Soạn bài: Cảnh ngày xuân - trang 86 sgk Ngữ văn 9 Tập 1
Bố cục của đoạn trích gồm 3 phần:
- Phần 1 (bốn dòng thơ đầu): khung cảnh ngày xuân.
- Phần 2 (Tám dòng thơ tiếp): khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh.
- Phần 3 (sáu dòng thơ cuối): cảnh chị em Kiều du xuân trở về.
Nội dung bài họcĐoạn thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng, mới mẻ được gợi lên qua từ ngữ, bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của Nguyễn Du.
Hướng dẫn soạn bàiCâu 1 (trang 86 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):
- Vẻ đẹp riêng của mùa xuân:
+ Màu sắc: Màu xanh mướt của cỏ.
+ Đường nét: Cành lê điểm vài bông hoa.
+ Không gian: chim én chao liệng như thoi đưa trên bầu trời, ánh sáng đẹp, trời xuân cao rộng.
⇒ Khung cảnh mùa xuân: tươi đẹp, tinh khôi và giàu sức sống.
- Nhận xét về cách dùng từ ngữ và bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Du
+ Cách dùng từ chọn lọc, tinh tế, biểu cảm thể hiện qua từ “điểm” khắc họa cảnh vật sinh động, có hồn.
+ Bút pháp nghệ thuật: chấm phá, lấy tĩnh tả động.
Câu 2 (trang 86 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):
- Không khí rộn ràng của lễ hội mùa xuân được gợi lên bởi hàng loạt các từ ghép tính từ, danh từ, động từ:
+ Các danh từ (yến anh, chị em, tài tử, giai nhân…): gợi tả sự đông vui nhiều người cùng đến hội.
+ Các động từ (sắm sửa, dập dìu…): thể hiện không khí náo nhiệt, rộn ràng của ngày hội.
+ Các tính từ (gần xa, nô nức…): làm rõ hơn tâm trạng người đi hội.
- Khắc họa lễ tảo mộ (viếng mộ, sửa sang phần mộ của người thân, đốt vàng vó, tiền giấy để tưởng nhớ đến người đã khuất), du xuân (hội đạp thanh, giẫm lên cỏ xanh). “Lễ” là hồi ức và tưởng niệm quá khứ theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “hội” là khát khao và hoài vọng nhìn về phía trước cuộc đời. Lễ và hội trong tiết Thanh minh là một sự giao hòa độc đáo.
Câu 3 (trang 86 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):
- Cảnh vật và không khí mùa xuân trong sáu câu thơ cuối có những điểm giống và khác với bốn câu thơ đầu như sau:
+ Giống nhau: vẫn mang nét thanh dịu của mùa xuân.
+ Khác nhau: thời gian, không gian thay đổi (sáng - chiều tà; vào hội - tan hội).
Vì tâm trạng con người cuối ngày cũng đã thấy mệt mỏi.
- Các từ: Tà tà, thanh thanh, nao nao không chỉ tả thiên nhiên đẹp nhưng nhuốm màu tâm trạng: con người bâng khuâng, xao xuyến, bần thần, uối tiếc, buồn man mác về một ngày vui sắp hết, sự linh cảm về một điều sắp xảy ra. Vì không khí rộn ràng của lễ hội không còn nữa, tất cả nhạt dần, lặng dần.
- Cảm nhận về khung cảnh thiên nhiên và tâm trạng con người trong sáu câu thơ cuối: cảnh hoàng hôn êm đềm, đượm buồn và cảm xúc con người du xuân trở về bâng khuâng, xao xuyến.
Câu 4 (trang 87 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):
Thành công về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên:
- Miêu tả thiên nhiên theo trình tự thời gian, không gian.
- Từ ngữ giàu chất tạo hình, sáng tạo, độc đáo; sử dụng thành công các từ láy, danh từ, động từ, tính từ.
- Sử dụng bút pháp cổ điển: tả cảnh gắn với tả tình, tả cảnh ngụ tình, tình và cảnh tương hợp.
- Chỉ bằng vài nét gợi tả mà khung cảnh chiều xuân gợi lên rõ nét.
Luyện tậpCâu 1 (trang 87 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):
So sánh cảnh mùa xuân trong câu thơ cổ Trung Quốc với cảnh mùa xuân trong câu thơ của Nguyễn Du:
- Bút pháp gợi tả trong câu thơ cổ Trung Quốc vẽ lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân có:
+ Hương vị: Hương thơm của cỏ.
+ Màu sắc: Màu xanh mướt của cỏ.
+ Đường nét: Cành lê điểm vài bông hoa.
⇒ Cảnh vật đẹp dường như tĩnh lại. Khung cảnh mùa xuân nhấn mạnh độ rộng, độ dài và hương thơm của cỏ.
- Bút pháp gợi tả trong câu thơ Nguyễn Du được nhấn mạnh trọng tâm với hình ảnh những bông hoa lê trắng giữa nền xanh bao la của đất trời. Từ “điểm” khiến cho bức tranh mùa xuân cò hồn và nét chấm phá. Nguyễn Du thiên về tả màu xanh mơn mởn của cỏ non để thông qua đó thể hiện sức sống bừng của mùa xuân. Nghệ thuật tả cảnh có xa có gần, có thấp có cao, có diện có điểm, có hình khối và đường nét, màu sắc hài hòa.
Câu 2 (trang 87 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):
Học thuộc lòng đoạn thơ.
Bản 2/ Soạn bài: Cảnh ngày xuân (siêu ngắn)Bố cục đoạn trích được chia làm 3 phần:
- Phần 1: 4 câu đầu: Gợi tả khung cảnh ngày xuân
- Phần 2: 8 câu tiếp: khung cảnh lễ hội đạp thanh trong tiết thanh minh
- Phần 3: Còn lại: Cảnh chị em Thúy Kiều trở về
Câu 1 (trang 86 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
Những chi tiết gợi tả khung cảnh mùa xuân:
- Con én đưa thoi
- Cỏ non xanh rờn
- Thiều quang sáng rực
- Cành lê đang ra hoa kết trái
Khung cảnh mùa xuân trong lành, nhẹ nhàng, khoáng đạt, thanh khiết và tràn đầy sức sống
Tác giả đã sử dụng bút pháp ước lệ vừa gợi thời gian vừa gợi không gian kết hợp với những hình ảnh tiêu biểu, đặc sắc của mùa xuân để gợi tả màu sắc, đường nét, cái hồn của cảnh vật
Câu 2 (trang 86 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
- Phong tục tảo mộ (viếng mộ, sửa sang phần mộ của người thân) và du xuân (hội đạp thanh)
- Không khí vui tươi, rộn ràng của lễ hội mùa xuân được gợi lên bởi hàng loạt các từ ghép tính từ, danh từ, động từ:
+ Từ ghép danh từ: yến anh, chị em, tài tử, giai nhân.
+ Từ ghép động từ: sắm sửa, dập dìu.
+ Từ ghép tính từ: gần xa, nô nức.
- Không khí lễ hội đông vui, rộn ràng, náo nức gần xa. Người đi lễ hội là tài tử giai nhân dáng điệu khoan thai, ung dung thanh thản. Người người vừa đi vừa đốt tiền giấy để cúng những linh hồn đã khuất. Đó là một truyền thống văn hóa tâm linh nổi bật của người phương Đông.
Câu 3 (trang 86 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
- Cảnh vật không khí mùa xuân ở 6 câu thơ cuối không còn sống động, tràn đầy sức sống mà nó êm đềm, nhẹ nhàng, yểu điệu, thướt tha. Vì tâm trạng của con người khi trở về có sự tiếc nuối.
- Các từ “tà tà, thanh thanh, nao nao” vừa gợi tả cảnh vật vừa nói lên tâm trạng. Không vội vã về, chưa muốn về ngay nên vẫn từ từ, thong dong. Từ “nao nao” diễn tả tâm trạng sâu sắc nhất. Nó thể hiện một tâm trạng buồn man mác nhưng không hiểu mình buồn vì điều gì.
- Khung cảnh thiên nhiên chìm dần trong tĩnh lặng, tâm trạng con người cũng buồn man mác.
Câu 4 (trang 87 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
Tác giả đã sử dụng nhiều từ ngữ giàu chất tạo hình, những từ láy gợi hình, tình tứ tả màu sắc, từ ghép… Tác giả kết hợp tài tình bút pháp tả cụ thể, chi tiết và bút pháp gợi có tính chất chấm phá, điểm xuyết.
Luyện tậpĐại thi hào Nguyễn Du đã tiếp thu ý tưởng từ câu thơ câu thơ cổ Trung Quốc để miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa xuân. Bức tranh mùa xuân ở hai câu thơ hiện lên với những nét vẽ tương đồng với nhau:
- Cỏ xanh trải dài tận chân trời, mở ra không gian bao la, ngút ngàn (cỏ thơm liền với trời xanh - cỏ non xanh tận chân trời).
- Cành lê với những bông hoa lê trắng điểm xuyết.
- Sự sáng tạo của Nguyễn Du so với cổ nhân thể hiện tập trung ở câu thơ thứ hai.
- Ở câu thơ cổ Trung Quốc chỉ đơn thuần là miêu tả lại trên cành lê nở mấy bông hoa.
Câu thơ "Cành lê trắng điểm một vài bông hoa" của Nguyễn Du đặc biệt nhất mạnh vào bút pháp chấm phá điểm xuyết. Trọng tâm trong bức tranh của Nguyễn Du chính là những bông hoa lê trắng giữa nền xanh bao la của đất trời. Tác giả đã sử dụng phép đảo ngữ, đặt động từ "điểm" lên trước cụm danh từ "một vài bông hoa".
Bài trước: Soạn bài: Chị em Thúy Kiều - trang 83 sgk Ngữ văn 9 Tập 1 Bài tiếp: Soạn bài: Thuật ngữ - trang 87 sgk Ngữ văn 9 Tập 1