Soạn bài: Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 2)
Bản 1/ Soạn bài: Tiếng nói của văn nghệ (siêu ngắn)
Bố cục của bài gồm 3 phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “của tâm hồn”: Nội dung của văn nghệ.
- Phần 2. Tiếp đến “Tiếng nói của tình cảm”: Nghệ thuật với đời sống tình cảm của con người.
- Phần 3. Còn lại: Sức mạnh kỳ diệu, khả năng cảm hóa của văn nghệ.
Nội dung bài học
Văn nghệ nối sợi dây đồng cảm kỳ diệu giữa nghệ sỹ với bạn đọc thông qua những rung động mãnh liệt, sâu xa của trái tim. Văn nghệ giúp con người được sống phong phú hơn và tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã phân tích, khẳng định những điều ấy qua bài tiểu luận “Tiếng nói của văn nghệ” với cách viết vừa chặt chẽ vừa giàu hình ảnh và cảm xúc.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
Bài viết có bố cục khá chặt chẽ với hệ thống luận điểm mạch lạc:
- Văn nghệ không chỉ phản ánh thực tại khách quan mà còn là nhận thức mới mẻ, là tư tưởng, tình cảm của cá nhân nghệ sĩ.
-Tiếng nói của văn nghệ cần thiết với cuộc sống con người, nhất là trong hoàn cảnh những năm đầu kháng chiến.
- Văn nghệ có khả năng cảm hoá, có sức lôi cuốn kỳ diệu.
Câu 2 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
Nội dung chủ yếu của văn nghệ biểu hiện qua các đặc điểm:
- Tác phẩm nghệ thuật được xây dựng từ những vật liệu mượn ở thực tại - không đơn thuần là ghi chép, sao chép thực tại ấy một cách máy móc mà thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ (đó là cái nhìn, quan niệm tác giả, lời nhắn nhủ riêng tư…).
- Tập trung khám phá chiều sâu cuộc sống trong các quan hệ về tính cách, số phận.
- Khiến ta rung động trước vẻ đẹp của cuộc sống, làm thay đổi tư tưởng, tình cảm, lối sống, quan điểm.
- Có sức lan tỏa mạnh mẽ.
- Có tính giáo dục, tác động mạnh mẽ đến người đọc.
Câu 3 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
Sự cần thiết của văn nghệ đối với con người:
- Văn nghệ giúp chúng ta sống đầy đủ hơn, phong phú hơn trên phương diện tinh thần.
- Trong những trường hợp con người bị ngăn cách đối với đời sống, văn nghệ là sợi dây liên hệ giữa người đó với thế giới bên ngoài.
- Văn nghệ góp phần làm cho đời sống con người đẹp đẽ hơn, tin yêu cuộc sống hơn, biết rung cảm và mơ ước trước cái đẹp.
Câu 4 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
Con đường văn nghệ đến với người đọc:
- Tình cảm là một yếu tố then chốt của văn nghệ.
- Tư tưởng, nội dung văn nghệ phản ánh đời sống.
Câu 5 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
Đặc sắc nghệ thuật nghị luận của Nguyễn Đình Thi:
- Bố cục chặt chẽ, hợp lí.
- Cách viết giàu hình ảnh, dẫn chứng về thơ văn, đời sống thực tế.
- Giọng văn chân thành, say sưa, đầy cảm hứng dâng trào.
Luyện tập
Nêu một tác phẩm văn nghệ...
Em thích tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
- Tác phẩm gây xúc động cho em sau mỗi lần em đọc.
- Tác phẩm thể hiện tình cha con cảm động và thiêng liêng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, éo le của chiến tranh.
- Bài học em rút ra được sau khi đọc tác phẩm đó là yêu quý ba mẹ, trân trọng từng khoảnh khắc với gia đình và tố cáo tội ác của chiến tranh.
Bản 2/ Soạn bài: Tiếng nói của văn nghệ (siêu ngắn)
Bố cục
- Phần 1: từ đầu... cách sống của tâm hồn: Nội dung của văn nghệ
- Phần 2: Còn lại: Sức mạnh kì diệu của văn nghệ
Soạn bài
Câu 1 (trang 17 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):
Bài viết có bố cục chặt chẽ với hệ thống luận điểm sau:
- Văn nghệ không chỉ phản ánh thực tại khách quan mà còn là nhận thức mới mẻ, là tư tưởng, tình cảm của cá nhân nghệ sĩ.
- Văn nghệ nói chuyện với tất cả tâm hồn chúng ta, không riêng gì trí tuệ, nhất là trí thức.
- Nghệ thuật xây dựng đời sống tâm hồn cho xã hội.
Câu 2 (trang 17 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):
Nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ:
- Là nơi gửi gắm tư tưởng, tình cảm của tác giả đối với những vấn đề trong cuộc sống
- Tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, nhận thức người đọc, làm thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ.
- Phản ánh thực tại cuộc sống xã hội đương thời
Câu 3 (trang 17 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Con người cần tiếng nói văn nghệ vì:
- Văn nghệ có sức mạnh to lớn trong đời sống tâm hồn, trong cuộc sống con người
- Văn nghệ làm cho đời sống tinh thần của con người trở nên phong phú và đầy đủ.
- Văn nghệ góp phần làm cho cuộc sống vất vả của con người thêm tươi mát, giàu ý nghĩa, tiếp thêm niềm tin, động lực cho con người
- Văn nghệ giúp con người tự nhận thức, tự xây dựng nhân cách và cách sống của bản thân sao cho phù hợp với đạo đức xã hội
Câu 4 (trang 17 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Con đường văn nghệ đến với người đọc:
Nghệ thuật là tư tưởng nhưng là tư tưởng đã được nghệ thuật hóa, nên nó vừa cụ thể vừa sinh động, lắng sâu và kín đáo không lộ liễu, khô khan, áp đặt, mệnh lệnh. Do đó, để tiếp cận được văn nghệ, chúng ta cần đọc cái ý tại ngôn ngoại, cái ngân nga ngoài lời, cái ẩn giấu qua từng con chữ, cái khoảng trống giữa những dòng thơ. Có như vậy, chúng ta mới hiểu được nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Câu 5 (trang 17 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Đặc sắc nghệ thuật nghị luận của Nguyễn Đình Thi
- Bố cục chặt chẽ, hợp lí.
- Cách viết giàu hình ảnh, có nhiều dẫn chứng về thơ văn, về đời sống thực tế.
- Giọng văn chân thành, đầy cảm hứng.
Luyện tập
Mỗi tác phẩm văn nghệ là tiếng lòng của người nghệ sĩ, nói lên tâm tư tình cảm của tác giả. Trong những tác phẩm văn học mà tôi từng đọc có lẽ tác phẩm Người con gái Nam Xương là tác phẩm văn học mà tôi yêu thích. Nhà văn Nguyễn Dữ đã khiến người đọc như tôi có cái nhìn, sự đồng cảm với người phụ nữ trong xã hội xưa. Ở họ dù có nhan sắc, đức hạnh đến đâu, nhưng dưới chế độ phong kiến họ không có tiếng nói, họ không được làm chủ cuộc đời mình. Họ cam chịu, họ hi sinh, nhưng cuối cùng vẫn bị nghi ngờ về phẩm hạnh. Chỉ vì lời nói ngây thơ của một đứa trẻ mà bị chồng nghi ngờ, xỉ nhục, bị đẩy đến chỗ chọn cái chết để giãi bày tấm lòng thanh bạch. Truyện cũng đề cao ước mơ ngàn đời của nhân dân là người tốt bao giờ cũng được đền trả xứng đáng, dù chỉ là ở một thế giới huyền bí.
Bài trước: Soạn bài: Luyện tập phân tích và tổng hợp - trang 11 sgk Ngữ văn 9 Tập 2 Bài tiếp: Soạn bài: Các thành phần biệt lập - trang 19 sgk Ngữ văn 9 Tập 2