Trang chủ > Lớp 9 > Soạn Văn 9 (cực ngắn) > Soạn bài: Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang - Đi-phô (trang 129 sgk Ngữ văn 9 Tập 2)

Soạn bài: Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang - Đi-phô (trang 129 sgk Ngữ văn 9 Tập 2)

Bản 1/ Soạn bài: Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (siêu ngắn)

Bố cục của bài viết gồm 4 phần

- Phần 1: Mở bài.

- Phần 2: Trang phục của Rô-bin-xơn.

- Phần 3: Trang bị của Rô-bin-xơn.

- Phần 4: Diện mạo của Rô-bin-xơn.

Nội dung bài học

Qua bức chân dung tự họa và giọng kể của Rô-bin-xơn trong đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang của Đe-ni-ơn Đi-phô, ta hình dung được cuộc sống vô cùng khó khăn gian khổ và cả tinh thần lạc quan của nhân vật khi chỉ có một mình nơi đảo hoang vùng xích đạo suốt mười mấy năm ròng rã.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 129 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Nếu phải tách đoạn cuối thành hai đoạn, ta có thể tách như sau:

- Đoạn 1 (Quanh người tôi... khẩu súng của tôi): Trang bị của Rô-bin-xơn.

- Đoạn 2 (Còn về diện mạo... hết): Diện mạo của Rô-bin-xơn.

Câu 2 (trang 129 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Phần miêu tả diện mạo nằm ở cuối văn bản chỉ chiếm một dung lượng ít. Điều này có nguyên nhân từ ngôi kể chuyện: ngôi thứ nhất. Rô-bin-xơn tự miêu tả về mình, do đó chàng chỉ có thể miêu tả những gì chàng trông thấy, điển hình là bộ ria mép. Các chi tiết về trang bị vũ khí, trang phục lại được miêu tả khá kỹ. Đồng thời đây cũng là dụng ý nghệ thuật của tác giả.

Câu 3 (trang 129 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Cuộc sống khó khăn hiện lên qua bức chân dung tự họa của Rô-bin-xơn như sau:

- Thời tiết mưa nắng khắc nghiệt.

- Trang phục tất cả đều bằng da dê, có lẽ trên đảo hoang có nhiều dê rừng.

Câu 4 (trang 129 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Tinh thần lạc quan bất chấp mọi gian khổ của Rô-bin-xơn được thể hiện qua:

- Bức chân dung tự họa: được miêu tả như một vị chúa đảo. Rô-bin-xơn không hề than phiền thể hiện tinh thần lạc quan vượt gian khổ. Chàng không để thiên nhiên khuất phục mình.

Bản 2/ Soạn bài: Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (siêu ngắn)

Bố cục

- Phần 1 (Từ đầu... như dưới đây): Cảm giác nực cười khi Rô-bin-xơn tự ngắm mình

- Phần 2: (tiếp... bên khẩu súng của tôi): Trang phục và trang bị của Rô-bin-xơn

- Phần 3 (còn lại): Diện mạo của vị chúa đảo

Tóm tắt

Rô-bin-xơn là một chàng trai người Anh dũng cảm, ưa mạo hiểm, khao khát đến những vùng đất lạ. Trong một lần đi biển, tàu của anh bị đắm, anh bị lạc đến một hòn đảo không người. Nhờ vào những vật dụng anh lấy được ở trên con tàu đắm, anh đã dựng lều, nuôi dê, trồng lúa mì, phơi nho để duy trì sự sống. Hơn mười năm sau, Rô-bin-xơn do tình cờ cứu được một tù binh da đen sắp bị thổ dân hành hình, anh đặt tên cho nạn nhân là Thứ Sáu. Anh dạy thứ Sáu chữ, cách nói chuyện và sử dụng súng, công cụ lao động. Sau này anh lại cứu được cha của Thứ Sáu, và họ cùng nghĩ cách giúp anh trở về Tổ quốc.

Soạn bài

Câu 1 (trang 129 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Bố cục của văn bản có thể chia như sau:

- Phần 1 (từ đầu... như dưới đây): Cảm giác nực cười khi Rô-bin-xơn tự ngắm mình

- Phần 2 (tiếp... bên khẩu súng của tôi): Trang phục và trang bị của Rô-bin-xơn

- Phần 3 (còn lại): Diện mạo của vị chúa đảo

Câu 2 (trang 129 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):

Diện mạo của Rô-bin-xơn được miêu tả khá ngắn gọn, chủ yếu tập trung vào làn da và bộ ria. Vì xét từ góc độ nhân vật Rô-bin-xơn muốn nhấn mạnh đến sự khác thường của mình so với những người Anh khác nên anh chỉ tập trung miêu tả bộ ria. Còn về quần áo và sự trang bị vật dụng xung quanh người thì hoàn toàn khác với con người hiện đại. Nó giống với con người cổ đại, một sự kì quặc khiến người ta vừa phát cười vừa hoảng sợ.

Câu 3 (trang 129 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):

Cuộc sống khó khăn hiện lên qua bức chân dung:

- Thời tiết trên đảo hoang mưa nắng khắc nghiệt, chỉ cần nước mưa thấm vào da thịt cũng sẽ bị ốm một trận thập tử nhất sinh. Tuy nhiên nó cũng giúp cho cây cối rất phát triển.

- Trên đảo không có người, không có vải để may quần áo, Rô-bin-xơn liền lấy những tấm da dê may tạm làm quần áo cho mình.

- Thiếu thốn những vật dụng sinh hoạt hằng ngày

- Trên đảo không có sự nguy hiểm của người thổ dân hoặc thú dữ.

Câu 4 (trang 129 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):

Tinh thần lạc quan của Rô-bin-xơn được thể hiện qua giọng kể hài hước, tự châm biếm mình, cảm thấy vui và thú vị trước hình ảnh và hoàn cảnh của mình. Trong truyện không có một câu nào thể hiện nỗi buồn hoặc thái độ bi quan trước cuộc sống. Rô-bin-xơn đã tự thích nghi với hoàn cảnh để chuẩn bị cho cuộc sống lâu dài của mình ở trên đảo và chờ đợi ngày được trở về Tổ quốc.