Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng - Giáo án Ngữ Văn lớp 6
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Hiểu được nội dung, ý nghĩa của truyện.
- Hiểu được nét đặc sắc của tình huống gay cấn của truyện.
- Hiểu thêm về cách viết truyện trung đại.
2. Kĩ năng
- Rèn kỹ năng đọc - hiểu văn bản truyện trung đại.
- Phân tích được các sự việc thể hiện y đức của vị thái y lệnh trong truyện.
- Kể lại được truyện.
3. Thái độ
- Tự xác định và có thái độ đúng đắn khi tìm hiểu truyện.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
Chuẩn bị sách giáo khoa, sách giáo viên, giáo án, tài liệu tham khảo chuẩn kiến thức kỹ năng.
2. Học sinh
Chuẩn bị sách giáo khoa, nháp, vở ghi
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
Kiểm tra sĩ số:
2. Kiểm tra
Em hiểu thế nào là truyện dân gian? Kể tên những truyện dân gian đã học? Em thấy truyện dân gian nào thú vị nhất? Tại sao?
3. Bài mới
Trong xã hội có nhiều nghề và nghề nào cũng cần phải có đạo đức. Nhưng có 2 nghề mà xã hội đòi hỏi phải có đạo đức nhất, do đó cũng là nghề được tôn vinh nhất là dạy học và làm thuốc. Truyện thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng của Hồ Nguyên Trừng (Con trai của Hồ Quý Ly viết vào khoảng nửa đầu thế kỷ XV, trên đất Trung Quốc) nói về bậc lương y chân chính, giỏi về nghề nghiệp, nhưng quan trọng hơn là giàu lòng nhân đức
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
* Hoạt động 1. Đọc – tìm hiểu chú thích - Giáo viên đọc mẫu - học sinh đọc Lớp nhận xét - giáo viên sửa - Nêu những hiểu biết của em về tác giả? - Giải thích chú thích 9,10,16,17 | I. Đọc – tìm hiểu chú thích: 1- Đọc và kể Yêu cầu đọc: Đọc chậm rãi, rõ lời đối thoại của nhân vật. 2- Chú thích -Tác giả: Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) - Nam Ông mộng lục (Nam Ông là tên hiệu – bút danh của Hồ Nguyên Trừng) là tập truyện kí được viết bằng chữ hán trong thời gian Hồ Nguyên Trừng sống lưu vong ở Trung Quốc sau khi bị bắt. - Khác với đoạn trích truyện – kí của Quỳnh Cư viết về Tuệ Tĩnh bằng hình thức và bút pháp hiện đại. 3- Giải thích từ khó: Sách giáo khoa. |
Hoạt động 2. Đọc hiểu văn bản - Truyện thuộc kiểu văn bản nào đã học? - Truyện được kể theo ngôi thứ mấy? Kể theo thứ tự nào? - Bố cục của truyện chia làm mấy phần? - Nhân vật nào là nhân vật chính trong truyện? - Qua phần giới thiệu, em biết gì về ông? - Việc lương y họ Phạm được vua Trần Anh Vương phong chức quan thái y lệnh chứng tỏ ông là một người thầy thuốc như thế nào? - Tại sao lương y họ Phạm lại được người đương thời trọng vọng? - Em có nhận xét gì về giọng văn, lời giới thiệu? - Qua đó em hiểu ông là người như thế nào? - Theo em, tình huống đặc biệt xảy ra với vị lương y họ Phạm là gì? - Em có nhận xét gì về tình huống đó? - Đứng trước tình huống đó thì lương y họ Phạm đã có cách giải quyết nhưthế nào? - Điều gì được thể hiện qua lời đối đáp của ông với quan Trung sứ? * Giáo viên: Câu trả lời đã chứng tỏ nhân cách và bản lĩnh đáng khâm phục của ông: uy quyền không thắng nổi y đức; tính mạng của người bệnh quan trọng hơn bản thân; sức mạnh của trí tuệ trong cách ứng xử. - Thái y lệnh là người như thế nào? - Thái độ của vua Trần Anh Vương trước cách xử sự của thái y? - Thái y lệnh đã có hành động, lời nói gì? - Qua đó em cảm nhận được ông là người như thế nào? - Vua có thái độ, lời nói ra sao? - Điều đó thể hiện vua là người như thế nào? - Kết thúc truyện, người viết muốn nhắn gửi tới chúng ta điều gì? - Điều đó có được là nhờ đâu? | II- Đọc hiểu văn bản: 1. Kiểu văn bản: Tự sự 2. Bố cục: gồm 3 phần - Mở truyện: từ đầu đến trọng vọng: Công đức của vị thái y lệnh họ Phạm - Thân truyện: → mong mỏi: Thái y lệnh kháng lệnh vua để cứu người nghèo: - Kết truyện: đoạn còn lại: Hạnh phúc của thái y lệnh 3- Phân tích a. Mở truyện: Công đức của thái y lệnh họ Phạm - Cụ tổ bên ngoại của Trừng - Họ: Phạm - Tên: Bân - Chức vụ: Thái y lệnh. → Người tài giỏi - Không tiếc tiền bạc, của cải, tích trữ thuốc tốt và lúa gạo lương thực để chữa bệnh và cứu giúp người nghèo. - Không kể phiền hà, thường cho bệnh nhân ngèo túng cơ cực ở…Dựng nhà chữa bệnh cấp cứu hàng ngàn ngày. → Có tấm lòng yêu thương người bệnh, hết lòng cứu giúp dân nghèo. → Giọng văn trang trọng (nêu tên họ, tên húy, tôn xưng là ngài). Nhưng những lời ngợi ca vẫn dựa trên sự thật giản dị và thái độ khiêm tốn đúng mức. → Bậc lương y có tấm lòng bồ tát quảng đại hiếm có. Có tài chữa bệnh, có đức cứu người. b. Thân truyện: Thái y lệnh kháng lệnh vua cứu người nghèo - Tình huống: + Cùng một lúc phải chọn lựa giữa hai việc: chữa cho bệnh nhân hiểm ngèo trong dân và vào cung khám theo lệnh vua. Giữa cứu người dân lâm bệnh với phận làm tôi. → Đây là tình huống thử thách vô cùng gay go đối với y đức. - Phạm thái y: không chần chừ, quyết ngay một đường: "Bệnh đó không gấp. Nay mệnh sống... vương phủ. " → Coi trọng tính mạng của bệnh nhân hơn cả tính mạng của mình. Dám làm dám chịu, không sợ uy quyền, hành sự theo đạo nghĩa. - Vua Trần Anh Vương: + Ban đầu tức giận. - Thái y lệnh: bỏ mũ tạ tội, bày tỏ rõ lòng thành. → Là người khiêm nhường, chân thành giãi bày, thuyết phục vua. + Sau ca tụng. → Một vị vua anh minh. 3. Kết truyện: Hạnh phúc của thái y lệnh - Hạnh phúc lâu dài chân chính của gia đình vị lương y. + Sự thành đạt, vinh hiển của con cháu thái y + duy trì truyền thống, đạo nghĩa tốt đẹp của dòng tộc. - Đời ông cha ở hiền, để phúc lộc cho con cháu. + Con cháu gìn giữ, phát huy truyền thống gia đình dòng họ → biết ơn ông cha. |
* Hoạt động 3 Tổng kết - Nét nghệ thuật đặc sắc của truyện? - Nội dung truyện? - Học sinh đọc ghi nhớ sách giáo khoa | III- Tổng kết 1- Nghệ thuật Ghi chép người thật, việc thật, tình huống độc đáo, gay cấn. 2- Nội dung Phẩm chất cao quý ở Phạm Bân: Không chỉ tài giỏi mà quan trọng ở tình thương người. * Ghi nhớ (Sách giáo khoa) |
* hoạt động 4 Luyện tập | IV. Luyện tập Bài tập 1: Đọc lời thề của Hi pô cơ rát, so sánh nội dung được ghi trong lời thề ấy với nội dung y đức được thể hiện ở nhân vật Thái y lệnh. Bài tập 2: Cả hai đều dịch đúng: - Cách 1: Chưa đầy đủ (không chỉ có lòng tốt, không giỏi nghề → có khi giết người) - Cách 2: (ở tiêu đề sách giáo khoa): chuẩn xác, đầy đủ hơn (vừa dồi dào y đức vừa thẳm sâu y tài). Bài tập 3: Kể lại truyện theo ngôi kể thứ nhất của Thái Y lệnh. |
4. Củng cố, luyện tập
- Tìm những câu ca dao, tục ngữ nói về y đức?
- Những tấm gương y đức khác ở Việt Nam (đức + tài): Đồ Chiểu, Tài Thu...
- Em có suy nghĩ gì sau khi học truyện?
- Nhận xét về giờ học.
5. Hướng dẫn học ở nhà
- Học bài.
- Soạn bài: Ôn tập Tiếng Việt.
Bài trước: Bài kiểm tra tổng hợp cuối học kì 1 - Giáo án Ngữ Văn lớp 6 Bài tiếp: Hoạt động ngữ văn: Thi kể chuyện - Giáo án ngữ Văn lớp 6