Giáo án: Mẹ tôi - Giáo án Ngữ Văn lớp 7
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Qua bức thư của bố gửi cho con và tâm trạng của người cha trước lỗi lầm của đứa con đối với mẹ, tác giả muốn những đứa con khắc sâu trong lòng rằng mẹ là người đáng kính, đáng yêu nhất. Phạm lỗi đối với mẹ là điều đáng trách, đáng lên án, đáng ân hận nhất. Cách giáo dục nghiêm khắc nhưng vẫn tế nhị, có lí, có tình với người cha.
-Nghệ thuật biểu hiện thái độ, tình cảm và tâm trạng gián tiếp qua một bức thư.
-Ngôi kể thứ nhất: xưng tôi - nhân vật kể chuyện
2. Kĩ năng
- Rèn kỹ năng phân tích tâm trạng của nhân vật.
- Bước đầu biết cách xây dựng văn biểu cảm.
3. Thái độ
- Giáo dục cho học sinh tình yêu thương và sự kính trọng, biết ơn đối với cha mẹ. Nhìn nhận ra lỗi lầm và có cách cư xử tế nhị trong cuộc sống.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Chuẩn bị của Giáo viên
- Giáo viên soạn bài, chuẩn bị tư liệu về văn bản, tác phẩm “ Những tấm lòng cao cả” đọc tài liệu tham khảo, chuẩn kiến thức kĩ năng...
2. Chuẩn bị của học sinh
- Học sinh chuẩn bị bài, tư liệu liên quan đến văn bản và tác phẩm, soạn bài.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
- Kiểm tra sĩ số:
2. Kiểm tra đầu giờ
-Giáo viên kiểm tra sự chuẩn bị bài của học sinh.
Hỏi: Tâm trạng của người mẹ và của đứa con trong văn bản: “Cổng trường mở ra” khác nhau như thế nào?
Hỏi: Trong văn bản “Cổng trường mở ra” câu văn nào nói lên tầm quan trọng của nhà trường đối với thế hệ trẻ? Em hiểu câu văn “Bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra” là như thế nào? Theo em “thế giới kì diệu “ đó là gì?
3. Bài mới
- Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, người mẹ có một vai trò, vị trí và ý nghĩa hết sức lớn lao, thiêng liêng và cao cả. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức được điều đó. Chỉ những khi ta phạm phải lỗi lầm ta mới nhận ra tất cả. Bài văn “Mẹ tôi” sẽ cho ta một bài học như thế.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1. Hướng dẫn học sinh đọc và tìm hiểu chú thích: Học sinh: Hãy nêu yêu cầu đọc đôi với văn bản này? - Giáo viên cùng 3 học sinh nối tiếp nhau đọc toàn bộ văn bản 1 lần. |
I. Đọc và tìm hiểu chú thích 1. Đọc - Giọng đọc chậm rãi, tình cảm, tha thiết và nghiêm khắc. Lưu ý các câu cảm, câu cầu khiến. |
Hỏi: Hãy nêu những hiểu biết của em về tác giả A – mi – xi? |
2. Chú thích a. Tác giả, tác phẩm: - E. A-mi-xi (1846- 1908) là nhà văn I- ta-li-a. |
Hỏi: Nêu xuất xứ của văn bản “Mẹ tôi” |
Văn bản “Mẹ tôi” được trích từ tập truyện “Những tấm lòng cao cả” (1886) |
- Học sinh đọc kỹ phần chú thích sách giáo khoa. - Giáo viên giải nghĩa những từ mà học sinh chưa rõ. |
b. Từ khó - Đọc chú thích 9,10 sách giáo khoa |
Hoạt động 2. Hướng dẫn học sinh đọc - hiểu văn bản: Hỏi: Xác định thể loại, kiểu văn bản của văn bản trên? |
II. Đọc - hiểu văn bản 1. Kiểu văn bản: Biểu cảm - Hình thức: Viết thư |
Hỏi: Xác định ngôi kể trong văn bản? (Gọi ý: nhân vật tôi kể về bức thư người cha viết cho mình sau khi….. mắc lỗi với mẹ) |
- Ngôi kể: Ngôi thứ nhất, người kể xưng “tôi” |
Hỏi: Có thể phân chia chia bố cục của văn bản trên như thế nào? Nêu nội dung của từng phần? |
2. Bố cục: 3 đoạn - Đoạn 1: Từ đầu -> vô cùng: Lí do viết thư. - Đoạn 2: tiếp -> yêu thương đó: Hình ảnh người mẹ trong tâm trạng của người cha. - Đoạn 3: còn lại: Thái độ của người cha trước lỗi lầm của con. |
Hỏi: Vì sao văn bản là một bức thư người cha gửi cho con, nhưng nhan đề văn bản lấy tên là “Mẹ tôi”? - Qua bức thư người cha gửi cho người con. Người đọc vừa thấy hiện lên một người mẹ cao cả và lớn lao, vừa thấy được những tình cảm và thái độ quý trọng của người cha đối với mẹ và sự xúc động của nhân vật “tôi”… (Mỗi chuyện nhỏ trong tập truyện “Những tấm lòng cao cả” đều có một nhan đề do chính tác giả đặt) |
3. Phân tích. a. Nhan đề văn bản: “Mẹ tôi” - Người mẹ tuy không trực tiếp xuất hiện nhưng là tiêu điểm mà các nhân vật và các chi tiết trong văn bản đều hướng tới. |
Hỏi: Hình ảnh người mẹ En - ri - cô hiện lên như thế nào qua bức thư của người cha? Chỉ ra những chi tiết cụ thể? |
b. Hình ảnh của người mẹ trong tâm trạng của người cha - Những kỉ niệm về người mẹ: + Mẹ thức suốt đêm, cúi mình trong chiếc nôi…… + Quằn quại với nỗi lo sợ, khóc nức nở….. + Sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc chỉ để tránh cho con một giờ đau đớn. + Sẵn sàng ăn xin để nuôi con + Sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu sống con. -> Một người mẹ có tình yêu thương con thắm thiết, sâu nặng. -> Người mẹ có đức hy sinh cao cả. |
Hỏi: Em có nhận xét gì về phẩm chất đó? |
=> Đó đều là những phẩm chất chung, tiêu biểu của những người mẹ.. |
Hỏi: Người cha đã nói gì về ý nghĩa của người mẹ trong cuộc đời con người? |
*Ý nghĩa của người mẹ: + Nỗi buồn thảm nhất của con người là khi mất mẹ. + Mẹ là chỗ dựa tinh thần, là nguồn an ủi, chở che cho con ngay cả khi đã trưởng thành. |
Hỏi: Trước lỗi lầm của con, người cha có tâm trạng như thế nào? |
c. Những lời nhắn nhủ, tâm tình và thái độ của người cha trước lỗi lầm của con. * Tâm trạng của người cha trước lỗi lầm của con. + “Con đã thiếu lễ độ với mẹ” + “Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy” => Người cha đau lòng, tức giận và thất vọng về con. Bởi vì: + Người cha hết mực yêu quý và thông cảm với vợ, vì tình yêu con của mình. |
Hỏi: Tâm trạng ấy xuất phát từ tình cảm nào của người cha? |
*Những lời dạy bảo chân tình, sâu sắc của người cha. - Gợi lại những kỷ niệm về hình ảnh người mẹ En-ri- cô chăm sóc con. |
Hỏi: Trước lỗi lầm của con người cha đã dạy bảo con như thế nào? |
- Ông chỉ rõ cho con thấy: + Ý nghĩa thiêng liêng của người mẹ trong cuộc đời của mỗi con người. + Tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm vô cùng thiêng liêng, thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó. |
Hỏi: Em hiểu thế nào là tình cảm thiêng liêng. (tình cảm đáng trân trọng, tôn thờ |
Đó là những lời dạy giống như lời tâm sự mà thấu tình đạt lí. |
Hỏi: Em hiểu như thế nào là nỗi nhục nhã và xấu hổ, trong lời khuyên của người cha? Làm việc xấu, tự cảm thấy hổ thẹn Bị người khác coi thường và lên án. Hỏi: Em có nhận xét gì về những lời tâm tình của người cha? |
|
Hỏi: Người cha đã bày tỏ thái độ rõ ràng của mình qua những chi tiết nào? |
*Thái độ của ngườicha trước lỗi lầm của con: + Việc như thế con không bao giờ được phép tái phạm nữa. + Không bao giờ con được thốt ra những lời nói với mẹ + Con phải xin lỗi mẹ thành khẩn + Cầu xin mẹ hôn con + Bố rất yêu con …. bội bạc -> Các câu yêu cầu, mệnh lệnh. |
Hỏi. Nhận xét của em về kiểu câu mà người cha sử dụng khi bày tỏ thái độ với con? Hỏi: Đó là thái độ như thế nào? |
Tác dụng: Bày tỏ thái độ yêu cầu dứt khoát, nghiêm khắc như mệnh lệnh. |
Hỏi: Trước những thái độ đó, người cha đã thể hiện mong muốn gì ở con? |
-> Người cha muốn con thành khẩn hối lỗi và sự hối lỗi đó phải xuát phát từ chính tình yêu thương cha mẹ và đạo lý làm người |
Hỏi: Em hiểu như thế nào về câu: “Con hãy cầu xin mẹ hôn con”…. trán con” Cái hôn của sự tha thứ, cái hôn của lòng bao dung của người mẹ. => Cái hôn xoá đi nỗi đau của người mẹ và sự bội bạc của đứa con. Hỏi: Em có suy nghĩ gì về câu nói: “Bố rất yêu con …. bội bạc” => Người cha rất yêu con nhưng có quy định rõ ràng chỉ yêu con nếu con là người tử tế. Hỏi: Em có đồng tình với suy nghĩ đó của người cha không: Tại sao? (Học sinh nêu ý kiến cá nhân) |
|
Hỏi: Thông qua tâm trạng và những lời dạy dỗ của người cha, em thấy cha En ri cô là người thế nào? - Chỉ bằng một bức thư ngắn gọn nhưng chứa đựng tâm trạng, bằng những lời dạy bảo vừa chân tình vừa nghiêm khắc, người cha đã cho con thấy rõ tình yêu thương cha mẹ là tình cảm thiêng liêng nhất mà những người con cần trân trọng và tôn thờ. |
=> Cha En ri cô là người có tình yêu thương sâu sắc, là người vừa nghiêm khắc nhưng lại rất tế nhị trong cách dạy con. |
Hỏi: Tại sao En ri cô lại cảm thấy xúc động khi đọc bức thư của bố? |
d. En-ri-cô xúc động khi đọc bức thư của bố vì: - Bố đã gợi lại những kỉ niệm xúc động giữa En ri cô và mẹ. - Vì thái độ kiên quyết và nghiêm khắc của bố. - Vì những lời nói chân thành và sâu sắc của bố. - Vì En ri cô cảm thấy xấu hổ và hối hận vì lỗi lầm của mình. |
Hỏi: Từ văn bản “Mẹ tôi”, em cảm nhận được những điều sâu sắc nào của tình cảm con người? |
4. Tổng kết. - Nội dung: Ghi nhớ: Sách giáo khoa - Trang 12 |
Hỏi: Theo em văn bản này có cách thể hiện điều gì độc đáo? Tác dụng của cách thể hiện đó |
- Nghệ thuật: + Sử dụng linh hoạt các phương thức biểu đạt: nhật kí, tự sự, viết thư, nghị luận. + Sử dụng hình thức viết thư. Tác dụng: -> Người viết có cơ hội bày tỏ trực tiếp cảm xúc một cách chân thành, cặn kẻ. -> Thể hiện sự kín đáo, tế nhị của người nói, không làm cho người mắc lỗi mất đi lòng tự trọng. |
4. Củng cố, luyện tập
- Sau khi học xong văn bản “Mẹ tôi” em rút ra được bài học gì cho bản thân?
5. Hướng dẫn về nhà
- Ôn lại nội dung bài học, làm 2 bài tập phần luyện tập.
- Tìm những câu ca dao, tục ngữ Việt Nam nói về công ơn và sự dạy dỗ của cha mẹ.
- Chuẩn bị bài: Từ ghép.
Bài trước: Giáo án: Cổng trường mở ra - Giáo án Ngữ Văn lớp 7 Bài tiếp: Giáo án: Từ ghép - Giáo án Ngữ Văn lớp 7