Trang chủ > Lớp 6 > Giáo án Ngữ văn 6 chuẩn > Thánh Gióng (Tiết 2) - Giáo án Ngữ Văn lớp 6

Thánh Gióng (Tiết 2) - Giáo án Ngữ Văn lớp 6

I. Mục tiêu bài học

1. Kiến thức

- Nắm được những nội dung chính và đặc điểm nghệ thuật nổi bật của truyện “Thánh Gióng”.

- Nhân vật, sự kiện, cốt truyện trong tác phẩm thuộc thể loại truyền thuyết về đề tài giữ nước.

2. Kĩ năng

- Rèn kỹ năng đọc - hiểu một văn bản truyền thuyết theo đặc trưng thể loại.

- Thực hiện thao tác phân tích một vài chi tiết nghệ thuật kì ảo trong văn bản.

- Rèn kỹ năng nắm bắt tác phẩm thông qua hệ thống các sự việc được kể theo trình tự thời gian.

3. Thái độ

- Tự xác định và có thái độ đúng đắn khi tìm hiểu nhân vật người anh hùng giữ nước.

II. Chuẩn bị tài liệu

1. Giáo viên

Chuẩn bị giáo án, sách giáo viên, sách giáo khoa, sách tham khảo...

2. Học trò

Chuẩn bị sách giáo khoa, nháp, vở ghi, ...

III. Tiến trình tổ chức dạy học

1. Ổn định tổ chức

Kiểm tra sĩ số:

2. Kiểm tra

- Kể lại tóm tắt tryền thuyết Thánh Gióng.

3. Bài mới

Ở giờ trước chúng ta đã tìm hiểu về sự ra đời kì lạ của Thánh Gióng và đến lúc lên ba tuổi mà Thánh Gióng vẫn chưa biết gì nhưng khi nghe tin sứ giả nhà vua đi tìm người tài giỏi đánh giặc Thánh Gióng có sự thay đổi như thế nào chúng sẽ cùng tìm hiểu ở giờ học này.

Hoạt động của giáo viên và học sinhTri thức cần đạt
Hoạt động 1: Hướng dẫn học sinh Đọc và hiểu văn bản.
- Sau hôm đi gặp sứ giả, Gióng có điều gì khác lạ, điều đó có ý nghĩa gì?
- Chi tiết bà con ai cũng vui lòng góp gạo nuôi Gióng mang ý nghĩa gì?
* Giáo viên: Ngày nay ở làng Gióng người ta vẫn thường tổ chức cuộc thi nấu cơm, hái cà nuôi Gióng. Đây là hình thức tái hiện quá khứ rất giàu ý nghĩa.
- Tìm những chi tiết nói về việc Gióng ra trận đánh giặc?
- Chi tiết Thánh gióng nhổ tre đánh giặc có ý nghĩa gì?
- Câu chuyện được kết thúc bằng sự việc gì?
- Tại sao sau khi đánh tan giặc Gióng không về triều để nhận tước lộc mà lại về trời?
- Hình tượng Thánh Gióng trong truyện mang ý nghĩa gì?
- Theo em, truyện Thánh Gióng liên quan đến sự thật lịch sử nào?
II. Đọc và tìm hiểu văn bản.
3 - Phân tích
b. Thánh Gióng lớn lên và ra trận đánh giặc
- Gióng lớn nhanh như thổi. vươn vai trở thành tráng sĩ:
+ Đáp ứng nhiệm vụ cứu nước. Việc cứu nước là nhiệm vụ rất hệ trọng và cấp thiết, Gióng phải lớn nhanh mới đủ sức mạnh để kịp đi đánh giặc. Hơn nữa, ngày xưa nhân dân ta quan niệm rằng, người anh hùng phải hình thể khổng lồ, sức mạnh, chiến công. Cái vươn vai của Gióng để đạt đến độ phi thường ấy.
- Bà con làng xóm cùng góp gạo nuôi Gióng:
+ Gióng lớn lên bằng cơm ăn, áo mặc của nhân dân, được nuôi dưỡng bằng những cái thông thường, giản dị, Gióng không hề xa lạ với nhân dân. Gióng đâu chỉ là con của một bà mẹ mà là con của cả làng, của nhân dân.
+ Nhân dân rất yêu nước, ai cũng đều mong Gióng ra trận.
+ Sức mạnh của Gióng là sức mạnh kết tinh của toàn dân.
- Thánh Gióng ra trận đánh giặc: Gióng đánh giặc không chỉ bằng vũ khí mà còn bằng cả cỏ cây của đất nước, bằng những gì có thể giết được giặc. Bác Hồ nói: “Ai có súng thì dựng súng, ai có gươm thì dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. ”
c. Thánh Gióng bay về trời
- Đây là sự ra đi thật kì lạ nhưng cũng thật cao quý, nó chứng tỏ Gióng không màng lợi danh, đồng thời cho chúng ta thấy thái độ của nhân dân ta đối với người anh hùng đánh giặc cứu nước. Nhân dân yêu mến, trân trọng muốn giữ mãi hình ảnh của người anh hùng đó nên để Gióng về với cõi vô biên, bất tử. Bay lên trời. Gióng là non nước, là đất trời, là biểu tượng của người dân Văn Lang
* Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng.
- Là hình tượng tiêu biểu, rực rỡ của người anh hùng đánh giặc cứu nước.
- Là người anh hùng mang trong mình sức mạnh của cộng đồng ở buổi đầu dựng nước.
* Cơ sở lịch sử của truyện là cuộc chiến tranh tự vệ ngày càng khốc liệt đòi hỏi phải huy động sức mạnh của cả cộng đồng.
- Số lượng và kiểu loại vũ khí của người Việt cổ tăng lên từ giai đoạn Phùng Nguyên đến Đông Sơn.
Hoạt động 2: Tổng kết
- Hãy cho biết nét nghệ thuật đặc sắc của truyện?
- Nêu ội dung truyện? Học sinh đọc ghi nhớ sách giáo khoa
III- Tổng kết
a. Nghệ thuật:
Các chi tiết tưởng tượng hoang đường, hình tượng người anh hùng.
b. Nội dung: Gióng là biểu tượng của người anh hùng về lòng yêu nước và ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm.
* Ghi nhớ (Sách giáo khoa – trang 23)
Hoạt động 3: Tập luyệnIV. Luyện tập
1. Truyền thuyết Thánh Gióng kết thúc với hình ảnh Gióng cưỡi ngựa bay về trời.
- Kịch bản phim Ông Gióng (Tô Hoài) kết thúc với hình ảnh: tráng sĩ Gióng cùng ngựa sắt thu nhỏ dần thành em bé cưỡi trâu trở về trên đường làng mát rượi bóng tre.
- Em hãy so sánh và nêu nhận xét về hai cách kết thúc ấy? * Gợi ý:
- Hình ảnh Thánh Gióng bay về trời phù hợp với sự ra đời thần kì của nhân vật: Gióng là thần được trời cử xuống để giúp vua Hùng đuổi giặc, đuổi giặc xong Gióng lại trở về trời. - Hình ảnh Gióng trong phần kết thúc của bộ phim của Tô Hoài nêu bật ý nghĩa tượng trưng của nhân vật: Khi đất nước có giặc” mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt” đều nằm mơ thành Phù Đổng “ vụt lớn lên đánh đuổi giặc Ân” (Tố Hữu) khi đất nước thanh bình, các em vẫn là những em bé trăn trâu hiền lành, hồn nhiên “ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.

4. Củng cố, luyện tập

- Cơ sở sự thật lịch sử của truyện? - Ý nghĩa của truyện?

5. Hướng dẫn học ở nhà

- Học ghi nhớ (Sách giáo khoa) -Tóm tắt truyện Thánh Gióng - Nếu vẽ tranh minh hoạ cho truyện Thánh Gióng em sẽ vẽ hình ảnh nào? tại sao? - Soạn bài: Từ mượn