Trang chủ > Lớp 7 > Giáo án Ngữ văn 7 chuẩn > Giáo án: Xa ngắm thác núi Lư - Ngữ Văn lớp 7

Giáo án: Xa ngắm thác núi Lư - Ngữ Văn lớp 7

I. Mục tiêu bài học

1. Kiến thức

- Cảm nhận được vẻ đẹp của thác núi Lư, qua đó phần nào thấy được tâm hồn và tính cách phóng khoáng của Lí Bạch và nghệ thuật thơ Đường luật nói chung và thơ Lí Bạch nói riêng.

- Cảm nhận được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản “Phong Kiều dạ bạc”.

2. Kĩ năng

- Đọc diễn cảm và phân tích thơ tứ tuyệt Đường luật.

3. Thái độ

- Có thái độ yêu quý và trân trọng những tinh hoa văn hoá của thế giới.

- Yêu cảnh thiên nhiên đẹp.

II. Chuẩn bị tài liệu

1. Chuẩn bị của giáo viên

- Giáo viên soạn bài, chuẩn bị sách giáo khoa, sách giáo viên, đọc sách tham khảo, tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng, các tài liệu: kiến thức cơ bản và bài tập nâng cao.

2. Chuẩn bị của học sinh

- Chuẩn bị bài, tư liệu liên quan đến bài học, đọc bài, xem trước bài.

III. Tiến trình tổ chức dạy học

1. Ổn định tổ chức

- Kiểm tra sĩ số:

2. Kiểm tra đầu giờ

Hỏi: Đọc thuộc lòng và diễn cảm bài thơ “Bạn đến chơi nhà”? Theo em bài thơ hay nhất ở câu nào? Tại sao? Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ?

3. Bài mới

Câu hỏi 1. Em hiểu gì về thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật? Kể tên các bài thơ thuộc thể thơ này đã được học trong chương trình Ngữ Văn 7.

Giáo viên hướng dẫn: Thơ Đường luật là một thành quả huy hoàng của thơ cổ Trung Hoa do gần 3000 thi sĩ sống trong triều đại nhà Đường viết nên. Xa nhắm thác núi Lư là một trong những bài thơ nổi tiếng của Lí Bạch. Lí Bạch là một nhà thơ nổi tiếng hàng đầu của thơ Đường cũng như thơ ca Trung Quốc.

Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

Hoạt động 1. Hướng dẫn đọc và tìm hiểu chú thích:

- Giáo viên yêu cầu đọc: Đọc đúng, chính xác, nhấn mạnh các từ: sinh, quải, nghi, thị.

- Giáo viên đọc mẫu, học sinh đọc.

- Giáo viên nhận xét.

Hỏi: Đối chiếu bản dịch thơ với phần dịch nghĩa? Bản dịch thơ đã dịch hết các từ ở bản phiên âm chưa? Còn từ nào dịch chưa đạt?

Hỏi: Nêu những nét tiêu biểu về tác giả Lí Bạch?

Học sinh đọc nhanh, thầm các chú thích từ khó sách giáo khoa

A. Hướng dẫn đọc thêm: Xa ngắm thác núi Lư (Lí Bạch)

I. Hướng dẫn đọc và tìm hiểu chú thích:

1. Đọc.

- Bản dịch thơ: Khá đầy đủ

- Tồn tại: Câu 2: bỏ mất chữ “quải” (treo)

2. Chú thích.

- Tác giả: Lí Bạch (701- 762) là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường.

- Ông được mệnh danh là: “Tiên thơ”. Thơ ông biểu hiện một tâm hồn thơ tự do, với bút pháp lãng mạn, bay bổng.

- Ông hay viết về đề tài chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu, tình bạn.

* Từ khó: sách giáo khoa

Hoạt động 2. Hướng dẫn đọc hiểu văn bản:

Hỏi: Văn bản được viết theo thể loại loại nào?

II. Tìm hiểu văn bản:

1. Kiểu văn bản: Biểu cảm

- Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

Hỏi: Căn cứ vào nhan đề bài thơ và câu thơ thứ hai (lưu ý từ: vọng, dao) hãy xác định vị trí đứng ngắm thác của tác giả?

Hỏi: ở vị trí đó tác giả có lợi như thế nào trong việc phát hiện những đặc điểm của thác nước?

2. Phân tích:

a. Vị trí đứng ngắm thác của tác giả.

- Vọng: Trông từ xa, nhìn, ngắm. Tác giả đứng từ xa để ngắm thác núi Lư.

- dao: xa

=> ở vị trí này giúp tác giả dễ dàng phát hiện được vẻ đẹp toàn cảnh của thác nước (đây là cách chọn điểm nhìn tối ưu nhất)

- Giáo viên gọi một học sinh đọc câu thơ thứ nhất.

Hỏi: Câu thơ thứ nhất tả cảnh gì và tả như thế nào?

b. Vẻ đẹp và vị trí làm nền của câu thơ thứ nhất.

“Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên”

(mặt trời chiếu núi Hương Lô sinh làn khói tía)

=> Câu thơ miêu tả vẻ đẹp của đỉnh núi Hương Lô khi có ánh trăng (mặt trời) chiếu vào.

=> Quan hệ giữa hai vế, hai câu thơ là quan hệ nhân – quả.

Động từ “sinh” => ánh mặt mặt trời xuất hiện giống như một chủ thể khiến cho cảnh vật sinh sôi, nảy nở, trở nên sống động.

=> Vẻ đẹp Hương Lô được miêu tả dưới những tia nắng mặt trời và hơi nước phản quang ánh sáng mặt trời trở thành màu tím rực rỡ, kỳ ảo.

- Giáo viên bình nội dung câu 1

Hỏi: ở câu thứ nhất tác giả đã tả đến thác nước chưa? Câu 1 có tác dụng như thế nào đối với bài thơ?

=> Câu thơ phác hoạ một phông cảnh nền của bức tranh toàn cảnh trước khi đi vào miêu tả bức tranh thác nước.

- Giáo viên gọi 1 học sinh đọc 3 câu còn lại

Hỏi: Vẻ đẹp của thác nước đã được tác giả miêu tả như thế nào ở câu thứ 2? (lưu ý: “quải, treo”)

Hỏi: Chứng minh rằng, qua câu thơ thứ ba ta không chỉ thấy hình ảnh của thác mà còn hình dung được đặc điểm của đỉnh núi Hương Lô?

Hỏi: Em có nhận xét gì về việc tác giả sử dụng các từ “nghi” “lạc” và hình ảnh “ngân hà”?

c. Những vẻ đẹp khác nhau của thác nước:

* Câu thơ thứ 2:

“Dao khan bộc bố quải tiền xuyên”

- Vẻ đẹp của thác nước tập trung ở từ “quải”= “treo”

- Thác không chảy mà được treo trên dòng sông phía trước giống như một dải lụa trắng rủ xuống.

Nghệ thuật: Biến cái động thành cái tĩnh. Do cảm nhận từ xa về dòng thác nên cảnh vật giống như một bức tranh tráng lệ.

* Câu 3:

“Phi lưu trực há tam thiên xích”

- Cảm nhận từ tĩnh chuyển sang động nhờ 2 động từ: phi (bay), trực (thẳng)

- Câu thơ trực tiếp tả thác nước song lại khiến cho người đọc hình dung được thế núi cao, sườn núi dốc, đứng.

-> Hình ảnh thác nước hiện lên hùng vĩ.

* Câu thơ 4.

“Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên”

- Hai động từ: Nghi (ngỡ là)

+Lạc (rơi xuống)

- Hình ảnh sông Ngân Hà

- Nghệ thuật so sánh, phóng đại

=> Tác giả đã tái hiện lại vẻ đẹp huyền ảo và hùng vĩ của dòng thác.

Hỏi: Câu thơ được sử dụng biện pháp nghệ thuật nào? Nêu tác dụng?

Hỏi: Đối tượng miêu tả của bài thơ là gì? Đối tượng đó hiện lên với những đặc điểm gì?

Hỏi: Qua cách miêu tả về cảnh như vậy, bài thơ cho thấy tâm hồn và tính cách như thế nào của tác giả?

d. Tâm hồn và tính cách của nhà thơ.

- Nghệ thuật so sánh, phóng đại

Tác giả đã tái hiện một vẻ đẹp huyền ảo và hùng vĩ của dòng thác.

- Đối tượng miêu tả, biểu cảm: Thác núi Lư một danh lam thắng cảnh của Trung Quốc.

- Thác nước đẹp: mĩ lệ, hùng vĩ, huyền diệu.

-> Tình yêu thiên nhiên sâu sắc.

- Tính cách phóng khoáng, mạnh mẽ của nhà thơ.

Học sinh đọc ghi nhớ sách giáo khoa trang 112

3. Tổng kết: Ghi nhớ sách giáo khoa Trang 112.

Hoạt động 1. Hướng dẫn đọc và tìm hiểu chú thích:

Hỏi: Nêu những hiểu biết của em về tác giả Trương Kế?

- Giáo viên giải thích các từ mà học sinh không hiểu

B. Hướng dẫn đọc thêm: Phong Kiều dạ bạc (Trương Kế)

I. Đọc và tìm hiểu chú thích:

1. Đọc:

2. Tìm hiểu chú thích:

a. Tác giả:

- Sống vào khoảng giữa thế kỉ VIII, người Tương Châu, tỉnh Hồ Bắc.

- Ông đỗ tiến sĩ, sau giữ một chức quan nhỏ.

- Hiện ông để lại khoảng 50 bài thơ.

b. Từ khó:

Hoạt động 2. Hướng dẫn đọc hiểu văn bản:

Hỏi: Xác định thể thơ?

II. Tìm hiểu Văn bản:

1. Kiểu văn bản: Biểu cảm

-Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật

- Giáo viên giới thiệu về địa danh: Phong Kiều, Cô Tô, Hàn Sơn tự.

Hỏi: Xác định kiểu văn bản và thể thơ của văn bản?

Hỏi: Câu thơ đầu có các âm thanh, hình ảnh nào được nói đến?

Hỏi Các hình ảnh, âm thanh ấy vẽ nên một cảnh tượng như thế nào?

2. Hướng phân tích:

a. Câu 1:

- Ba sự kiện: trăng xế, quạ kêu, sương đầy trời. (3 giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác)

-> Cảnh tượng tĩnh mịch, mông lung, sương khói lúc nửa đêm.

Hỏi: Câu thứ hai giới thiệu về điều gì?

Hỏi: Cảnh vật và con người được nhà thơ miêu tả như thế nào?

b. Câu 2: Vừa tả cảnh vừa nói rõ về con người.

- Cảnh: cây phong bên sông, ngọn lửa đèn chài.

Đối: “giang phong” – “ngư hoả”:

tĩnh, tối - động, sáng

=> Một bức tranh buồn, lạnh lẽo nhưng sinh động, có hồn và gợi buồn.

- Con người: đối sầu miên: Con người đối diện với nỗi sầu của thiên nhiên -> Sầu hơn.

=> Cảnh và tình như hoà vào nhau làm cho nỗi buồn càng tăng thêm trong lòng người lữ thứ.

Hỏi: Câu thơ 3,4 có chi tiết, hình ảnh nào đáng chú ý?

Hỏi: Qua tiếng chuông, tác giả đã sử dụng nghệ thuật gì? Nêu tác dụng?

c. Câu 3,4:

- Thời gian: Nửa đêm.

- Hình ảnh: Con thuyền đậu bến Cô Tô -> bơ vơ, lẻ loi.

- Âm thanh: Tiếng chuông văng vẳng vọng đến thuyền

-> Nghệ thuật lấy động tả tĩnh, lấy âm thanh để tryền hình ảnh.

Tác dụng:

- Khắc hoạ đậm nét hơn vẻ tĩnh mịch, lặng lẽ của cảnh vật.

- Thể hiện sinh động cảm nhận của nhà thơ trong đêm thao thức, không ngủ được.

- Như một lời hỏi thăm đến thi nhân, đem lại cho thi nhân sự yên bình, thanh thản trong tâm hồn.

Hỏi: Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ?

3. Tổng kết:

a. Nội dung:

- Bài thơ thể hiện sinh động những cảm nhận của tác giả trong một đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều.

b. Nghệ thuật: lấy động tả tĩnh, lấy âm thanh để tryền hình ảnh.

4. Củng cố, luyện tập

- Giáo viên khái quát nội dung văn bản và đặc điểm nghệ thuật của 2 văn bản?

5. Hướng dẫn về nhà

- Học bài phân tích.

- Học thuộc phần ghi nhớ.

- Đọc và học thuộc lòng bài thơ (phần phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ).

- Chuẩn bị bài: Từ đồng nghĩa.

- Soạn bài: Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh.