Soạn bài: Xây dựng đoạn văn trong văn bản (trang 37 sgk Ngữ văn 8 tập 1)
+ Khái niệm thế nào là một đoạn văn: “Là đơn vị trực tiếp tạo nên một văn bản, bắt đầu từ chữ viết hoa lùi vào đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng và thường diễn đạt một nội dung tương đối hoàn chỉnh. Đoạn văn được cấu thành từ nhiều câu”.
+ Từ ngữ và câu chủ đề của một đoạn văn: từ ngữ chủ đề được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần với mục đích duy trì đối tượng được biểu đạt, câu chủ đề có nội dung ngắn gọn, khái quát, thường đủ 2 thành phần chính, đặt ở đầu hoặc cuối câu.
+ Yêu cầu về liên kết nội dung trong đoạn văn: các câu trong một đoạn văn có nhiệm vụ triển khai và làm sáng tỏ chủ đề của đoạn văn đó bằng các phép quy nạp, diễn dịch, song hành.
I. THẾ NÀO LÀ ĐOẠN VĂN?
1. Văn bản trên gồm có hai ý. Mỗi ý được viết thành một đoạn văn.
2. Dấu hiệu nhận biết đoạn văn: khi có dấu chấm (hoặc những dấu câu khác) và xuống dòng.
3. Mỗi đoạn văn thường bắt đầu từ chữ viết hoa lùi đầu dòng và có dấu chấm kết thúc câu và xuống dòng. Mỗi đoạn văn thường do nhiều câu tạo thành.
II. TỪ NGỮ VÀ CÂU TRONG ĐOẠN VĂN
1. Từ ngữ chủ đề và câu chủ đề của một đoạn văn
a, Từ ngữ chủ đề: Tắt đèn, nhà văn, Ngô Tất Tố, tác phẩm, tác giả.
b, Câu chủ đề của đoạn hai: Tắt đèn là một tác phẩm….. nông thôn Việt Nam đương thời.
Vì câu văn này đã tóm tắt nội dung chính của toàn đoạn.
c, Từ ngữ chủ đề là từ ngữ được sử dụng lặp lại nhiều lần với mục đích duy trì đối tượng được biểu đạt.
Câu chủ đề là câu khái quát nội dung của toàn đoạn văn.
2. Cách trình bày nội dung đoạn văn
a, So sánh cách trình bày ý ở đoạn 1 và đoạn 2:
+ Đoạn 1 không có câu chủ đề. Yếu tố duy trì đối tượng của đoạn này là các từ ngữ chủ đề. Các câu trong đoạn có tác dụng bổ trợ cho nhau, làm sáng tỏ thêm về nhà văn Ngô Tất Tố (xuất thân, quê hương, cuộc đời và sự nghiệp). Nội dung đoạn văn được triển khai ý theo các giai đoạn trong cuộc đời của tác giả.
+ Đoạn 2 câu chủ đề đặt ở đầu đoạn. Ý của đoạn văn được triển khai theo ttrình tự diễn dịch, trình tự từ nội dung tới nghệ thuật.
b, Đoạn văn này có câu chủ đề đặt ở cuối đoạn. Nội dung của đoạn văn được trình bày theo trình tự kiểu quy nạp.
III. LUYỆN TẬP
Câu 1:
Văn bản có thể chia thành 2 ý. Mỗi ý được triển khai bằng một đoạn văn.
Câu 2:
+ Đoạn (a) nội dung được trình bày theo trình tự diễn dịch.
+ Đoạn (b) nội dung được trình bày theo trình tự thời gian và diễn biến sự việc.
+ Đoạn (c) nội dung được trình bày theo trình tự các giai đoạn trong cuộc đời của tác giả.
Câu 3:
+ Đoạn văn diễn dịch:
Lịch sử nước ta đã có những cuộc kháng chiến vĩ đại đã chứng tỏ tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân ta. Trải qua lịch sử hơn 4000 năm dựng và giữ nước, cha ông ta đã dũng cảm, kiên cường chiến đấu với những kẻ thù có âm mưu cướp nước. Đó là 3 lần vương triều nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông. Đó còn là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kì sau gần 100 năm độ hộ, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau thực dân Pháp là cuộc chiến chống lại đế quốc Mĩ, không để non sông đất nước bị giày xéo, nhân dân ta lại tiếp tục đứng chiến đấu, hi sinh xương máu của mình để bảo vệ lãnh thổ của đất nước. Ngày 30/4/1975, hàng triệu con tim người Việt Nam lại vỡ òa trong ngày vui đại thắng của lịch sử dân tộc.
+ Đoạn văn quy nạp:
Trải qua lịch sử hơn 4000 năm dựng và giữ nước, cha ông ta đã dũng cảm, kiên cường chiến đấu với những kẻ thù có âm mưu cướp nước. Đó là 3 lần vương triều nhà Trần chiến thắng quân Nguyên Mông. Đó còn là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kì trong gần 100 năm bị độ hộ, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau thực dân Pháp là đến cuộc chiến chống đế quốc Mĩ, không để non sông đất nước bị giày xéo, nhân dân ta lại tiếp tục đứng lên, hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Ngày 30/4/1975, hàng triệu con tim người dân Việt Nam lại vỡ òa trong ngày vui đại thắng của lịch sử dân tộc. Lịch sử ta đã có những cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước nồng của dân ta.
Câu 4:
Ý (a): Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ
“Thất bại” là trạng thái không đáp ứng được hoặc thậm chí là phải nhận một kết quả hoàn toàn trái ngược với mục tiêu, dự định ban đầu đã đặt ra. “Thành công” có kết quả trái ngược với thất bại, nó là trạng thái khi con người đã đạt được mục tiêu và dự định mà mình đề ra ban đầu sau nhiều cố gắng. Câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” dùng để nói về một bài học, một đạo lý sống rất quý báu, dù có thất bại cũng không nên nản chí, có thất bại thì mới có thành công.
-> Nội dung trong đoạn văn được trình bày theo kiểu trình tự quy nạp, giải thích các từ rồi mới đi đến giải thích ý nghĩa cả câu.
Bản 2/ Soạn bài: Xây dựng đoạn văn trong văn bản (siêu ngắn)
I. Thế nào là đoạn văn?
Đọc văn bản “Ngô Tất Tố và tác phẩm Tắt đèn” và trả lời các câu hỏi.
Câu 1:
Văn bản trên gồm có hai ý. Mỗi một ý được viết thành một đoạn văn
- Giới thiệu về nhà văn Ngô Tất Tố
- Khái quát giá trị tác phẩm "Tắt đèn".
Câu 2:
Dấu hiệu hình thức để nhận biết một đoạn văn:
- Chữ đầu tiên của đoạn được viết hoa và lùi dầu dòng.
- Mỗi đoạn thường có nhiều câu văn.
- Kết thúc đoạn văn thường bằng dấu chấm xuống dòng.
Câu 3:
- Đặc điểm cơ bản của đoạn văn:
+ Đặc điểm hình thức: (câu 2)
+ Đặc điểm nội dung: Mỗi đoạn văn thường triển khai một ý trọn vẹn
- Đoạn văn là: Đơn vị trực tiếp tạo thành văn bản, bắt đầu từ chữ viết hoa lùi đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng và thường triển khai 1 ý tương đối hoàn chỉnh.
II. Từ ngữ và câu trong đoạn văn
1. Từ ngữ chủ đề và câu chủ đề của đoạn văn
a. Từ ngữ đóng vai trò duy trì đối tượng trong đoạn văn: "Ông", "Ngô Tất Tố", "nhà văn", "các tác phẩm chính của ông"
b. Câu then chốt của đoạn văn: "Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Ngô Tất Tố". Đây là câu chủ đề của toàn đoạn văn vì: Đã khái quát được nội dung chính của đoạn văn. Câu chủ đề trong trường hợp này nằm ở đầu đoạn
c. Câu chủ đề có nội dung bao quát toàn đoạn, lời lẽ ngắn gọn, thường có đầy đủ 2 thành phần chính và nằm đầu hoặc cuối đoạn văn.
2. Cách trình bày nội dung đoạn văn
a. Phân tích và so sánh cách trình bày nội dung của hai đoạn văn trên:
- Về hình thức: Giống nhau
- Về cách triển khai nội dung:
+ Đoạn 1 không có từ ngữ chủ đề, có câu chủ đề để duy trì đối tượng.
+ Đoạn 2 câu chủ đề đứng ở đầu đoạn, những câu còn lại triển khai theo nội dung câu chủ đề
- Về cách diễn đạt:
+ Đoạn 1: Phương pháp song hành
+ Đoạn 2: Phương pháp diễn dịch.
b. Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi
- Đoạn văn trên có câu chủ đề là "Như vậy, lá cây có màu xanh là vì có chất diệp lục chứa trong thành phần tế bào" nằm ở cuối đoạn.
- Đoạn văn trên được trình bày theo kiểu quy nạp.
Luyện tập
Câu 1:
Văn bản trên có thể chia thành hai ý, mỗi ý được triển khai bằng một đoạn văn.
+ Thầy đồ chép văn tế của ông thân sinh
+ Gia chủ trách thầy đồ viết nhầm, thầy cãi liều "chết nhầm"
Câu 2:
Phân tích cách trình bày nội dung:
- Đoạn a: Câu chủ đề “Trần Đăng Khoa là người rất biết yêu thương” nằm ở đầu đoạn; chủ đề được triển khai theo lối diễn dịch
- Đoạn b: Không có câu chủ đề, chủ đề được duy trì bằng những từ ngữ chủ đề như: “ngớt’, “mưa”, “tạnh”, “mặt trời”, diễn đạt theo lối song hành.
- Đoạn c: Không có câu chủ đề, chủ đề được duy trì bằng những từ ngữ chủ đề như: “Nguyên Hồng”, “tác phẩm”, “ông”, diễn đạt theo lối song hành.
Câu 3:
- Diễn dịch:
Lịch sử nước ta đã có những cuộc kháng chiến vĩ đại đã chứng tỏ tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân ta. Đất nước ta đã trải qua những cuộc xâm lăng của những kẻ thù hùng mạnh trên thế giới. Nhưng tự hào nhất chính là bằng lòng yêu nước nhân dân ta đã chiến đấu anh dũng và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc. Lịch sử vẻ vang ghi danh các chiến công lẫy lừng của Hai Bà Trưng, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Ngô Quyền... và của nhân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng ta cần phải đời đời nhớ ơn nguồn cội và phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân ta.
- Quy nạp:
Đất nước ta đã trải qua những cuộc xâm lăng của những kẻ thù hùng mạnh trên thế giới. Nhưng tự hào nhất chính là bằng lòng yêu nước nhân dân ta đã chiến đấu anh dũng và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc. Lịch sử vẻ vang ghi danh các chiến công lẫy lừng của Hai Bà Trưng, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Ngô Quyền... và của nhân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trang sử hào hùng mà ông cha ta đã viết nên đã chứng minh cho tinh thần yêu nước mãnh liệt của nhân dân ta.
Câu 4:
c. Bài học vận dụng vào cuộc sống của câu thành ngữ “Thất bại là mẹ thành công”
Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải luôn cố gắng và không bao giờ được được nản lòng, bởi “thất bại là mẹ của thành công”. Trong một lĩnh vực bất kì nào đó dù là học tập, công việc hay tình cảm,... ai cũng mong muốn mọi việc được suôn sẻ, viên mãn. Tuy nhiên, cuộc sống lại không phải lúc nào cũng màu hồng. Trên đường đời của mình, chúng ta ắt sẽ có lần thất bại. Nhưng chính sự thất bại đó sẽ giúp ta có thêm kinh nghiệm, bài học để hoàn thiện bản thân không sai lầm nữa. Quá trình trải nghiệm đó sẽ là bước đệm để giúp ta tiến tới một thành công ngọt ngào và bền vững.
- Cách trình bày nội dung trong đoạn văn: Phương pháp diễn dịch, câu chủ đề đứng ở đầu đoạn.
Bài trước: Soạn bài: Tức nước vỡ bờ (trang 32 sgk Ngữ văn 8 tập 1) Bài tiếp: Soạn bài: Viết bài tập làm văn số 1 (trang 40 sgk Ngữ văn 8 tập 1)