Sông nước Cà Mau (Đoàn Giỏi) - Giáo án Ngữ Văn lớp 6
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Cảm nhận được sự độc đáo và phong phú của cảnh thiên nhiên sông nước vùng Cà Mau. Nắm được nghệ thuật miêu tả cảnh sông nước trong bài văn của tác giả.
2. Kĩ năng
- Rèn cho học sinh kĩ năng đọc và phân tích tác phẩm văn học hiện đại.
3. Thái độ
- Có thái độ học tập đúng đắn, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
Chuẩn bị sách giáo viên, sách giáo khoa, giáo án.
2. Học sinh
Chuẩn bị sách giáo khoa, nháp, vở ghi.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
Kiểm tra sĩ số:
2. Kiểm tra
- Bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn là gì? Em có suy nghĩ gì về câu nói cuối cùng của Dế Choắt?
3. Bài mới
- Giáo viên: Chỉ vị trí địa lí của Cà Mau trên bản đồ.
Đây là vùng đất tận cùng của Tổ quốc. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đến với vùng đất đó qua văn bản Sông nước Cà Mau.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1: Hướng dẫn học sinh đọc và tìm hiểu chú thích. Giáo viên hướng dẫn học sinh cách đọc, giáo viên đọc mẫu rồi 3- 4 học sinh đọc nối tiếp - Nêu những hiểu biết của em về tác giả? tác phẩm? - Giáo viên cho học sinh tìm hiểu chú thích 3,5,10,11,12,15 sách giáo khoa. | I. Đọc và tìm hiểu chú thích 1. Đọc. 2. Tìm hiểu chú thích. a. Tác giả: - Tác giả Đoàn Giỏi (1925 - 1989) quê ở tỉnh Tiền Giang, ông viết văn từ thời kháng chiến chống Pháp. Ông thường viết về thiên nhiên và cuộc sống con người Nam Bộ. b. Tác phẩm. - Tác phẩm Đất rừng phương Nam (1957) là truyện dài nổi tiếng nhất của Đoàn Giỏi - Bài văn Sông nước Cà Mau trích chương 18 truyện này. c. Từ khó: Sách giáo khoa |
*Hoạt động 2: đọc hiểu văn bản - Em có nhận xét về ngôi kể, so sánh với ngôi kể của bài trước? - Tác dụng của ngôi kể? - Em có nhận xét gì về bố cục miêu tả của từng đoạn trích? - Tả cảnh sông nước Cà Mau thông qua cái nhìn và cảm nhận của bé An, tác giả chú ý đến những ấn tượng gì nổi bật? - Những từ ngữ hình ảnh nào làm nổi bật rõ nét màu sắc riêng biệt của vùng đất ấy? Qua những âm thanh nào? - Em có hình dung như thế nào về cảnh sông nước Cà Mau qua ấn tượng ban đầu của tác giả? Tác giả miêu tả khung cảnh thiên nhiên thông qua sự cảm nhận của những giác quan nào? Em có nhận xét như thế nào về các biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng trong đoạn văn? - Hãy tìm những danh từ riêng có trong đoạn văn? - Em có nhận xét như thế nào về cách đặt tên các địa danh? - Những địa danh đó gợi ra đặc điểm gì về thiên nhiên và cuộc sống Cà Mau? - Đoạn văn có phải hoàn toàn thuộc thể loại văn miêu tả không? Tại sao? - Dòng sông và rừng đước Năm Căn được tác giả miêu tả bằng những chi tiết nổi bật nào? - Theo em, cách tả cảnh ở đây có gì độc đáo? Tác dụng của cách miêu tả này? - Đoạn văn miêu tả cảnh sông nước Năm Căn đã tạo nên một thiên nhiên như thế nào trong tâm tưởng của em? - Em có nhận xét gì về cách sử dụng động từ của tác giả trong câu văn: "Thuyền chúng tôi chèo thoắt qua kênh bọ mắt, đổ ra con sông cửa lớn, xuôi về Năm Căn". * Giáo viên: Cà Mau không chỉ độc đáo ở cảnh vật thiên nhiên sông nước mà còn hấp dẫn ở cảnh sinh hoạt cộng đồng nơi chợ búa. - Quang cảnh chợ Năm Căn vừa thân thuộc, vừa khác lạ hiện lên qua các chi tiết tiêu biểu nào? - Qua cách kể của tác giả, em có hình dung như thế nào về chợ Năm Căn? Em có nhận xét gì về nghệ thuật miêu tả của tác giả trong đoạn văn này? | II. Đọc hiểu văn bản: 1. Tìm hiểu chung về văn bản. a. Ngôi kể thứ nhất: người kể chuyện là nhân vật bé An, kể những điều mắt thấy, tai nghe. → Tác dụng: giúp người đọc thấy được cảnh quan vùng sông nước Cà Mau qua cái nhìn và cảm nhận hồn nhiên, tò mò của một đứa trẻ thông minh ham hiểu biết. b. Bố cục: Đoạn trích chia làm 3 đoạn + Đoạn 1: ( Từ đầu đến “ màu xanh đơn điệu”) khái quát về cảnh sông nước Cà Mau. + Đoạn 2: ( Tiếp theo đến “khói sóng ban mai”) Miêu tả cảnh kênh rạch, sông ngòi ở Cà Mau, tập trung miêu tả con sông Năm Căn rộng lớn, hùng vĩ. + Đoạn 3: ( Còn lại) Miêu tả cảnh chợ Năm Căn. 2. Phân tích chi tiết. a. Cảnh khái quát: - “ …sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng…. sắc xanh cây lá”. - Màu sắc riêng biệt: Màu xanh của trời nước, cây, lá rừng tạo thành một thế giới xanh, bát ngát chỉ toàn một màu xanh - Âm thanh rì rào của gió, rừng, sóng biển đều ru vỗ triền miên. → Cảnh sông nước Cà Mau là một không gian rộng lớn mênh mông với sông ngòi, kênh rạch bủa giăng chi chít. Tất cả được phủ kín bởi một màu xanh. Một thiên nhiên còn hoang sơ, đầy cuốn hút và bí ẩn. → Nghệ thuật: So sánh, tả xen kể, liệt kê, điệp từ. b. Cảnh kênh rạch, sông ngòi và dòng sông Năm Căn: b1. Cảnh kênh rạch, sông ngòi. - Tên các địa danh: Chà Là, Cái Keo, Bảy Háp, Mái Giầm, Ba khía... → Những cái tên dân dã, mộc mạc theo lối dân gian. Những cái tên rất riêng ấy góp phần tạo nên màu sắc địa phương chẳng thể nhầm lẫn với các vùng sông nước khác: - Đặt tên cho các vùng đất, con sông “ không phải bằng những….. gọi thành tên”. → Thiên nhiên ở đây đa dạng, phong phú, hoang sơ; thiên nhiên gắn liền với cuộc sống lao động của con người. - Đoạn văn không chỉ tả cảnh mà còn kết hợp với thể loại văn thuyết minh. Giới thiệu cụ thể, chi tiết về cảnh quan, tập quán, phong tục một vùng đất nước. b2. Tả cảnh dòng sông Năm Căn: - Dòng sông: rộng hơn ngàn thước, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác; cá đen trũi hàng đàn như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. - Rừng đước: Dựng cao ngất như hai dãy trường thành vô tận; cây đước ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh.. - Tác giả miêu tả trực tiếp bằng thị giác, thính giác. Sử dụng nhiều so sánh. → Thiên nhiên mang một vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ, trù phú, một vẻ đẹp chỉ có thời xa xưa. - Một câu văn sử dụng tới 3 động từ (thoát, đổ, xuôi) chỉ các trạng thái hoạt động khác nhau của con thuyền trong những không gian khác nhau. → Cách sử dụng từ như vậy vừa tinh tế, vừa chuẩn xác c. Tả cảnh chợ Năm Căn: - Gỗ chất thành đống, có rất nhiều thuyền trên bến. - Nhiều bến, nhiều lò than hầm, gỗ đước; nhà bè giống như những khu phố nổi, như chợ nổi trên sông; bán đủ thứ. - Họp chợ ngay trên mặt nước, có thể mua mọi thứ mà không cần bước ra khỏi thuyền. - Người bán hàng thuộc nhiều dân tộc khác nhau: Hoa, Miên, người Trà Châu Giang... → Chợ Năm Căn đông vui, tấp nập, trù phú, độc đáo. - Nghệ thuật miêu tả: tác giả quan sát kĩ lưỡng, vừa bao quát, cụ thể, chú ý cả hình khối, màu sắc, âm thanh. |
Hoạt động 3. tổng kết - Qua đoạn trích Sông nước Cà Mau, Em cảm nhận được gì về vùng đất này? - Em có nhận xét gì về tác giả qua văn bản này? - Em học tập được gì từ nghệ thuật tả cảnh của tác giả | III. Tổng kết: (Sách giáo khoa - trang 23) - Cảnh thiên nhiên phong phú hoang sơ mà tươi đẹp; Cảnh sinh hoạt độc đáo, hấp dẫn. - Tình yêu đất nước sâu sắc và vốn hiểu biết phong phú đã giúp tác giả miêu tả, giới thiệu sông nước Cà Mau tường tận, hấp dẫn đến như vậy. - Biết quan sát, so sánh, nhận xét về đối tượng miêu tả, có niềm say mê với đối tượng được tả. |
* Hoạt động 4: Luyện tập | IV: Luyện tập: Viết một đoạn văn nêu cảm nhận của em về môi trường tự nhiên, hoang sơ ở vùng Cà Mau qua bài Sông nước Cà Mau (Khoảng 5 câu). |
4. Củng cố, luyện tập
- Đọc phần đọc thêm sách giáo khoa trang 23
5. Hướng dẫn học ở nhà
- Học sinh học bài,
- Soạn bài: So sánh.
Bài trước: Tìm hiểu chung về văn miêu tả - Giáo án Ngữ Văn lớp 6 Bài tiếp: So sánh - Giáo án Ngữ Văn 6