Giáo án: Quan hệ từ - Ngữ Văn lớp 7
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Học sinh nắm được khái niệm quan hệ từ; ý nghĩa và tác dụng của quan hệ từ.
2. Kĩ năng
- Có kỹ năng nhận diện và sử dụng quan hệ từ trong khi nói và viết.
3. Thái độ
- Ý thức ham học hỏi, ý thức gìn giữ sự trong sáng của Tiếng Việt.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Chuẩn bị của giáo viên
- Soạn bài, chuẩn bị sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo, tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng, các tài liệu: kiến thức cơ bản và bài tập nâng cao.
2. Chuẩn bị của học sinh
- Chuẩn bị bài, tư liệu liên quan đến bài học, đọc bài, xem trước bài.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
- Kiểm tra sĩ số:
2. Kiểm tra đầu giờ
Hỏi: Sử dụng từ Hán –Việt nhằm mục đích gì? Cho ví dụ minh hoạ?
Có nên lạm dụng từ Hán – Việt hay không? Tại sao?
3. Bài mới
- Trong khi nói và viết luôn yều cầu sự rõ ràng, mạch lạc và lô gic. Vậy làm sao để bảo đảm được những yếu tố đó. Bài học hôm nay sẽ cung cấp một phần kiến thức, kỹ năng quan trọng góp phần bảo đảm được yêu cầu trên.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1. Hướng dẫn tìm hiểu quan hệ từ: - Giáo viên gọi 1 học sinh lấy ví dụ câu có sử dụng quan hệ từ, nhắc lại khái niệm về quan hệ từ? - Giáo viên gọi học sinh đọc bài tập 1 - Yêu cầu xác định quan hệ từ trong các câu đó? | I. Thế nào là quan hệ từ 1. Bài tập. Bài tập 1: Xác định các quan hệ từ: a) Của b) Như c) Bởi …nên, và d) Nhưng |
Hỏi: Các quan hệ từ nói trên liên kết những từ ngữ hay những câu nào với nhau Hỏi: Nêu ý nghĩa của mối quan hệ? Hỏi: Giáo viên yêu cầu học sinh lấy ví dụ ngoài và chỉ ra những yêu cầu như trên? | Bài tập 2: - Của: Nối định ngữ với danh từ trung tâm => quan hệ sở hữu. - Như: Nối bổ ngữ với tính từ trung tâm => quan hệ so sánh. - Bởi …nên: Nối 2 vế của câu ghép chính phụ => quan hệ nguyên nhân – hệ quả. - Và: nối hai vị ngữ của một vế câu ghép => quan hệ bổ sung. - Nhưng: Nối câu 1 và câu 2 => quan hệ đối nghịch. |
Hỏi: Từ 2 bài tập trên em rút ra nhận xét gì về quan hệ từ? | 2. Kết luận. *Ghi nhớ: Sách giáo khoa |
Họa động 2. Hướng dẫn sử dụng quan hệ từ: 1 học sinh đọc bài tập 1 Hỏi: Học sinh trả lời câu hỏi: trong các trường hợp sau đây trường hợp nào bắt buộc phải có quan hệ từ? Trường hợp nào không bắt buộc phải có quan hệ từ? Bắt buộc: Ghi dấu (+) Không bắt buộc: Ghi dấu (-) | II. Sử dụng quan hệ từ 1. Bài tập: * Bài tập 1: a. Khuôn mặt của cô gái (-) b. Lòng tin của nhân dân (+) c. Cái tủ bằng gỗ mà anh mới mua (-) d. Nó đến trường bằng xe đạp (+) e. Giỏi về toán (-) g. Viết một bài văn về phong cảnh Hồ Tây (+) h. Làm việc ở nhà (+) i. Quyển sách đặt ở trên bàn (-) |
Hỏi: Tìm quan hệ từ có thể sử dụng thành cặp với các quan hệ từ sau đây: Nếu … Vì …. Tuy … Hễ … Sở dĩ… Hỏi: Đặt câu hỏi với các cặp quan hệ từ vừa tìm được. Học sinh đặt câu. Học sinh nhận xét, - Giáo viên chốt ý đúng. | * Bài tập 2: - Nếu ….. thì… - Vì …nên…. - Tuy… nhưng… - Hễ …. thì… - Sở dĩ … là vì… * Bài tập: Ví dụ - Nếu trời mưa thì chúng ta không đi du lịch. - Vì lười học nên anh phải lưu ban. - Tuy nhà xa nhưng Nam luôn đi học đúng giờ. - Hễ gió thổi mạnh thì diều bay cao - Sở dĩ nó trượt vì nó chủ quan |
Hỏi: Qua việc làm các bài tập trên em rút ra được nhận xét, kết luận gì? - Học sinh trả lời, giáo viên nhận xét - 1 học sinh đọc ghi nhớ | 2. Kết luận: *Ghi nhớ 2: Sách giáo khoa – Trang 98 |
Hoạt động 3. Hướng dẫn luyện tập: - Giáo viên yêu cầu 1 học sinh đọc bài tập 1,2. - Học sinh thực hiện theo nhóm. - 1 nhóm trả lời - Các nhóm khác thảo luận, nhận xét. Giáo viên chốt ý đúng. - 1 học sinh đọc bài tập 3, Học sinh thực hiện theo nhóm như bài 2. Giáo viên phát phiếu học tập cho học sinh. + Câu đúng (+) + Câu sai (-) | III. Luyện tập. 1. Bài tập 1: - Các quan hệ từ trong đoạn đầu văn bản Cổng trường mở ra: của, còn, còn, như, của... 2. Bài 2: - Các quan hệ từ cần điền lần lượt: Với, và, với, với, bằng, nếu. .. thì, và. 2. Bài tập 3: a. Nó rất thân ái bạn bè (-) b. Nó rất thân ái với bạn bè (+) c. Bố mẹ rất lo lắng con (-) d. Bố mẹ rất lo lắng cho con (+) e. Mẹ thương yêu không nuông chiều con (-) g. Mẹ thương yêu nhưng không nuông chiều con (+) h. Tôi tặng quyển sách này anh Nam (-) i. Tôi tặng quyển sách này cho anh Nam (+) k. Tôi tặng anh Nam quyển sách này (+) l. Tôi tặng cho anh Nam quyển sách này (+) |
4. Củng cố, luyện tập
- Trình bày khái niệm về quan hệ từ?
- Ý nghĩa của các quan hệ từ?
5. Hướng dẫn về nhà
- Học bài cũ, học thuộc nội dung 2 mục ghi nhớ.
- Lấy ví dụ về quan hệ từ và cặp quan hệ từ.
Bài trước: Giáo án: Bánh trôi nước - Ngữ Văn lớp 7 Bài tiếp: Giáo án: Luyên tập cách làm văn biểu cảm - Ngữ Văn lớp 7