Trang chủ > Lớp 9 > Soạn Văn 9 (cực ngắn) > Soạn bài: Kiều ở lầu Ngưng Bích - trang 95 sgk Ngữ văn 9 Tập 1

Soạn bài: Kiều ở lầu Ngưng Bích - trang 95 sgk Ngữ văn 9 Tập 1

Bản 1/ Soạn bài: Kiều ở lầu Ngưng Bích (siêu ngắn)
Bố cục đoạn trích gồm 3 phần

- Phần 1 (Sáu dòng thơ đầu): Hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều.

- Phần 2 (Tám dòng thơ tiếp): Nỗi nhớ Kim Trọng và nỗi xót thương cha mẹ của Kiều.

- Phần 3 (Tám dòng thơ cuối): Tâm trạng đau buồn, lo âu của Kiều thể hiện qua cách nhìn cảnh vật.

Nội dung bài học

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” miêu tả chân thực cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi, đáng thương, nỗi nhớ người thân da diết và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo vị tha của Kiều khi bị giam lòng ở lầu Ngưng Bích.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 95 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu

- Đặc điểm không gian trước lầu Ngưng Bích: mênh mông hoang vắng, rợn ngợp, thiếu vắng cuộc sống của con người, bốn bề xa trông bát ngát, cồn cát vàng nổi lên nhấp nhô như sóng lượn mênh mông, bụi hồng trải ra trên hàng dặm xa.

- Thời gian: Gợi vòng tuần hoàn khép kín của thời gian, từ sáng sớm đến khuya.

- Hoàn cảnh, tâm trạng của Thúy Kiều:

+ Hoàn cảnh: Kiều bị giam hãm tù túng trong vòng luẩn quẩn của thời gian, không gian.

+ Tâm trạng: cô đơn, buồn tủi, chán chường.

Câu 2 (trang 95 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tám câu thơ tiếp theo

a. Trong cảnh giam lỏng, Kiều nhớ tới Kim Trọng trước, sau đó thương xót về cha mẹ. Như vậy là hợp lí, vì: không phải Kiều không thương nhớ cha mẹ, nhưng sau gia biến, nàng coi như đã làm trọn bổn phận làm con với cha mẹ rồi. Bao nhiêu việc xảy ra, giờ đây một mình ở lầu Ngưng Bích, nàng nhớ về người yêu, nhớ cảnh thề nguyền, nàng hình dung Kim Trọng đang mong đợi. Và nàng ân hận, giày vò vì đã phụ tình chàng Kim. Đó là nỗi nhớ da diết, mãnh liệt của nàng đối với chàng Kim.

b. Nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh: Tác giả sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ chén đồng, tin sương, tấm son, quạt nồng ấp lạnh, sân lai, gốc tử... , từ ngữ thể hiện được tâm trạng đớn đau, day dứt với Kim Trọng, nỗi xót xa, lo lắng cho cha mẹ.

c. Thúy Kiều là một người tình chung thủy, người con hiếu thảo. Nàng có tâm hồn cao đẹp, vị tha và giàu đức hy sinh.

Câu 3 (trang 96 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

a. Cảnh vật là hư. Mỗi cảnh có nét riêng đồng thời lại có nét chung diễn tả tâm trạng của Kiều:

- Hình ảnh cánh buồm nhỏ xa xăm vô định gợi nỗi buồn nhớ quê hương, gia đình và khao khát được sum họp.

- Hình ảnh “hoa trôi man mác” nơi ngọn nước mới sa gợi nỗi buồn tủi về thân phận bơ vơ của mình.

- Hình ảnh nội cỏ rầu rầu một màu đơn điệu gợi nỗi buồn chán trước hiện tại bế tắc, tương lai vô vọng.

- Hình ảnh gió cuốn, sóng ầm ầm gợi nỗi buồn lo về sóng gió cuộc đời sắp ập đến.

b. Nhận xét cách dùng điệp ngữ “Buồn trông” lặp lại bốn lần đặt ở đầu mỗi câu lục diễn tả tâm trạng buồn tràn ngập niềm chua xót về mối tình tan vỡ, nõi đau buồn vì cách biệt cha mẹ, lo sợ hãi hùng trước tai biến dữ dội.

Luyện tập

Câu 1 (trang 96 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là: là mượn cảnh vật để (ngụ) gửi gắm tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình. Cảnh không đơn thuần chỉ là cảnh mà còn là tâm trạng con người. Lấy cảnh làm phương tiện thể hiện tâm trạng.

- Phân tích tám câu thơ cuối:

+ Hình ảnh Cánh buồm nhỏ xa xăm vô định gợi nỗi buồn nhớ quê hương, gia đình và khao khát được sum họp.

+ Hình ảnh “hoa trôi man mác” nơi ngọn nước mới sa gợi nỗi buồn tủi về thân phận bơ vơ của mình.

+ Hình ảnh “Nội cỏ rầu rầu” một màu đơn điệu gợi nỗi buồn chán trước hiện tại bế tắc, tương lai vô vọng.

+ Hình ảnh Gió cuốn, sóng ầm ầm gợi nỗi buồn lo về sóng gió cuộc đời sắp ập đến.

+ Cụm từ “buồn trông” được sử dụng tài hoa ở đầu 4 câu lục tạo ra âm điệu trầm buồn cho câu thơ và cũng là điệp khúc của tâm trạng nhân vật. Các từ láy, câu hỏi tu từ và bao trùm là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình có tác dụng nhấn mạnh, khắc sâu nỗi buồn thương nặng trĩu trong lòng Kiều, nỗi buồn mênh mang, vô tận, không giới hạn. Đây là nỗi đau thân phận. Ta thấy được tấm lòng thương xót, đồng cảm của nhà thơ với nhân vật.

Câu 2 (trang 96 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

Học thuộc lòng đoạn thơ.

Bản 2/ Soạn bài: Kiều ở lầu Ngưng Bích (siêu ngắn)
Bố cục

- Phần 1: 6 câu đầu: Khung cảnh lầu Ngưng Bích

- Phần 2: 8 câu tiếp: Nỗi thương nhớ nhà và Kim Trọng của Kiều

- Phần 3: 8 câu cuối: Tâm trạng của Kiều qua bức tranh thiên nhiên

Câu 1 (trang 95 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1): Cảnh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích

- Không gian: “Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”, bốn bề bát ngát, cát vàng cồn nọ: Không gian được miêu tả từ cao, xa, rộng. Không gian trước lầu Ngưng Bích là một không gian rộng lớn, mênh mông, xa cách với cõi trần.

- Thời gian: Thời gian được miêu tả qua từ “mây sớm đèn khuya”, hình ảnh ánh trăng. Kiều luôn phải thức khuya, dậy sớm bởi một nỗi trằn trọc, tủi hận cho cuộc đời mình

- Các từ miêu tả tâm trạng: bẽ bàng, khóa xuân: Qua đó ta thấy Kiều đang lâm vào hoàn cảnh bị giam lỏng, bị ngăn cách với thế giới bên ngoài. Cô cảm thấy xót thương, xấu hổ cho thân phận của mình.

Câu 2 (trang 95 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

a, Trong cảnh ngộ đó Kiều đã nhớ đến gia đình và nhớ đến Kim Trọng. Nàng nhớ Kim Trọng trước, nhớ cha mẹ sau. Nhớ như vậy cũng là hợp lí vì trước khi Kiều bị bán đi Kim Trọng không biết. Nàng đã phụ tấm chân tình của Kim Trọng lo rằng chàng đang chờ đợi và tìm kiếm mình. Nhớ cha mẹ sau vì thương nỗi cha mẹ ở nhà không có ai chăm, ốm đau không có ai nâng giấc

b, - Nhớ Kim Trọng: Thể hiện qua lời thề nguyền dưới ánh trăng, qua sự thương xót Kim Trọng phải chơ đợi nàng một cách uổng công. Đặc biệt được thẻ hiện qua từ “tấm son”: Kiều muốn khẳng định của Kim Trọng tấm lòng của mình, sợ rằng chàng nghĩ mình là kẻ phụ tình

- Nhớ cha mẹ: được thể hiện qua từ “xót người tựa cửa”, “quạt nồng ấp lạnh” lo cho cha mẹ hàng ngày đứng cửa chờ trông mình, không có ai ở nhà chăm sóc, nâng giấc

- Qua đó cho thấy Kiều là một người trọng tình nghĩa, thủy chung, so sắt, là một người con có hiếu, yêu thương cha mẹ.

Câu 3 (trang 96 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

a, Cảnh vật ở đây được miêu tả thông qua tâm trạng của Kiều. Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Qua mỗi cặp câu thơ thể hiện nỗi nhớ thương khác nhau: 2 câu đầu nàng nhớ cha mẹ, 2 câu sau nàng nhớ tới chàng Kim, 2 câu cuối nàng xót xa cho thân phận mình

b, Nguyễn Du đã sử dụng các điệp ngữ “buồn trông” để nói lên tâm trạng chờ đợi trong mỏi mòn, buồn tủi của Kiều về tin tức người nhà về người yêu. Nỗi buồn dằng dặc, mênh mông, cô đơn, sầu thảm.

Nguyễn Du sử dụng các điệp từ “xa xa, ầm ầm, xanh xanh” để diễn tả tâm trạng của Kiều. Tâm trạng buồn mang mác. ở 2 câu thơ cuối tác giả sử dụng từ láy “ầm ầm” dự báo một đều trắc trở sắp diễn ra với cuộc đời Kiều.

Luyện tập

- Tả cảnh ngụ tình là một bút pháp đặc trưng của văn học trung đại nói chung, của ngòi bút Nguyễn Du nói riêng với cơ chế là tả cảnh thông qua đó để bộc lộ tâm trạng con người, tả cảnh để nói tình chứ không chỉ là bức tranh tả cảnh thuần túy.

- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối. Toàn bộ tám câu thơ đều nhằm khắc họa tâm trạng lạc lõng, cô đơn, đầy âu lo của Thúy Kiều về số phận của chính mình.