Trang chủ > Lớp 6 > Giáo án Ngữ văn 6 chuẩn > Thánh Gióng (Tiết 1) - Giáo án Ngữ Văn lớp 6

Thánh Gióng (Tiết 1) - Giáo án Ngữ Văn lớp 6

I. Mục tiêu bài học

1. Kiến thức

- Nắm được những nội dung chính và đặc điểm nổi bật về nghệ thuật của truyện “Thánh Gióng”.

- Nắm được các nhân vật, sự kiện, cốt truyện trong tác phẩm thuộc thể loại truyền thuyết về đề tài giữ nước.

2. Kĩ năng

- Rèn kỹ năng đọc - hiểu văn bản truyền thuyết theo đặc trưng thể loại.

3. Thái độ

- Tự xác định và có thái độ đúng đắn khi tìm hiểu nhân vật người anh hùng giữ nước.

II. Chuẩn bị tài liệu

1. Giáo viên

Chuẩn bị giáo án, sách giáo viên, sách giáo khoa, sách tham khảo...

2. Học trò

Chuẩn bị sách giáo khoa, nháp, vở ghi, ...

III. Tiến trình tổ chức dạy học

1. Ổn định tổ chức

Kiểm tra sĩ số:

2. Kiểm tra

- Kể lại tóm tắt tryền thuyết bánh chưng, bánh giầy? Qua truyền thuyết ấy cho thấy nhân dân ta ước mong điều gì?

- Nêu cảm nhận của em về nhân vật Lang Liêu?

3. Bài mới

Chủ đề đánh giặc cứu nước thắng lợi là một chủ đề lớn và cơ bản xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam nói chung, văn học dân gian Việt Nam nói riêng. “Thánh Gióng” là truyện dân gian thể hiện rất tiêu biểu và độc đáo về chủ đề này. Truyện kể về ý thức và sức mạnh đánh giặc có từ thời rất sớm của người Việt cổ. “Thánh Gióng” chứa nhiều chi tiết nghệ thuật hay và đẹp chứng tỏ tài năng sáng tạo của tập thể nhân dân ở nhiều nơi, nhiều thời. Câu truyện dân gian này đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước và bảo vệ truyền thống anh hùng dân tộc qua các thời đại cho đến ngày nay.

Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

Hoạt động 1: Hướng dẫn học sinh đọc và tìm hiểu chú thích

- Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm, rõ ràng, rành mạch, nhấn giọng ở những chi tiết phi thường kì lạ

- Giáo viên đọc mẫu 1 đoạn

- Gọi 3 Học sinh đọc lần lượt

- Em hãy kể tóm tắt lại những sự việc chính của truyện?

* Kể tóm tắt:

- Sự ra đời của Thánh Gióng

- Thánh Gióng biết nói và nhận trách nhiệm đánh giặc

- Thánh Gióng lớn nhanh như thổi

- Thánh Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ cưỡi ngựa sắt đi đánh giặc và đánh tan giặc.

- Vua phong Thánh Gióng là Phù Đổng Thiên Vương và những vết tích còn sót lại của Thánh Gióng.

- Hướng dẫn học sinh tìm hiểu chú thích 1,2,4,6,10,11,17,18,19

I. Đọc và tìm hiểu chú thích.

1. Đọc, kể.

2. Chú thích

- Thánh Gióng: Đức thánh làng Gióng (Thánh: Bậc anh minh tài đức, có phép màu, thường được thờ ở các ngôi đền)

- Tráng sĩ: Người có sức lực cường tráng...

3. Từ khó (Sách giáo khoa)

Hoạt động 2: Hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản.

- Văn bản trên thuộc kiểu văn bản gì?

- Truyện được chia làm mấy đoạn? Nêu nội dung chính của từng đoạn? Trong truyện Thánh Gióng có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính?

- Hai vợ chồng ông lão, vua, sứ giả, bà con làng xóm, Thánh Gióng

- Thánh Gióng là nhân vật chính trong truyện.

- Phần mở đầu truyện ứng với sự việc nào?

- Thánh Gióng được ra đời như thế nào?

- Em có nhận xét gì về sự ra đời của Thánh Gióng?

Chi tiết thần kì này có ý nghĩa gì?

- Chú bé biết nói khi nào? em có nhận xét gì về câu nói của Thánh Gióng?

- Chi tiết thần kì này có ý nghĩa gì?

II. Đọc hiểu văn bản

1. Kiểu văn bản: tự sự

2. Bố cục: Chia làm 3 đoạn

- Đoạn 1: Từ đầu → nằm đấy: Sự ra đời của Gióng

- Đoạn 2: → lên trời: Gióng lớn lên và ra trận đánh giặc.

- Đoạn 3: Còn lại: Những vết tích còn lại.

3- Phân tích

a. Sự ra đời của Thánh Gióng

- Bà mẹ ướm chân - thụ thai 12 tháng mới sinh;

- Sinh cậu bé lên 3 không nói, không cười, không biết đi;

→ Khác thường, kì lạ, hoang đường.

→ Các chi tiết nhằm hình tượng hoá người anh hùng dân tộc

b. Thánh Gióng lớn lên và ra trận đánh giặc

- Câu nói đầu tiên: “ mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con…”, “Ông về tâu với vua …ta sẽ đánh tan lũ giặc này”

→ Tiếng nói đầu tiên của Thánh Gióng là tiếng nói đòi đánh giặc.

→ Đây là chi tiết thần kì mang nhiều ý nghĩa:

+ Ngợi ca ý thức đánh giặc cứu nước: ban đầu nói là nói lời quan trọng, lời yêu nước, ý thức đối với đất nước được đặt lên hàng đầu.

+ Gióng là hình ảnh đại diện của nhân dân, khi bình thường thì âm thầm lặng lẽ nhưng khi nước nhà gặp cơn nguy biến thì đứng ra cứu nước đầu tiên.

4. Củng cố, luyện tập

Giáo viên khái quát lại bài học.

- Tóm tắt lại truyện Thánh Gióng.

- Nêu những chi tiết thần kì trong phần a, b và ý nghĩa của chi tiêt đó?

5. Hướng dẫn học ở nhà

- Đọc, kể lại chuyện Thánh Gióng.

- Các nhân vật trong truyện Thánh Gióng.

- Bức tranh trong (Sách giáo khoa trang 20,21) minh hoạ cho đoạn truyện nào? Em hay kể lại đoạn đó?