Trang chủ > Lớp 8 > Soạn Văn 8 (cực ngắn) > Soạn bài: Ôn tập phần làm văn (Soạn văn 8)

Soạn bài: Ôn tập phần làm văn (Soạn văn 8)

Câu 1:

- Văn bản cần phải có tính thống nhất về chủ đề.

- Tính thống nhất của văn bản được biểu thị ở các phương diện:

+ Nhan đề, đề mục, mối quan hệ giữa các phần trong văn bản.

+ Những từ ngữ then chốt được dùng lặp đi lặp lại.

+ Trong mối quan hệ giữa các phần của văn bản.

Câu 2:

Đoạn văn a.

Em rất thích đọc sách, chủ yếu là các loại sách văn học vì văn học khơi dậy trong tâm hồn em một tình thương yêu đồng loại sâu sắc. Mỗi khi cầm và đọc cuốn sách Ngữ văn em cảm thấy một tâm hồn nghệ sĩ đang trỗi dậy trong trái tim mình. Em thấy rất vui với niềm vui của các nhân vật, buồn cùng nỗi buồn của các nhân vật, nhập tâm vào họ để hiểu được số phận của các nhân vật trong thời đại lúc bấy giờ. Văn học đưa em đến một thế giới mà ở đó mối quan hệ giữa con người với con người chỉ còn có lòng bao dung và vị tha. Văn học là nhân học, từ những trang sách đó, em trở thành một người trưởng thành hơn và nhìn nhận cuộc sống một cách sâu sắc hơn.

Đoạn văn b

Hè đã về trên làng quê tôi. Sáng sớm, tiếng chim hót líu lo trên những ngọn cây khiến tôi không thể ngủ thêm được nữa. Phóng đôi mắt qua ô cửa sổ, tôi nhìn thấy những chú chim cò trắng tung cánh trên cánh đồng lúa chín vàng bao la. Ánh nắng đã chiếu rọi qua từng kẽ lá. Đây không phải là ánh năng run rẩy, thẹn thùng trong cái se lạnh của mùa xuân nữa mà đó là cái nắng ấm áp, màu đào, đậm đà của mùa hè. Trên cánh đồng lúa chín rộng bao la, lũ trẻ đang thi nhau thả diều xem diều của ai cao hơn, có đứa cưỡi trâu, có đứa đuổi bắt châu chấu, có mấy đứa đang tắm sông, … Mùa hè thật là hấp dẫn.

Câu 3:

- Chúng ta cần tóm tắt văn bản tự sự vì:

+ Để lưu giữ và nhớ lại nội dung khi cần thiết.

+ Để giới thiệu một cách ngắn gọn văn bản đó để người khác biết.

+ Để trích dẫn trong một số trường hợp cần thiết.

- Muốn tóm tắt một văn bản tự sự, cần phải thực hiện theo đúng trình tự sau:

+ Đọc kĩ bài để tìm ra chủ đề của văn bản.

+ Xác định các nội dung chính cần tóm tắt.

+ Sắp xếp nội dung theo thứ tự hợp lí.

+ Viết thành bản tóm tắt.

Câu 4:

Việc viết văn bản tự sự kết hợp với yếu tố miêu tả và biểu cảm

+ Giúp cho việc kể chuyện thêm sâu sắc và sinh động hơn.

+ Biểu thị được thái độ tình cảm của người kể.

Câu 5:

Cần chú ý:

- Yếu tố tự sự là chính.

- Yếu tố biểu cảm và miêu tả là phụ.

Câu 6:

Văn bản thuyết minh là loại văn bản được dùng phổ biến trong đời sống hàng ngày, với mục đích là cung cấp tri thức về tính chất, nguyên nhân, đặc điểm... của các sự vật và hiện tượng trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức giới thiệu, trình bày, giải thích.

Một số văn bản thuyết minh thường gặp:

+ Giới thiệu về một sản phẩm mới.

+ Giới thiệu một địa điểm danh lam thắng cảnh hoặc một di tích lịch sử.

+ Giới thiệu tiểu sử một nhà văn, một danh nhân.

+ Giới thiệu một tác phẩm...

+ Giới thiệu một đặc sản địa phương.

Câu 7:

Điều kiện để làm văn bản thuyết minh:

+ Xác định đối tượng cần được thuyết minh.

+ Xác định rõ phạm vi, tri thức khách quan và khoa học về đối tượng cần phải thuyết minh đó.

+ Lựa chọn phương pháp thuyết minh phù hợp.

+ Tìm bố cục phù hợp.

Một số phương pháp thuyết minh sự vật thông dụng

+ Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích.

+ Phương pháp liệt kê.

+ Phương pháp nêu ví dụ.

+ Phương pháp sử dụng số liệu.

+ Phương pháp so sánh.

+ Phương pháp phân tích, phân loại.

VD: bài “Thông tin về ngày trái đất năm 2000” sử dụng phương pháp liệt kê, nêu ví dụ phân tích, so sánh sử dụng trong bài “Ôn dịch thuốc lá”.

Câu 8:

Bố cục phổ biến nhất khi làm bài thuyết minh bao gồm có 3 phần:

- Phần mở bài: giới thiệu về đối tượng cần phải thuyết minh (di tích, đồ dùng, sản phẩm, danh lam thắng cảnh... ).

- Phần thân bài: Trình bày một cách cụ thể, chi tiết về các mặt như: lợi ích, cấu tạo, đặc điểm, và các điểm nổi bật khác của đối tượng.

- Phần kết bài: Thể hiện thái độ đối với đối tượng.

Câu 9:

Luận điểm trong bài văn nghị luận là các quan điểm, tư tưởng... mà người viết đề cập đến trong bài.

- Tính chất của luận điểm:

+ Rõ ràng, chính xác, phù hợp với yêu cầu giải quyết vấn đề và đủ để làm sáng tỏ vấn đề được đưa ra.

+ Luận điểm là một hệ thống: có luận điểm phụ, luận điểm chính.

+ Các luận điểm vừa có mối liên hệ chặt chẽ vừa có sự phân biệt với nhau và thường được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.

Câu 10:

- Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm trong văn nghị luận:

+ Yếu tố biểu cảm có tác dụng giúp cho người nghe, người đọc hình dung ra các đặc điểm, các tính chất nổi bật của vật, việc, cảnh hoặc con người, …

+ Yếu tố tự sự và miêu tả vai trò trò giúp cho việc trình bày luận điểm, luận cứ trong văn bản nghị luận thêmcụ thểg, rõ ràn và sinh động hơn, làm tăng thêm sức thuyết phục.

- Nếu ví dụ: văn bản “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn.

+ yếu tố biểu cảm: biểu thị qua việc tác giả bộc lộ thái độ căm thù giặc và lên án thái độ bàng quan, vô trách nhiệm trong cảnh bị xâm lăng của các tướng sĩ.

+ Yếu tố tự sự: dẫn chứng các tấm gương đó là các bậc anh hùng xả thân vì chính nghĩa trong sử sách và tình cảm gắn bó của chủ tướng và tướng sĩ trong quá khứ.

+ Yếu tố miêu tả: là đoạn miêu tả thái độ ngạo mạn hống hách của kẻ thù.

Câu 11:

Văn bản tường trình Văn bản thông báo

Khái niệm

là văn bản được sử dụng để trình bày lại một cách cụ thể, chi tiết các vấn đề thiệt hại hay mức độ trách nhiệm của người viết tường trình trong các sự việc đã xảy ra hậu quả để những ai có trách nhiệm hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

là văn bản được dùng để truyền đạt thông tin cụ thể của đoàn thể, cơ quan, người đại diện tổ chức đến những người dưới quyền, thành viên trong đoàn thể, hoặc những người quan tâm tới nội dung của thông báo được biết để thực hiện hay tham gia.

Giống nhau

+ Đều là các văn bản thuộc loại văn bản hành chính

+ Đều có người gửi (hoặc nơi gửi) và người nhận (hoặc nơi nhận).

Khác nhau

Văn bản tường trình có mục đích để trình bày thiệt hại hay mức độ trách nhiệm của người viết tường trình trong các sự việc đã xảy ra hậu quả cần phải xem xét và giải quyết. Người viết tường trình cần phải là người có liên quan tới sự việc. Người nhận tường trình là cơ quan, đoàn thể hoặc cá nhân có thẩm quyền xem xét và giải quyết.

Văn bản thông báo là có mục đích truyền đạt thông tin cụ thể của cơ quan, đoàn thể, người tổ chức thông báo đến những người dưới quyền, thành viên đoàn thể, hoặc những ai quan tâm tới nội dung của thông báo được biết để tham gia hoặc thực hiện.