Giáo án: Phò giá về kinh - Ngữ Văn lớp 7
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Học sinh cảm nhận được tinh thần độc lập khí phách hào hùng, khát vọng của dân tộc trong bài thơ “Phó giá về kinh”
- Bước đầu hiểu thể thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật.
2. Kĩ năng
- Rèn cho học sinh kĩ năng đọc hiểu văn bản thơ trung đại, thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt.
3. Thái độ
- Giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Chuẩn bị của giáo viên
- Soạn bài, sách giáo khoa, sách giáo viên, Tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng, các tài liêu: kiến thức cơ bản và bài tập nâng cao.
2. Chuẩn bị của học sinh
- Chuẩn bị bài, tư liệu liên quan đến bài học, xem trước bài.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
- Kiểm tra sĩ số:
2. Kiểm tra đầu giờ
- Kiểm tra sự chuẩn bài của học sinh
Câu hỏi 1: Đọc thuộc lòng bài thơ "Sông núi nước Nam", Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ?
Câu hỏi 2: Giải thích tại sao bài thơ này lại được coi như Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta?
3. Bài mới
Chúng ta đã được cảm nhận tinh thần dân tộc ý thức về độc lập chủ quyền dân tộc trong bài thơ " Nam quốc sơn hà". Bài học này chúng ta cùng tìm hiểu về tinh thần độc lập khí phách hào hùng, khát vọng của dân tộc trong bài thơ “Phó giá về kinh” của Trần Quang Khải.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1. Hướng dẫn đọc và tìm hiểu chú thích: - Giáo viên nêu yêu cầu đọc: giọng phấn chấn, hào hùng, chậm chắc, nhịp 2/3 - Giáo viên đọc mẫu - Học sinh đọc: Giáo viên nhận xét - Học sinh đọc chú thích sách giáo khoa | I. Đọc và tìm hiểu chú thích: 1. Đọc |
Hỏi: Trình bày những hiểu biết của em về tác giả, tác phẩm? Tác giả: Học sinh tham khảo lịch sử 7: Bài Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỉ XIII | 2. Tìm hiểu chú thích: a. Tác giả, tác phẩm: - Trần Quang Khải (1241 - 1294) là con trai thứ ba vua Trần Nhân Tông. - Là Thượng tướng, người có công rất lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên (lần 2: 1284 – 1285 và lần 3: 1287 -1288). Đặc biệt trong hai trận Hàm Tử và Chương Dương. - Tác phẩm: Bài thơ được sáng tác vào năm 1285, khi ông đi đón Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long - ngay sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử vào tháng 6/1258. |
Hỏi: Dựa vào chú thích, em hãy trình bày những hiểu biết của bản thân về hai địa danh Chương Dương và Hàm Tử? | b. Giải nghĩa từ khó: - Chương Dương - Hàm Tử |
Hỏi: Bài thơ được làm theo theo thể nào? Hỏi: Nhận biết hình thức của thể thơ? Câu chữ, gieo vần? | II. Đọc - hiểu văn bản: 1. Kiểu văn bản: Biểu cảm - Thể loại: Thể thơ: Ngũ ngôn tứ tuyệt 4 câu / 1 bài 5 tiếng / câu - Gieo vần: Chữ cuối câu 1,2,4 (2,4) -> Là một thể thơ cô đúc. |
Hỏi: Bài thơ nêu chủ đề gì? - Bài thơ thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng hoà bình của dân tộc ta dưới thời nhà Trần. | |
Hỏi: Bố cục văn bản có thể chia văn bản làm mấy phần, nêu nội dung của từng phần? - Học sinh đọc phần phiên âm chữ Hán, dịch thơ và trả lời câu hỏi sau: - Hỏi: Hai câu thơ đầu tác giả đã giới thiệu về điều gì? | 2. Bố cục: 2 phần: - Hai câu đầu: Hào khí chiến thắng - Hai câu cuối: Khát vọng hoà bình cho đất nước. |
Hỏi: Em có nhận xét gì về trật tự các địa danh chiến thắng mà tác giả đã nêu? Qua đó thể hiện rõ tâm trạng gì của nhà thơ? + Trận Chương Dương ta thu được nhiều vũ khí của địch. + Trận Hàm Tử ta bắt được nhiều tù binh. Trong thực tế, trận Hàm Tử diễn ra + trước trận ở Chương Dương. | 3. Phân tích: a. Hai câu đầu: - Nhắc lại hai chiến thắng vang dội của quân và dân ta đưới đời Trần 1285: Chiến thắng Chương Dương và Hàm Tử. -> Là 2 chiến thắng góp phần xoay chuyển thế trận, tạo điều kiện cho Trần Quang Khải có thể hộ giá đưa lại vua Trần về kinh đô Thăng Long. + Trận Chương Dương (xảy ra sau - hiện tại) được nói trước -> Khẳng định tác giả đang sống trong không khí hân hoan vừa chiến thắng. + Sau đó mới nhớ và sống lại không khí ở trận Hàm Tử. |
Hỏi: Các động từ “đoạt ”, “cầm” được đặt trước các địa danh có ý nghĩa gì? | - Các cụm động từ: “đoạt sáo”, “cầm hồ” được đặt trước địa danh chiến thắng => giúp người đọc thấy được chiến thắng liên tục, dứt khoát của quân và dân ta |
Hỏi: Em có nhận xét gì về giọng thơ, lời thơ trong hai câu đầu? cảm hứng nào được thể hiện ở hai câu đầu? | => Giọng thơ phấn chấn, dứt khoát, lời thơ ngắn gọn, ý dồn nén, súc tích. Chỉ bằng 2 câu thơ có vẻ giản dị, khô khan nhưng chứa đựng biết bao tâm trạng vui mừng, hoan hỉ chiến thắng của vị tướng đầy mưu lược, góp công tổ chức, chỉ huy tạo nên những chiến công vang dội. |
- Học sinh đọc 2 câu thơ cuối: Trả lời câu hỏi Học: Tác giả muốn gửi gắm ý tưởng gì và suy nghĩ gì qua 2 câu thơ trên? Hỏi: Bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư” mang âm hưởng và nội dung của “Hào khí Đông A” đời Trần? Em hiểu gì về “Hào khí Đông A”? Hỏi: Hào khí Đông A là một trong những đặc điểm tinh thần nổi bật của quân dân, tướng lĩnh đời Trần, thấm nhuần trong hầu hết các sáng tác thơ văn thời kì này? | b. Hai câu thơ cuối: - Thái bình nên gắng sức Non nước ngàn thu + Bày tỏ lời động viên, xây dựng, phát triển đất nước trong hoà bình. + Niềm tin sắt đá và sự vững bền muôn đời của đất nước. + Khẳng định đó cũng là phương châm, chiến lược lâu dài, kế sách dựng nước và giữ mước của ông cha ta. -> ý tưởng trong sáng, giản dị, minh bạch, xuất phát từ đáy lòng, từ trái tim yêu nước và hùng khí của của quân dân nhà Trần. |
Hỏi: Chỉ ra giá trị nghệ thuật và nội dung trong bài thơ? - Học sinh đọc ghi nhớ: sách giáo khoa | 4. Tổng kết: + Nghệ thuật: Cô đúc, dồn nén cảm xúc, lời văn hào hùng. + Nội dung: Hào khí chiến thắng và khát vọng xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị của dân tộc ta dưới thời đại nhà Trần. * Ghi nhớ Sách giáo khoa/ Trang 68 |
4. Củng cố, luyện tập
- Đọc thêm bài thơ” Tức sự” và tìm hiểu nội dung, ý nghĩa?
- Yêu cầu học sinh khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ?
5. Hướng dẫn về nhà
- Học sinh thuộc lòng bài thơ cả phần âm và phần dịch thơ
- Nắm được kiến thức bài học. Sưu tầm các bài thơ cùng thời.
- Chuẩn bị bài: Từ Hán Việt
Bài trước: Giáo án: Sông núi nước Nam - Ngữ Văn lớp 7 Bài tiếp: Giáo án: Từ hán việt - Ngữ Văn lớp 7