Trang chủ > Lớp 9 > Soạn Văn 9 (cực ngắn) > Soạn bài: Nói với con - Y Phương

Soạn bài: Nói với con - Y Phương

Bản 1/ Soạn bài: Nói với con (siêu ngắn)

Bố cục của bài gồm 2 phần

- Phần 1 (từ đầu đến “ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”): người cha nói với con về tình cảm cội nguồn.

- Phần 2 (còn lại): Người cha nói về truyền thống quê hương và dặn dò con trên đường đời.

Nội dung bài học

Qua bài Nói với con, bằng những từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi cảm, tác giả Y Phương đã thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mãnh liệt của quê hương và dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống, về vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 73 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Bố cục của bài thơ như trình bày ở trên.

Câu 2 (trang 73 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Đoạn đầu bài thơ là tình yêu thương của cha mẹ và sự đùm bọc che chở của quê hương đối với con.

- 4 câu thơ đầu, con lớn lên trong không khí gia đình đầm ấm, thân thương. Từng bước đi, từng tiếng nói, tiếng cười của con đều được cha mẹ chăm chút. Con lớn lên từng ngày trong sự thương yêu, nâng đón và mong chờ của cha mẹ.

- Con trưởng thành trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình của quê hương.

Câu 3 (trang 73 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Đức tính cao đẹp của “người đồng mình” và lời nhắc nhở của cha:

- Con người dễ thương, giàu tình cảm (người đồng mình thương lắm con ơi).

- Con người thủy chung gắn bó với quê hương (Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói).

- Con người hồn nhiên, mạnh mẽ (Sống như sông như suối/Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc).

- Con người sống có bản lĩnh, bền bỉ (Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn... /Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương).

- Con người mộc mạc, chân chất mà to lớn, kiêu hãnh (Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con).

- Người cha nhắc nhở con khi lên đường, phải nhớ rằng người “đồng mình” yêu lắm, phải giữ gìn, tự hào truyền thống của người “đồng mình”, đặc biệt là người đồng mình không hề nhỏ bé mà rất tự tin và sống có trách nhiệm.

Câu 4 (trang 74 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

- Tình cảm người cha với con: “yêu lắm con ơi” → trìu mến, thiết tha và tin tưởng.

- Điều lớn lao nhất người cha muốn truyền cho con là lòng tự hào, sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, tự tin bước vào đời.

Câu 5 (trang 74 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Đặc sắc về nghệ thuật:

- Hình ảnh thơ vừa cụ thể, vừa có sức gợi cảm khái quát.

- Cách nói mộc mạc, so sánh cụ thể, thể hiện cách nói đặc trưng của đồng bào miền núi.

- Lời thơ trìu mến tha thiết, điệp từ như điểm nhấn lời dặn dò ân cần, tha thiết của người cha.

Luyện tập

Đề bài: Đặt mình là nhân vật người con trong bài thơ, soạn một bài nói ngắn về cảm xúc, suy nghĩ của mình khi nghe lời cha nói với con

Gợi ý

Khi đặt mình vào nhân vật người con, cần chú ý đại từ nhân xưng. Như vậy phải xưng “tôi” hoặc “mình” để trình bày cha tôi, cha mình đã nói những điều gì. Chú ý đến ý của hai đoạn thơ đã phân tích khái quát bên trên:

- Cội nguồn sinh dưỡng

- Những đức tính tốt đẹp cần duy trì, tự hào, phát huy. Trình bày những cảm xúc, suy nghĩ của mình.

Có thể mở rộng ra tình yêu thương, kính trọng với người cha, với người “đồng mình”, với quê hương.

Bản 2/ Soạn bài: Nói với con (siêu ngắn)

Bố cục của bài gồm 2 phần

- Phần 1: Từ đầu... đẹp nhất trên đời: tình yêu thương của cha mẹ và quê hương là cội nguồn sinh dưỡng nuôi lớn con.

- Phần 2: Còn lại: Niềm tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ và truyền thống đẹp đẽ của quê hương. Mong muốn con hãy kế tục phát huy truyền thống ấy.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 73 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):

Bố cục bài thơ diễn tả theo tâm trạng của người cha, tình cảm cha con mở rộng ra thành tình cảm gia đình đến tình yêu quê hương đất nước, tình cảm đó được nâng lên thành lẽ sống lớn của người cha muốn truyền lại cho đứa con của mình.

- Phần 1: từ đầu... đẹp nhất trên đời: tình yêu thương của cha mẹ và quê hương là cội nguồn sinh dưỡng nuôi lớn con.

- Phần 2: còn lại: Niềm tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ và truyền thống đẹp đẽ của quê hương. Mong muốn con hãy kế tục phát huy truyền thống ấy.

Câu 2 (trang 73 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):

- Con lớn lên hàng ngày trong tình yêu thương ấy, trong sự nâng niu, mong chờ của cha mẹ: “Chân phải bước tới cha... hai bước tới tiếng cười”

- Thiên nhiên với những sông, suối, ghềnh, thác... đã nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống: "Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng".

Câu 3 (trang 73 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Những đức tính cao đẹp của "người đồng mình" là:

- Giàu tình cảm, có chí lớn

- Thủy chung, gắn bó với quê hương, không chê quê hương khó khăn, nghèo đói

- Bản lĩnh, bền bỉ, chịu thương chịu khó, không quản ngại khó khăn, gian khổ

- Sống tự do, hòa hợp với thiên nhiên

- Mộc mạc, chân chất mà to lớn, kiêu hãnh

Từ đó nhắc nhở con khi lên đường phải luôn hãnh diễn về người đồng mình, luôn noi theo tấm gương, truyền thống, phẩm chất của người đồng mình, không được quên đi nguồn cội của mình.

Câu 4 (trang 74 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):

- Qua bài thơ người đọc có thể nhận thấy tình cảm yêu thương, quan tâm, chăm sóc, luôn gửi gắm niềm tin, sự tin tưởng vào sự trưởng thành tốt đẹp của đứa con

- Điều lớn lao nhất mà người cha muốn nói với con chính là niềm tự hào về nới chôn rau cắt rốn của mình. Quê hương dù có nghèo nàn sỏi đá nhưng vẫn giàu truyền thống và phẩm chất tốt đẹp.

Câu 5 (trang 73 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):

Những đặc sắc nghệ thuật trong ngòi bút tác giả: những từ ngữ mang tính chất địa phương miền núi, chân chất, giản dị, những hình ảnh giàu sức gợi, giọng điệu thủ thỉ, tâm tình ngọt ngào.

Luyện tập

Luận điểm chính:

1. Lòng biết ơn của bản thân đối với tình cảm gia đình và sự chở che của mảnh đất quê hương đã sinh thành, nuôi lớn em.

2. Niềm tự hào sâu sắc với những truyền thống tốt đẹp của quê hương: chăm chỉ, cần cù, vượt lên mọi gian khổ, giàu sức sống.

3. Suy nghĩ về bài học mà cha nói với con: phải luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống, khắc phục những khó khăn, không được nản lòng, nhụt chí.