Hoán dụ - Giáo án Ngữ Văn lớp 6
I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
Nắm vững khái niệm hoán dụ, phân biệt hoán dụ với ẩn dụ và các kiểu hoán dụ.
2. Kĩ năng
Rèn kĩ năng phân tích được giá trị biểu cảm của phép hoán dụ.
3. Thái độ
Học sinh có ý thức học tập bộ môn.
II. Chuẩn bị tài liệu
1. Giáo viên
Chuẩn bị sách giáo viên, sách giáo khoa, giáo án.
2. Học sinh
Chuẩn bị sách giáo khoa, nháp, vở ghi.
III. Tiến trình tổ chức dạy học
1. Ổn định tổ chức
Kiểm tra sĩ số:
2. Kiểm tra
Ẩn dụ là gì? Có mấy kiểu ẩn dụ?
Hãy tìm hình ảnh ẩn dụ trong câu ca dao sau và nêu ý nghĩa của phép ẩn dụ đó?
Con cò ăn bãi rau răm
Đắng cay chịu vậy, đãi đằng cùng ai?
3. Bài mới
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Kiến thức cần đạt |
---|---|
Hoạt động 1: hình thành khái niệm mới * Giáo viên treo bảng phụ đã viết ví dụ - Em thấy hình "áo nâu”, "áo xanh", “nông thôn” và “thành thị” trong ví dụ gợi cho em liên tưởng tới những ai? Tại sao nói đến áo nâu, áo xanh ta lại liên tưởng tới người nông dân và người công nhân? - Giữa áo nâu với nông thôn, áo xanh với thành thị có mối liên hệ gì? Cách diễn đạt trên đây có tác dụng gì? ( So sánh cách diễn đạt của ví dụ với cách diễn tả: "Tất cả nông dân ở nông thôn và công nhân ở các thành phố đều đứng lên"? ) - Giáo viên chốt: Từ áo nâu và áo xanh làm ta liên tưởng tới những người nông dân và công nhân. Vì nông dân thường mặc áo nhuộm màu nâu; công nhân đi làm thường hay mặc quần áo bảo hộ màu xanh. Với cách viết như vậy người ta đã sử dụng phép tu từ hoán dụ. - Em hiểu thế nào là hoán dụ? - Cho học sinh đọc ghi nhớ | I. Thế nào là hoán dụ: 1. Bài tập: Sách giáo khoa - Trang 82. 2. Kết luận - "áo nâu" chỉ những người nông dân. - "áo xanh" chỉ những người công nhân - Vì người nông dân thường mặc áo nâu, còn người công nhân thường mặc áo xanh khi làm việc. - Nông thôn chỉ chững người sống ở nông thôn. Thị thành chỉ những người sống ở thành thị. - Quan hệ: Vật chứa đựng với vật bị chứa đựng. (Quan hệ gần gũi) => Tác dụng: Ngắn gọn, làm tăng tính hình ảnh và hàm súc cho câu văn, nêu bật được đặc điểm của những sự vật được nói đến. * Ghi nhớ: Sách giáo khoa - Trang 82 |
Hoạt động 2: Hướng dẫn học sinh tìm hiểu các kiểu hoán dụ. * Giáo viên treo bảng phụ đã viết ví dụ a. Bàn tay ta làm nên tất cả Có sức người sỏi đá cũng thành cơm b. Một cây làm chẳng lên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao c. Ngày Huế đổ máu Chú Hà Nội về Tình cờ chú cháu Gặp nhau hàng Bè d. Em đã sống bởi vì em đã thắng! Cả nước bên em, quanh giường nệm trắng, Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa, Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa... (Tố Hữu) - Hình ảnh bàn tay gợi cho em liên tưởng dến sự vật nào? Đó là mối quan hệ gì? - "Một" và "Ba " gợi cho em liên tưởng tới cái gì? - Mối quan hệ giữa chúng như thế nào? - "Đổ máu" gợi cho em liên tưởng tới sự việc gì? - Mối quan hệ giữa chúng như thế nào? - Xác định và chỉ rõ mối quan hệ của phép hoán dụ trong ví dụ d? - Có mấy kiểu hoán dụ? - Giáo viên cho học sinh đọc lại ghi nhớ | II. Các kiểu hoán dụ: 1. Bài tập: Sách giáo khoa 2. Kết luận: a. Bàn tay: Bộ phận cơ thể người được sử dụng thay cho người lao động nói chung => Quan hệ: bộ phận và toàn thể. b. Một và ba là số lượng cụ thể được dùng để chỉ số lượng ít và nhiều. Quan hệ: số lượng cụ thể và số lượng trừu tượng. c. Đổ máu: dấu hiệu thường được dùng thay cho sự hi sinh, mất mát (trong bài thơ Lượm đổ máu dấu hiệu chỉ chiến tranh- ngày Huế nổ ra chiến sự. ) - Quan hệ dấu hiệu sự vật- sự vất. d. Phép hoán dụ: Cả nước chỉ nhân dân Việt Nam - Quan hệ: Vật chứa đựng (Cả nước) - Và vật bị chứa đựng (Nhân dân Việt Nam sống trên đất nước Việt Nam). *. Ghi nhớ: Sách giáo khoa - trang 83 |
Hoạt động 3:. Luyện tập: - Giáo viên hướng dẫn học sinh làm bài tập - Học sinh đọc bài tập - Mỗi học sinh làm một câu Xác định các phép hoán dụ và kiểu quan hệ được sử dụng. - Phân biệt hoán dụ và ẩn dụ? | III. Tập luyện: Bài tập 1: a) Làng xóm: Chỉ nhân dân sống trong làng xóm. - Quan hệ: Vật chứa đựng và vật bị chứa đựng. b) Mười năm: thời gian ngắn, trước mắt - Trăm năm: thời gian dài. => quan hệ: cụ thể và trừu tượng. => ý nghĩa: Trồng cây: Kinh tế, trồng người: giáo dục. - Một xã hội phát triển là cả kinh tế và giáo dục đều phát triển trong đó kinh tế là động lực, giáo dục là mục đích. + Hoán dụ: Trồng cây: (Xây dựng kinh tế) - xây dựng xã hội phát triển. + Trồng người: (xây dựng con người) - xây dựng xã hội mới. - Hồ Chủ Tịch nói: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì phải có con người Xã Hội Chủ Nghĩa. + Quan hệ: * Kinh tế: Bộ phận - Toàn thể. * Giáo dục: Công việc đặc trưng - Toàn bộ sự nghiệp. c) áo chàm: Hoán dụ kép. - áo chàm (trang phục) chỉ người dân sống ở Việt Bắc thường mặc áo màu chàm. + Quan hệ: Dấu hiệu đặc trưng và sự vật. + áo chàm: Chỉ quần chúng cách mạng người dân tộc ở Việt Bắc, chỉ tình cảm của quần chúng cách mang nói chung đối với Đảng và Bác. + Quan hệ: Bộ phận và toàn thể. Trái đất: Chỉ loài người tiến bộ đang sống trên trái đất + Quan hệ: Vật chứa đựng và vật bị chứa đựng. Bài tập 2: - Giống nhau: + ẩn dụ: gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác. + Hoán dụ: Gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác. - Khác nhau: + ẩn dụ: Dựa vào mối quan hệ tương đồng (qua so sánh ngầm) về hình thức, cách thức, phẩm chất, cảm giác. + Hoán dụ: Dự vào mối quan hệ tương cận (gần gũi) đi đôi với nhau. Về bộ phận - toàn thể, vật chứa - vật bị chứa, dấu hiệu - sự vật, cụ thể - trừu tượng. |
4. Củng cố, luyện tập
Hoán dụ là gì? Tìm đọc một số câu thơ có sử dụng phép hoán dụ?
5. Hướng dẫn học ở nhà
- Học thuộc ghi nhớ.
- Làm bài tập 3.
- Soạn bài: Tập làm thơ 4 chữ, mỗi học sinh chuẩn bị một bài thơ 4 chữ.
Bài trước: Mưa (Trần Đăng Khoa) - Giáo án Ngữ Văn lớp 6 Bài tiếp: Tập làm thơ bốn chữ - Giáo án Ngữ Văn lớp 6