Soạn bài: Luyện tập viết đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm (trang 84 sgk Ngữ văn 8 tập 1)
Học sinh nắm vững được các bước để viết một đoạn văn tự sự có kết hợp với các yếu tố miêu tả và biểu cảm và luyện tập, thực hành.
I. TỪ SỰ VIỆC VÀ NHÂN VẬT ĐẾN ĐOẠN VĂN TỰ SỰ CÓ YẾU TỐ MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM
Gợi ý:
a, Chẳng may em làm rơi vỡ một lọ hoa đẹp:
- Mẹ em mới mua một lọ hoa mới.
- Lọ hoa ấy thật sự rất đẹp (sử dụng yếu tố miêu tả).
- Em nâng lọ hoa mới lên ngắm nghía và cảm thấy yêu thích nó vô cùng (sử dụng yếu tố biểu cảm).
- Bỗng nhiên, khi đặt lọ hoa lên bàn em đã nhỡ tay đánh vỡ nó.
- Lúc đó em đã cảm thấy rất tiếc nuối và có lỗi (sử dụng yếu tố biểu cảm) nhưng rồi mẹ đã không trách mà chỉ an ủi em và dặn dò em phải cẩn thận hơn.
b, Em giúp một bà cụ sang đường:
- Đường phố vào giờ cao điểm có nhiều xe cộ qua lại (miêu tả).
- Em bước thật nhanh tới trường cho kịp giờ học thì bỗng nhiên nhìn thấy một cụ già.
- Bà cụ cầm túi đồ trên tay nhưng có vẻ lúng túng vì chưa qua được đường (miêu tả).
- Em liền chạy ngay tới chỗ bà cụ và giúp bà xách túi đồ rồi dắt tay giúp bà rồi dìu bà qua đường.
- Bà cụ xoa đầu khen em, cảm ơn em và còn tặng cho em một quả táo thơm ngon từ trong túi.
- Em cảm thấy rất vui vì mình đã làm được một việc tốt (biểu cảm).
c, Em nhận được một món quà bất ngờ trong ngày sinh nhật:
- Bữa tiệc sinh nhật diễn ra trong không khí vui vẻ với rất nhiều người tham gia, bố mẹ, ông bà, bạn bè, …
- Cả căn phòng được trang trí rất ấm cúng và đẹp mắt (miêu tả).
- Mọi người đều tặng em các món quà rất đẹp, em thấy rất vui và biết ơn mọi người rất nhiều (yếu tố miêu tả, biểu cảm).
- Những cây nến đã được thắp lên, em nhắm mắt lại và thầm ước trong khi mọi người hát bài hát chúc mừng.
- Khi em mở mắt ra, trước mặt em là người anh trai em, anh trai đi học ở nước ngoài nhưng đã bí mật về để dự mừng sinh nhật em.
- Em xúc động và reo lên một cách sung sướng (biểu cảm) và chạy tới ôm chầm lấy anh.
Luyện tập
Câu 1:
Tôi đang ngồi nhâm nhi li trà thì lão Hạc sang, lão cố tỏ ra vẻ vui vẻ nói với tôi:
- Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!
Lão cười mà mặt như mếu, hai mắt lão ầng ậng nước. Tôi thấy thương lão vô cùng, chỉ muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc. Tôi có thể hiểu được phần nào nỗi đau của lão. Tôi hỏi lại như cho có chuyện:
- Thế nó cho lão bắt à?
Nước mắt lúc này đã không ngưng được mà chảy tràn ra trên gương mặt nhăn nheo của lão. Lão kể đầu đuôi tất cả mọi chuyện cho tôi:
- Nó có hiểu gì đâu. Tôi đã lừa dối cả một con chó. Lúc thằng Xiên với thằng Mục trói chặt nó, nó nhìn tôi rồi kêu lên ư ử như trách móc.
Tôi biết lão Hạc đang rất đau khổ, nhưng không biết nói gì hơn ngoài những lời an ủi cho lão nguôi ngoai đi cơn não nề.
Câu 2:
+ Đoạn văn: từ “Hôm sau lão Hạc lại sang nhà tôi” đến “nỡ tâm lừa dối nó”.
+ Biểu cảm: thái độ xót thương của ông giáo đối với lão Hạc, của lão Hạc đối với cậu Vàng.
+ Miêu tả: thái độ, gương mặt, cử chỉ của lão Hạc, của cậu Vàng khi bị bắt.
+ Các yếu tố đó giúp cho tâm trạng, suy nghĩ, hình ảnh của nhân vật hiện lên một cách rõ nét hơn, tạo được sự đồng cảm ở người đọc.
Bản 2/ Soạn bài: Luyện tập viết đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm (siêu ngắn)
I. Từ sự việc và nhân vật tới đoạn văn tự sự có yếu tố biểu cảm và miêu tả.
Câu 1:
- Bước 1: Chọn các sự việc chính
Em giúp một bà cụ sang đường vào lúc nhiều xe cộ đi lại và có đông người
- Bước 2: Lựa chọn ngôi kể
Người kể ở ngôi thứ nhất, xưng tôi
- Bước 3: Xác định trình tự kể
+ Em gặp bà cụ trong hoàn cảnh nào
+ Em dắt tay bà cụ qua đường ra sao và 2 bà cháu đã trò chuyện với nhau như thế nào.
+ 2 bà cháu chia tay nhau như thế nào và cảm xúc của em ra sao?
- Bước 4: Xác định những yếu tố miêu tả và biểu cảm
+ Hình dáng, mái tóc, gương mặt của bà cụ
+ Khung cảnh trên đường phố đông đúc như thế nào
+ Bà cụ lúng túng sợ sệt như thế nào khi qua đường
+ Cảm xúc của bản thân em khi làm được việc tốt giúp bà cụ
- Bước 5: Viết thành đoạn văn
Chiều hôm đó là một buổi chiều mùa hè với cái nóng oi ả, cái nắng chói chang và gay gắt, sau giờ tan học, em đep cặp trên vai rồi rảo bước về nhà. Nhưng lúc gần về đến nhà, em bỗng nhìn thấy có một bà cụ, thân hình nhỏ nhắn, mái tóc bạc trắng đang đứng chống gậy ở bên đường với nét mặt lúng túng và đầy lo lắng. Bà cụ nhìn dòng người và xe vội vã trên đường, đôi chân thi thoảng lại nhấp nhửng như muốn qua đường nhưng không dám bước. Em bước thật nhanh tới gần bà và dừng lại bên cạnh bà cụ và hỏi:
- Cháu chào cụ ạ. Sao cụ lại đứng ở đây ạ?
Bà cụ quay đầu lại nhìn em với ánh mắt hiền hòa, ấm áp ồn tồn nói:
- Bà đang muốn qua đường nhưng thấy xe cộ đông quá, bà muốn qua đường mà đứng ddaauy mãi từ nãy đến giờ mà không thấy có ai qua để đi cùng cả. Bà lo lắng quá, trời sắp tối rồi, thế này thì bà sẽ về nhà tối muộn mất.
Nghe lời bà cụ nói và nhìn vẻ mặt lo lắng của bà cụ lúc này, em muốn làm một việc gì đó có ích giúp cho cụ, em liền cầm lấy bàn tay của cụ và lễ phép nói:
- Thưa cụ, để cháu đưa bà qua đường ạ!
Nét mặt của bà cụ lúc này thấy phấn chấn lên hẳn, bà nắm chặt lấy bàn tay bé nhỏ của em. Hai bà cháu cùng đi qua con đường dưới cái nắng oi ả của mùa hạ. Em cảm thấy rất hạnh phúc vì đã làm được việc có ích.
Luyện tập
Câu 1:
Vừa nhìn thấy tôi đang ngồi bên bàn nước, lão cố làm vẻ mặt vui vẻ. Rồi sau đó, lão Hạc liền tiếp ngay câu chuyện:
- Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ.
Tôi hỏi lại lão:
- Lão bán nó rồi sao?
Nét mặt lão bỗng đượm buồn, lão nói:
- Bán rồi, họ vừa bắt xong.
À! Thì ra lão vừa bán đi cậu Vàng - con chó mà lão yêu quý như con cháu mình. Lão không kìm nén nổi cảm xúc của mình nữa, mặt lão đột nhiên co rúm lại, khuôn mặt nhăn nhúm ép cho dòng nước mắt chảy ra. Rồi lão bật khóc nức nở như một đứa con nít. Tôi xót xa và thấy thương lão đến vô cùng nhưng cũng không thể giúp gì được cho lão.
Câu 2:
- Đoạn văn trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao đã kể lại giây phút trên là:
" Hôm sau lão lại sang nhà tôi chơi…. Lão hu hu khóc…"
- Đoạn văn của nhà văn Nam cao đã kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm ở chỗ miêu tả tâm trạng đau đớn, xót xa của lão Hạc khi phải bán con chó và tiếng khóc của lão.
- Các yếu tố miêu tả và biểu cảm ấy giúp khắc hoạ sâu sắc bộ dạng, cử chỉ và nỗi đau xót đến cùng cực của lão Hạc khi phải bán chó.
Bài trước: Soạn bài: Tình thái từ (trang 81 sgk Ngữ văn 8 tập 1) Bài tiếp: Soạn bài: Chiếc lá cuối cùng (trang 90 sgk Ngữ văn 8 tập 1)