Thạch Sanh (Tiết 1) - Giáo án Ngữ Văn lớp 6
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Hiểu và cảm nhận được những nét đặc sắc về nghệ thuật và giá trị nội dung của truyện
2. Kĩ năng
- Bước đầu biết cách đọc - hiểu một văn bản truyện cổ tích theo đặc trưng thể loại
- Bước đầu biết thể hiện những cảm nhận, suy nghĩ của mình về các nhân vật và các chi tiết đặc sắc trong truyện.
- Có kỹ năng kể lại một câu chuyện cổ tích.
3. Thái độ
- Tự xác định và có thái độ đúng đắn khi tìm hiểu về nhân vật người dũng sĩ với nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
Chuẩn bị giáo án, sách giáo viên, sách giáo khoa, sách tham khảo,...
2. Học sinh
Chuẩn bị sách giáo khoa, nháp, vở ghi...
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
Kiểm tra sĩ số:
2. Kiểm tra
- Nêu ý nghĩa của truyện “Sự tích Hồ Gươm”?
- Trong truyện, em thích nhất chi tiết nào? Tại sao?
3. Bài mới
Có thể nói, trong những nhân vật chính diện mà truyện cổ tích Việt Nam đã xây dựng nên, Thạch Sanh là con người đẹp nhất, hoàn hảo trên mọi phương diện.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1 Đọc và tìm hiểu chú thích. - Giáo viên nêu yêu cầu đọc: Đọc chậm, rõ ràng, gợi không khí cổ tích, chú ý phân biệt giọng kể và giọng nhân vật. - Giáo viên đọc mẫu 1 đoạn. - Gọi học sinh đọc tiếp. - Hãy tóm tắt lại truyện Thạch Sanh bằng một chuỗi các sự việc chính? → Các sự việc chính: + Sự ra đời của Thạch Sanh. + Thạch Sanh lớn lên học võ và các phép thần thông. + Thạch Sanh kết nghĩa anh em với Lí Thông. + Mẹ con Lí Thông lừa gạt Thạch Sanh đi thể mạng cho mình. + Thạch Sanh tiêu diệt chằn tinh nhưng bị Lí Thông cướp công. + Thạch Sanh tiêu diệt đại bàng cứu công chúa, lại bị cướp công lần nữa. + Thạch Sanh diệt hồ tinh, cứu thái tử bị vu oan vào tù. + Thạch Sanh được rửa oan và lấy được công chúa. + Thạch Sanh chiến thắng quân của của nước chư hầu, lên ngôi vua. - Học sinh đọc chú thích sách giáo khoa. | I. Đọc và tìm hiểu chú thích. 1. Đọc và kể 2. Chú thích: Giải nghĩa các chú thích: 3,6,7,13. |
Hoạt động 2. Đọc và tìm hiểu văn bản. - Truyện Thạch Sanh thuộc kiểu văn bản nào? Bố cục văn bản chia làm mấy phần? Nêu nội dung của từng phần? - Tìm hiểu về sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh em thấy có gì bình thường? - Em có nhận xét như thế nào về các chi tiết này? - Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh có gì khác thường? - Kể về sự ra đời và lớn lên của Thạch sanh như vậy nhằm mục đích gì? | II. Đọc và tìm hiểu văn bản. 1. Kiểu văn bản: Tự sự 2. Bố cục văn bản: Chia làm 2 đoạn: - Đoạn 1: Từ đầu → phép thần thông: Sự ra đời của Thạch Sanh. - Đoạn 2: Còn lại: Những thử thách và chiến công của Thạch Sanh. 3. Phân tích a. Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh - Bình thường: + Là con một người nông dân tốt bụng bình thường. + Cuộc sống nghèo khổ, mưu sinh bằng nghề kiếm củi trên rừng. → Cuộc đời và số phận gần gũi với nhân dân. - Khác thường + Là thái tử con của Ngọc Hoàng. + Được người mẹ mang thai trong nhiều năm. + Được thiên thần dạy đủ võ nghệ, phép thần thông... - Kể về sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh, nhân dân ta nhằm mục đích: + Tô đậm tính chất kì lạ, xây dựng hình tượng đẹp đẽ cho nhân vật, làm tăng sức hấp dẫn của truyện. + Diễn đạt mong ước, niềm tin: con người bình thường cũng là những con người có tài năng và phẩm chất kì lạ. |
4. Củng cố, luyện tập
- Em có suy nghĩ gì về hoàn cảnh ra đời của Thạch Sanh?
- Kể lại tóm tắt truyện.
5. Hướng dẫn học ở nhà
- Học bài, tóm tắt truyện
- Soạn tiếp bài: Thạch Sanh (tiết 2)
Bài trước: Lời văn, đoạn văn tự sự - Giáo án Ngữ Văn lớp 6 Bài tiếp: Thạch Sanh (Tiết 2) - Giáo án Ngữ Văn lớp 6