Trang chủ > Lớp 8 > Soạn Văn 8 (cực ngắn) > Soạn bài: Ông đồ ( Soạn văn 8)

Soạn bài: Ông đồ ( Soạn văn 8)

Chia bố cục thành 3 phần:

+ Hai khổ đầu: hình ảnh ông đồ thời xưa

+ Hai khổ tiếp theo: Hình ảnh ông đồ ngày nay.

+ Khổ cuối: Niềm bâng khuâng và tiếc nuối của tác giả.

Nội dung bài học

Ông Đồ của Vũ Đình Liên là một bài thơ theo thể thơ ngũ ngôn bình dị, cô đọng mà đầy gợi cảm. Bài thơ đã thể hiện một cách sâu sắc tình cảnh đáng thương của “ông đồ”, qua đó đã làm nổi bật lên một niềm cảm thương chân thành trước một lớp người xưa đang trở nên tàn tạ và nỗi tiếc nhớ về cảnh cũ người xưa của nhà thơ.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

- Trong 1+2: hình ảnh ông Đồ cho chữ nho vào ngày Tết là một hình ảnh đẹp. Đó là một thời đắc ý của ông Đồ. Ông đã mang lại niềm vui cho nhiều người khi viết các câu đối tết.

- Khổ 3+4: vẫn diễn tả thời gian ấy, không gian ấy, nhưng không khí đã khác: vắng vẻ dần theo từng năm, đến giờ thì hầu như đã không còn được nhiều người biết đến và “người thuê viết”. Giấy đỏ cũng buồn, mực cũng sầu. Lá vàng rơi - thể hiện của sự úa tàn, lại kèm theo mưa bụi bay. Lạnh lẽo và buồn thảm.

⇒ Sự khác nhau đã gợi cho người đọc cảm xúc thương cảm cho số phận của ông đồ, ông đang bị dần dần quên lãng và bị gạt ra khỏi cuộc sống.

Câu 2:

Nỗi lòng của tác giả đối với nhân vật ông đồ: Nỗi niềm tiếc thương của tác giả đối với ông đồ, với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Câu 3:

Không chỉ hay và đặc sắc ở nội dung hoài niệm, bài thơ còn hay về mặt nghệ thuật:

+ Thơ ngũ ngôn được dùng và khai thác có hiệu quả nghệ thuật cao.

+ Ngôn ngữ trong thơ rất giản dị, trong sáng, hàm súc và đầy khơi gợi.

+ Có các câu thơ rất cổ điển, chứa đựng sức sống lâu dài.

+ Cách dựng 2 cảnh tương phản độc lập bộc lộ rõ chủ đề.

+ Kết cấu đầu cuối thích hợp cho thấy sự tàn tạ của nền nho học mà cũng là một phần của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam.

Câu 4:

Các câu thơ “giấy đỏ buồn không thắm /mực đọng trong nghiên sầu/ lá vàng rơi trên giấy/ ngoài trời mưa bụi bay” là các câu thơ tả cảnh ngụ tình. Tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa khiến cho giấy - mực, các vật vô tri vô giác cũng có cảm giác sầu buồn. Cảnh buồn và cô đơn nên người cũng thấy buồn và cô đơn.