Soạn bài: Cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học - trang 148 sgk Ngữ văn 7 Tập 1
Bản 1/ Soạn bài: Cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học (siêu ngắn)
A. Kiến thức cần nhớ
- Khái niệm cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học: Là trình bày những cảm xúc, liên tưởng, tưởng tượng, suy ngẫm của mình về nội dung và hình thức của tác phẩm đó.
- Bố cục của một bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học gồm 3 phần:
Mở bài: giới thiệu về tác phẩm và hoàn cảnh tiếp xúc tác phẩm
Thân bài: Những cảm xúc, suy nghĩ do tác phẩm gợi lên
Kết bài: Ấn tượng chung về tác phẩm
B. Hướng dẫn soạn bài
I. Tìm hiểu cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học
a) Bài văn viết về bài ca dao: Đêm qua ra đứng bờ ao
b) Các liên tưởng tưởng tượng. hồi tưởng, suy ngẫm của tác giả
Tác giả tưởng tượng một người đầu đội khăn, mặc áo dài - là một người quen, ở nơi xa đang hướng về cố hương.
Tác giả liên tưởng và tưởng tượng ra cái mạng nhện và cảnh con nhện nghển trông, vờn đón, ngạc nhiên, thất vọng.
Tác giả cũng lại hình dung đến dòng sông Ngân Hà – nơi có người quen và thân thương đang ngẩng lên ngắm nhìn và trông đợi
Từ đó mà tác giả liên hệ đến lòng thuỷ chung không bao giờ vơi cạn.
II. Luyện tập
Câu 1 (trang 148 sgk Ngữ văn 7 Tập 1):
a. Mở bài: Giới thiệu bài thơ “Cảnh khuya” và hoàn cảnh tiếp xúc với bài thơ.
b. Thân bài: Cảm xúc, suy nghĩ do tác phẩm gợi lên
- Thời điểm tiếp xúc với thiên nhiên của người viết.
- Hình ảnh so sánh mang đầy chất thơ (tiếng suối như tiếng hát).
- Vẻ đẹp trừ tình của trăng
- Tấm lòng vì nước vì dân của người thi sĩ – người chiến sĩ cách mạng.
c. Kết bài: Phát biểu ấn tượng chung về tác phẩm.
Câu 2 (trang 148 sgk Ngữ văn 7 Tập 1):
a. Mở bài: Giới thiệu đôi nét về Hạ Tri Chương và bài thơ.
b. Thân bài: Cảm xúc, suy nghĩ về các hình ảnh và cảm xúc của tác phẩm.
- Hoàn cảnh viết bài thơ có nét gì độc đáo, đặc biệt.
- Sự đối lập các trạng thái trẻ – già, đi xa – trở về và sự thay đổi của tác giả (tóc mai đã rụng).
- Điểm không thay đổi sau bao năm xa cách: giọng quê (cũng chính là cái tình đối với quê hương).
- Cuộc gặp gỡ với lũ trẻ con trong làng.
- Sự xót xa của tác giả khi bị lũ trẻ coi là người khách lạ.
- Chính sự trớ trêu này lại càng làm nổi rõ tình yêu quê hương của nhà thơ.
c. Kết bài: Cảm xúc chung về tác phẩm. Tình cảm của người viết đối với quê hương.
Bản 2/ Soạn bài: Cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học (siêu ngắn)
I. Tìm hiểu cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học
1. Đọc văn bản
2. Trả lời câu hỏi
a. Bài văn viết về bài ca dao
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Đêm đêm tưởng dải ngân hà
Chuôi sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ
b. Tác giả phát biểu cảm nghĩ của mình về bài ca dao bằng cách tưởng tượng liên tưởng suy ngẫm về các hình ảnh chi tiết của nó. Cụ thể:
- Những cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng do hai câu thơ đầu gợi lên:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ
- Những cảm xúc tưởng tượng, liên tưởng do hai câu sau gợi lên:
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?
- Những cảm xúc tưởng tượng do hai câu kế tiếp gợi lên:
Đêm đêm tưởng dải ngân hà
Chuôi sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn
- Những cảm xúc tưởng tượng liên tưởng do hai câu cuối gợi lên
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào khê nước chẳy vẫn còn trơ trơ
II. Luyện tập
Bài 1 (trang 148 Ngữ Văn 7 Tập 1):
Trong những bài thơ Bác Hồ làm ở chiến khu Việt Bắc thời kì kháng chiến chống Pháp, “Cảnh khuya” là bài thơ gây cho em sự xúc động và ngượng mộ. Càng đọc bài thơ “Cảnh khuya”, em càng thấy Bác là người yêu thiên nhiên, có tâm hồn nghệ sĩ và Bác cũng là người chiến sĩ cách mạng luôn lo lắng cho vận mệnh đất nước.
Hai câu thơ đầu trong bài thơ tả cảnh đêm khuya nơi núi rừng Việt Bắc. Trăng càng về đêm càng sáng. Ánh trăng lan toả bao phủ khắp mặt đất. Đêm vắng, tiếng suối nghe càng rõ. Tiếng suối chảy êm đềm nghe rất trong rì rầm từ xa vọng đến. Cảm nhận của Bác thật tinh tế, nghe suối chảy mà cảm nhận được mức độ xanh trong của dòng nước. Tiếng suối trong đêm khuya như tiếng hát xa dịu êm vang vọng, khoan nhạt như nhịp điệu của bài hát trữ tình sâu lắng. Đó là nghệ thuật lấy động tả tĩnh, tiếng suối rì rầm êm ả, vắng lặng trong đêm chiến khu. Tiếng suối và tiếng hát là nét vẽ tinh tế gợi tả núi rừng chiến khu thời máu lửa mang sức sống và hơi ấm của con người:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”
Mỗi một vần thơ, mỗi một khung cảnh, âm thanh của suối chảy được cảm nhận tinh tế khác nhau. Sau tiếng suối nghe như tiếng hát xa kia là trăng chiến khu. Ánh trăng chiến khu sao mà sáng và đẹp thế. Tầng cao là trăng, tầng giữa là cổ thụ, tầng thấp là hoa - hoa rừng. Cả núi rừng Việt Bắc đang tràn ngập dưới ánh trăng. Ánh trăng bao phủ khắp không trung mát dịu, len lỏi xuyên qua kẽ lá, tán cây, ánh trăng như âu yếm, hoà quyện cùng thiên nhiên cây cỏ. Ánh trăng như xoáy và lồng vào những tán lá. Và trên mặt đất những đoá hoa rừng đang ngậm sương đêm cùng với bóng cổ thụ đan xen trên mặt đất. Đêm thanh, trên không trung dường như chỉ có vầng trăng ngự trị. Đêm vắng, trăng thanh mặt đất cỏ cây như ngừng thở để đón đợi ánh trăng mát lạnh dịu hiền mơn man ôm ấp:
“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Chữ lồng điệp lại hai lần đã nhân hoá vầng trăng, cổ thụ và hoa. Trăng như người mẹ hiền đang tiếp cho muôn vật trần gian dòng sữa ngọt ngào. Trăng trở nên thi vị, trữ tình lãng mạn.
Bức tranh thiên nhiên tuyệt vời ấy sẽ chưa thể hoàn hảo nếu thiếu một chi tiết đặc biệt: con người. Có một người đang ngồi ngắm bức tranh, nhưng người ấy không ở ngoài bức tranh. Người ấy chính là một phần của bức tranh!
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”
Cảnh khuya trong trẻo, tĩnh lặng càng làm nổi bật hình ảnh Bác Hồ thao thức không yên trong đêm vắng. Người hoà mình vào thiên nhiên để cất tiếng thơ ngợi ca thiên nhiên núi rừng song đó chỉ là giây phút phiêu du vào mây gió còn tâm hồn người thực sự đang gửi gắm ở một chân trời khác: Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. Câu thơ vang lên như một sự bừng tỉnh cho người đọc. Ta cứ ngỡ Bác đang thảnh thơi thương cảnh chơi trăng nhưng kì thực tấm lòng người vẫn đau đáu cho nỗi niềm non nước. Bác "chưa ngủ" vì một lẽ rất Hồ Chí Minh: “vì lo nỗi nước nhà”. Nước nhà đang bị giặc xâm lăng giày xéo, biết bao đồng chí đang bị gông cùm xiềng xích. Cuộc đời còn lầm than cơ cực, bao năm Bác bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ lầm than. Nay nước nhà còn đang chìm trong khói lửa đạn bom lòng Bác sao có thể ngủ yên giấc được. Chưa ngủ không hẳn chỉ vì cảnh đẹp đêm nay mà chưa ngủ vì nỗi nước nhà.
Bài thơ Cảnh khuya là một trong những bài thơ trăng đẹp nhất của Bác Hồ, ở đó đã có sự kết hợp hài hoà giữa tâm hồn thi sĩ lồng vào cốt cách chiến sĩ, màu sắc cố điển hoà hợp với màu sắc hiện đại. Đó là nét đẹp riêng của bài thơ với cảm hứng thiên nhiên chan hoà, với cảm hứng yêu nước. Do vậy, đọc thơ Người chúng ta càng thêm kính yêu và tự hào về Bác- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta.
Bài 2 (trang 148 Ngữ Văn 7 Tập 1):
a. Mở bài
- Ngẫu nhiên viết nhân buổi về quê là một bài thơ viết nhân ngày trở lại thăm quê cũ của Hạ Tri Chương. Bài thơ là lời tâm sự, là tâm trạng man mác buồn của người con xa quê đã rất lâu. Bởi ngày trở về, tóc đã bạc, cảnh xưa vẫn đây nhưng những người quen chẳng còn ai, không ai còn nhận ra ông.
b. Thân bài
* Câu 1. Thiếu tiểu li gia lão đại hồi (Khi đi trẻ, lúc về già)
- Câu thơ nỗi về một hoàn cảnh đối nghịch: ngày ra đi vẫn còn trẻ ngày trở về đã già “Thiếu tiểu” - “Lão đại”
- Thời gian xa quê quá dài, quá nửa một đời người
- Tâm trạng man mác buồn, ngậm ngùi tiếc nuối.
* Câu 2. Hương âm vô cải, mấn mao tồi (Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu)
- Thời gian xa cách quê hương chỉ có thể làm thay đổi hình dạng bên ngoài nhưng không làm thay đổi bản chất, tấm lòng của người con đốivới quê hương.
- Thể hiện tấm lòng thủy chung, gắn bó tha thiết với quê hương.
* Câu 3. Nhi đồng tương kiến, bất tương thức? (Trẻ con nhìn lạ không chào)
- Người xa quê lâu ngày trở về bỗng trở thành khách lạ
- Một nghịch lí và cũng là lẽ thường tình.
* Câu 4. Tiểu vấn: Khách tòng hà xứ lai (Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi)
- Câu thơ cố chút hóm hỉnh
- Gợi cho nhà thơ nỗi buồn bâng khuâng.
c. Kết bài
- Bài thơ thể hiện tình cảm sâu nặng của tác giả với quê hương đó là một tình cảm thủy chung, gắn bó, chân tình. Đồng thời thể hiện nỗi buồn của một người khao khát được về thăm quê vậy mà khi trở về chẳng ai còn nhận ra mình nữa.
Bài trước: Soạn bài: Viết bài tập làm văn số 3 - Văn biểu cảm - Soạn Văn 7 (cực ngắn) Bài tiếp: Soạn bài: Tiếng gà trưa - trang 151 sgk Ngữ văn 7 Tập 1