Trang chủ > Lớp 9 > Soạn Văn 9 (cực ngắn) > Soạn bài: Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận (trang 142 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)

Soạn bài: Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận (trang 142 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)

Bản 1 - Soạn bài: Đoàn thuyền đánh cá (siêu ngắn)

Bố cục của bài thơ:

- Phần 1 (Khổ 1-2): Cảnh đoàn thuyền ra khơi.

- Phần 2 (Khổ 3-6): Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển

- Phần 3 (Khổ 7): Cảnh đoàn thuyền trở về.

Nội dung bài học

Bài thơ khắc họa nhiều hình ảnh đẹp, tráng lệ, thể hiện sự hài hòa với thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 142 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

- Không gian được miêu tả trong bài thơ là mặt biển rộng bao la, khoáng đạt và hùng vĩ.

- Thời gian từ lúc hoàng hôn buông xuống cho đến bình minh ngày hôm sau.

Câu 2 (trang 142 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

- Hình ảnh người lao động và công việc của họ được miêu tả trong không gian: rộng lớn của vũ trụ, giữa biển khơi bao la, hùng vĩ.

- Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật: liệt kê, so sánh, ẩn dụ, nhân hóa thể hiện được sự phong phú của các loài cá, sự giàu có của biển khơi, hiện lên hình ảnh người lao động hăng say, lạc quan, hòa quyện với vẻ đẹp thiên nhiên.

Câu 3 (trang 142 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

Phân tích một số hình ảnh đẹp tráng lệ thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Cảm hứng lãng mạn giúp tác giả phát hiện những vẻ đẹp của cảnh đánh cá giữa biển đêm trong niềm vui phơi phới, khỏe khoắn của người lao động làm chủ công việc của mình. Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la đã trở thành con thuyền kỳ vĩ, khổng lồ, hòa nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên, vũ trụ. Con thuyền được đặt trong mối quan hệ hài hòa với “gió” với “trăng” với “trời" và “biển”. Con thuyền đang thỏa sức tung hoành giữa khoảng không gian bao la, rộng lớn của vũ trụ vô cùng, vô tận. Đang lướt tới với tất cả sức mạnh chinh phục biển cả, chinh phục thiên nhiên.

- Bút pháp xây dựng hình ảnh của tác giả: Hình ảnh thơ bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú độc đáo.

Câu 4 (trang 142 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

- Đây là khúc ca về tình yêu lao động và con người lao động với tinh thần làm chủ cuộc sống và niềm vui phơi phới.

- Âm hưởng, giọng điệu bài thơ: khỏe khoắn, sôi nổi, phơi phới, bay bổng.

- Các yếu tố đã góp phần tạo nên âm hưởng bài thơ:

+ Lời thơ dõng dạc,

+ Âm điệu thơ như khúc hát say mê, hào hứng,

+ Thể thơ 7 chữ, nhịp 4/3, vần liền xen cách, vần trắc xen bằng.

+ Hình ảnh thơ lặp lại theo kết cấu đầu cuối tương ứng.

Câu 5 (trang 142 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

Cảm xúc của tác giả trước thiên nhiên và con người lao động:

- Ca ngợi và tự hào sự giàu đẹp của biển, sự giàu đẹp trong tâm hồn của những người lao động mới, phơi phới tin yêu cuộc sống mới, ngày đêm chạy đua với thời gian để cống hiến, để xây dựng đất nước giàu đẹp.

Luyện tập

Câu 1 (trang 142 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

Khổ thơ đầu của bài thơ mở ra một khung cảnh hoàng hôn trên biển vừa diễm lệ vừa hùng vĩ đầy sức sống:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa.

Nhà thơ Huy Cận đã sử dụng nghệ thuật so sánh, nhân hóa: mặt trời được ví như hòn lửa đỏ rực từ từ lặn xuống biển còn vũ trụ như một căn nhà khổng lồ bước vào trạng thái nghỉ ngơi. Những con sóng như những chiếc then cài cửa của ngôi nhà vĩ đại ấy. Ngày đã chuyển sang đêm, đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Ở đây có sự đối lập giữa vũ trụ và con người: Khi vũ trụ nghỉ ngơi thì là lúc con người lao động. Không phải một con thuyền ra khơi mà là cả một đoàn thuyền, một sức mạnh mới của cuộc đời đổi thay. Từ “lại” trong ý thơ “lại ra khơi” là sự khẳng định nhịp điệu của dân chài đã ổn định và đi vào nề nếp trong hòa bình.

Khí thế của những con người ra khơi đánh cá thật mạnh mẽ tươi vui, lạc quan, yêu lao động. Hai câu thơ cuối diễn tả niềm vui yêu đời, yêu lao động, yêu cuộc sống tự do, tiếng hát của những con người làm chủ quê hương giàu đẹp.

Câu 2 (trang 142 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):

Học thuộc lòng thơ

Bản 2 - Soạn bài: Đoàn thuyền đánh cá (siêu ngắn)

Câu 1 (trang 142 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

Bố cục của bài thơ gồm 3 phần:

- Phần 1 (2 khổ đầu): Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi

- Phần 2 (4 khổ thơ tiếp): Cảnh đánh bắt cá trong đêm

- Phần 3 (Khổ cuối): Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về

- Thời gian được miêu tả trong bài thơ: Từ hoàn hôn, đến đêm, đến rạng sáng

- Không gian rộng mênh mông của biển Hạ Long

Câu 2 (trang 142 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

- Người lao động hiện lên trong không gian biển rộng lớn

- Bằng biện pháp nhân hóa, so sánh nhà thơ Huy Cận đã làm nổi bật vẻ đẹp và sức mạnh của con người lao động trước thiên nhiên, vũ trụ: “Thuyền ta lái gió với buồm trăng.... Dàn đan thế trận lưới vây quanh”

Câu 3 (trang 142 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

- Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi dưới khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, tráng lệ. “Mặt trời xuống biển như hòn lửa – Sóng đã cài then đêm sập cửa”. Nhà thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh và nhân hóa để làm cho cảnh hoàng hôn trên biển trở nên lung linh hơn, có hồn và sắc thái hơn. Trên nền không gian ấy là hình ảnh đoàn thuyền lái gió ra khơi với những câu hát ru của gió rít bên cánh buồm.

- Hình ảnh con thuyền và người dân lao động được thể hiện trong khổ thơ “Thuyền ta lái gió với buồm trăng.... Dàn đan thế trận luwois vây giăng” cho thấy sự mạnh mẽ của con người và con thuyền. Tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa làm cho con thuyền giống như con người, có hành động, có trạng thái. Hành động này có được nhờ sự điều khiển điêu luyện, khỏe mạnh của con người. Con người hiện lên tràn đầy kinh nghiệm trong công việc đánh bắt cá.

Câu 4 (trang 142 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

- Đây là khúc ca ngợi ca lao động và tinh thần làm chủ thiên nhiên.

- Tác giả thay lời những người lao động để viết lên khúc ca này

- Giọng điệu của bài thơ nhanh, dứt khoát, dõng dạc tạo âm hưởng vui tươi, hào sảng, mạnh mẽ. Các câu thơ, khổ thơ vần với nhau tạo ra âm hưởng vang vọng, vươn xa.

Câu 5 (trang 142 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):

Nhà thơ Huy Cận có cái nhìn tươi mới và tràn đầy sức sống trước thiên và người dân lao động. Thiên nhiên dưới điểm nhìn của ông bao giờ cũng huy hoàng, nguy nga, tráng lệ, giàu đẹp và tràn đầy sức sống, sự vận động. Con người lao động trong công việc của mình bao giờ cũng là người làm chủ, mạnh mẽ, rắn rỏi, quyết liệt và tràn đầy kinh nghiệm.

Luyện tập

Khổ thơ đầu là bức tranh về đoàn thuyền đánh cá lúc giăng buồm ra khơi. Hai câu thơ đầu của khổ thơ miêu tả không gian, thời gian trong thời điểm ấy. "Mặt trời xuống biển như hòn lửa", không gian bước vào buổi chiều tà, lúc hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Thời gian tiến dần về đêm, bóng đêm bao phủ cả không gian ở câu thơ thứ hai "sóng đã cài then, đêm sập cửa". Tác giả miêu tả không gian, thời gian trong cái nhìn nhân hóa, mọi sự vật hiện tượng hiện lên sinh động, có hồn, như những sinh thể mang sự sống đang đắm mình vào màn đêm của thiên nhiên.

Hai câu thơ sau miêu tả hình ảnh đoàn thuyền ra khơi. Tiếng hát của những con người lao động hòa vào với gió của đất trời, thổi căng cánh buồm của sự sống, của niềm hăng say lao động. Tác giả Huy Cận đã sử dụng hình ảnh rất độc đáo "câu hát căng buồm cùng gió khơi". Câu hát được sử dụng như một phép hoán dụ, đó là hình ảnh của những người dân lao động hăng say với công việc, là tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên của họ. Khổ thơ đầu không chỉ là bức tranh đoàn thuyền đánh cá ra khơi mà còn thể hiện sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên đất nước.