Soạn bài: Bến quê - Nguyễn Minh Châu (trang 107 sgk Ngữ văn 9 Tập 2)
Bản 1/ Soạn bài: Bến quê (siêu ngắn)
Bố cục của bài gồm 2 phần:
- Phần 1 (từ đầu... cửa sổ nhà mình): Cảm nhận của Nhĩ về thiên nhiên.
- Phần 2 (còn lại): Cảm nhận của Nhĩ về con người và cuộc sống.
Nội dung bài học
Truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người và cuộc đời, thức tỉnh sự trân trọng giá trị của cuộc sống gia đình và những vẻ đẹp bình dị của quê hương.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 107 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
- Hoàn cảnh đặc biệt của nhân vật Nhĩ trong truyện: Từng đi khắp nơi, về cuối đời, Nhĩ lại bị cột chặt vào giường bởi một căn bệnh hiểm nghèo khiến không thể tự mình di chuyển được. Chính vào thời điểm ấy Nhĩ phát hiện ra vùng đất bên kia sông, nơi bến quê thân thuộc, có một vẻ đẹp bình dị mà quyến rũ.
→ Tác giả muốn dẫn bạn đọc đến những trải nghiệm về cuộc đời: cuộc sống và số phận con người chứa đầy những điều bất thường, những nghịch lí, ngẫu nhiên, vượt ra ngoài những dự định và ước muốn, cả những hiểu biết và toan tính của con người.
Câu 2 (trang 107 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
- Những ngày cuối đời, Nhĩ đã thấy: vòm trời như cao hơn, bông hoa bằng lăng, sông Hồng màu đỏ nhạt lúc vào thu, bãi bồi màu mỡ...
- Niềm khao khát của Nhĩ chính là được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. → Hay đó cũng chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường mà con người hay bỏ quên. Đó là sự thức tỉnh xen lẫn với niềm ân hận và nỗi xót xa.
Câu 3 (trang 108 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
Ngòi bút miêu tả tâm lí của Nguyễn Minh Châu rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo:
- Sự tinh tế: Những suy nghĩ của nhân vật Nhĩ, về lẽ sống, về cuộc đời rất cụ thể và sâu sắc. Thiên nhiên qua con mắt của Nhĩ hiện ra rất đẹp.
- Tinh thần nhân đạo: đặt nhân vật vào cảnh hiểm nghèo để Nhĩ tự suy nghĩ, tự trải nghiệm về cuộc đời với những suy nghĩ sâu sắc.
Câu 4 (trang 108 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
Những chi tiết miêu tả chân dung và cử chỉ của Nhĩ với vẻ khác thường ở đoạn cuối truyện Anh đang cố thu nhặt hết mọi sức lực... chứng tỏ Nhĩ đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Thế nhưng đoạn văn này có một ý nghĩa khác đó là: Tác giả muốn thức tỉnh mọi người về những cái “vòng vèo, chùng chình” để hướng tới những giá trị đích thực vốn rất giản dị, gần gũi mà bền vững.
Câu 5 (trang 108 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
Một số hình ảnh, chi tiết mang tính biểu tượng:
- Hình ảnh bãi bồi, bến sông, thiên nhiên ngoài khung cửa sổ. Đó là vẻ đẹp của đời sống gần gũi, bình dị của quê hướng xứ sở.
- Những bông hoa bằng lăng cuối mùa màu sắc như đậm hơn, tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này đổ ụp vào giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng... gợi ra ý nghĩa sự sống của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.
- Đứa con trai ham chơi gợi suy nghĩ về sự chùng chình, vòng vèo của đường đời.
- Hành động và cử chỉ của nhân vật Nhĩ ở cuối truyện cũng mang ý nghĩa biểu tượng: Phải thoát ra, dứt ra khỏi sự chùng chình để hướng tới giá trị đích thực, giản dị mà bền vững.
Câu 6 (trang 108 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
- Đoạn văn thể hiện tập trung chủ đề truyện là đoạn văn Nhĩ thấy đứa con ham chơi, quên cả việc bố nhờ.
→ Ý nghĩa của đoạn văn này: Trong cuộc sống, con người thường khó tránh khỏi những điều vòng vèo, chùng chình. Cần phải thức tỉnh những giá trị và vẻ đẹp đích thực của đời sống ở những cái gần gũi, bình thường mà bền vững.
Luyện tập
Câu 1 (trang 108 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên ở đoạn đầu: cảnh được miêu tả bằng những cảm xúc vô cùng tinh tế theo trật tự từ gần tới xa tạo nên một không gian vừa sâu vừa rộng. Không gian và cảnh vật hiện ra trước tầm nhìn của Nhĩ rất gần gũi, quen thuộc nhưng lại mới mẻ, lạ lẫm.
Câu 2 (trang 108 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):
Đoạn văn tham khảo:
“Bến quê” là một câu chuyện về cuộc đời- cuộc đời vốn rất bình lặng quanh ta với những nghịch lí không dễ gì hóa giải. Hình như trong cuộc sống hôm nay, chúng ta có thể gặp đâu đó một số phận giống như hoặc gần giống như số phận nhân vật Nhĩ trong câu chuyện của Nguyễn Minh Châu. Người ta có thể mải mê chạy theo danh lợi để rồi sau khi đã rong ruổi hết cuộc đời vì một lí do nào đó không thể đi được nữa con người mới nhận ra rằng gia đình chính là tổ ấm cuối cùng đưa tiễn ta về nơi vĩnh hằng. Cái chân lí ấy tiếc thay, Nhĩ chỉ nhận ra vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Một chân lí sâu sắc và thấm thía. Có thể nói “Bến quê” là câu chuyện bàn về ý nghĩa cuộc sống, nhân vật Nhĩ là một nhân vật tư tưởng nhưng là thứ tư tưởng đã được hình tượng hóa một cách tài hoa và có khả năng gây xúc động mạnh mẽ cho người đọc.
Bản 2/ Soạn bài: Bến quê (siêu ngắn)
Bố cục của bài được chia thành 3 phần:
- Phần 1 (Từ đầu... bậc gỗ mòn lõm): Cuộc trò chuyện của Nhĩ với Liên
- Phần 2 (Tiếp.... một vùng nước đỏ): Nhĩ nhờ con trai đi sang bờ sông bên kia
- Phần 3 (Còn lại): Hành động cố gắng cuối cùng của Nhĩ trước mặt cụ giáo Khuyến
Tóm tắt
Truyện kể về nhân vật Nhĩ, người đã đi nhiều nơi, hầu như mọi ngõ ngách đều có dấu chân của anh. Nhưng đến cuối đời, anh lại bị liệt, việc di chuyển xung quanh cái giường cũng trở nên khó khăn đối với Nhĩ. Ngồi trên giường, Nhĩ có cơ hội nhìn ngắm cảnh vật xung quang, nhìn dòng sông và bãi bồi bên kia sông. Anh khao khát được đến đó, nhưng đôi chân lại trở nên bất lực. Anh liền gửi gắm tâm tư đó cho đứa con. Anh nhờ nó đi sang bên kia sông, như một tâm nguyện cuối cùng của cuộc đời.
Soạn bài
Câu 1 (trang 107 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):
- Hoàn cảnh nhân vật Nhĩ: Hồi còn trẻ, Nhĩ đã đi nhiều nơi, hầu như chưa nơi nào là anh chưa đặt chân đến. Khi về già anh bị liệt, anh liền phát hiện ra vẻ đẹp của bãi đất bồi ven sông, nơi quê hương anh, anh chưa từng đến đó một lần.
-Tình huống ấy đặt con người ta vào những nghịch cảnh: Nhĩ đã từng đi nhiều nơi nhưng bến quê nơi gần anh nhất anh lại chưa từng đến. Nhĩ là con người thích xê dịch nhưng khi về già anh lại bị liệt. Từ những nghịch lí đó tác giả muốn gửi gắm những triết lí về nhân sinh cuộc đời.
Câu 2 (trang 107 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):
- Những ngày cuối đời, Nhĩ đã thấy ngoài cửa sổ:
+ Những bông bằng lăng đã thưa thớt, màu sắc nhợt nhạt
+ Con sông Hồng màu đỏ nhạt, rộng mênh mông
+ Vòm trời cao hơn
+ Bãi bồi màu mỡ, quen thuộc mà trở nên xa lạ
- Niềm khao khát của Nhĩ là được đặt chân đến bãi bồi bên kia sông
- Nhĩ khát khao như vậy vì đến khi nằm trên giường anh mới có cơ hội để nhìn ngắm vẻ đẹp của bến quê, anh muốn được nhìn ngắm cái bãi đất bồi nơi mà vợ anh đã được sinh ra và lớn lên. Khi chân con người ta không thể đi được nữa, người ta lại càng khát khao muốn được đi.
Câu 3 (trang 108 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):
- Sự tinh tế: Tác giả đã miêu tả tâm trạng của nhân vật Nhĩ hết sức tinh tế. Từ những cử chỉ ngại ngùng “không dám nhìn vào mặt con”, đến những câu hỏi Liên vì sợ rằng mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Ngượng ngịu khi nói ra yêu cầu kì quặc của mình đối với đứa con trai. Lo sợ đứa con trai vì mải chơi mà không kịp chuyến đò. Tưởng tượng mình là đứa con trai đang ở trên chuyến đò đó. Thu nhặt hết chút sức lực cuối cùng để nhô mình ra ngoài cửa sổ, khoát khoát đứa con trai
- Tinh thần nhân đạo: Dù trong hoàn cảnh hiểm nghèo, nhân vật vẫn ánh lên hi vọng được đi đến bãi bồi bên kia. Qua đó thể hiện tình yêu quê hương của nhân vật Nhĩ
Câu 4 (trang 108 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):
Ý nghĩa của chi tiết cuối truyện là:
- Nhĩ lo lắng đứa con vì mải chơi mà nhỡ mất chuyến đò không sang được bãi bồi bên kia sông. Khát vọng của Nhĩ không được thực hiện và sợ rằng nó cũng sẽ trở thành niềm hối tiếc của đứa con lúc cuối đời
- Con người ta đi nhiều nơi, trải qua những lối quanh co của cuộc đời cuối cùng cũng trở về với mảnh đất quê hương, những thứ bình dị mà khi còn trẻ ta không chú ý đến nó lại là nơi đẹp nhất, đáng trân trọng nhất.
Câu 5 (trang 108 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2): Một số hình ảnh, chi tiết mang tính biểu tượng:
- Hình ảnh bãi bồi, bến sông, thiên nhiên ngoài khung cửa sổ ngoài ý nghĩa thực còn biểu tượng cho vẻ đẹp bình dị, gần gũi của quê hương.
- Những bông hoa bằng lăng cuối mùa màu sắc như đậm hơn, tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này đổ ụp vào giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng... gợi ra ý nghĩa sự sống của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.
- Đứa con trai ham chơi gợi suy nghĩ về sự chùng chình, vòng vèo của đường đời.
Câu 6 (trang 108 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):
- “Thì ra thằng con trai của anh chỉ mới đi được đến... không bao giờ giải thích hết”.
- Ý nghĩa đoạn: thể hiện một triết lí mà nhà văn muốn gửi gắm – con người khó tránh khỏi những điều vòng vèo, chùng chình, đồng thời thức tỉnh về những giá trị và vẻ đẹp đích thực của đời sống.
Luyện tập
Câu 1 (trang 108 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):
Hình ảnh thiên nhiên gần gũi, quen thuộc, mà vẫn ánh lên vẻ bình dị của một hàng cây, một con thuyền, dòng sông, bến đò, bãi bồi... Hình ảnh những bông hoa bằng lăng nhợt nhạt gợi nhắc sự tàn úa cũng như những giây phút cuối cùng của Nhĩ trong cuộc đời.
Câu 2 (trang 108 Ngữ Văn lớp 9 Tập 2):
Con đường đển đi sang bến sông bên kia thật ngắn, nhưng trên con đường đó lại có những điều hấp dẫn khác, khiến con người ta bị lôi cuốn mà quên việc phải bước đi. Chính những điều vòng vèo và chùng chình đó đã làm cho con người không kịp nhận ra vẻ đẹp đơn sơ, giản dị trước mắt.
Bài trước: Soạn bài: Viết bài tập làm văn số 7 - Ngữ văn 9 Bài tiếp: Soạn bài: Ôn tập tiếng việt lớp 9 học kì II - trang 109 sgk Ngữ văn 9 Tập 2