Trang chủ > Lớp 7 > Giáo án Ngữ văn 7 chuẩn > Giáo án: Bài ca nhà tranh bị gió thu phá - Ngữ Văn lớp 7

Giáo án: Bài ca nhà tranh bị gió thu phá - Ngữ Văn lớp 7

I. Mục tiêu bài học

1. Kiến thức

- Học sinh cảm nhận được tinh thần nhân đạo và lòng vị tha cao cả của nhà thơ Đỗ Phủ.

- Thấy được đặc điểm của bút pháp Đỗ Phủ qua những dòng thơ miêu tả và tự sự, hiện thực và trữ tình. Bước đầu thấy được vị trí và ý nghĩa của những yếu tố miêu tả và tự sự trong thơ trữ tình.

2. Kĩ năng

- Rèn kỹ năng đọc và phân tích bản dịch thơ trữ tình, tự sự.

3. Thái độ

- Học sinh có tấm lòng nhân đạo, vị tha, cao cả.

II. Chuẩn bị tài liệu

1. Chuẩn bị của giáo viên

- Giáo viên soạn bài, chuẩn bị sách giáo khoa, sách giáo viên, đọc sách tham khảo, tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng, các tài liệu: kiến thức cơ bản và bài tập nâng cao.

2. Chuẩn bị của học sinh

- Học sinh chuẩn bị bài, tư liệu liên quan đến bài học, đọc bài, soạn bài, xem trước bài. chuẩn bị vở ghi, sách giáo khoa, nháp...

III. Tiến trình tổ chức dạy học

1. Ổn định tổ chức

- Kiểm tra sĩ số:

2. Kiểm tra đầu giờ

- Kiểm tra sự chuẩn bị bài ở nhà.

1. Đọc thuộc lòng (cả phần âm và phần dịch) bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” của Hạ Tri Chương, cho biết chủ đề của bài thơ này?

2. Tình yêu quê hương đất nước của tác giả được thể hiện như thế nào? Hãy so sánh với tình huống thể hiện tình quê hương trong bài thơ “Tĩnh dạ tứ” của Lý Bạch

3. Bài mới

Ở những tiết trước chúng ta đã được tìm hiểu về thơ và tác phẩm của Lý Bạch một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng đời Đường. Bài hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục được gặp một trong những nhà thơ hàng đầu của thơ Đường, nhưng khác với Lí Bạch. Trong thơ ông lại là bức tranh hiện thực của người dân Trung Quốc cuối đời Đường, một trong những bài thơ tiêu biểu đó là: “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” (Đỗ Phủ).

Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

Hoạt động 1. Hướng dẫn đọc tìm hiểu chú thích:

- Giáo viên yêu cầu đọc: Vừa kể lại vừa tả,

+ Cảm xúc bất lực, buồn bã đau khổ 1,2,3

+ Giọng đọc tươi sáng, phấn chấn khổ 4

I. Đọc, tìm hiểu chú thích

1. Đọc:

- Gọi một học sinh đọc chú thích? Nêu những nét tiêu biểu về tác giả Đỗ Phủ?

2. Tìm hiểu chú thích

a. Tác giả:

Đỗ Phủ (712-770) là một thi sĩ nổi tiếng đời Đường.

Tự: Tứ Mĩ; hiệu: Thiếu Lăng; quê: tỉnh Hà Nam (Trung Quốc)

- Ông có một thời gian ngắn làm quan, nhưng gần như suốt đời sống trong cảnh khổ đau, bệnh tật.

-Thơ ông viết theo bút pháp hiện thực và giàu tinh thần nhân đạo cao cả

Hỏi: Dựa vào chú thích dấu (*) nêu những nội dung hoàn cảnh có liên quan đến sự ra đời của bài thơ

- Giáo viên giải thích những từ học sinh chưa rõ

b. Tác phẩm

"Bài ca nhà tranh bị gió thu phá" là một trong những bài thơ xuất sắc của nhà thơ Đỗ Phủ.

c. Từ khó: Sách giáo khoa

Hoạt động 2. Hướng dẫn đọc-hiểu văn bản:

- Xác định thể thơ? Phương thức biểu đạt của bài?

II. Tìm hiểu văn bản

1. Kiểu văn bản: Biểu cảm

- Thể thơ: cổ thể.

- Ra đời trước thơ Đường; vần, nhịp, chữ, câu khá tự do, phóng túng.

Hỏi: Tác giả đã triển khai chủ đề trên theo bố cục như thế nào? Dựa vào đâu để em xác định điêù đó?

- Dựa vào cách ngắt quãng, và sự thay đổi vần, nội dung cụ thể (4 phần)

- Dựa vào mối quan hệ giữa nội dung trong bài (2 phần)

2. Bố cục:

- Cách 1: Chia làm bốn phần tương đương với 4 khổ thơ

- Cách hai: chia làm hai phần

Phần 1: 18 câu thơ đầu

Phần 2: 5 câu thơ cuối

- Học sinh đọc lại 18 câu thơ đầu?

Hỏi: Nội dung khái quát của mười tám câu thơ đầu là gì?

Hỏi: Ở khổ thơ thứ nhất tác giả sử dụng phương thức biểu đạt nào? Từ loại nào được sử dụng có hiệu quả ở đây?

Hỏi: Qua cách kể, tả của tác giả, em có hình dung như thế nào về trận gió?

Hỏi: Em cảm nhận được điều gì đang diễn ra trong tâm trạng tác giả?

3. Phân tích:

a. Mười tám câu thơ đầu: Cảnh nhà tranh bị gió thu phá và nỗi khổ của gia đình tác giả.

* Khổ thơ 1:

- Vừa miêu tả vừa kể về trận gió;

+ Các động từ: thét, cuộn, bay, rải, treo, quay, lộn…, -> Diễn tả trận gió mạnh, dữ dội, phút chốc đã cuốn bay cả 3 lớp mái tranh mới dựng của tác giả

-> Thể hiện sự bất ngờ, tiếc nuối của tác giả trước thiên nhiên vô tình.

- Học sinh đọc diễn cảm khổ thơ 2,3

Hỏi: Trong khổ thơ thứ 2 tác giả đã kể về điều gì?

* Khổ thơ 2,3: Nỗi khổ của nhà thơ:

* Khổ 2: Kể chuyện lũ trẻ xóm tinh nghịch thừa gió bẻ măng, xông đến cướp giật, mang tranh đi mất.

Hỏi: em thấy hình ảnh thi sĩ hiện lên như thế nào?

+ Thi sĩ: "môi khô, miệng cháy, gào chẳng được quay về, chống gậy lòng ấm ức! "

Hỏi: Đặt hoàn cảnh lũ trẻ vào trong hoàn cảnh đất nước Trung Quốc đang loạn lạc lúc bấy giờ em có nhận xét gì về tâm trạng của nhà thơ?

-Vừa giận giữ, vừa cay đắng, bất lực, lại vừa xen lẫn nỗi đau nhân tình thế thái (cuộc sống cơ cực đã làm đã làm thay đổi tính cách trẻ thơ).

Hỏi: Trong khổ thơ này tác giả đã kết hợp các kiểu văn bản nào?

*Khổ 3: (Kết hợp biện pháp miêu tả + kể + biểu cảm)

Hỏi: Thời gian ở đây được xác định như thế nào?

- Thời gian được xác định cụ thể: Gió nổi lên buổi chiều, đêm mưa đổ xuống và kéo dài suốt đêm.

Hỏi: Em có nhận xét gì về cách miêu tả cơn mưa mùa thu của tác giả?

- Phác hoạ khái quát cơn mưa thu: gió => mây tối mực => lạnh => dày hạt mưa => mưa, mưa chẳng dứt.

Hỏi: Với cơn mưa thu như vậy đã ảnh hưởng như thế nào đến nổi khổ của tác giả?

- Nỗi khổ của nhà thơ: Ướt, lạnh, con quậy phá và lo lắng vì loạn lạc.

Hỏi: Trong các nổi khổ trên, nổi khổ nào khiến cho tác giả cảm thấy nặng nề nhất? Tại sao?

- Giáo viên bình thêm.

=> Đặc biệt là nỗi khổ vì thời thế “từ trải cơn loạn ít ngủ nghê” là nặng nề nhất, làm cho nỗi khổ của tác giả như tăng lên gấp bội.

Hỏi: Em có nhận xét gì về nội dung mười tám câu thơ đầu?

=> 18 câu thơ đầu, tác giả phản ánh chân thực về nỗi khổ vật chất và tinh thần của bản thân mình. Nhưng đó cũng là nỗi khổ chung của người lao động, tri thức Trung Quốc đời Đường khi chiến tranh, loạn lạc xảy ra.

- Gọi học sinh đọc: Giọng đọc hân hoan 5 câu thơ cuối và trả lời các câu hỏi:

Hỏi: Ba câu thơ đầu của đoạn cuối nói lên điều gì? mơ ước gì? mục đích?

b. Năm câu thơ cuối. (Biểu cảm trực tiếp)

* Ba câu thơ đầu của đoạn:

- Mong ước của tác giả: Nhà rộng muôn ngàn gian.

- Mục đích che chở cho những kẻ nghèo hèn, để họ được vui vẻ, an tâm.

Hỏi: Có người cho rằng đó là mơ ước hão huyền? Em có ý kiến như thế nào?

- Giáo viên có thể lấy ví dụ thêm: Đỗ Phủ viết:

“ước kéo dòng ngân rửa giáo gươm, Xếp xó từ đây không động dụng”

=> Thể hiện mơ ước hoà bình.

=> Đây chính là mơ ước cao cả, tràn đầy lòng vị tha và tinh thần nhân đạo, tuy mang màu sắc ảo tưởng song vẫn đẹp đẽ và bắt nguồn từ cuộc sống.

Hỏi: Hai câu thơ cuối đã nói lên điều gì về quan niệm sống của nhà thơ Đỗ Phủ?

* Hai câu thơ cuối: Lòng vị tha đạt tới trình độ xả thân, sẵn sàng hi sinh vì hạnh phúc chung, đặt nỗi khổ của những người nghèo lên trên nỗi khổ của bản thân.

Hỏi: Nếu không có 5 câu thơ cuối thì giá trị biểu cảm của bài thơ sẽ như thế nào?

Hỏi: Nêu được giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ?

- Học sinh đọc mục ghi nhớ Sách giáo khoa – Trang 134

5. Tổng kết:

* Ghi nhớ Sách giáo khoa / Trang 134

4. Củng cố, luyện tập

Hỏi: Nêu cảm nghĩ của em sau khi học xong bài thơ? Tinh thần nhân đạo của nhà thơ được diễn đạt như thế nào trong tác phẩm?

5. Hướng dẫn về nhà

- Học thuộc lòng bài thơ, phân tích bài thơ, học thuộc lòng phần Ghi nhớ.

- Ôn kỹ bài: Tiết sau kiểm tra văn 1 tiết