Trang chủ > Lớp 9 > Soạn Văn 9 (cực ngắn) > Soạn bài: Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)

Soạn bài: Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)

Bố cục của bài thơ

Bài thơ được chia ra làm 4 phần:

- Phần 1 (hai khổ thơ đầu): Hình ảnh những chiếc xe không kính và tư thế hiên ngang, ung dung của người lính lái xe.

- Phần 2 (khổ 3,4): Thái độ bất chấp gian khổ, coi thường khó khăn, nguy hiểm của những người lính.

- Phần 3 (khổ 5,6): Tình đồng chí, đồng đội.

- Phần 4 (khổ cuối): Lòng yêu nước và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Nội dung bài học

Bài thơ khắc họa một hình ảnh độc đáo - Những chiếc xe không kính. Qua đó nhà thơ làm nổi bật hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời chống Mỹ với tư thế hiên ngang, lạc quan, dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

- Nhan đề thu hút người đọc ở vẻ khác lạ, độc đáo. Từ “bài thơ” đó là chất thơ của hiện thực chiến tranh.

- Nhan đề: nói về những chiếc xe không kính để ca ngợi những người chiến sĩ lái xe vận tải Trường Sơn, kiên cường, dũng cảm, sôi nổi, trẻ trung trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ.

Câu 2 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

Hình ảnh người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn:

- Tư thế ung dung, hiên ngang, bình tĩnh, tự tin: Ung dung buồng lái ta ngồi.

- Tâm hồn nghệ sĩ mơ mộng, lãng mạn, giàu tình yêu thiên nhiên: sao trời, cánh chim như sa, như ùa vào buồng lái.

- Thái độ bất chấp khó khăn, nguy hiểm: Không có kính ừ thì có bụi... ừ thì ướt áo....

- Tình đồng đội thắm thiết: bắt tay qua cửa kính vỡ, chung bát đũa... gia đình ấy.

- Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu vì miền Nam: một trái tim căm thù giặc, quyết tâm chiến đấu.

Câu 3 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

- Ngôn ngữ bài thơ giản dị mang tính khẩu ngữ tự nhiên. Lời thơ gần với lời văn xuôi, lời đối thoại nhưng vẫn giàu chất thơ. Chất thơ toát lên từ những hình ảnh độc đáo, từ dáng vẻ hiên ngang, sôi nổi, trẻ trung của người lính.

- Giọng điệu ngang tàng có tính chất tinh nghịch góp phần thể hiện hình ảnh người lính ung dung, hóm hỉnh và trẻ trung.

Câu 4 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

- Cảm nghĩ về thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ:

+ Cảm phục trước lòng yêu nước, sự gan dạ, dũng cảm, dám đối mặt với khó khăn, nguy hiểm của những người lính trẻ.

+ Yêu mến các anh bởi sự lạc quan, yêu đời.

+ Tự hào và biết ơn về tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

- So sánh hình ảnh người lính ở bài “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính:

+ Giống nhau: Đều là những người lính có lòng yêu nước, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, bất chấp khó khăn, gian khổ, sống lạc quan và có tình đồng chí thắm thiết.

+ Khác nhau:

Khác nhau

Đồng chí

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Giai đoạn lịch sử

Giai đoạn chống thực dân Pháp

Giai đoạn chống đế quốc Mĩ

Mục đích của tác giả

Ngợi ca tình đồng chí, đồng đội

Khắc họa vẻ đẹp hiên ngang của người lính lái xe