Trang chủ > Lớp 9 > Soạn Văn 9 (cực ngắn) > Soạn bài: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm (trang 154 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)

Soạn bài: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm (trang 154 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)

Bố cục của bài thơ

Bài thơ gồm 3 phần:

- Phần 1 (hai khổ đầu): khúc hát ru của người mẹ thương con, thương bộ đội.

- Phần 2 (hai khổ tiếp theo): khúc hát ru của người mẹ thương con, thương dân làng.

- Phần 3 (hai khổ cuối): khúc hát ru của người mẹ thương con, thương đất nước.

Nội dung bài học

Tác phẩm thể hiện tình yêu con và ước vọng của người mẹ dân tộc, qua đó bày tỏ lòng yêu quê hương, đất nước và khát vọng tự do của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 154 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

Bài thơ có 3 khúc, mỗi khúc có hai khổ thơ đều mở đầu bằng lời ru của tác giả và kết thúc bằng lời ru của mẹ. => Cách lặp đi, lặp lại, cách ngăt nhịp như thế làm sáng tỏ nội dung của bài thơ. Những công việc và ước mong của người mẹ giúp cho người đọc hiểu được tình cảm của người mẹ đối với con, với buôn làng, với quê hương, với đất nước. Cách ngắt nhịp như thế tạo nên âm điệu dìu dặt, vấn vương của lời ru, giọng điệu trữ tình đã thể hiện một cách đặc sắc tình cảm thiết tha, trìu mến của người mẹ.

Câu 2 (trang 154 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

Hình ảnh người mẹ được gắn với hoàn cảnh công việc cụ thể: Trong khi ru con ngủ người mẹ còn làm nhiều công việc khác như:

- Mẹ giã gạo góp phần nuôi bộ đội kháng chiến.

- Mẹ tỉa bắp trên núi Kalư.

- Mẹ cùng các anh trai, chị gái chuyển lán, đạp rừng khi bọn Mĩ đánh đuổi.

⇒ Người mẹ bền bỉ quyết tâm trong công việc kháng chiến, đồng thời thắm thiết yêu con, yêu bộ đội, yêu buôn làng, đất nước.

Câu 3 (trang 154 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

- Hình ảnh “mặt trời” trong câu thơ:

"Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi” - được hiểu theo nghĩa đen. Đây là mặt trời của thiên nhiên, của vũ trụ.

- Hình ảnh “mặt trời” trong câu thơ:

“Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng” - được hiểu theo nghĩa bóng (nghĩa chuyển).

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ ý nói đứa con là điều thiêng liêng, cao quý, là lẽ sống, là nguồn sống của người mẹ, là ánh sáng của mẹ như ánh sáng của mặt trời với cây bắp. Mặt trời ấy luôn nằm trên lưng mẹ, vô cùng gần gũi như là một phần cơ thể mẹ, cùng mẹ sống và làm mọi việc. Hình ảnh ẩn dụ đặc sắc đã thể hiện xúc động tình yêu thương con vô bờ bến của người mẹ Tà Ôi.

Câu 4 (trang 154 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

- Tình cảm của người mẹ Tà-ôi đối với đứa con của mình là một tình cảm tha thiết, đằm thắm, thiêng liêng và cao cả.

- Mối quan hệ giữa lời ru trực tiếp của người mẹ với hoàn cảnh, công việc mà mẹ đang làm là mối liên hệ tự nhiên và chặt chẽ. Mẹ ước: “Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần - Mai sau con lớn vung chày lún sân” vì mẹ đang giã gạo; Mẹ ước: “Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều - mai sau con lớn phát mười Ka-lưi” vì mẹ đang tỉa bắp trên núi; con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ - mai sau con lớn làm người tự do” vì mẹ đang địu con để “đi giành trận cuối”.

Câu 5 (trang 154 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

* Tình thương của người mẹ gắn liền với tình thương:

- Tình thương bộ đội, tình yêu quê hương, đất nước tha thiết, ý chí chiến đấu cho độc lập tự do và khát vọng thống nhất nước nhà.

* Những ước mong, ý chí của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ qua các khúc ru vì độc lập tự do của dân tộc. Người mẹ trong bài thơ là mẹ chiến sĩ, là người mẹ Việt Nam anh hùng, người cộng sản kiên trung.

Luyện tập

Nhận xét về ý nghĩa của yếu tố tự sự trong bài thơ đối với việc thể hiện cuộc sống của người dân ở chiến khu Trị - Thiên thời chống Mỹ?

- Cuộc sống của người dân thời ấy vô cùng vất vả và gian khổ lại vừa lao động sản xuất. Không khí thời đại toát lên từ bài thơ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở giai đoạn vô cùng ác liệt. Cả dân tộc phải huy động mọi nguồn lực, sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Bà mẹ Tà Ôi cũng như bao người phụ nữ Việt Nam khác vừa phải lao động sản xuất vừa phục vụ cuộc kháng chiến. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta vô cùng gian khổ nhưng hào hùng, vĩ đại.

Bản 2/ Soạn bài: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (siêu ngắn)

Bố cục

- Phần 1 (hai khổ thơ đầu): Lời ru của người mẹ khi đang giã gạo nuôi bộ đội.

- Phần 2 (hai khổ thơ tiếp theo): Lời ru của người mẹ khi đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi.

- Phần 3 (hai khổ thơ cuối): Lời ru của người mẹ khi đang chuyển lán, đạp rừng trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ.

Câu 1 (trang 154 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

Bài thơ có ba khúc, mỗi khúc có hai khổ đều mở đầu bằng hai câu “Em cu tai.. đừng rời lưng mẹ”, kết thúc bằng lời ru trực tiếp của người mẹ “Ngủ ngoan a-kay ơi”. Sự lặp đi lặp lại cấu trúc như vậy tạo ra âm hưởng ru dương cho bài thơ. làm cho cả bài thơ giống như một khúc hát ru, nhẹ nhàng, êm ái. Tuy nhiên, nội dung triển khai ở ba khúc là khác nhau, có sự thay đổi, phát triển. Cuối cùng thể hiện mong muốn đứa con được sống trong tự do của người mẹ.

Câu 2 (trang 154 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

Hình ảnh người mẹ Tà-ôi hiện lên trong bài thơ:

- Người mẹ hiện lên trong công việc giã gạo nuôi bộ đội.

- Tỉa bắp trên núi Ka-lưi

- Chuyển lán, đạp rừng khi bị bọn Mĩ đánh đuổi

- Tình yêu thương con của người mẹ Tà-ôi luôn gắn liền với công việc lao động, với tình thương bộ đội, tinh thần kháng giặc.

Câu 3 (trang 154 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

Hình ảnh “mặt trời” trong câu thơ: “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi” được hiểu theo nghĩa đen. Đây là mặt trời của tự nhiên, mặt trời chiếu ánh nắng giúp cho cây cối có thể trao đổi chất, nuôi lớn cây để cho ra những hạt bắp tròn mẩy. Hình ảnh “mặt trời” trong câu thơ: “Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng” được hiểu theo nghĩa bóng. Mặt trời ở đây là chỉ đứa con, nhằm so sánh em bé là mặt trời - thiêng liêng, cao quý nhất, là lẽ sống nguồn sống của người mẹ. Mặt trời ấy luôn nằm trên lưng mẹ, vô cùng gần gũi như là một phần cơ thể mẹ, cùng mẹ sống và làm mọi việc, trở thành động lực băng rừng, vượt núi của mẹ.

Câu 4 (trang 154 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

- Tình cảm của người mẹ Tà-ôi đối với đứa con của mình là thứ tình cảm tha thiết, đằm thắm - tình cảm này như mọi tình mẹ con truyền thống Việt Nam. Nhưng lại có cái cao cả, rộng lớn của thời đại cách mạng.

- Một bước tiến dài trong tình cảm, nhận thức của người lao động đã được ghi lại trong bài thơ.

Hành động đầu tiên: mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội.

Hành động tiếp theo là trồng ngô nuôi làng đói.

Hành động sau cùng là địu em đi đánh giặc trận cuối.

Mơ ước của người mẹ ở hai công việc đầu là sự no đủ về vật chất.

Mong ước cao nhất của người mẹ là có được sự độc lập tự do => Như vậy qua mỗi khúc hát ru là một sự phát triển.

Câu 5 (trang 154 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

- Tình yêu thương con của người mẹ còn gắn với tình thương các chú bộ đội, thương làng đói và tinh thần yêu nước

- Càng trong gian nan vất vả, khó khăn, người mẹ càng dành cho con những tình cảm yêu thương thắm thiết, càng mong con mau khôn lớn, khỏe mạnh trở thành công dân của một đất nước tự do. Ước mơ đó đã thôi thúc người mẹ tham gia vào trận cuối. Qua đó thể hiện ước mơ, ý chí của nhân dân vào sự độc lập tự do của dân tộc

Luyện tập

Yếu tố miêu tả trong bài thơ khiến bức tranh đời sống của người dân ở chiến khu Bình- Trị - Thiên thời chống Mĩ trở nên chân thực hơn:

- Họ hăng say lao động, sản xuất để phục vụ cho cuộc chiến đấu, vượt qua những gian khổ, vất vả: "Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội", "mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi", " mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi", "lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ"

- Họ góp phần vào cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, họ cũng cầm súng chiến đấu: "mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng", "anh trai cầm súng, chị gái cầm chông", "mẹ địu em đi để giành trận cuối".