Trang chủ > Lớp 6 > Giáo án Ngữ văn 6 chuẩn > Sọ Dừa - Giáo án Ngữ Văn lớp 6

Sọ Dừa - Giáo án Ngữ Văn lớp 6

I. Mục tiêu bài học

1. Kiến thức

- Có những hiểu biết bước đầu về thể loại truyện cổ tích.

- Nắm được nội dung, ý nghĩa của truyện “Sọ Dừa” và một số đặc điểm tiêu biểu của nhân vật mang lốt xấu xí.

2. Kĩ năng

- Rèn kỹ năng đọc diễn cảm văn bản truyện cổ tích.

- Có kỹ năng nhận ra những sự việc chính của truyện.

- Nhận ra một số chi tiết tưởng tượng kì lạ tiêu biểu trong truyện.

- Kể lại được truyện.

3. Thái độ

- Tự xác định và có thái độ đúng đắn khi tìm hiểu truyện cổ tích.

II. Chuẩn bị tài liệu

1. Giáo viên

Chuẩn bị giáo án, sách giáo viên, sách giáo khoa, sách tham khảo…

2. Học sinh

Chuẩn bị sách giáo khoa, nháp, vở ghi, …

III. Tiến trình tổ chức dạy học

1. Ổn định tổ chức

- Kiểm tra sĩ số.

2. Kiểm tra

- Kể lại tóm tắt truyện “Sự tích Hồ Gươm”?

- Truyện chứa những chi tiết kì lạ nào? Nêu ý nghĩa của truyện?

3. Bài mới

Trong văn học dân gian, truyện cổ tích là thể loại rất tiêu biểu, được mọi người yêu thích. Hôm nay cô trò chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một câu chuyện cổ tích kể về nhân vật người mang lốt xấu xí đó là “Sọ Dừa”. “Sọ Dừa” là một trong những minh chứng cho ước mơ về công lí xã hội và về sự đổi đời của nhân dân.

Hoạt động của giáo viên và học sinhKiến thức cần đạt

Hoạt động 1: Hướng dẫn học sinh đọc và tìm hiểu chú thích.

- Giáo viên hướng dẫn cách đọc: Đọc rõ ràng, rành mạch, nhấn giọng ở những chi tiết kì lạ.

- Giáo viên đọc mẫu một đoạn sau đó gọi học sinh đọc.

- Giáo viên nhận xét cách đọc của học sinh

- Hãy kể tóm tắt truyện trong 5-7 câu?

- Đọc kĩ phần chú thích (*) và nêu những hiểu biết của em về truyện cổ tích?

- Em hãy giải nghĩa các từ: phú ông, trạng nguyên, đi sứ, cá kình…

I. Đọc và tìm hiểu chú thích

1. Đọc:

2-Tìm hiểu chú thích:

- Truyện cổ tích:

+ Là thể loại truyện kể dân gian thường kể về cuộc đời và số mệnh của một số kiểu nhân vật quen thuộc: nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ và có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh, ngốc nghếch, nhân vật là động vật….

+ Thường chứa các yếu tố hoang đường kì ảo.

+ Thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện với cái ác.

3. Từ khó (Sách giáo khoa - Trang 53,54)

Hoạt động 2: Hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản.

- Văn bản trên thuộc kiểu văn bản gì?

- Có thể chia văn bản làm mấy phần? Nêu nội dung từng phần?

II. Đọc hiểu văn bản:

1. Kiểu văn bản: Tự sự

2. Bố cục: gồm 3 phần

- Phần 1 (Từ đầu... đặt tên cho nó là Sọ Dừa): Sự ra đời của Sọ Dừa.

- Phần 2 (tiếp... phòng khi dùng đến): Sọ Dừa cưới cô út, trở về hình dáng khôi ngô tuấn tú và thi đỗ trạng nguyên.

- Phần 3 (còn lại): Biến cố bị hãm hại và sự đoàn tụ vợ chồng.

- Gọi học sinh đọc đoạn 1

- Truyện kể về ai? Sự ra đời và hình dạng của nhân vật đó có gì đặc biệt? Qua đó nhân dân muốn thể hiện điều gì?

Học sinh trả lời.

Giáo viên nhân xét kết luận.

3. Phân tích

a. Sự ra đời của Sọ Dừa:

- Hai vợ chồng nghèo đã ngoài 50 tuổi mà vẫn chưa có con.

- Người vợ uống nước trong sọ dừa rồi mang thai.

- Sinh ra đứa trẻ không có tay chân, tròn như quả dừa, “cứ lăn lông lốc trong nhà, chẳng làm được việc gì”. → tên nhân vật gắn với sự dị hình, dị dạng ấy.

=> Nhân dân muốn thể hiện:

+ Sọ Dừa thuộc kiểu nhân vật mang lốt xấu xí.

+ Quan tâm đến loại người bất hạnh nhất, số phận thấp hèn, gợi ở người nghe sự thương cảm với nhân vật.

+ Mở ra tình huống kì dị để cốt truyện tiếp tục phát triển.

- Gọi học sinh đọc đoạn 2.

- Sự tài giỏi của Sọ Dừa được thể hiện ở những chi tiết nào? Em có nhận xét gì về mối quan hệ giữa hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật?

Học sinh trả lời.

Giáo viên nhân xét kết luận.

b. Tài năng của Sọ Dừa:

- Sự tài giỏi của Sọ Dừa:

+ Giỏi chăn bò: “Ngày nắng cũng như… no căng”

+ Có tài thổi sáo.

+ Tự biết được khả năng của mình: “gì chứ chăn bò thì con chăn được”, “giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ”

+ Kiếm đủ sính lễ theo đúng yêu cầu của phú ông.

+ Thông minh khác thường, thi đỗ trạng nguyên.

+ Có tài dự đoán, lo xa chuẩn xác: “khi chia tay quan trạng…. phòng khi dùng đến”

- Nhận xét mối quan hệ giữa ngoại hình và phẩm chất Sọ Dừa:

+ Có sự đối lập trái ngược giữa ngoại hình và phẩm chất.

+ Là sự khẳng định tuyệt đối về con người bên trong, đề cao giá trị chân chính của con người.

+ Diễn đạt ước mơ về sự đổi đời của nhân dân lao động.

+ Mở ra tình huống khác lạ để câu chuyện tiếp tục phát triển.

- Bên cạnh nhân vật trung tâm còn có các nhân vật nào? Các nhân vật đó có những điểm gì đáng chú ý?

- Vì sao cô Út lại bằng lòng lấy Sọ Dừa? Em có nhận xét gì về nhân vật này?

- Hai cô chị và phú ông là người như thế nào?

+ Hai cô chị: ích kỉ, hiểm độc, trơ trẽn, tham lam, thích địa vị giàu sang…

+ Phú ông: giàu có, tham của nhưng không độc ác.

Học sinh trả lời.

Giáo viên nhân xét kết luận.

c. Nhân vật cô Út.

- Cô Út biết được thực chất đẹp đẽ của Sọ Dừa nên bằng lòng lấy Sọ Dừa.

- Cô út hiền lành, thương người ngay cả khi chưa biết gì về thực chất bên trong Sọ Dừa, cô vẫn đối xử tử tế với chàng, có lòng nhân hậu, thông minh, giàu nghị lực…

=> Cô nhận được phần thưởng đáng quý: bà Trạng.

- Truyện kết thúc như thế nào? Kết thúc đó thể hiện mơ ước gì của nhân dân?

Học sinh trả lời.

Giáo viên nhân xét kết luận.

d. Mơ ước của người lao động:

- Kết thúc truyện:

+ Sọ Dừa dị hình, dị dạng nhưng được làm quan trạng.

+ Cô út được hưởng hạnh phúc.

+ Hai cô chị hổ thẹn bỏ đi biệt xứ.

- Mơ ước của nhân dân:

+ ước mơ đổi đời.

+ ước mơ công bằng.

- Truyện có ý nghĩa như thế nào?

Học sinh thảo luận và trình bày.

e. Ý nghĩa của truyện:

- Đề cao giá trị đích thực, đề cao vẻ đẹp bên trong con người.

- Đề cao lòng nhân ái đối với người bất hạnh.

- Thể hiện sức sống mãnh liệt và tinh thần lạc quan của nhân dân lao động.

Hoạt động 3: Hướng dẫn học sinh tổng kết.

- Trình bày giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản?

- Giáo viên gọi học sinh đọc phần ghi nhớ, sách giáo khoa trang 54.

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

Truyện có các chi tiết tưởng tượng hoang đường, kể về nhân vật người mang lốt vật hấp dẫn.

2. Nội dung

Đề cao giá trị chân chính của con người và tình thương đối với người bất hạnh.

* Ghi nhớ (Sách giáo khoa – trang 54)

Hoạt động 4: Hướng dẫn học sinh luyện tập.

- Kể tên một số truyện nhân vật mang lốt xấu xí mà em biết?

Học sinh kể chuyện.

IV. Luyện tập

Một số truyện nhân vật mang lốt xấu xí như: Lấy vợ cóc, chàng Bầu, Nàng út ống tre….

4. Củng cố, luyện tập

- Thế nào là truyện cổ tích?

- Em thích nhất nhân vật nào trong truyện? Vì sao?

- Nêu ý nghĩa của truyện?

5. Hướng dẫn học ở nhà

- Học bài, tóm tắt truyện

- Soạn bài: Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ.