Giáo án ngữ văn 12: Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) - Phần 2: Tác phẩm - Tiết 1
1. Kiến thức
- Hiểu được ý nghĩa chính của Tuyên ngôn Độc lập
- Hiểu được vai trò, ý nghĩa của áng văn nghị luận chính trị bất hủ: lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng hùng hồn.
2. Kĩ năng
Viết một văn bản nghị luận xã hội
3. Thái độ, tư tưởng
- Củng cố lòng tự hào dân tộc
B. Phương tiện thực hiện
1. Giáo viên
SGK Ngữ văn 12 – tập I
SGK giáo viên Ngữ văn 12 – tập I
2. Học sinh
SGK Ngữ văn 12 – tập I, vở soạn, vở ghi
C. Phương pháp
Giáo viên tổ chức giờ dạy qua sự kết hợp các phương pháp, kết hợp các hình thức trao đổi thảo luận, giải đáp thắc mắc
D. Hoạt động dạy & học
1. Ổn định tổ chức lớp
Sĩ số lớp:.................
2. Kiểm tra bài cũ
- Sự trong sáng của tiếng Việt là gì?
- Sự trong sáng của tiếng Việt được thể hiện qua những mặt nào? Ví dụ?
3. Bài mới
Hoạt động 1. Hoạt động trải nghiệm
Chủ tịch HCM không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là một nhà văn chính luận mẫu mực. Điều đó được thể hiện qua một tác phẩm bất hủ của Người: Tuyên ngôn Độc lập.
Hoạt động của GV | Hoạt động của HS |
---|---|
Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới Hướng dẫn HS tìm hiểu chung về bản tuyên ngôn. - Thao tác 1: Tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của bản tuyên ngôn. + GV: Bản tuyên ngôn ra đời trong hoàn cảnh nào? - Thao tác 2: Hướng dẫn HS xác định mục đích viết và đối tượng hướng đến của bản tuyên ngôn. + GV: Bổ sung về tình thế trong nước lúc bấy giờ: - Miền Bắc: quân Tưởng mà đứng sau là Mĩ đang lăm le - Miền Nam: quan Anh cũng đang sẵn sàng nhảy vào miền Nam - Pháp: Có dã tâm xâm lược nước ta lần thứ thứ hai + GV: Trước tình hình đó, đối tượng mà bản tuyên ngôn hướng đến là gì? Bản tuyên ngôn được viết ra nhằm mục đích như thế nào? - Thao tác 4: Hướng dẫn HS xác định bố cục + GV: Cho HS nghe một vài đoạn qua giọng đọc của Bác. Sau đó, gọi học sinh đọc tiếp văn bản. Yêu cầu: - Đọc rõ ràng, âm vang, có ngắt nghỉ đúng chỗ. - Nội dung: đọc với giọng hùng hồn, đanh thép, nhấn mạnh để thấy rõ được tội ác của thực dân - Phần viết về quá trình nổi dậy: giọng đọc tự hào, nhấn giọng vào chữ "sự thật" - Lời tuyên ngôn và đoạn cuối: giọng đọc trang trọng, hùng hồn. + GV: Căn cứ vào tác phẩm, hãy đánh dấu vị trí từng phần và phát biểu khái quát nội dung mỗi phần? Hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản. - Thao tác 1: Hướng dẫn HS tìm hiểu phần một của bản tuyên ngôn. + GV: Cơ sở pháp lí của tác phẩm là? + GV: Việc HCM trích dẫn lời của 2 bản tuyên ngôn này thể hiện sự khôn khéo như thế nào? + GV: Việc trích dẫn này cũng thể biểu hiện được sự quả quyết như thế nào? + GV: Người trích dẫn 2 bản tuyên ngôn này nhằm mục đích gì? + GV: Việc HCM trích dẫn như vậy để từ đó suy rộng ra điều gì? + GV: Khẳng định đóng góp to lớn về tư tưởng của Bác ở phần này | I. Tìm hiểu chung: 1. Hoàn cảnh ra đời: - Trên thế giới: Chiến tranh thế giới thứ 2 sắp kết thúc: Liên Xô tấn công vào sào huyệt của phát xít Đức, Nhật đầu hàng Đồng minh - Trong nước: + Cách mạng Tháng 8 thành công, cả nước giành chính quyền thắng lợi. + Ngày 26 tháng 8 năm 1945: Chủ tịch HCM từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội + Ngày 28 tháng 8 năm 1945: HCM soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập tại tầng 2, căn nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội. + Ngày 2 tháng 9 năm 1945: HCM đọc bản Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 2. Mục đích sáng tác: - Tuyên bố nền độc lập của đất nước, khai sinh nước Việt Nam mới trước nhân dân và thế giới - Quyết bác bỏ luận điệu và âm mưu xâm lược trở lại của các nước thực dân - Thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập đất nước 3. Bố cục: - Phần 1: Từ đầu đến ″... không ai chối cãi được″ Nêu ý nghĩa chung của bản tuyên ngôn độc lập. - Phần 2: ″ Thế mà,... phải được độc lập″ Lên án tội ác của thực dân Pháp, khẳng định thực tế lịch sử là tinh thần đấu tranh của nhân dân - Phần 3: Còn lại Lời tuyên ngôn độc lập và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc II. Đọc – hiểu văn bản: 1. Cơ sở pháp lí của bản tuyên ngôn độc lập: - Mở đầu bằng cách trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mĩ làm cơ sở pháp lí: - Ý nghĩa: + Thể hiện sự khôn khéo: Tỏ ra tôn trọng những tuyên ngôn bất hủ của quốc gia xâm lược vì những điều được nêu là chân lí + Sự kiên quyết: Dùng lập luận "Gậy ông đập lưng ông", lấy chính lí lẽ thiêng liêng của tổ tiên các quốc gia đó để phê phán và ngăn chặn âm mưu tái xâm lược của chúng + Gửi gắm lòng tự hào dân tộc: đặt 3 cuộc cách mạng, 3 bản tuyên ngôn, 3 đất nước ngang hàng nhau. - Trích dẫn sáng tạo: + Từ quyền bình đẳng, tự do, mưu cầu hạnh phúc của con người trong các bản tuyên ngôn của chúng, HCM suy rộng ra, nâng lên thành quyền bình đẳng, tự do của các dân tộc trên thế giới Đây là suy luận hợp lí, sáng tạo, là đóng góp quan trọng nhất trong tư tưởng giải phóng dân tộc của Người, là phát súng lệnh cho bão táp cách mạng ở các nước thuộc địa. ⇒ HCM mở đầu bản tuyên ngôn thật súc tích, ngắn gọn, lập luận một cách chặt chẽ, cách trích dẫn sáng tạo để đi đến một bàn luận khéo léo, quả quyết: ″Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được″. |
Hoạt động 5. Hoạt động bổ sung
4. Củng cố
- Ý nghĩa cách mở bài của bản "Tuyên ngôn Độc lập"
5. Dặn dò
- Ôn tập bài cũ.
- Chuẩn bị bài mới
Bài trước: Giáo án Ngữ văn 12: Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội Bài tiếp: Giáo án Ngữ văn 12: Tuyên Ngôn Độc Lập (Hồ Chí Minh) - Phần 2: Tác phẩm - Tiết 2