Soạn bài: Ánh trăng - Nguyễn Duy (trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)
Bản 1/ Soạn bài: Ánh trăng (siêu ngắn)
Bố cục bài thơ được chia làm 3 phần:
- Phần 1 (2 khổ thơ đầu): Vầng trăng trong quá khứ.
- Phần 2 (3 khổ thơ giữa): Vầng trăng trong hiện tại
- Phần 3 (Khổ thơ cuối): Vầng trăng trong suy tưởng.
Nội dung bài học
Bài thơ là lợi gợi nhắc về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước, bình dị, hiền hậu. Từ đó nhắc nhở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):
- Nhận xét về bố cục của bài thơ: Bố cục bài thơ được chia theo trình tự từ quá khứ đến hiện tại.
- Bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc: Sự xuất hiện đột ngột của trăng trong hoàn cảnh bỗng mất điện, người lính gặp lại vầng trăng. Trăng vẫn tròn, vẫn trọn vẹn, thủy chung nhưng con người lại vô tình, bạc bẽo coi trăng là người dưng. Từ đó là sự thức tỉnh của con người.
Câu 2 (trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):
- Hình ảnh vầng trăng mang nhiều tầng ý nghĩa, cụ thể:
+ Trăng là hình ảnh của thiên nhiên, hồn nhiên, tươi mát.
+ Là tuổi thơ ngọt ngào và những năm tháng chiến đấu gian lao.
+ Vầng trăng là biểu tượng của quá khứ nghĩa tình.
+ Tình nghĩa thủy chung: tình nghĩa trọn vẹn, bao dung
- Khổ thơ cuối của bài thơ thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lý của tác phẩm.
Câu 3 (trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):
Nhận xét về kết cấu và giọng điệu của bài thơ:
- Kết cấu: độc đáo, phát triển theo thời gian, kết hợp hài hòa giữa chất tự sự và trữ tình.
- Giọng điệu: tâm tình, thấm thía, trầm lắng, suy tư, chân thành, tha thiết.
⇒ Những yếu tố đó đã góp phần bộc lộ những cảm xúc sâu sắc của người lính khi nghĩ về quá khứ, chiến tranh.
Câu 4 (trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):
- Thời điểm ra đời của bài thơ: Bài thơ Ánh Trăng được nhà thơ Nguyễn Duy viết vào năm 1978, tại thành phố Hồ Chí Minh (sau 3 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước).
- Chủ đề bài thơ: Nhắc về những năm tháng gian lao đã qua của đời người lính.
- Bài thơ nằm trong mạch cảm xúc theo một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại với các mốc sự kiện con người. Dòng cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ theo mạch tự sự từ quá khứ đến hiện tại. Từ đó nhắc nhở con người sống theo đạo lí “uống nước nhớ nguồn” và ân nghĩa thủy chung.
Luyện tập
Câu 1 (trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):
Đọc diễn cảm bài thơ
Câu 2 (trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tưởng tượng mình là nhân vật trữ tình trong bài Ánh trăng, em hãy diễn tả dòng cảm nghĩ trong bài thơ thành một bài tâm sự ngắn.
Đoạn văn tham khảo:
Trong quá khứ tôi và trăng là một đôi bạn tri kỉ và tình nghĩa với nhau. Tuổi thơ ấu, tôi và trăng rất gần gũi, hồn nhiên, vô tư với nhau. Khi lớn lên, tôi tham gia chiến tranh, trăng cũng theo tôi vào ở rừng. Trong những ngày tháng gian lao ấy, trăng đã trở thành người bạn đồng hành cùng tôi qua những thăng trầm cuộc đời. Rồi hòa bình lập lại, tôi trở về thành phố với cuộc sống hiện đại, tiên nghi. Đắm chìm trong cuộc sống ấy, tôi vô tình đã lãng quên vầng trăng và quên đi cả lời hứa năm xưa của mình. Tôi đã quay lưng lại với vầng trăng, quay lưng lại với quá khứ, với thiên nhiên và chính mình. Trong một lần mất điện, tôi đã gặp lại vầng trăng. Trăng vẫn thế, vẫn tròn đầy, thủy chung và không trách cứ tôi nhưng tôi thấy thật ăn năn và hối hận vì sự vô tâm, bạc bẽo của mình.
Bản 2/ Soạn bài: Ánh trăng (siêu ngắn)
Bố cục
- Phần 1 (3 khổ đầu): Quan hệ giữa tác giả với vầng trăng
- Phần 2 (khổ 4): Tác giả tình cờ gặp gỡ lại vầng trăng
- Phần 3 (2 khổ cuối): Cảm xúc, suy ngẫm của tác giả
Câu 1 (trang 157 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
- Bố cục bài thơ diễn ra theo trình tự thời gian, sự việc nào diễn ra trước kể trước, sự việc nào diễn ra sau kể sau.
- Bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc nằm ở khổ thơ thứ 4. Khi tác giả tình cờ gặp lại vầng trăng trong một đêm mất điện
Câu 2 (trang 157 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
Ý nghĩa của hình ảnh vầng trăng
- Trăng là tri kỉ: gắn bó với tác giả từ những ngày thơ dại đến những ngày ở chiến khu
- Trăng là biểu tượng cho tình nghĩa, cho tình cảm gắn bó
- Trăng là biểu tượng cho sự lãng quên, bội bạc của con người
Khổ thơ thể hiện tập trung nhất chiều sâu tư tưởng và triết lí của bài thơ là khổ cuối “Trăng cứ tròn vành vạnh... đủ cho ta giật mình”. Qua bao nhiêu đổi thay, hình ảnh vầng trăng vẫn vậy, vẫn đong đầy tình cảm, vẫn chí tình chí nghĩa với con người. Nhưng qua sự chuyển vần của cuộc đời con người đã lãng quên cái vầng trăng tình nghĩa ấy. Ánh trăng ở cuối khổ thơ như muốn nhắc nhở con người về quá khứ thiêng liêng, về sự bội bạc.
Câu 3 (trang 157 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
Kết cấu bài thơ dựa theo sự phát triển của thời gian. Cùng qua một đoạn thời gian giống nhau. Vầng trăng thì tình nghĩa, con người thì lãng quên. Tác giả như muốn tự nhắc nhở bản thân mình về những năm tháng gian lao đã gắn bó với thiên nhiên, đất nước.
Bài thơ mang âm hưởng nhẹ nhàng, như một lời nhắc nhở dịu êm, khi thì trầm tư sâu lắng khi thì giật mình tỉnh ngộ.
Câu 4 (trang 157 Ngữ Văn lớp 9 Tập 1):
- Bài thơ “Ánh trăng” ra đời sau khi kháng chiến chống Mĩ thắng lợi, nước ta được hoàn toàn thống nhất.
- Như vậy qua bài thơ tác gải muốn nhắc nhở thấm thía về thái độ sống của con người sau hòa bình. Con người phải biết ơn, trân trọng những gì mình có được ngày hôm nay. Không được lãng quên quá khứ, sống hưởng thụ trong tương lai. Đây chính là đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Luyện tập
Những năm tháng gian khổ khó nhọc của tuổi thơ, của những năm chiến tranh, ánh trăng đối với tôi như người tri kỉ. Tôi và trăng gắn bó với nhau, hồn nhiên, tình nghĩa. Nhưng kể từ khi về với cuộc sống hòa bình, êm ấm ở thành phố, ánh điện nhân tạo sáng trưng đã khiến tôi quên mất vầng trăng từng gắn bó với mình. Trăng ngày ngày đi qua trước ngõ, nhưng tôi không mảy may chú ý. Rồi đến một lần, tất cả những ánh điện nhân tạo sáng trưng kia vụt tắt, ánh sáng của trăng vẫn vằng vặc, soi chiếu xuống mặt đất. Tôi ngước lên nhìn nó, mới chợt nhận ra, lâu nay mình đã bỏ quên chính quá khứ của mình, lãng quên chính những tháng ngày gian khổ nhưng ăm ắp chan chứa tình cảm trước kia. Cuộc sống hiện đại đã khiến tôi quên mất những giá trị đẹp đẽ, vĩnh hằng trong cuộc sống của mình. Ánh trăng vẫn soi sáng như thế, khiến tôi giật mình bởi chính sự vô tình của mình.
Bài trước: Soạn bài: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm (trang 154 sgk Ngữ văn 9 Tập 1) Bài tiếp: Soạn bài: Tổng kết từ vựng (luyện tập tổng hợp) - trang 158 sgk Ngữ văn 9 Tập 1