiếp tục sống thậm chí sống lâu nữa là đằng khác. (lão còn ba mươi đồng bạc, ba sào vườn có thể bán dần) |
Hỏi: Vì sao lão Hạc không tiếp tục sống khi vẫn còn khả năng sống mà lại tìm đến cái chết? qua đó phẩm chất nào trong con người lão Hạc được bộc lộ? ( lão không muốn ăn phạm vào những đồng tiền cuối cùng lão dành dụm cho con, chẳng thể bán đi căn nhà và mảnh vườn, không muốn để cái chết của mình phiền đến làng xóm láng giềng) | - Cái chết bắt nguồn từ lòng thương con thầm lặng mà lớn lao, từ lòng tự trọng đáng kính. |
Hỏi: Trước khi chết lão hạc đã nhờ ông giáo trông giữ giúp mảnh vườn, căn dặn việc ma chay... em có nhận xét như thế nào về hành động đó của lão Hạc? ( Giáo viên liên hệ bối cảnh xã hội lúc bấy giờ) Hỏi: Theo em lão Hạc có sự chuẩn bị cho cái chết hay không? Nếu có thì từ khi nào? | - Lão Hạc tỉnh táo nhận ra hoàn cảnh của mình, cẩn thận chu đáo và giàu lòng tự trọng khi chuẩn bị cho cái chết. |
Hỏi: Theo em lão Hạc có sự chuẩn bị cho cái chết hay không? Nếu có thì bắt đầu từ khi nào? | - Lão Hạc đã lặng lẽ chuẩn bị chu đáo cho cái chết của mình từ sau khi khi bán “cậu Vàng”. |
Hỏi: Lão Hạc đã chết như thế nào? (Lão Hạc vật vã trên giường, đầu tóc rũ rượi, áo quần xộc xệch, hai mắt lão long sòng sọc, lão tru tréo, bọt mép sùi ra, chốc chốc lại giật một cái, nảy lên. ) | - Cái chết của lão Hạc vô cùng đau đớn và dữ dội. |
Hỏi: Qua cái chết của lão Hạc em có cảm nhận gì về số phận người nông dân trong xã hội cũ? Hỏi: Em có nhận xét gì về từ ngữ tác giả sử dụng trong việc miêu tả cái chết của lão Hạc? Nêu tác dụng? - Từ láy → có tác dụng gợi hình → học ở giờ sau Hỏi: Theo em vì sao lão Hạc lại chọn cái chết bằng cách ăn bả chó mà không phải cách nào khác? (Học sinh thảo luận theo bàn trong vòng 3 phút) → Báo cáo. - Giáo viên kết luận. ( Lần đầu tiên lão đã lừa cậu vàng khiến cậu phải chết thì lão cũng phải chọn cái chết như một con chó bị lừa → đó là một ý muốn tự trừng phạt vô cùng ghê gớm). Hỏi: Điều này càng chứng tỏ phẩm chất gì ở lão? - Chứng tỏ lòng tự trọng, đức tính trung thực ở lão Hạc → Không nỡ nói dối ngay với cả một con chó - Giáo viên chuyển ý: | ⇒ Từ bi kịch cuộc đời lão Hạc, ta thấy được số phận cùng cực, đáng thương không có lối thoát của những người nông dân nghèo khổ trước cách mạng tháng Tám. |
Hỏi: Qua cách nói truyện và xưng hô của lão Hạc cho thấy nhân vật tôi là nười như thế nào? Hỏi: Thái độ, cách xưng hô của ông giáo đối với lão Hạc? khi nghe lão Hạc kể chuyện như thế nào? Hỏi: Tìm những chi tiết diễn tả hành động, cách cư xử chứng tỏ sự đồng cảm, xót xa yêu thương của nhân vật “tôi” đối với lão Hạc? (Tôi muốn ôm choàng lấy lão mà oà lên khóc, tôi an ủi lão, tôi ngậm ngùi nhìn lão, tôi nắm lấy cái vai gầy của lão ôn tồn nói... những người nghèo thường dễ tủi thân nên hay chạnh lòng). - Xưng hô: cụ – tôi. Hỏi: Nêu ý nghĩ của nhân vật “tôi” về tình cảnh và nhân cách của lão Hạc? Hỏi: Khi nghe Binh Tư nói về việc lão Hạc xin bả chó để bắt con chó nào sang vườn nhà lão, nhân vật “tôi” có ý nghĩ như thế nào? (Cảm thấy cuộc đời thật đáng buồn và xót xa cho tình cảnh của lão Hạc) → Đây là chi tiết nghệ thuật góp phần tạo tính chất bất ngờ, đẩy tình huống chuyện lên đỉnh điểm. | c. Thái độ, tình cảm của nhân vật “tôi” đối với lão Hạc: - Nhân vật tôi là một người trí thức nghèo trong xã hội cũ “ông giáo”. - Luôn lắng nghe, đồng cảm và tôn trọng lão Hạc → (xưng hô cụ - tôi - > thể hiện sự tôn trọng) (an ủi lão Hạc, ngậm ngùi nghe lão Hạc kể chuyện, nhất là lời hữa trước vong linh của lão) (lão Hạc ơi! bây giờ thì tôi hiểu... ai mà chả phải buồn... Lão Hạc ơi lão hãy yên lòng nhắm mắt... ) - Thể hiện sự cảm thông với tình cảnh của lão Hạc, thán phục nhân cách cao đẹp của lão (con người đáng kính → lão Hạc) |
Hỏi: Trước cái chết của lão Hạc ông giáo có thái độ và tình cảm như thế nào? Hỏi: Vì sao khi chứng kiến cái chết của lão Hạc nhân vật "tôi" lại thấy cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác? | ⇒ Yêu thương, đau đớn, xót xa, trước số phận người nông dân nghèo khổ nhưng giàu lòng tự trọng, sống thuỷ chung, nhân hậu. - Nhân vật “Tôi” kính phục phẩm chất trong sáng của người nông dân “chết trong còn hơn sống đục” → một người đáng kính như thế tại sao lại phải chịu cái chết vật vã đớn đau đến như vậy. |
Hỏi: Theo em cái hay của truyện được thể hiện rõ nhất thông qua chi tiết nào? ( Nhân vật “tôi” nghe Binh Tư kể về việc lão Hạc xin bả chó) → tình huống nghệ thuật tạo nên sự bất ngờ mở ra một kết thúc mới) | d. Nghệ thuật: - Tình huống truyện bất ngờ, cuốn hút. |
Hỏi: Cách xây dựng hình tượng nhân vật có gì đặc sắc? | - Khắc hoạ nhân vật tài tình, sử dụng ngôn ngữ sinh động, ấn tượng, giàu tính gợi hình, gợi cảm. |
Hỏi: Cách kể chuyện ở ngôi kể thứ nhất tạo hiệu quả nghệ thuật gì? | - Kể chuyện theo ngôi thứ nhất → giúp truyện trở nên chân thực, cốt truyện linh hoạt. - Giọng điệu tự sự, trữ tình kết hợp với những triết lí sâu sắc. |
Hỏi: Em hiểu ý nghĩ của nhân vật "tôi" như thế nào qua câu đoạn văn “chao ôi... ích kỉ che lấp mất” | - Tác giả muốn diễn đạt một triết lí sống mang tinh thần nhân đạo: Cần phải đặt mình vào những tình cảnh cụ thể của những người xung quanh thì mới có thể hiểu đúng, cảm thông đúng với họ. |
Hỏi: Qua đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” và “Lão Hạc” em hiểu gì về cuộc đời và tính cách của những người nông dân nghèo trong xã hội thực dân nửa phong kiến? | - Qua các tác phẩm này người đọc hiểu được hoàn cảnh nghèo khổ bế tắc của những người nông dân nghèo trong xã hội thực dân nửa phong kiến. - Họ nghèo khổ, bế tắc nhưng lại có vẻ đẹp tâm hồn cao quý, lòng tận tuỵ, hy sinh quên mình vì người thân. |
Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh tổng kết: Hỏi: Em cảm nhận được gì về nội dung và nghệ thuật truyện ngắn: “Lão Hạc”? - Học sinh đọc ghi nhớ sách giao khoa trang 48 | III. Tổng kết: - Truyện thể hiện một cách chân thực, cảm động số phận đầy đau thương của người nông dân trong xã hội cũ và những phẩm chất cao quý tiềm tàng của họ. Đồng thời, truyện còn cho thấy tấm lòng yêu thương, trân trọng đối với những người nông dân và tài năng nghệ thuật xuất sắc của nhà văn Nam Cao, đặc biệt trong việc miêu tả tâm lí nhân vật và cách kể chuyện. * Ghi nhớ: Sách giáo khoa trang 48 |
4. Củng cố, luyện tập
Hỏi: Nguyên nhân dẫn đến cái chết của lão Hạc? Những suy nghĩ của của nhân vât tôi về phẩm chất và con người lão Hạc?
Hỏi: Nêu giá trị nghệ thuật của truyện ngắn: “Lão Hạc”
5. Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà
- Chuẩn bị bài “Từ tượng hình, từ tượng thanh”
Bài trước: Lão Hạc (Tiết 1) - Giáo án Ngữ Văn Lớp 8 Bài tiếp: Từ tượng hình, từ tượng thanh - Giáo án Ngữ Văn lớp 8