Soạn bài: Trong lòng mẹ (trang 20 sgk Ngữ văn 8 tập 1)
Bố cục
Phần 1 (từ đầu đến “người ta hỏi đến chứ? ”): Cuộc đối thoại giữa cậu bé Hồng và người cô cay độc; ý nghĩ và cảm xúc của cậu bé về người mẹ bất hạnh.
– Phần 2 (đoạn còn lại): Cuộc gặp lại đầy bất ngờ với người mẹ và cảm giác hạnh phúc vỡ òa của bé Hồng.
Nội dung bài học
Đoạn trích đã kể lại một cách chân thực và cảm động những tủi cực, cay đắng và tình yêu thương cháy bỏng của nhà văn trong thời ấu thơ đối với người mẹ bất hạnh của mình.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Nhân vật người cô cay nghiệt:
+ Cay nghiệt, độc ác (cố tình nhắc với bé Hồng về những khổ sở của mẹ cậu bé).
+ Ráo cạn tình yêu thương với con trẻ (hả hê trước sự khổ sở của chú bé).
+ Không có lòng cảm thông với số phận cơ cực (thể hiện thái độ khinh miệt mẹ bé Hồng).
Câu 2:
Tình yêu thương của cậu bé Hồng dành cho mẹ:
+ Thấy căm hận những hủ tục đã đày đọa mẹ khiến mẹ phải chịu khổ và càng cảm thấy thương mẹ hơn khi phải nghe những lời xúc phạm tới mẹ mình.
+ Sung sướng đến tột cùng, hạnh phúc vỡ òa khi bất ngờ được gặp lại mẹ sau bao ngày xa cách.
Câu 3:
Chất trữ tình bộc lộ qua:
+ Các câu văn dài, đậm chất hình ảnh ví von so sánh (Giá những…nát vụn mới thôi; khác gì cái ảo ảnh…giữa sa mạc; …).
+ Câu văn trữ tình ngoại đề (Phải bé lại…êm dịu vô cùng).
Câu 4:
Hồi kí là thể loại văn chương mà ở đó người viết có thể kể lại chính cuộc đời của mình hoặc những điều mình đã từng trải qua.
Câu 5:
+ Nhận định đó đã khẳng định tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng luôn trăn trở, đồng cảm trước những số phận bất hạnh của phụ nữ và trẻ em.
+ Trong lòng mẹ chính là minh chứng tiêu biểu, tác phẩm ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt, vượt trên những hủ tục của xã hội, những cơ cực.
Bản 2/ Soạn bài: Trong lòng mẹ (siêu ngắn)
Bố cục
+ Đoạn 1 - (từ đầu…người ta hỏi đến chứ): Cuộc đối thoại giữa cậu bé Hồng và bà cô cay nghiệt
+ Đoạn 2 - (phần còn lại): Cuộc gặp gỡ hạnh phúc và đầy cảm động của hai mẹ con Hồng
Tóm tắt
Bé Hồng ra đời là kết quả của một cuộc hôn nhân ép buộc và không hạnh phúc. Người mẹ phải chôn vùi tuổi xuân của mình bên một người chồng nghiện ngập. Sau khi bố qua đời, mẹ cậu vì “cùng túng quá nên đành phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực”. Hồng phải sống cùng với họ hàng và chịu cảnh cay nghiệt, miệt thị, đặc biệt là người bà cô độc ác luôn cố tình gieo rắc những ý nghĩ xấu xa về mẹ Hồng để cậu khinh miệt và ruồng bỏ mẹ. Nhưng Hồng luôn yêu thương, mong nhớ và tin tưởng người mẹ của mình. Cuối cùng, mẹ cậu cũng trở về, Hồng được sống trong sự yêu thương và che chở của mẹ mà bấy lâu cậu mong ước.
Câu 1:
Phân tích nhân vật người cô trong cuôc đối thoại giữa bà ta và cậu bé Hồng:
- Thái độ và cử chỉ: “cười hỏi” chứ không phải sự quan tâm, lo lắng thực sự cho đứa cháu. Vẻ mặt cười nói, gióng nói ngọt ngào nhưng lại “rất kịch” đã cho thấy sự nham hiểm, giả dối của bà ta. Mặc dù thấy Hồng rất thương mẹ nhưng bà ta vẫn “tươi cười kể chuyện”, “vỗ vai cười”, “giọng nói vẫn ngọt” đã cho thấy sự độc ác của bà cô khi chà xát lên nỗi đau của Hồng.
- Ngôn ngữ:
+ Xoáy sâu vào sự thiếu thốn tình thương của người mẹ của bé Hồng bằng câu hỏi đầy nhẫn tâm: " mày có muốn vào Thanh Hóa thăm mẹ mày không"
+ “em bé”, “phát tài”, từ “em bé” ngân rõ dài, ngọt nhưng với giọng điệu chì chiết, nhục mạ bé Hồng và mẹ em
- Dã tâm: Gieo rắc vào đầu đứa bé non nớt những ý nghĩ xấu xa về mẹ để cậu bé khinh miệt, ruồng bỏ mẹ.
→ Bà cô của cậu bé Hồng là một kẻ cay nghiệt, nhẫn tâm, độc ác.
Câu 2:
Tình yêu thương mãnh liệt của cậu bé Hồng dành cho người mẹ bất hạnh:
- Khi sống trong những lời thâm độc, giả dối, xúc phạm mẹ mình của bà cô:
+ Dù non một năm Hồng chưa nhận được tin tức gì của mẹ nhưng cậu bé không hề trách hay ghét bỏ mẹ mình.
+ Căm ghét và mong muốn mãnh liệt muốn xóa bỏ những hủ tục trong xã hội này đã đày đọa mẹ mình.
+ Tự tin, bình tĩnh đối đáp lại bà cô dù trong lòng cảm thấy tổn thương vô cùng.
+ Luôn tin rằng mẹ sẽ quay về với mình mà không cần gửi thư bảo mẹ.
- Khi gặp lại mẹ và được nằm trong lòng mẹ:
+ Thoáng thấy bóng ai đó giống mẹ, em chạy theo ngay.
+ Nhận ra mẹ, em thấy mẹ tươi đẹp đến lạ thường và thấy giây phút đó thật sự rất “rạo rực”
+ Được gặp lại mẹ Hồng sung sướng đến òa khóc, quên đi những tủi cực mà mình phải chịu đựng để tận hưởng sự vỗ về và yêu thương của mẹ.
Câu 3:
Văn Nguyên Hồng đậm chất trữ tình:
- Tình huống truyện: bà cô thâm độc muốn cậu bé Hồng oán ghét và ruồng bỏ mẹ mình nhưng ngược lại, chú lại luôn tin tưởng và càng thấy thương mẹ mình nhiều hơn.
- Dòng cảm xúc của cậu bé Hồng: Niềm yêu thương mẹ da diết, nỗi mong nhớ, đau đớn, tủi nhục, phẫn nộ, tình yêu sâu sắc.
- Phương thức biểu đạt: kết hợp giữa biểu cảm và tự sự
- Lời văn: các câu văn so sánh độc đáo gợi cảm xúc mãnh liệt, giàu hình ảnh.
Câu 4:
Hồi kí là truyện được kể từ bằng chính ngôi kể của tác giả kể về các sự kiện có thật đã diễn ra trong quá khứ mà tác giả đã được chứng kiến hoặc trải qua.
Câu 5:
Nguyên Hồng là một nhà văn của trẻ em và phụ nữ:
- Đối tượng trong tác phẩm của Nguyên Hồng là phụ nữ và trẻ em: Khi đứa con ra đời, Những ngày thơ ấu, Bỉ vỏ, Cửa biển…
- Ông đã diễn tả thấm thía những nỗi tủi nhục, cơ cực mà họ đã phải chịu đựng trong cuộc sống của mình. Nỗi khổ nợ nần, “chôn vùi tuổi xuân”, xa con của mẹ Hồng và nỗi đau mà bé Hồng phải chịu đựng đã được làm nổi bật trong đoạn trích “Trong lòng mẹ
- Tác giả đã phát hiện ra và trân trọng vẻ đẹp họ. Đó là sự hiền hậu, tình nghĩa của mẹ bé Hồng, tình yêu thương mẹ mãnh liệt của Hồng trong tác phẩm.
- Lên án, tố cáo các hủ tục xã hội đã đàn áp người phụ nữ, trẻ em. Điều này được bộc lộ rõ qua nhân vật bà cô trong đoạn trích.
Bài trước: Soạn bài: Tính thống nhất về chủ đề của văn bản (trang 13 sgk Ngữ văn 8 tập 1) Bài tiếp: Soạn bài: Trường từ vựng ( trang 23 sgk Ngữ văn 8 tập 1)