Ông lão đánh cá và con cá vàng - Giáo án Ngữ Văn lớp 6
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Nắm được nhân vật, sự kiện, cốt truyện trong một tác phẩm truyện cổ tích thần kì.
- Sự lặp lại tăng tiến của các tình tiết, sự đối lập của các nhân vật, sự xuất hiện của các yếu tố tưởng tượng, hoang đường.
2. Kĩ năng
- Rèn kỹ năng đọc-hiểu văn bản truyện cổ tích thần kì; Phân tích các sự kiện trong truyện; Kể lại được câu chuyện.
3. Thái độ
- Giáo dục lòng ân nghĩa, thuỷ chung, căm ghét thói xấu tham lam, bội bạc
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
Chuẩn bị sách giáo khoa, sách giáo viên, giáo án, tài liệu tham khảo chuẩn kiến thức kỹ năng.
2. Học sinh
Chuẩn bị sách giáo khoa, nháp, vở ghi
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
Kiểm tra sĩ số:
2. Kiểm tra
Kết hợp bài học.
3. Bài mới
Ông lão đánh cá và con cá vàng là truyện cổ tích dân gian Nga, Đức được tác giả a. Pun –skin viết lại bằng 205 câu thơ Nga và Vũ Đình Liêm, Lê Trí Viễn dịch qua văn bản tiếng Pháp. Câu vừa giữ được nét chất phác, dung dị với những biện pháp nghệ thuật rất thân thuộc của truyện cổ tích dân gian, vừa điêu luyện, tinh tế trong sự miêu tả và tổ chức truyện.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1: Đọc và tìm hiểu chú thích *Giáo viên: - Yêu cầu học sinh đọc - Giáo viên nhận xét về cách đọc Hỏi: Tóm tắt các sự việc chính? Hỏi: Cho biết thể loại truyện, nguồn gốc truyện, do ai kể lại Hỏi: Nêu những hiểu biết của em về Pu-skin? Giải nghĩa các từ khó sách giáo khoa: Sinh phúc, nhất phẩm phu nhân, nữ hoàng, lóc cóc, thị vệ... | I. Đọc và tìm hiểu chú thích: 1. Đọc, kể. * Kể tóm tắt: - Cảnh ngộ của hai vợ chồng ông lão đánh cá - Ông lão bắt được cá vàng - thả cá vàng và nhận được lời hứa của cá vàng. - Mụ vợ biết chuyện liền bắt ông lão thực hiện yêu cầu của mụ vợ: + Lần 1: đòi chiếc máng lợn mới. + Lần 2: đòi ngôi nhà mới + Lần 3: đòi làm nhất phẩm phu nhân + Lần 4: đòi làm nữ hoàng + Lần 5: đòi làm long vương - Gia đình ông lão trở lại với cuộc sống như cũ. 2. chú thích -Truyện cổ dân gian Nga, Đức được Pu-skin viết lại bằng 205 câu thơ (tiếng Nga) 3. Từ khó: Giải nghĩa từ khó (Sách giáo khoa - Trang 95) |
Hoạt động 2 Đọc- hiểu văn bản Hỏi: Cho biết phương thức biểu đạt của văn bản là gì?. Hỏi: Hãy kể tên các nhân vật, ai là nhân vật chính? - Có 4 nhân vật: ông lão, mụ vợ, cá vàng, biển cả. Nhân vật chính: Mụ vợ Hỏi: Có thể phân chia bố cục của truyện như thế nào? Nội dung bố cục? Trong phần giới thiệu truyện, em thấy ông lão đánh cá là một người như thế nào? Hỏi: Qua hành động thả cá vàng và lời nói của ông lão bộc lộ phẩm chất gì. Hỏi: Trong truyện có mấy lần ông lão ra biển gặp cá vàng, gặp để làm gì? Hỏi: Hình dáng của ông lão: câm lặng, lóc cóc, lủi thủi 5 lần đi ra biển làm theo lời mụ vợ gặp cá vàng gợi lên cho em suy nghĩ gì. - Ông làm trái lời hứa với cá vàng → buồn bã, đơn độc, lẻ loi, lương tâm như dằn vặt cắn dứt. → phân bua: Cá ơi giúp tôi với. Hỏi: Ông lão 5 lần làm theo lời mụ vợ cho thấy ông là người như thế nào? - Hiểu bản tính tham lam của mụ vợ → vẫn nhịn nhục, cam chịu, nhất nhất làm theo lệnh => muốn yên phận. - Không đấu tranh, phản kháng → hiền lành, nhu nhược dẫn đến việc vô tình tiếp tay cho cái xấu. Hỏi: Em có nhận xét chung gì về tính cách của nhân vật mụ vợ. - Em hãy tìm những chi tiết thể hiện bản tính tham lam của mụ vợ? Hỏi: Em có nhận xét như thế nào về lòng tham của mụ vợ? → Lòng tham của mụ vợ tăng lên nhanh chóng từ thấp đến cao. Đi từ vật chất đến địa vị: từ địa vị có trong thực tế đến địa vị tưởng tượng. Đó là lòng tham vô độ, lòng tham không đáy, đúng như câu thành ngữ: Được voi, đòi tiên. Hỏi: Sự bội bạc của mụ với chồng mình tăng lên như thế nào? Em có nhận xét gì về điều đó? Hỏi: Khi nào thì sự bội bạc của mụ lên tới đỉnh điểm? - Đòi làm long vương để bắt cá vàng phải phục dịch, làm theo ý muốn của mụ. → Khi lòng tham của mụ vợ lên tới đỉnh điểm thì sự bội bạc của mụ cũng vô độ. - Mụ vợ xuất thân là người lao động nghèo khổ nhưng lại mang trong mình bản chất của giai cấp nào? * Giáo viên: Tóm lại: mụ vợ là gia cấp cần lao nhưng lại mang trong mình bản chất của giai cấp bóc lột, thống trị, tham lam, tàn ác, tìm mọi cách để đạt được danh vọng, thỏa mãn, cam chịu. - Mỗi lần ông lão ra biển, cảnh biển lại thay đổi như thế nào? Em có nhận xét gì về sự thay đổi đó? Theo em biển có tham gia vào câu chuyện không? - Biển cũng tham gia vào câu chuyện: biển cả cả hiền lành, bao dung, thanh bình nhưng cũng biết giận dữ trước những thói ác, thói xấu của người đời. Hỏi: Cá vàng đã trừng trị mụ vợ như thế nào? Trừng trị mụ vì tội gì? Hình tượng cá vàng mang ý nghĩa gì? - Cá vàng trừng trị mụ vợ bằng cách: thu lại tất cả những gì mà cá vàng đã cho, đưa mụ trở về với cảnh đói nghèo như xưa. - Trừng trị mụ ở cả hai tội: tham lam và độc ác. → Sự trừng trị của cá vàng là sự trừng trị của công lí và đạo lí mà nhân dân là người thực hiện. | II. Đọc- hiểu văn bản: 1. Kiểu văn bản: tự sự 2. Bố cục: chia làm 3 phần + phần 1: từ đầu đến kéo sợi: giới thiệu về cảnh ngộ gia đình ông lão đánh cá + phần 2: tiếp đến ý mụ: Những yêu cầu của mụ vợ bắt cá vàng phải đền ơn, sự bội bạc của mụ. + phần 3 còn lại: quay trở về cuộc sống ban đầu 3. Phân tích: a. Nhân vật ông lão đánh cá: - Hoàn cảnh sống, công việc: sống nghèo khổ bằng nghề đánh cá, làm ăn lương thiện - Phẩm chất: nhân hậu, hiền lành, không tham lam. - Đáp ứng hết mọi yêu cầu của vợ một cách nhu nhược, đáng trách b. Nhân vật mụ vợ ông lão đánh cá: - Tính cách: tham lam và bội bạc * Những chi tiết thể hiện tính tham làm của mụ vợ. - Lần 1: đòi cái máng lợn mới - Lần 2: đòi một gôi nhà mới - Lần 3: đòi làm nhất phẩm phu nhân - Lần 4: đòi làm nữ hoàng - Lần 5: đòi làm long vương. → Lòng tham không đáy được tăng dần từ vật chất đến địa vị, yêu cầu ngày càng quá quắt. * Sự bội bạc của mụ với chồng mình: - Lần 1: mắng chồng: đồ ngốc - Lần 2: quát to đồ ngốc - Lần 3: mắng như tát nước vào mặt - Lần 4: nổi trận lôi đình, tát vào mặt ông lão, gọi chồng là mày rồi đuổi ông lão đi. - Lần 5: nổi cơn thịnh nộ → Đối xử với chồng ngày càng tệ bạc, không còn tình nghĩa. Lòng tham càng lớn thì tình nghĩa vợ chồng càng biến mất. c. Thái độ của biển cả và cá vàng: * Cảnh biển đổi thay: - Lần 1: biển gợn sóng êm đềm. - Lần 2: biển xanh đã nổi sóng. - Lần 3: biển xanh nổi sóng dữ dội. - Lần 4: biển nổi sóng mịt mù. - Lần 5: một cơn giông tố khủng khiếp kéo đến, biển nổi sóng ầm ầm. => Biển nổi sóng thể hiện sự bất bình trước lòng tham và sự bội bạc của mụ vợ. * Cá vàng: - Trừng trị mụ ở cả hai tội: tham lam và độc ác. - Cá vàng là đại diện cho công lí, hướng thiện, lòng biết ơn. |
Hoạt động 3. Tổng kết Hỏi: Cho biết nét nghệ thuật tiêu biểu của truyện. Hỏi: Nêu nội dung của truyện. - Giáo viên chốt ghi nhớ -1 học sinh đọc, lớp theo dõi. | III.. Tổng kết: 1. Nghệ thuật: - Các yếu tố tưởng tượng hoang đường, hấp dẫn - Xây dựng hình tượng nhân vật đối lập mang nhiều ý nghĩa. - Kết thúc truyện quay lại thực tế khác hẳn các truyện cổ tích khác thường kết thúc có hậu. 2. Nội dung: - Ngợi ca lòng biết ơn đối với những người nhân hậu. - Phê phán thói tham lam, bội bạc, vô ơn bạc nghĩa. - Bài học đích đáng dành cho những kẻ thạm lam bội bạc. * Ghi nhớ: (Sách giáo khoa - Trang 96) |
Hoạt động 4. Luyện tập | IV. Luyện tập: (Sách giáo khoa - Trang 97) |
4. Củng cố, luyện tập
- Giáo viên khái quát nội dung bài học
5. Hướng dẫn học ở nhà
- Tìm những câu ca dao, tục ngữ ứng với phần kết thúc của truyện?
- Bức tranh sách giáo khoa - trang 95 minh hoạ cho cảnh nào? Dựa vào bức tranh, kể lại kết thúc câu chuyện bằng ngôi kể thứ nhất?
- Chuẩn bị bài giờ sau: Thứ tự kể trong văn tự sự
Bài trước: Ngôi kể trong văn tự sự (Tiết 2) - Giáo án Ngữ Văn lớp 6 Bài tiếp: Thứ tự kể trong văn tự sự - Giáo án Ngữ Văn lớp 6