Trang chủ > Lớp 6 > Giáo án Ngữ văn 6 chuẩn > Tìm hiểu chung về văn miêu tả - Giáo án Ngữ Văn lớp 6

Tìm hiểu chung về văn miêu tả - Giáo án Ngữ Văn lớp 6

I. Mục tiêu bài học

1. Kiến thức

- Nắm được những hiểu biết chung về văn miêu tả trước khi đi sâu vào một số thao tác chính nhằm tạo lập loại văn bản này.

2. Kĩ năng

- Có kỹ năng nhận diện trước những đoạn văn, bài văn miêu tả.

3. Thái độ

- Có thái độ học tập đúng đắn

II. Chuẩn bị tài liệu

1. Giáo viên

Chuẩn bị sách giáo viên, sách giáo khoa, giáo án.

2. Học sinh

Chuẩn bị sách giáo khoa, nháp, vở ghi.

III. Tiến trình tổ chức dạy học

1. Ổn định tổ chức

Kiểm tra sĩ số:

2. Kiểm tra

- Nêu mục đích giao tiếp của kiểu văn bản tự sự và mô tả?

3. Bài mới

Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

Hoạt động 1: hình thành khái niệm mới

* Giáo viên treo bảng phụ

- Yêu cầu học sinh đọc 3 tình huống

- Trong 3 tình huống này, tình huống nào cần phải sử dụng văn miêu tả? Tại sao?

- Em hãy chỉ ra 2 đoạn văn miêu tả Dế Mèn và Dế Choắt?

- Qua đoạn văn trên em thấy Dế Mèn có những đặc điểm gì nổi bật? Những chi tiết hình ảnh nào cho em thấy điều đó?

- Dế Choắt có đặc điểm gì khác với Dế Mèn, em hãy tìm chi tiết hình ảnh đó?

Em hiểu thế nào là văn miêu tả?

Giáo viên nhấn mạnh, khắc sâu nội dung khái niệm.

* Giáo viên: Văn miêu tả rất cần thiết trong đời sống con người và không thể thiếu trong các tác phẩm văn chương.

- Em hãy tìm một số tình huống khác cũng sử dụng văn miêu tả?

I. Thế nào là văn miêu tả?

1. Bài tập: Sách giáo khoa - Trang 15

2. Kết luận

* Cả 3 tình huống đều cần phải sử dụng văn miêu tả vì căn cứ vào hoàn cảnh và mục đích giao tiếp:

- Tình huống 1: miêu tả con đường và ngôi nhà để người khác nhận ra, không bị lạc.

- Tình huống 2: miêu tả cụ thể cái áo để người bán hàng không bị lấy nhầm, mất thời gian.

- Tình huống 3: miêu tả chân dung người lực sĩ để người ta hình dung người lực sĩ như thế nào.

→ Rõ ràng, việc sử dụng văn miêu tả ở đây là vô cùng cần thiết

* Hai đoạn văn miêu tả Dế Mèn và Dế Choắt rất sinh động:

- Đoạn tả Dế Mèn: "Bởi tôi ăn uống điều độ... đưa cả hai chân lên vuốt râu... "

- Đoạn tả Dế Choắt: "Cái anh chàng Dế Choắt... nhiều ngách như hang tôi... "

* Hai đoạn văn trên giúp ta hình dung được đặc điểm của hai chàng Dế rất dễ dàng.

* Những chi tiết và hình ảnh:

- Dế Mèn: Càng, chân, khoeo, vuốt, đầu, cánh, răng, râu... những động tác ra oai khoe sức khoẻ.

- Dế Choắt: Dáng người gầy gò, dài lêu nghêu... những so sánh, gã nghiện thuốc phiện, như người cởi trần mặc áo ghi-lê... những động tính từ chỉ sự yếu đuối.

*Ghi nhớ:

Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người đọc hình dung ra được những đặc điểm, tính chất của một sự vật, sự việc, con người, phong cảnh...

- Các tình huống:

+ Em mất cái cặp và nhờ các chú công an tìm hộ

+ Bạn không phân biệt được con cua đực và cua cái.

Hoạt động 2: Luyện tập

- Giáo viên: Gọi học sinh đọc bài tập

- Gọi học sinh làm bài tập

* Giáo viên: Gọi học sinh đọc bài tập a

- Sau khi học sinh trình bày ý kiến, giáo viên kết luận những điều cần lưu ý khi viết 2 đoạn văn

II. Luyện tập:

Bài 1:

Đoạn 1: Chân dung Dế Mèn được tác giả nhân hoá: khỏe, đẹp, trẻ trung, càng mẫm bóng, vuốt cứng, nhọn hoắt...

- Đoạn 2: Hình ảnh chú Lượm gầy, nhanh, vui, hoạt bát, nhí nhảnh như con chim chích...

- Đoạn 3: Cảnh hồ ao, bờ bãi sau một trận mưa lớn. Thế giới loài vật ồn ào, náo động kiếm ăn..

Bài 2:

a. Nếu phải viết bài văn tả cảnh mùa đông đến ở quê hương em, ta cần phải nêu các đặc điểm.

- Lạnh lẽo và ẩm thấp: gió bấc và mưa phùn.

Đêm dài, ngày ngắn.

Bầu trời u ám: như thấp xuống, ít thấy trăng sao, nhiều mây và sương mù.

Cây cối trơ trụi, khẳng khiu: lá vàng rụng nhiều…

Mùa của hoa: đào, mai, mận, mơ, hoa hồng và nhiều loài hoa khác chuẩn bị cho mùa xuân đến.

b. Nếu phải viết đoạn văn miêu tả cảnh một buổi lao động vệ sinh đường làng ngõ xóm vào một buổi sáng thì em cần lưu ý đến những đặc điểm sau:

- Tả sơ qua về cảnh môi trường ở ngõ xóm nơi em ở.

- Miêu tả cảnh mọi người dọn vệ sinh……

4. Củng cố, luyện tập

- Thế nào là văn miêu tả?

- Đọc đoạn văn Lá rụng của Khái Hưng: Cảnh lá rụng mùa đông được tác giả miêu tả kĩ lưỡng như thế nào? Biện pháp nghệ thuật nổi bật? Nêu cảm nhận của em về đoạn văn ấy?

5. Hướng dẫn học ở nhà

- Học bài, học thuộc ghi nhớ.

- Hoàn thiện các bài tập.

- Soạn bài: Sông nước Cà Mau