Bài học đường đời đầu tiên (Tô Hoài) - Giáo án Ngữ Văn lớp 6
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Hiểu được nội dung, ý nghĩa của Bài học đường đời đầu tiên, thấy được nét đặc sắc của ngòi bút Tô Hoài trong cả hai phương thức miêu tả và kể chuyện.
2. Kĩ năng
- Rèn cho học sinh kĩ năng đọc truyện đồng thoại, đọc lời đối thoại phù hợp với tính cách các nhân vật, tả vật.
3. Thái độ
- Bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, yêu thế giới loài vật.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
+ Chuẩn bị sách giáo viên và sách thiết kế bài giảng.
2. Học sinh
Chuẩn bị sách giáo khoa + Để học tốt ngữ văn tập 2
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
Kiểm tra sĩ số:
2. Kiểm tra
Kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh về tóm tắt tác phẩm.
3. Bài mới
Trên thế giới và ở nước ta có những nhà văn nổi tiếng gắn bó cả cuộc đời viết của mình cho đề tài trẻ em – 1 trong những đề tài khó khăn và thú vị bậc nhất. Nhà văn Tô Hoài là 1 trong những tác giả như thế. Truyện đồng thoại đầu tay của Tô Hoài: “Dế Mèn phiêu lưu kí” (1941) là 1 trong những tác phẩm nổi tiếng mà ngày hôm nay chúng ta sẽ được tìm hiểu.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1: Hướng dẫn học sinh đọc và tìm hiểu chú thích. Giáo viên hướng dẫn học sinh cách đọc: - Đoạn: Dế Mèn tự miêu tả chân dung mình đọc với giọng hào hứng, kiêu hãnh, to, vang, chú ý nhấn giọng ở các tính từ, động từ miêu tả. - Đoạn trêu chị Cốc: + Giọng Dế Mèn trịch thượng khó chịu. + Giọng Dế choắt yếu ớt, rên rẩm. + Giọng chị Cốc đáo để, tức giận. - Đoạn Dế Mèn ân hận đọc giọng chậm, buồn, sâu lắng và có phần bị thương. - 2 học sinh đọc, mỗi em đọc một đoạn. - Nêu những hiểu biết của em về tác giả Tô Hoài? - Nêu hiểu biết của em về tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu kí” | I. Đọc và tìm hiểu chú thích. 1. Đọc 2. Chú thích: a, Tác giả, tác phẩm: * Tác giả: - Tên khai sinh là Nguyễn Sen sinh năm 1920 tại huyện Hoài Đức, Hà Đông. Tự học mà thành tài. - Ông có khối lượng tác phẩm phong phú: Dế Mèn phiêu lưu kí, Đàn chim gáy, Vợ chồng A Phủ... * Tác phẩm: - Dế mèn phiêu lưu kí là tác phẩm nổi tiếng đầu tiên của Tô Hoài, được sáng tác vào lúc ông 21 tuổi - Thể loại của tác phẩm là kí nhưng thực chất vẫn là một truyện "Tiểu thuyết đồng thoại" một sáng tác chủ yếu là tưởng tượng và nhân hoá - Đây là một tác phẩm văn học hiện đại lại nhiều lần nhất được chuyển thể thành phim hoạt hình, múa rối được khán giả, độc giả nước ngoài hết sức mến mộ. b. Từ khó: Sách giáo khoa. |
Hoạt động 2: Hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản. - Văn bản có thể được chia làm mấy phần? Nêu nội dung từng phần? - Đoạn trích gồm mấy sự việc chính? Trong các sự việc trên đâu là sự việc nghiêm trọng nhất? - Xác định ngôi kể của truyện? - Giáo viên: Gọi học sinh đọc đoạn 1 - Học sinh đọc - Khi xuất hiện ở đầu câu chuyện, Dế Mèn đã là "một chàng Dế thanh niên cường tráng". Chàng Dế ấy đã hiện lên qua những nét cụ thể nào về: Hình dáng? - Học sinh theo dõi sách giáo khoa và trả lời - Cách miêu tả ấy gợi cho em hình ảnh Dế Mèn như thế nào? - Học sinh thảo luận theo cặp - Dế Mèn lấy làm "hãnh diện với bà con về vẻ đẹp của mình". Theo em Dế Mèn có quyền hãnh diện như vậy không? - Học sinh trả lời: có, bởi vì đó là tình cảm chính đáng; không, bởi vì nó tạo thành thói kiêu ngạo dễ gây hại cho Dế Mèn sau này. - Tìm những từ miêu tả hành động và suy nghĩ của Dế Mèn trong đoạn văn? - Học sinh suy nghĩ và trả lời - Qua các hành động của Dế Mèn, em thấy Dế Mèn là chàng Dế như thế nào? - Thay: Cường tráng = khoẻ mạnh, to lớnCà khịa = gây sự Và rút ra nhận xét về cách sử dụng từ của tác giả? - Em có nhận xét gì về trình tự miêu tả của tác giả - Em hãy nhận xét về những nét đẹp và chưa đẹp trong hình dáng và tính cách của Dế Mèn? | II. Đọc hiểu văn bản: 1. Tìm hiểu chung: a. Bố cục: gồm 2 đoạn - Đoạn 1: Từ đầu đến "Đứng đầu thiên hạ rồi" => Miêu tả hình dáng và tính cách của Dế Mèn. - Đoạn 2: Còn lại => Kể về bài học đường đời đầu tiên của Dế mèn. b. Các sự việc: - Có 3 sự việc chính: + Dế Mèn khinh thường Dế Choắt + Dế Mèn trêu chị Cốc dẫn đến cái chết của Dế Choắt. + Sự hối hận của Dế Mèn. - Sự việc: Dế Mèn trêu chị Cốc dẫn đến cái chết của Dế Choắt là sự việc nghiêm trọng nhất. c. Ngôi kể: - Truyện được kể bằng lời của nhân vật Dế Mèn, theo ngôi thứ kể nhất. 2. Phân tích: a. Bức chân dung tự hoạ của Dế Mèn: *. Ngoại hình: - Càng: mẫm bóng - Vuốt: cứng, nhọn hoắt, đạp phành phạch - Cánh: áo dài chấm đuôi - Đầu: to, nổi từng tảng - Răng: đen nhánh, nhai ngoàm ngoạp - Râu: dài, uốn cong => Một chàng Dế thanh niên cường tráng, rất khoẻ, tự tin, yêu đời và rất đẹp trai. * Hành động: - Đi đứng bệ vệ, làm điệu, nhún chân, rung đùi - Quát mấy chị cào cào, đá ghẹo anh gọng vó - Đạp phanh phách, vũ phành phạch, nhai ngoàm ngoạm, trịnh Trọng vút râu... - Những tưởng mình sắp đứng đầu thiên hạ. => Quá tự cao, hợm hĩnh, không tự biết mình. => Sử dụng từ ngữ chuẩn xác, sắc cạnh. - Trình tự miêu tả: tả từng bộ phận của cơ thể, gắn liền miêu tả hình dạng với hành động khiến hình ảnh Dế Mèn hiện lên mỗi lúc một rõ nét * Tóm lại: - Nét đẹp trong hình dáng của Dế Mèn là nét đẹp khoẻ mạnh, cường tráng, đầy sức sống, thanh niên; về tính nết: yêu đời, tự tin. - Nét chưa đẹp: Tự cao, tự phụ, hợm hĩnh, thích ra oai... - Nghệ thuật: Nhân hoá, sử dụng từ ngữ. |
4. Củng cố, luyện tập
- Nêu suy của em về bức chân dung tự hoạ của Dế Mèn?
5. Hướng dẫn học ở nhà
- Học bài cũ.
- Soạn tiếp các câu hỏi còn lại.
Bài trước: Hoạt động ngữ văn: Thi kể chuyện (Tiết 2) - Giáo án Ngữ Văn lớp 6 Bài tiếp: Bài học đường đời đầu tiên (Tô Hoài) (Tiết 2) - Giáo án Ngữ Văn lớp 6