Trang chủ > Lớp 6 > Giáo án Ngữ văn 6 chuẩn > Sự tích Hồ Gươm - Giáo án Ngữ Văn lớp 6

Sự tích Hồ Gươm - Giáo án Ngữ Văn lớp 6

I. Mục tiêu bài học

1. Kiến thức

- Hiểu và cảm nhận được nội dung, ý nghĩa của truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm.

- Hiểu được vẻ đẹp của một số hình ảnh, chi tiết kì ảo giàu ý nghĩa trong truyện.

- Nắm được cốt lõi lịch sử trong một tác phẩm thuộc chuỗi truyền thuyết về người anh hùng Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

2. Kĩ năng

- Rèn kỹ năng đọc - hiểu văn bản truyền thuyết.

- Có kỹ năng phân tích để thấy được ý nghĩa sâu sắc của một số chi tiết tưởng tượng trong truyện.

- Kể lại được truyện.

3. Thái độ

- Tự xác định và có thái độ đúng đắn khi tìm hiểu về nhân vật người anh hùng với nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo.

II. Chuẩn bị tài liệu

1. Giáo viên

Chuẩn bị giáo án, sách giáo viên, sách giáo khoa, sách tham khảo…

2. Học sinh

Chuẩn bị sách giáo khoa, nháp, vở ghi, ...

III. Tiến trình tổ chức dạy học

1. Ổn định tổ chức

Kiểm tra sĩ số:

2. Kiểm tra

Kiểm tra bài 15 phút:

Câu 1: Truyền thuyết là gì?

Câu 2: Tìm yếu tố tưởng tượng, kì ảo trong truyện “Bánh chưng, báng giầy”

Đáp án

Câu 1: Truyền thuyết là:

- Loại truyện dân gian kể về các nhân vật, sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ.

- Thường chứa các yếu tố tưởng tượng kì ảo.

- Thể hiện thái độ, cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử.

Câu 2: Yếu tố tưởng tượng, kì ảo trong truyện “ Bánh chưng, báng giầy”: Lang Liêu mồ côi mẹ từ nhỏ, cuộc sống vất vả hơn các Lang nên được thần báo mộng: “Trong trời đất không có gì quí bằng hạt gạo …ăn không biết chán”

3. Bài mới

“ Hà Nội có Hồ Gươm

Nước xanh như pha mực

Bên hồ ngọn Tháp Bút

Viết thơ lên trời cao.

(Trần Đăng Khoa)

Giữa lòng thủ đô Hà Nội, Hồ Gươm đẹp như một lãng hoa lộng lẫy và duyên dáng. Những tên gọi đầu tiên của hồ này là hồ Lục Thuỷ, Tả Vọng, Thuỷ Quân. Đến thế kỷ thứ XV hồ mới mang tên Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm) gắn liền với lịch sử nhận gươm và trả gươm của người anh hùng đất Lam Sơn: Lê Lợi.

Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

Hoạt động 1. Đọc và tìm hiểu chú thích

- Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm, rõ ràng, rành mạch, chậm rãi.

- Giáo viên đọc mẫu 1 đoạn.

- Gọi 3 học sinh đọc lần lượt.

- Em hãy kể lại tóm tắt những sự việc chính của truyện?

* Kể tóm tắt các sự việc chính:

- Giặc Minh đô hộ nước ta, nghĩa quân Lam Sơn nổi dậy nhưng thất bại, Long Quân quyết định cho mượn gươm thần.

- Lê Thận tìm được lưỡi gươm dưới nước.

- Lê Lợi được chuôi gươm trên rừng, tra vào nhau vừa như in.

- Từ đó nghĩa quân nhanh chóng quét sạch giặc ngoại xâm.

- Đất nước thanh bình trở lại, Lê Lợi lên làm vua, Long Quân cho đòi lại gươm thần.

- Vua trả lại gươm, từ đó hồ Tả Vọng mang tên Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.

- Giải nghĩa các từ: bạo ngược, thiên hạ, tuỳ tùng, phó thác, Tả Vọng, Hoàn Kiếm?

I. Đọc và tìm hiểu chú thích.

1. Đọc, kể

2-Chú thích (Sách giáo khoa - trang 42)

Hoạt động 2. Đọc và tìm hiểu văn bản

- Truyện thuộc kiểu văn bản nào?

- Truyện được chia làm mấy đoạn? Nêu nội dung từng đoạn?

- Long quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần trong hoàn cảnh như thế nào?

- Việc Long quân cho nghĩa quân mượn gươm thần mang ý nghĩa gì?

* Giáo viên: Việc Long Quân cho nghĩa quân mượn gươm thần chứng tỏ cuộc khởi nghĩa được tổ tiên, thần linh ủng hộ.

- Lê Lợi nhận được gươm thần như thế nào?

- Qua những chi tiết này em có nhận xét gì về nghệ thuật của truyện?

- Tại sao tác giả dân gian không để cho Lê Lợi trực tiếp nhận gươm?

Giáo viên: Nếu Lê Lợi trực tiếp nhận gươm thì tác phẩm sẽ không thể hiện được tính chất toàn dân trên dưới một lòng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến. Thanh gươm mà Lê Lợi nhận được là thanh gươm thống và hội tụ tư tưởng, tình cảm, sức mạnh của toàn dân trên mọi miền đất nước.

- Lê Thận dâng gươm cho Lê Lợi và nói: “ Đây là ý trời …theo minh công” qua chi tiết này tác giả muốn thể hiện điều gì?

- Sức mạnh của thanh gươm kì lạ là sức mạnh như thế nào?

* Trước khi có gươm:

- Non yếu.

- Lẩn trốn.

- Ăn uống kham khổ

* Sau khi có gươm:

- Nhuệ khí tăng tiến

- Xông xáo đi tìm địch

- Đầy đủ, chiếm được các kho lương của địch

Giáo viên: Chuyển bại thành thắng, chuyển yếu thành mạnh, tạo bước ngoặt mở đường cho nghĩa quân quét giặc ngoại xâm.

- Long Quân đòi gươm trong hoàn cảnh như thế nào?

- Cảnh trả gươm được diễn ra như thế nào?

- Giáo viên treo tranh: Rùa vàng đòi gươm và Lê Lợi trả gươm

- Em biết truyền thuyết nào của nước ta cũng có hình ảnh rùa vàng đòi gươm? Theo em, hình tượng rùa vàng trong truyền thuyết Việt Nam tượng trưng cho ai và cho cái gì?

→ Truyền thuyết An Dương Vương - Hình ảnh rùa vàng là sử giả của Long Quân, tượng trưng cho tổ tiên, khí thiêng sông núi, tư tưởng, tình cảm, trí tuệ của nhân dân.

- Hình ảnh nghệ thuật trả gươm có ý nghĩa gì?

+ Hoàn: trả

+ Kiếm: gươm

* Giáo viên Bình: Chi tiết khẳng định chiến tranh đã kết thúc, đất nước trở lại thanh bình. Dân tộc ta là một dân tộc yêu hoà bình. Giờ đây thứ mà muôn dân Đại Việt cần hơn là cày, cuốc, là cuộc sống lao động dựng xây đất nước. Trả gươm có ý nghĩa là gươm vẫn còn đó, ngụ ý cảnh giác cao độ, răn đe kẻ thù.

II. Đọc và tìm hiểu văn bản

1. Kiểuvăn bản: tự sư

2- Bố cục: gồm 2 phần

- Phần 1: Từ đầu → đất nước: Long Quân cho nghĩa quân mượn gươm thần.

- Phần 2: Phần còn lại: Long Quân đòi lại gươm thần.

3. Phân tích

a. Long quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần

* Hoàn cảnh lịch sử

- Giặc Minh đô hộ nước ta.

- Nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần nổi dậy bị thua.

* Cách Long Quân cho mượn gươm

- Lê Thận là người đánh cá nhặt được lưỡi gươm dưới nước.

- Lê Lợi đến nhà Lê Thận thấy thanh gươm sáng lên 2 chữ “Thuận thiên”

- Lê Lợi nhặt được chuôi gươm trên rừng (gươm sáng trên ngọn cây đa).

- Gươm tra vào vừa như in.

→ Chi tiết tưởng tưởng kì lạ

*Lê Thận dâng gươm cho Lê Lợi và nói: “ Đây là ý trời …theo minh công”:

- Lê Thận tin tưởng vào Lê Lợi

- Thanh gươm gặp được minh chủ được dùng vào việc lớn, hợp lòng dân, thuận ý trời.

- Thể hiện tính chất toàn dân trên dưới một lòng tham gia đánh giặc..

b. Long Quân đòi gươm

* Hoàn cảnh lịch sử

- Đất nước thanh bình trở lại.

- Lê Lợi lên ngôi vua.

* Cảnh trả gươm:

- Diễn ra tại hồ Tả Vọng

- Một năm sau khi đuổi được giặc Minh

- Nhân vật đòi gươm: Vùa vàng

- Vua nâng gươm → Rùa vàng đớp lấy rồi chìm xuồng đáy hồ.

- Chi tiết đòi gươm:

+ Giải thích tên gọi của Hồ Hoàn Kiếm

+ Đánh dấu và khẳng định chiến thắng hoàn toàn của nghĩa quân Lam Sơn.

+ Thể hiện tư tưởng, tình cảm yêu chuộng hoà bình đã thành truyền thống của nhân dân ta.

+ Ý nghĩa cảnh giác răn đe với những kẻ có ý định nhòm ngó nước ta.

Hoạt động 3 Tổng kết

- Em hãy nêu đặc sắc nghệ thuật của truyện?

- Nêu nội dung, ý nghĩa của truyện?

- 2 học sinh đọc ghi nhớ sách giáo khoa

III- Tổng kết

1- Nghệ thuật

Truyện hấp dẫn với các chi tiết tưởng tượng

2- Nội dung

- Ngợi ca tính chất toàn dân, chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đề cao, suy tôn Lê Lợi và nhà Lê.

- Giải thích nguồn gốc của tên gọi Hồ Hoàn Kiếm.

* Ghi nhớ (Sách giáo khoa - trang 43)

Hoạt động 4 Luyện tập

Giáo viên hướng dẫn học sinh luyện tập

Cả lớp làm bài tập

Học sinh nhân xét, giáo viên nhận xét, bổ xung, kết luận

- Tại sao tác giả dân gian không để cho Lê Lợi trực tiếp nhận gươm?

Tại sao khi mượn gươm thì ở Thanh Hoá còn khi trả gươm lại ở hồ Tả Vọng? Điều đó mang ý nghĩa gì?

IV. Luyện tập

1. Bài tập 1. (Sách giáo khoa - trang 43)

Nhắc lại khái niệm truyền thuyết? Tại sao có thể nói truyện “Sự tích Hồ Gươm” là truyện truyền thuyết?

- Là truyền thuyết về thời Hậu Lê, so với những truyền thuyết về thời kỳ đầu dựng nước thì về thời sau ít yếu tố hoang đường hơn và bám sát lịch sử hơn.

2. Bài tập 2 (Sách giáo khoa trang 43)

Nếu Lê Lợi trực tiếp nhận gươm thì tác phẩm sẽ không thể hiện được tính chất toàn dân trên dưới một lòng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến. Thanh gươm mà Lê Lợi nhận được là thanh gươm thống nhất và hội tụ tư tưởng, tình cảm, sức mạnh của toàn thể nhân dân trên mọi miền đất nước.

3. Bài tập 3 (Sách giáo khoa - trang 43)

Thanh Hoá là nơi mở đầu của cuộc khởi nghĩa, Thăng Long là nơi kết thúc cuộc kháng chiến. Trả kiếm ở hồ Tả Vọng, thủ đô, trung tâm chính trị, văn hoá của cả nước là để mở ra một thời kì mới, một thời kì hoà bình, lao động, xây dựng, thể hiện hết được tư tưởng yêu hoà bình và tinh thần cảnh giác của cả nước của toàn dân.

4. Củng cố, luyện tập

- Phân loại truyền thuyết theo mốc: Thời đại vua Hùng + sau vua Hùng.

- Truyền thuyết Việt Nam nào có hình ảnh Rùa vàng?

(An Dương Vương xây thành Cổ Loa)

- Hình ảnh Rùa vàng tượng trưng cho ai? Cái gì?

(Tổ tiên, khí thiêng sông núi)

5. Hướng dẫn học ở nhà

- Học bài, tóm tắt truyện, làm các bài tập còn lại (Sách giáo khoa - trang 43)

- Soạn bài: Chủ đề và dàn bài của bài văn tự sự.